Nhà giáo Phạm Toàn: Kẻ hồn nhiên sâu sắc

Thứ Hai, 01/07/2019, 17:38
Tôi quen và thân với nhà giáo Phạm Toàn từ khá lâu, như một đứa em ngưỡng mộ ông anh, như người mới vào nghề muốn học hỏi người có tài danh, từ thời mà những nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bản, Mạc Lân… còn đang viết rất hăng và rất hay.


Phạm Toàn hồi đó đã kết thúc đợt dạy học ở vùng sâu vùng xa, trở về vừa dịch sách, viết văn và soạn giáo trình tiểu học cho Trường Thực nghiệm, nơi ông và Giáo sư Hồ Ngọc Đại có nhiều phụ huynh và học sinh hâm mộ.

Cũng như các nhà văn trạc tuổi, ông có một năng lực và sức làm việc rất khủng. Gọi đến lúc nào cũng kêu đang bận. Muốn gặp, phải "đột nhập" bất thình lình, thì thấy đang ngồi máy tính, hoặc có khi đang chơi một bản đàn piano. 

Ông thuộc lớp dùng email đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ, không chỉ viết bằng tiếng Việt, ông trò chuyện, liên hệ với bạn bè khắp nơi, lúc dùng tiếng Anh, lúc tiếng Pháp. Bận thế nhưng nếu chúng tôi đã cố ý phá ngang thì ông cũng buông được ngay để cùng vui, cùng thư giãn với mọi người. 

Ông không chỉ là người hòa vào cuộc vui mà ông còn bầy trò ra để vui. Chúng tôi vẫn nói, muốn "mua một vé về tuổi thơ" trở về với hồn nhiên thì số 1 phải là Phạm Toàn. Trong những cuộc gặp gỡ vui vẻ hay tranh luận, bất cứ vấn đề gì, nan giải đến đâu ông cũng cắt nghĩa, giải mã được bằng một vài câu bông phèng, song thỏa mãn người khó tính nhất với lượng tri thức dày dặn nhất.

Mẹ tôi xưa vẫn bảo chúng tôi, muốn khá hãy làm đầy tớ người giỏi. Phạm Toàn là người giỏi nên cứ tự nhiên có nhiều đệ tử, trong đó có tôi. Nhớ nhất là cuốn "Nhà tiên tri", đọc thấy thích lắm, nhưng phải nghe ông giảng giải, cắt nghĩa mới vỡ ra nhiều điều. 

Cứ thế, các cuốn khác như: "Công nghệ dạy văn" hay chính những cuốn sách văn của ông: "72 chiếc cối đá" dù đọc rồi, nhưng được nghe tác giả của nó nói mới thấy hay, mình mới hiểu được phía sau bề mặt của văn bản… 

Điều thú vị, lẽ ra bọn đệ tử chúng tôi phải làm đầy tớ Thầy, thì ngược lại được Thầy rất cưng chiều, nhất là các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh. Dường như ông nhìn tất cả đám đệ tử trẻ bằng con mắt xót thương, ông thương chúng hằng ngày phải lo toan cuộc sống mưu sinh, một cuộc sống phải chạy theo quá nhiều những giá trị ảo... 

Thi thoảng ông gọi để chiêu đãi, mặc dù có dạo ông chả có nguồn thu nhập nào, ngoài viết và dịch, mà hai việc đó thì lấy đâu ra dư thừa.

Tôi rất trọng ông, thấy ông là một nhà giáo chân chính, đầy tâm huyết, một người tử tế đức độ, nhiều lần muốn viết về ông, nhưng ông luôn gạt đi, ông nói khi nào có kiến thức về khoa học giáo dục, về nguyên nhân của các nguyên nhân gây ra những vấn nạn của giáo dục hiện nay thì hãy viết, mà đừng viết về cá nhân ông, hãy viết vì cái mà cuộc sống cần. 

Một dạo, tôi có làm cộng tác viên với Hội đồng Anh, rồi cũng có thời gian sống với gia đình con gái ở Mỹ, các con đều làm trong lĩnh vực giáo dục, hiểu được tại sao các nước như Anh, Mỹ đã tạo ra được những sinh viên có chất lượng đào tạo hàng đầu thế giới. 

