Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Lại “đùa dai”

Thứ Năm, 15/03/2012, 16:18
Nói thật là tôi rất ngại tới những nơi gọi là “salon trí thức” như ở quán cà phê Trung Nguyên 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Tôi thích những cuộc trò chuyện riêng biệt, trực diện, ở những nơi không ồn ã và đông đúc (khi nào muốn khác đi thì cứ việc nhận lời tham gia các talk show trên màn ảnh nhỏ, nói một lần mà được hàng triệu người xem!).

Thế nhưng, sau khi nhận được tin nhắn từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “Chiều nay 3 giờ ngày 23/2 tại café Trung Nguyên 36 Điện Biên Phủ nv NHT ra mắt giới thiệu cuốn sách mới “Vong bướm” mời đến dự cho vui”, thì tôi đã không thể không trả lời anh: “Cảm ơn A! E sẽ tới” (tôi giữ nguyên cách viết như trên máy, không đúng chính tả và ngữ pháp lắm đâu).

Tôi đã không ngạc nhiên khi thấy ở quán có rất đông người tới dự buổi ra mắt sách của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy trong công chúng không ít những gương mặt có thể coi là thời thượng, rất quen thuộc trong những hoạt động như thế này (của đáng tội, một số trong những người này do bận bịu quá nên đã không ngồi được đến cuối buổi, sau những màn giao đãi rôm rả là mắt trước mắt sau biến đi đâu không rõ...).

Tôi chỉ hơi nghịch nghịch mắt thế nào ấy khi thấy nhà văn mà tôi yêu quý trong bộ com-lê giản dị nhưng trang trọng ngồi rất nghiêm ngắn ở vị trí trung tâm một cách hơi e dè và có vẻ như giễu cợt cạnh người dẫn chương trình đầy tự tin và quả quyết là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Có cái gì rất khác nhau giữa hai người, đến trái ngược nhau, nhưng họ vẫn ở cạnh nhau và làm chung một việc hôm nay. Có thể bởi những thúc đẩy khác nhau…

Thi sĩ của làng Chùa Nguyễn Quang Thiều vẫn nguyên phong độ cũ, có cách diễn tả mọi sự luôn như đúng rồi, ngay cả khi trong lòng anh còn có sự hồ nghi nào đó (đấy là tôi có cảm giác như thế). Nói về tập sách mới của Nguyễn Huy Thiệp Vong bướm (Nhã Nam và NXB Thời Đại phối hợp  xuất bản, gồm hai kịch bản chèo là Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đoan chắc rằng, nhiều người trong chúng ta cứ tưởng những vần thơ mà Nguyễn Huy Thiệp đã viết trong các truyện ngắn của ông chỉ là phần phụ của những tác phẩm đó. Nhưng không, thực sự đó là những bài thơ tách biệt, độc lập và có tính sáng tạo.

Theo Nguyễn Quang Thiều, cho đến hai kịch bản chèo in trong tập Vong bướm thì có thể thấy rằng, phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Huy Thiệp đã lộ rõ lên rất nhiều. Và thi sĩ làng Chùa bày tỏ niềm hy vọng bằng giọng nói của một thủ lĩnh giáo phái: “Biết đâu một ngày nào đó, vài năm nữa, chúng ta sẽ đón nhận một nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp, bởi vì ông luôn luôn mang lại những sự bất ngờ, mang lại những sự sắc sảo…”.

Cũng trong góc nhìn đó, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp, một người cùng năm sinh Nhâm Dần (1962) với tôi, cũng như với một số gương mặt khác như họa sĩ Lê Thiết Cương, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhiếp ảnh gia Xuân Bình, gặp nhau thì có lẽ cũng xót nhau nhưng rất hiếm khi có thể ngồi hòa đồng với nhau (đôi khi tôi tự ngậm ngùi cho mình vì đã sinh vào một năm như thế), đã nói: “Tôi bất ngờ vì ở cái tuổi lục tuần thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang chơi chèo, và chơi một cách ngon lành, đấy là điều tôi bất ngờ và ngạc nhiên. Hơn nữa, chèo của Nguyễn Huy Thiệp lại là chèo phần lớn được viết bằng thơ và thể loại thơ trội hơn cả mà ông yêu thích, đó là lục bát. Kịch bản chèo Vong bướm dựa vào cuộc đời của Nguyễn Bính nên ở đó rất tự nhiên là việc sử dụng rất nhiều thơ Nguyễn Bính, cũng như thơ của ông và sử dụng một cách mà theo tôi là rất linh hoạt.

