Chân dung quyền lực triều Nguyễn (kỳ 3)

Nguyễn Công Trứ: Quan chức chiến thuật, cánh tay nối dài của hoàng cung

Thứ Bảy, 03/10/2020, 11:41
Nguyễn Công Trứ là một trong các quan chức sống động và từng trải nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Con đường chính trị thăng trầm và phạm vi hoạt động rộng ở vùng ngoại vi cho thấy cách thức tiến thân và vai trò của các quan chức chiến thuật trong cấu trúc quyền lực của nhà vua mới ở Huế: Minh Mệnh (1820-1841).


Hành trình chốn quan trường biến Nguyễn Công Trứ thành một mắt xích quan trọng trên bàn cờ chính trị mà nhà vua mới đang xác lập. Ông đến với hệ thống quan lại muộn (lúc 41 tuổi) nhưng bước vào thời đại mới đúng lúc. 

Minh Mệnh đang găp phải vấn đề lớn cả trong triều đình và ở địa phương. Nhà vua được mô tả trong chính sử như một người mạnh mẽ, quyết đoán... Tuy nhiên, ẩn dấu đằng sau bức chân dung oai vệ đó là tâm trạng bất an, sự nghi kị và bị chèn ép bởi quyền thần ở giai đoạn đầu.

Các tướng quân quyền uy Lê Văn Duyệt và Lê Chất có ảnh hưởng lớn tại triều đình và kiểm soát cả Gia Định thành và Bắc thành. Trong khi quyền lực của họ không có đối trọng, các quan chức cũ vào sinh ra tử cùng Gia Long cũng không mặn mà với vị hoàng tử thứ tư, không chính thống. Với họ, hoàng tử Cảnh (người nếm mật nằm gai cùng vua cha) mới là nhân vật xứng đáng. Khi ông hoàng này mất năm 1801, các tướng lĩnh bắt đầu hướng tới con trai ông (cháu đích tôn của Gia Long) như ứng viên hàng đầu cho ngai vàng.

Michel Đức Chaigneau (con trai của Jean Baptiste Chaigneau với bà Benoite Hồ Thị Huệ) đã ghi chép lại một phần bầu không khí đó trong hồi ký xuất bản tại Paris năm 1867 thông qua cuộc tiếp xúc với các quan chức Huế khi Minh Mệnh thay máu cơ quan hoàng cung và đưa vào nhiều người trẻ, thân tín, trung thành. Đó là ở vòng trong của quyền lực: hoàng cung.

Ở vòng ngoài, Minh Mệnh gặp nhiều khó khăn hơn. Ông lệ thuộc vào Lê Chất và Lê Văn Duyệt để bảo đảm an ninh của hai vùng châu thổ. Vì thế, nhà vua hầu như chưa tìm được cơ hội gài người của mình vào hệ thống hành chính cấp thành.

Tượng Nguyễn Công Trứ tại đền thờ ở Tiền Hải (Thái Bình).

Cơ hội đầu tiên xuất hiện với cái chết của Lê Chất năm 1826. Ngay lập tức vị tướng khét tiếng để lại một lỗ hổng an ninh từ Nghệ An ra Bắc. Ngay năm đó, Phan Bá Vành mở rộng hoạt động tại vùng châu thổ sông Hồng. Các cuộc điều tra của Minh Mệnh cho thấy tình trạng nhũng nhiễu và tha hóa tệ hại của Hình tào Bắc thành là nguyên nhân cơ bản gây ra bạo loạn.

Nhà vua cần một cánh tay đắc lực ở phía Bắc. Và một trong số các ứng viên hàng đầu tình cờ xuất hiện vào đúng thời điểm: Nguyễn Công Trứ.

Sự kiện đánh dấu việc viên chức 47 tuổi này lọt vào tầm ngắm của nhà vua là vào năm 1825 khi vị hoàng đế đang bị ám ảnh bởi tình hình trộm cướp ở phủ Thừa Thiên. Sau khi được điều bổ làm Phủ Thừa, chỉ mất 3 tháng để Nguyễn Công Trứ tạo ra sự khác biệt. Nhà vua đương nhiên hài lòng và đưa ông tới một điểm nóng khác là Thanh Hoa, nơi các sắc dân miền núi và con cháu nhà Lê đang tăng cường hoạt động. Vị quan ra đi mang theo niềm hy vọng của nhà vua:

“Trước kia hai trấn Thanh Nghệ trộm cướp nổi nhiều, vì trấn thần vỗ về chống giữ có phương pháp, dân nhiều người ra sức, bắt được 8, 9 phần 10 kẻ phạm, như thế thì dân ta có phụ gì triều đình đâu. Nay ngươi đến bảo rõ đức ý của triều đình, chiêu tập những dân xiêu tán, tiễu trừ những đảng giặc sót để cho biên phương yên lặng lâu dài, ấy là điều trẫm mong đợi”.

