Nguyễn Huy Thiệp: Hỏa diệm sơn cô độc

Thứ Hai, 09/03/2020, 08:33
Tôi biết không phải bây giờ số người yêu và ghét Nguyễn Huy Thiệp mới ngang bằng nhau. Tại sao lại ghét Nguyễn Huy Thiệp? Vì người ta không ưa ông, vì tính ông gàn dở, vì những trang viết bạo liệt thẳng tưng của ông, hay vì tài văn hiếm có của ông?


Tôi đã đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất lâu trước khi gặp ông, những truyện ngắn ấy tôi đọc trên Báo Văn nghệ lúc còn nhỏ và sau này, khi chập chững viết văn, tôi đã đọc lại khá nhiều lần. Điều đặc biệt ở những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là sự đọc lại không khiến người ta nhàm chán, gần như nguyên khoái cảm ban đầu.

Sau hơn mười năm ngắt quãng, tôi mới đọc lại truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và kinh ngạc nhận ra rằng, sự hao mòn của chúng rất ít. Tôi đã từng làm phép so sánh sự đọc lại trong tương quan những tác phẩm được coi là xuất sắc nhất của văn học Việt Nam thời đương đại. Đọc lại Thời xa vắng của Lê Lựu, tôi bị mất cảm xúc khá nhiều.

Đọc lại Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương, tôi cũng không thích như lần đầu, đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thì sự suy giảm có ít hơn nhưng nếu được bảo toàn nhiều nhất thì vẫn là truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp!

Tôi không nhớ lần đầu gặp Nguyễn Huy Thiệp ở đâu, có lẽ ở quán cà phê Nhân trên phố Bảo Khánh, gần Bờ Hồ. Rất nhiều năm nay, Nguyễn Huy Thiệp đến đó ngồi với người bạn thân của mình là nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh và hai người gần như tạo ra một “huyền thoại” về tình bạn.

Những buổi chiều đẹp trời, hai ông bạn già ấy gọi một ấm trà mạn ngồi ở tầng trệt quán cà phê trò chuyện có khi đến hết buổi. Nguyễn Huy Thiệp bỏ trong túi ra những củ khoai lang, nắm lạc luộc mang từ nhà và vừa nhâm nhi bên chén trà, vừa lơ đãng ngắm đường phố bên ngoài. Hình như phố xá ồn ào ngoài kia không chạm nổi đến ông, hay những bầm giập cuộc đời đến giờ đã đủ bão hòa, ông không thấy vướng bận nữa.

Những ngày rét mướt, Nguyễn Huy Thiệp đội một chiếc mũ len xanh chụp gần kín mắt, ở trong áo len, bên ngoài áo khoác chống gió, cổ quấn chặt khăn, chân xỏ đôi giày thể thao tối màu, ngồi trên chiếc xe máy hiệu Honda màu vàng đã cũ lướt chầm chậm trên đường. Vẻ bề ngoài của ông không có gì đặc biệt ngoại trừ đôi mắt sáng và chòm râu lơ phơ tô vẽ trên khuôn mặt có phần khắc khổ, sạm dấu thời gian.

Nguyễn Huy Thiệp nói chậm và lắp. Những từ bắt đầu của ông lặp lại nhiều lần trước khi hoàn chỉnh, tôi nghĩ là do tuổi tác và sức khỏe của ông. Nhà văn từng có thời là giáo viên dạy môn lịch sử trên vùng cao Sơn La và chuyên môn trước đây của ông ít nhiều ảnh hưởng khi viết truyện ngắn lịch sử là mảng đề tài ưa thích của ông.

Nguyễn Huy Thiệp nói chậm nhưng câu chuyện của ông dường như được nghiền ngẫm khá lâu trước khi bật ra. Tôi chưa bao giờ thấy ông kể một câu chuyện bâng quơ vô nghĩa. Mỗi chuyện ông kể dường như đều để đúc kết một triết lý. Một lần, tôi hỏi ông hai câu hỏi tôi nghĩ là cần thiết với bạn đọc. Câu thứ nhất, trong những truyện ngắn của mình, ông thích truyện nào nhất?