Tôi có một ấn tượng thứ nhất là, tôi thấy văn Nguyễn Huy Thiệp, cụ thể là thơ Nguyễn Huy Thiệp trong chèo nó hay và nó hoạt. Khi đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trước đây, những đoạn thơ trong tác phẩm đã làm tôi bất ngờ về phẩm chất thi sĩ thì đến đây một lần nữa, khi đọc Vong bướm, tôi lại thấy ông ở trong sâu thẳm là một nhà thơ đích thực…”. Nguyễn Đăng Điệp bạn tôi thông thái quá. Có phải vì thế chăng mà mới đây anh được tín nhiệm ngồi vào vị trí chủ trò ở Viện Văn học Việt Nam tại nhà số 20 trên phố Lý Thái Tổ…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những lời dẫn khiến tôi luôn phải lắc đầu thán phục. Trong lời dẫn của anh, anh rất biết cách lồng vào những trầm trồ, nâng cánh của anh với những người mà anh thích, “những người đằng mình”. Những khẳng định của anh về những người mà anh yêu quý (và họ cũng yêu quý anh) có thể dụ chúng ta êm ái đi theo con đường mà anh đã đặt ra. Nhưng tôi không biết giữa những đánh giá của anh về kịch bản chèo của Nguyễn Huy Thiệp có thể chung đụng tới mức nào với những gì mà Nguyễn Huy Thiệp viết. Và tôi có cảm giác dường như Nguyễn Huy Thiệp cũng có vẻ như bị “nhột”… Có thể là tôi sai nhưng tôi vẫn mơ hồ nghĩ rằng, văn học tồn tại thực ra là để tách chúng ta đứng riêng ra dẫu “một cây làm chẳng nên non”, chứ không phải để “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bình thường thì câu ca dao cổ là đúng nhưng chúng ta cần nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng là để nếu không may chúng ta trở thành Robinson Cruzo thì chúng ta vẫn đủ trữ lượng tinh thần để giữ tính người riêng trong mình, ngay cả trên hoang đảo…

Tôi thiển nghĩ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp  nếu có đam mê sáng tác trong những giai đoạn nào đó trong đời mình thì chủ yếu cũng là để như thế. Tôi đã nhiều lần chứng kiến anh trong các giao lưu công chúng cố “bôi xấu” mình, ngỡ như anh làm văn chỉ vì những động cơ đời thường tới mức rất tầm thường. Anh rất thích thú đọc những câu thơ mang hơi hướng của nhà thơ dân gian Bảo Sinh… Nhưng nghe cách anh nói thì chúng ta không tin rằng anh cũng như những người ở quanh anh như thế… Chúng ta tin vào thiên lương, vào những khát khao hướng thiện mà người thực sự hướng thiện cảm thấy xấu hổ khi phải tự khoe nó ra…

Dẫu sao chiều 23/2 cũng là một buổi chiều đáng nhớ. Bên cạnh những lời dẫn rất cao sang và rất bay vút của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn có không chỉ một ý kiến nữa nói về những phẩm chất văn chương của tập Vong bướm. Những phát biểu của TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng rất đáng chú ý và bổ ích khi chị đề cập tới “quãng đường cực kỳ mệt mỏi và vô cùng chông gai, hơn nữa quãng đường này không phải đi từ chữ kịch đến một vở kịch, mà đi từ chữ bình thường của một văn bản để đến một vở chèo”. Nhưng như chị nói, do nhà có chuyện hiếu nên chị đã chưa kịp đọc Vong bướm, thành ra ý kiến của chị cũng chẳng giúp người nghe hiểu thêm được về tác phẩm mới của Nguyễn Huy Thiệp bao nhiêu…