Lần này, Nguyễn Công Trứ mất 9 tháng để báo cáo kết quả về Huế, khẳng định năng lực của ông với tư cách là một quan chức có khả năng dẹp loạn, bình định an ninh. Rất nhanh chóng, nhà vua biến ông thành một “Nho tướng” và chuyển ra Bắc thành để đương đầu với đạo quân hàng nghìn người của Phan Bá Vành.

Trong vòng 11 năm (1821-1832), Nguyễn Công Trứ sẽ được thăng 10 bậc, từ Hàn lâm viện Biên tu (chánh thất phẩm/7A, 43 tuổi) lên Tham tri (tòng nhị phẩm/2B) và Thự Tổng đốc Hải Yên (2A, 54 tuổi). Tốc độ này là gần tương đương với các nhân vật quyền lực thân cận của Minh Mệnh như Hà Tông Quyền, Trương Đăng Quế, Tạ Quang Cự...

Để có được sự phục vụ cũng như kênh liên lạc với cánh tay nối dài của mình, Minh Mệnh dành cho ông sự ưu ái đặc biệt. Năm 1826, trên đường ra Bắc thành, Nguyễn Công Trứ bị ốm ở Hải Lăng (Quảng Trị). Được tin, ông phái thị vệ đem theo thái y Hoàng Tăng Thiện đến tận nơi chữa bệnh. Chúng ta sẽ không gặp lại điều này với bất kỳ quan chức nào khác.

Năm 1826, Minh Mệnh gửi mật dụ cho Nguyễn Công Trứ về tình hình Bắc Thành và cho phép ông được dùng mật tấu để tấu báo tình hình trực tiếp lên nhà vua mà không cần phải thông qua chính quyền cấp vùng. .

Trong nhiều năm, Minh Mệnh tìm cách giữ Nguyễn Công Trứ ở bên ngoài triều đình, phái ông vào các sứ mệnh hành chính và quân sự địa phương, đồng thời sử dụng công cụ thăng, giáng liên tục để “kiềm chế” cái “ngông” của ông và gắn ông với những điểm nóng và sự vụ đương thời. Đó là vai trò của Nguyễn Công Trứ trong trật tự quyền lực của Minh Mệnh. Nhận thức điều này sẽ hiểu những thăng trầm và cuộc đời chốn quan trường của nhân vật ngang tàng, tài hoa, cũng như thấy được vị trí của ông trong diễn trình lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Ông là một quan chức chiến thuật, cánh tay của hoàng cung. Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ vào Nội các hay Cơ mật viện nghị bàn chính sự ở cấp độ vĩ mô. Ông là người xuất hiện tại địa phương, điểm nóng và đề xuất các sáng kiến thực tiễn giúp ổn định tình hình và thi hành các chính sách táo bạo có tính chất thử nghiệm để Minh Mệnh đánh giá và áp dụng.

Dưới thời Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ sẽ góp mặt tại 3 sân khấu chính:

Thứ nhất là giải quyết tình hình Bắc thành sau cái chết của Lê Chất, dẹp loạn Phan Bá Vành và (cùng các quan chức mới) từng bước giúp Minh Mệnh giành lại quyền kiểm soát Bắc thành. Kết quả của quá trình này việc Bắc thành bị xóa bỏ, đổi thành các tỉnh vào năm 1831. Đây là một cuộc cách mạng về tổ chức hệ thống hành chính ở Việt Nam.

Một trong các cơ sở để nhà vua đưa ông ra Bắc chính là sự thân thuộc của ông với vùng châu thổ sông Hồng. Dù xuất thân xứ Nghệ, Nguyễn Công Trứ là sản phẩm của một mạng lưới tri thức, học thuật và hôn nhân phức tạp cuối thế kỷ XVIII giữa hai vùng đất Quỳnh Côi và Nghi Xuân. Cha ông, Nguyễn Công Tuấn từng làm Tri huyện Quỳnh Côi (Thái Bình) và Tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình).

Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du, 1708–1775) đều từ Nghi Xuân, giữa hai gia đình vì thế có thể tồn tại các mối liên hệ khi cùng làm quan ở châu thổ sông Hồng. Tuy vậy, khoảng năm 1790, Nguyễn Công Tuấn đưa Nguyễn Công Trứ về Nghệ An và bắt đầu một cuộc sống nghèo khó.