Nguyễn Huy Thiệp lắng nghe câu hỏi của tôi và có vẻ suy nghĩ ít nhiều. Rồi ông trả lời đầy đủ và kĩ càng. Ông bảo, để tổng hòa tất cả các yếu tố như thời điểm, đề tài, không khí..., ông thích nhất truyện Tướng về hưu. Xin lưu ý cụm từ “tổng hòa các yếu tố”. Đây là cụm từ tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã cân nhắc và tôi phát hiện ra nhà văn cũng rất thức thời và có chủ ý hòa hợp chứ không chỉ kiêu bạc như tôi tưởng.

Truyện ngắn Tướng về hưu mang lại cho ông danh tiếng, sự tranh cãi không ít, đã từng được dựng thành phim và chính ông viết kịch bản. Một bộ phim tôi nghĩ thành công nhưng rất tiếc không được công chiếu rộng rãi ở thời điểm nó ra đời. Nguyễn Huy Thiệp không hề bất cần hay tài tử như mẫu nhà văn tôi tưởng tượng. Đối với ông, cuộc sống gia đình, con cái rất quan trọng, ông đã hi sinh nhiều thứ để bảo vệ gia đình mình và những đứa con của ông.

Ví dụ, ông đã bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu để làm gương cho con trai. Ông thường nói với tôi, trước hết cần phải sống ông ạ, sống cho tử tế rồi hãy viết. Hãy trân trọng công việc, đời sống của mình, vui vẻ tận dụng chúng để thực hiện mục đích của mình.

Ông cũng đã vài lần kể cho tôi câu chuyện liên quan tới một tích Phật giáo mà ông rất tâm đắc. Đó là một tảng đá lớn để xuống sông nó sẽ bị chìm ngay tức khắc nhưng nếu có một con thuyền vững chãi và đặt tảng đá lên trên thì có thể chuyên chở sang bờ bên kia dễ dàng. Ý ông là người viết luôn cần những phương tiện để thực hiện mục đích của mình, không được bỉ bôi, coi thường công việc và cuộc sống.

Câu hỏi thứ hai tôi hỏi ông, ngày xưa, ông bị một số người “ném đá” rất dữ dội, thậm chí đến bây giờ vẫn có người vẫn kiên trì chửi ông, cứ nhắc đến tên Nguyễn Huy Thiệp là không tiếc lời chê bai, sỉ vả, ông có giận họ không? Với câu hỏi này, Nguyễn Huy Thiệp trả lời tôi rất nhanh. Ông bảo, mỗi người cần làm một nghề để sống, ông ạ. Tôi có nghề của tôi là viết, họ có nghề của họ, giận họ làm gì.

Nguyễn Huy Thiệp có kiêu ngạo không? Có. Hồi trẻ ông từng rất kiêu ngạo, ông đã thú nhận điều này nhiều lần nhưng càng ngày tôi càng thấy ông trầm hậu, thong thả. Một ông già hiền, thông thái và biết điều.

Nguyễn Huy Thiệp và Chu Văn Sơn trong buổi ra mắt sách “Giăng lưới bắt chim”.

Đã có lần tôi thấy ông ngồi một mình trong hội nghị của Hội Nhà văn Việt Nam, không có nhiều người xung quanh ông. Người ta ngại danh tiếng của ông, thấy ông nổi tiếng sinh đố kị hay do ông từng “gây thù chuốc oán” với nhiều người trong giới, ví dụ như bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên hoặc kịch Mổ nhà văn?  Nguyễn Huy Thiệp tư lự, bình lặng, dù ông trong một trạng thái trầm tưởng giữa trống vắng tôi vẫn thấy ông như ngọn cô sơn bình thản trước những huyên náo, ồn ào xung quanh.

Tôi từng đến nhà ông chơi nhưng không may hôm đó ông không có nhà. Con đường vào nhà ông ngoằn ngoèo, quanh co, rẽ trái, rẽ phải, quặt xuôi, quặt ngược liên tục, kiểu ngõ phố Hà Nội như một thứ mê cung cổ lỗ sĩ đánh đố những người lần đầu khám phá nó. Ông nhắn cho tôi địa chỉ rất rõ ràng: số nhà 71, ngõ 77, phố Bùi Xuân Trạch và từng kể cho tôi về ngôi nhà nên không cần hỏi thăm tôi vẫn nhận ra.