Từ đó, tôi bỗng hiểu được Phạm Toàn, hiểu vì sao một người luôn bông phèng, dễ tính, yêu người, giống như một tiên ông hiền hậu lại rất kiên định giữ lập trường của mình và không thỏa hiệp với những phương cách giáo dục hời hợt, tùy tiện.  

Ông cũng không chấp nhận một lối giáo dục mà trẻ em chỉ được tiếp thu kiến thức một cách thụ động (thầy nói trò nghe, đọc cho trò ghi chép…, chứ không phải cùng thầy khám phá, được chủ động tranh luận trao đổi cùng thầy). 

Hết ở trên lớp với các tiết chính lại tiếp tục phải đi học thêm, học thêm vẫn chỉ là ngồi nghe và chép. Cách làm giáo dục như thế, chỉ đào tạo ra người không có tư duy độc lập, khả năng sáng tạo không thể phát triển...

Tình trạng học vẹt, học đối phó, học mà chẳng biết gì đã dẫn đến những gian lận thi cử, dẫn đến tình trạng con người đã đến trường học nhưng không bao giờ trưởng thành đang diễn ra ở nhiều nơi khiến chúng ta mất niềm tin vào nền giáo dục hiện thời. 

Có người nói, chúng ta thiếu một tư tưởng về giáo dục (bao gồm tư tưởng, ý tưởng, triết lý) không có một triết lý giáo dục nên càng cải cách càng luẩn quẩn.

Phạm Toàn giản dị hơn, ông nói: Đi học là tham gia tổ chức sự trưởng thành của mình, nhà trường là nơi lấy người đi học làm trung tâm, người học sẽ học tốt nhất khi được tạo cơ hội để tham gia vào sự tổ chức ấy và nhận thấy học vì lợi ích, sự trưởng thành của chính mình...

Những triết lý được đẻ ra, được chưng cất từ cuộc sống thực, từ những kinh nghiệm từng cá nhân và những kinh nghiệm có giá trị phổ quát của thế giới được chính những nhà giáo dục có tâm, trí thực hiện một cách nghiêm túc trong nhiều năm chứ không phải là một khẩu hiệu ngõ hầu mới mang lại một kết quả tích cực…

Những lần gặp gỡ, câu chuyện dù xa đến đâu cũng quay về giáo dục. Chúng tôi hỏi ông rằng, chả lẽ những quan chức giáo dục không hiểu rằng, một nền giáo dục thiếu khoa học sẽ dẫn đến một tương lai tồi tệ? Ông lảng tránh nhận xét về một cá nhân nào đó cụ thể. Nhưng ông cũng bảo rằng: Có một số không hiểu, có một số đông hơn hiểu nhưng họ không biết làm thế nào cho tốt hơn, có một số chỉ nghĩ đến mối lợi riêng. Chúng tôi hỏi, theo ông thì nên làm thế nào, ông nhún vai, dang hai tay, cười rất hiền, bảo, phải kiên trì thôi, không có cách nào khác, làm lại từ đầu, gỡ ra… từ bậc tiểu học.

Có phương thức thực hiện, xác định được nhiệm vụ các bậc học một cách khoa học thì sẽ làm được… chả cao siêu gì, rất giản dị nhưng thiếu chân thành, thiếu tình yêu với người học, thiếu cái tâm nghĩ tới tương lai, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt thì… rất khó.

Trò chuyện với ông, chúng tôi thích đưa ra những câu hỏi, đôi khi nhờ vào trả lời của ông mà tìm được những điều đọc nhiều cuốn sách không ra.  Có vẻ như cái đầu phơ phất vài sợi tóc bạc của ông chứa cả một thư viện lớn. Những năm trước đây ông thuê một ngôi nhà ở gần Hồ Tây, sống và làm việc ở đó. Cũng là nơi bạn bè hoặc bọn "nhãi con" yêu quý ông thường hay đến chơi. Viết truyện, hay viết thư, báo ông thường đề bên dưới "Biệt thự Thu Trang, ngày…". 