Những năm tháng này giúp Công Trứ có được góc nhìn, tầm vóc tri thức và kinh nghiệm xã hội từ giới tinh hoa cũng như cuộc sống gắn chặt với các làng quê của người nông dân, đặc biệt là gắn liền với những biến động của vùng đất Nghệ An thời Tây Sơn và Gia Long.

Thực tiễn này giúp ông giải quyết một loại vấn đề ở Bắc thành, từ thuế khóa đến khai hoang, từ tổ chức hệ thống bảo vệ an ninh xóm làng tới xây dựng quân đội địa phương và sáng kiến bảo đảm an ninh lương thực làng xã...

Thứ hai là phụ trách vấn đề an minh, đánh dẹp các cuộc nổi loạn ở Bắc Kỳ cuối những năm 1820 và đầu 1830. Từ đánh dẹp Phan Bá Vành tới Nông Văn Vân và tiễu trừ cướp biển vùng Đông Bắc. Sứ mệnh này mang lại cho ông nhiều vinh quang và vị trí vững chắc trong hệ thống quyền lực của Minh Mệnh. Cuối những năm 1830, ông được rút về Huế, phụ trách Đô sát viện.

Thứ ba là hoạt động sai phái vào hạ lưu Mekong.

Trong năm cuối thời Minh Mệnh, tình hình quân sự hạ lưu Mekong và Trấn Tây [Cambodia] trở thành thách thức an ninh lớn nhất của triều đại. Sau hàng loạt các viên tướng đến rồi đi, Nguyễn Công Trứ thuộc về các tướng lĩnh cuối cùng đương đầu với bài toán nan giải về lãnh thổ, mở rộng ảnh hưởng và tiềm lực thực tế của Việt Nam. Ông sẽ tham gia vào sứ mệnh này trong vòng 5 năm mà không mang lại nhiều kết quả, do sức ép ngày càng tăng từ phía Siam và khó khăn của Huế trong việc duy trì một bộ máy chiến tranh lâu dài.

Hệ quả là thế hệ các tướng lĩnh này dần mất đi niềm tin của nhà vua mới Thiệu Trị (lên ngôi năm 1841). Họ cũng không hiểu các ý đồ chính trị của nhà vua - người đã quyết định từ bỏ cuộc xung đột này vào năm 1847 bằng cách lập lại hòa bình ở Cambodia và đồng ý để vương quốc này có hai tôn chủ. Trong khi sự kiện này đánh dấu sự lên ngôi của một nhân vật mới: Nguyễn Tri Phương, nó sẽ là dấu chấm hết cho binh nghiệp của Nguyễn Công Trứ. Ông sẽ kết thúc sự nghiệp với tư cách là viên chức cai quản phủ Thừa Thiên.

Sai cái chết của Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ ngày càng mất đi các kết nối trực tiếp với ngai vàng. Sự chuyển biến này phản ánh 2 điều.

Thứ nhất, ông đã mất vị trí của một quan chức chiến thuật và cánh tay nối dài của hoàng cung.

Thứ hai, Thiệu Trị và Tự Đức có cách thức điều hành chính trị khác Minh Mệnh, trong một thế giới ngày càng trở nên quan liêu hóa, bị thâu tóm bởi các bàn tay đại thần mạnh chứ không phải là một mạng lưới vận hành dưới sự giám sát trực tiếp của nhà vua.

Đó cũng là lúc mà chính trường ở Huế trở nên chật chội, khi mà lớp tiến sĩ mới do chính tay Minh Mệnh chọn lựa và đào tạo bắt đầu kiểm soát hệ thống quan liêu thì một người với những ý tưởng táo bạo như Nguyễn Công Trứ đã không thể thâm nhập sâu hơn vào hệ thống ngày càng quan liêu hóa. Minh Mệnh sử dụng kinh nghiệm thực tiễn và thử nghiệm chính sách của Nguyễn Công Trứ như một giải pháp cho nhiều vấn đề kinh tế-xã hội cấp thiết.

Nhưng, hệ thống quan liêu ở Huế bắt đầu xa dần khỏi các cuộc thảo luận như thế khi ý kiến của Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Vũ Xuân Cẩn, Nguyễn Tri Phương... ngày càng có ảnh hưởng quyết định trên triều đình. Trong vòng 2 thập niên, cấu trúc quyền lực ở Huế đã thay đổi về căn bản mà ở đó, chỉ một số ít những người trưởng thành từ thời Minh Mệnh sẽ tiếp tục thống trị cho tới tận những năm 1860.

* Đón đọc Kỳ IV: Hà Tông Quyền - “Chánh văn phòng hoàng cung” của Minh Mệnh

Vũ Đức Liêm
.
.