Giữa Hà Nội khan hiếm đất đai và đắt đỏ như vàng, ông vẫn để dành một khoảng đất trống ở trước cửa với bức tường chắn phía ngoài xây bằng gạch ba banh thâm sạm. Tôi nhìn qua cánh cổng gỗ mốc thếch và gọi ông. Sau ba lời gọi, có một người đàn bà bước ra và hé đôi cánh cổng nhìn người lạ. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh ấy, một người đàn bà trung niên nhỏ nhắn, khuôn mặt trắng xanh pha chút buồn bã, hai tay giữ chặt cánh cổng.

Giọng bà cũng buồn bã, mệt mỏi và dè chừng như cách mở cổng. Bà bảo Nguyễn Huy Thiệp vừa đi vắng và đừng có gọi điện vì ông ấy có việc. Qua câu nói ấy, tôi đoán người đàn bà là vợ ông (vì tôi biết có cả em gái vợ ông cũng ở cùng nhà) rất hiểu và chiều ông. Còn nét buồn phảng phất trên khuôn mặt trắng xanh xinh đẹp ấy? Là sự chịu đựng cá tính khác thường của nhà văn hay bất cứ cuộc đời nào cũng phải gánh gồng một sự buồn bã, thất vọng? Tôi quay trở ra từ đoạn ngõ trúc trắc nhà ông, may mắn không lạc đường vì may mắn có chút ít hiểu biết về ngõ phố Hà Nội.

Bây giờ, tôi mang truyện ngắn của ông ra đọc lại và khảo sát truyện ngắn nào hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp theo cảm quan của tôi. Những người thợ xẻ mang cho tôi một khoái cảm lớn nhất. Vì tôi thích cái phẩm chất vừa anh hùng, vừa giang hồ của nhân vật Bường, vừa khoái trá với cái vẻ “bỗ bã, láo toét” của triết lí và ngôn ngữ trong truyện. Tôi thích nhất đoạn nhân vật Ngọc xông ra đánh nhau với Bường để ngăn cản Bường khỏi hãm hiếp một cô gái trẻ. Một đoạn văn rất hấp dẫn thể hiện cá tính của nhân vật, triết lý của nhà văn, vừa bạo lực, tục tĩu, lại đẹp như một bài thơ trữ tình... 

Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tôi rất ít thấy những lời đề tặng, nếu tôi không nhầm thì chỉ có một truyện ông viết tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng và một truyện khác ông đề tặng Nguyễn Hồng Hưng. Nguyễn Hồng Hưng là ai?

Quen biết Nguyễn Huy Thiệp, tôi gặp kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hưng tại nhà ông Bảo Khánh, một nhân vật sưu tầm tranh có tiếng ở Hà Nội.  Hôm đó Nguyễn Huy Thiệp nói với tôi rằng, ông có hai “người thầy” ở giai đoạn sau này, đó chính là Nguyễn Hồng Hưng và Nguyễn Bảo Sinh. Bức tượng Phật trong vườn nhà Nguyễn Huy Thiệp chính là do Nguyễn Hồng Hưng tạo dựng.

Trong một bữa tiệc rất ấm cúng và chân tình ở nhà ông Bảo Khánh, tôi đã được “lộc” khi cùng được Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Hồng Hưng vẽ tặng tranh chân dung. Nguyễn Huy Thiệp vẽ rất khéo và nhiều người thích sưu tập tranh vẽ trên gốm của ông. Nguyễn Huy Thiệp hỏi tôi muốn vẽ trực diện hay nhìn nghiêng một cách thân tình. Tôi đề nghị ông vẽ trực diện và tôi hài lòng với bức tranh đó.

Nói chuyện với ông, tôi nhận ra rằng câu “văn là người” không hề đúng với Nguyễn Huy Thiệp, ít nhất là giai đoạn sau này của ông hoặc trên bề mặt phong cách của ông. Nhà văn viết những truyện ngắn bạo liệt, sắc sảo và cá tính bậc nhất văn học Việt rất trầm lặng và biết điều. Nguyễn Huy Thiệp như ngọn núi lửa cô độc giữa làng văn Việt, giờ không còn phun trào dữ dội nữa nhưng những dung nham nóng bỏng của nó vẫn còn âm ỉ tỏa một nhiệt lượng làm ấm nóng bầu khí quyển văn chương một thời và có thể còn hơn thế nữa...

Uông Triều
.
.