Nhà giáo Phạm Toàn trong một buổi tọa đàm về chất lượng giáo dục phổ thông. Ảnh: L.G

Có vẻ như ông muốn ký ức một thời của ông được nhắc lại. Ông vốn là con nhà trí thức nòi. Anh chị em nhà ông đều được rèn giũa chu đáo nhất là việc học. Bà chị cả là luật sư có tiếng một thời, năm nay đã ngoại 90. 

Trí thức ngày đó, thời đó đã có khả năng tiếp thu tinh hoa thế giới để làm giàu hơn văn hóa của mình… Cái hay của ông, là kể cả trong tình thế, tình trạng, điều kiện sống có thế nào ông vẫn coi mình là người giàu có.

Dĩ nhiên rồi, trí tuệ dồi dào luôn là sự giàu có của con người.  

Sinh năm Nhâm Thân (1932) ở  Đông Anh, Hà Nội, từng có thời gian dạy học ở vùng sâu vùng xa với trẻ em người dân tộc thiểu số, từng là cộng sự thân thiết với Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong vai trò viết sách, soạn giáo trình cho Trường Thực Nghiệm. Ông cũng cùng với hai giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, mở  trang mạng "Học thế nào" với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam. 

Bộ sách của Nhóm Cánh buồm do ông chủ trương gồm các cuốn: "Sách học tiếng Việt", "Sách học tiếng Anh", "Sách học Văn", "Sách học tin học" và "Sách học lối sống" - hai cuốn "Sách học Toán", "Sách học Khoa học Công nghệ"

Cách đây 2 năm ông đã chuyển về căn hộ chung cư ở bên Long Biên, cách trung tâm hơn 10 km. Mấy tuần nay ông ốm nặng. Tôi đồ chừng chứng viêm phổi khởi phát bởi những ngày nắng nóng đầu mùa và bởi sự làm việc quá mức của ông. Ông bảo với chúng tôi, ông phải hoàn thành những cuốn sách mà ông đã dự định trước tháng 5. Có lần, sau một trận ho, ông bảo "Tao nghĩ, tao sắp hết thời hạn rồi, không nhanh là không kịp". 

Ông vẫn dùng đại từ nhân xưng theo kiểu tiếng Anh, đôi khi ông đùa nói một đứa học trò "Con chó này, nó quá chịu khó". Chúng tôi luôn thích cách ông bông phèng như vậy. 

Vừa hôm trước sang thăm, ông bảo: "Này, tao không hiểu sao chúng mày lại giấu tao về bệnh tình của tao. Chả lẽ chúng mày nghĩ, tao sợ chết á? Không. Chết, chỉ là một cuộc dạo chơi mới, một nghỉ ngơi thôi, có lúc nào tao không làm việc với một ý nghĩ có thể ngày mai không tới. Tao mà lại sợ chết à?… Nhưng tao không thích đau… Những cơn đau làm cho mình mệt hơn, nên tao sẽ dùng giảm đau, để còn tỉnh táo mà làm việc… ".

Thế rồi chúng tôi vẫn được nghe những câu nói rất hay, rất sâu sắc của ông về cuộc sống hiện tại. Bạn bè nghe tin ông ốm, rất xa cũng đến thăm ông, không phải chỉ là để gặp ông chia sẻ bệnh tình, mà còn để nghe những câu nói hay của ông. Những người ở xa nữa, nghe tin ông ốm gọi về hỏi thăm, ông bảo họ cứ viết vào mail, rồi ông sẽ trả lời. 

Lần đầu tiên tôi thấy ông rơi nước mắt và nói: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…" khi ông nghe những người đến thăm kể một câu chuyện về xứ người có những con người dũng cảm đổi thay để đưa cuộc sống đến một tương lai tốt đẹp hơn…

Gia tài của ông, người xấp xỉ 90 tuổi bên cạnh những tác phẩm văn học, và tác phẩm dịch, còn lại chẳng có gì hơn ngoài tủ sách Cánh buồm và tấm lòng nhân ái với trẻ em, đau đáu với những bất công cuộc đời.

Mỗi lần tỉnh dậy sau cơn đau, lại thấy ở ông nụ cười hồn nhiên, như ông vẫn từng hồn nhiên cười cả cuộc đời. Hiếm, thật hiếm một người thông thái mà giản dị, một người đi qua mọi vất vả mà vẫn hồn nhiên như Phạm Toàn.

Trần Thị Trường
.
.