Trong chiều 23/2 cũng đã có cả những ý kiến tâm huyết về con đường truân chuyên và nhiều chuyện của nghệ thuật chèo trong thời hiện đại. Và trong cơn hứng khởi của một tình yêu chèo vô bờ bến, có nghệ sĩ đứng tuổi của chèo đã cảm ơn nồng nhiệt về việc Nguyễn Huy Thiệp đã đến với chèo… Phần nhiều các ý kiến đều dài hơn mức mà một thính giả như tôi muốn nghe. Có những câu hỏi mà nữ nhà văn trẻ hiện đang làm phóng viên cho tờ Thể thao - Văn hóa Quỳnh Trang đứng ở cạnh tôi vừa nghe xong đã nói thầm ngay vào tai tôi rằng, chắc chắn Nguyễn Huy Thiệp sẽ trả lời theo cách mà cô nói. Và về sau đúng là như vậy, bởi trước những câu hỏi theo kiểu, tại sao anh lại chuyển sang viết chèo, anh có thông điệp nào trong tác phẩm này không thì những nhà văn đích thực chỉ có chung một câu trả lời: chả tại làm sao cả, chỉ vì tôi thích thế, chỉ vì tôi thấy cần phải viết như thế…

Thực sự là tôi rất tiếc vì trong buổi chiều đó Nguyễn Huy Thiệp ít được cơ hội giãi bày. Hoặc giả, hành xử thế là đúng. Muốn hiểu nhà văn thì hãy đọc sách của họ, mọi thứ cần biết về họ đều ở trong đó. Còn nếu chưa đọc tác phẩm của họ thì hà cớ gì phải đăng đàn phát biểu và giao lưu… Hơn nữa, một số người tới với Nguyễn Huy Thiệp có lẽ không hẳn là để muốn hiểu anh hơn mà chỉ đơn giản để trình bày bản thân mình thêm trước công chúng...

Nguyễn Huy Thiệp nghe các ý kiến đó với cái vẻ thu mình nào đấy, tưởng như không quá chăm chú nhưng thực ra lại rất chăm chú vì khi cần “phản biện” là anh “bật” ngay tắp lự, với một thái độ khá quyết liệt mỗi khi cần phải thế. Anh dường như không thích những sự “vẽ rắn thêm chân” cho công việc làm văn. Anh càng không thích những lập luận gắn cho sáng tác văn học những sứ mệnh có thể xa và cũng có thể gần với nó. Anh đơn giản nói: “Sẽ có người hỏi tại sao tôi viết chèo? Tôi không trả lời về việc điều đấy có nghĩa gì với tôi không? Tôi là một nhà văn và tôi cố gắng làm tốt sản phẩm của tôi. Tôi viết vì những người mua hàng của tôi, họ đứng ngoài kia, họ trả tiền cho tôi… Còn gì nữa? Viết, đó là biện pháp dưỡng sinh, đó là sự sống của tôi. Tôi viết điều đấy vì sự sống của tôi chứ không phải vì chèo, tôi không muốn cứu nghệ thuật Chèo Việt Nam, tôi không muốn đi làm mất suất ăn của các tác giả viết chèo. Tôi làm vì nội tâm của tôi…”. Khi tôi nói đùa với nữ nhà văn Quỳnh Trang đang đứng cạnh tôi rằng: “Hóa ra thế là anh mình  chỉ vì muốn bán được sách mà viết thôi ư?!”, thì cô bé xinh đẹp này đã mau miệng phản bác luôn: “Không phải thế đâu! Bác ấy đâu có thiếu tiền. Đến như bọn em mà thỉnh thoảng bác ấy vẫn còn cho tiền để mà sống đấy…”.

Tôi đã không cãi lại Quỳnh Trang. Nhưng tôi biết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chưa bao giờ và bây giờ lại càng không phải là người dư dả vật chất. Nhưng giúp các tài năng văn chương trẻ thì đấy lại là một câu chuyện khác, nằm ngoài chương trình chiều 23-2 ở quán cà phê Trung Nguyên.

Có thể tôi đã khiếm nhã, nhưng khi được yêu cầu hỏi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp một câu, tôi đã buột miệng: “Với tất cả sự chân thành đối với anh Nguyễn Huy Thiệp, em muốn hỏi anh, liệu anh sẽ tiếp tục đùa dai như thế này đến bao giờ nữa ạ?”…

Kết thúc buổi giao lưu trong nhịp điệu vội vã, Nguyễn Huy Thiệp đã nói cố một câu, đại ý, anh rất muốn mọi người biết rằng anh chỉ yêu một số ít trong các khách mời ở đó chứ không phải tất cả. Thế là đúng, đã sinh ra làm người thì tội gì phải đi thực hiện sứ mệnh của Chúa. Hơn nữa, không biết ghét thì làm sao biết yêu...

Xử Nữ
.
.