Nghệ thuật của sắc màu

Thứ Bảy, 27/10/2018, 10:45
Tôi vẫn thường nghĩ về các họa sĩ bằng một suy nghĩ, họ là những người "mơ mơ, thực thực", tỉnh và mộng đều nằm trong nét cọ tài hoa. 

Tôi cũng đã được chứng kiến những họa sĩ họ vẽ như là để sống, vẽ như là gửi gắm trọn vẹn một triết lý về cái tôi cá nhân chưa bao giờ thỏa mãn trong đời sống thực tại. 

Và ông, họa sĩ Hoàng Định, người dù là lần đầu gặp đã khiến người đối diện bị mê hoặc bởi sự mê đắm với nghề, sự háo hức như được sẻ chia với những tranh của ông với các sắc thái, từ cái chân thực đến cái ảo tưởng, đến cái phiêu diêu và cả những thăng hoa trong cảm xúc hân hoan của mạch cảm xúc con người...

Họa sĩ Hoàng Định sống trong một ngôi nhà trên phố Nguyễn Chí Thanh, một con phố thường xuyên tắc đường và ồn ã. Căn nhà của vợ chồng ông ở lúc nào cũng tấp nập người ra vào bởi phía dưới cho thuê và đông người qua lại. 

Những tưởng, họa sĩ, đôi khi phải khổ một tí, xa một tí, thiếu thốn một tí cái phố thị phồn hoa mới làm gia vị của tác phẩm, bởi xét cho cùng, cô đơn, vốn là bản chất của nghệ sĩ. 

Nhưng họa sĩ Hoàng Định, ông không màng đến những cảm xúc ngoại cảnh ấy, bởi trong con người ông, có đầy đủ bản lĩnh để làm nên được các cung bậc cảm xúc ấy. Vì ông quá từng trải và bôn ba, vì ông đã có những va đập cuộc đời, vì ông, đôi khi đã lánh xa thế nhân, lánh xa đô hội cả mấy tháng trời, chỉ đơn giản, là vào một khu rừng tận Mũi Cà Mau, hay Mù Căng Chải, ông đi ra biển, lên non và ở tận cùng của cái thiếu, cái khổ, cái cô đơn, mất mát trong đời sống. 

Trong ông, có một cái túi chứa đựng tất cả hỉ nộ ái ố của cuộc đời hơn 60 năm đã qua, để khi cầm bút, tất cả những va đập ấy có dịp nhảy múa và thăng hoa. Một mình ông trong căn phòng đầy tranh và họa phẩm, mặc sức thả lỏng cho mọi cảm xúc cứ thế ùa tràn trên toan màu và trên đầu ngọn bút lông...

Bức tranh "Bồ công anh". 

Họa sĩ Hoàng Định sinh năm 1953 tại Hải Phòng. Ông học đại học Mỹ thuật công nghiệp tại Việt Nam (năm 1980-1985) và học thạc sĩ thiết kế đồ họa tại Trường đại học Crown, Hà Lan (năm 1992). Sau đó, ông làm giảng viên, tư vấn khoa học, trưởng ngành Thiết kế Đồ họa - Khoa Tạo dáng công nghiệp - Đại học Mở Hà Nội. 

Ông chia sẻ, có một thời gian dài, ông sống được nhờ làm thiết kế bao bì ứng dụng, các mẫu thiết kế đó của ông cho đến nay vẫn được các công ty lớn trên cả nước sử dụng, chưa lỗi thời dù nó đã trải qua vài chục năm có lẻ. 

Nhưng rồi, trong lúc là một tay thiết kế đồ họa có tiếng trong làng đồ họa và kiếm sống đủ dư giả để nuôi gia đình, thì ông dừng lại, chuyển hướng sang vẽ tranh, thứ mà ông đã bỏ bẵng đi một thời gian dài, dù chưa bao giờ nguôi quên, song nó như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong huyết quản, và ông đã bỏ hết tất cả, ngồi trước giá vẽ để được "thoát xác". 

Ông bảo, mục tiêu của nghệ thuật không dừng lại ở mô phỏng hiện tượng ngoại vật, mà phải tạo ra một thực thể tồn tại có khả năng đối thoại ngang hàng với cảm thức của người xem, là ứng xử chủ động của người nghệ sĩ với xã hội, với thời đại. 

Các tác phẩm của ông đã đoạt được các giải thưởng lớn như giải C  do ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam trao cho tác phẩm "Nơi đảo xa" Tranh sơn dầu trên canvas (năm 2014), Giải thưởng quốc tế RAFFAELLO được trao vào ngày 4 tháng 5 năm 2018, tại Gnudi Palace ở Bologna. 

Tác phẩm: Hoàng hôn trong rừng đước (Sunset in Mangrove forest) - màu dầu trên canvas - 108cm x 108cm và mới đây nhất là giải thưởng quốc tế GIULIO CESARE - ART EMPEROR được trao vào ngày 7 tháng 7 năm 2018 tại Velli Palace ở Rome cho tác phẩm "Giai điệu của tre" (melody of the bamboo) - màu dầu trên canvas - 155cm x 205cm. 

Ông cũng cho ra mắt triển lãm cá nhân "Sắc màu quê hương"  gồm tranh Hội họa và các Hình khối Typography năm 2013 tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và triển lãm nhóm "Cảm âm" tranh trên giấy năm 2017 tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam, 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Nói về việc sáng tạo của mình, họa sĩ Hoàng Định chia sẻ: "Gần đây, tôi vẽ tranh to thường là dài 9 mét rộng 2 mét hoặc dài 6 mét, rộng 2 mét. Tôi muốn người xem luôn đọng lại những dư âm khi xem tác phẩm của tôi. 

Cá nhân tôi quan niệm, thưởng thức hội họa, cũng giống như thưởng thức âm nhạc, âm nhạc khi vang lên, người ta không cần quan tâm đến địa vị, hay độ tuổi, hay tầng lớp, mà cái đọng lại là giai điệu, là thanh âm, là tiếng gió tiếng sóng, tiếng chim và tiếng của tình yêu. 

Tôi vẫn thường kể cho sinh viên tôi nghe câu chuyện về hai cha con nhà nghèo trong mùa bão tuyết. Người cha hấp hối sắp mất, đứa con thì nhỏ dại nên đến cha sứ đến cầu nguyện. Người cha bảo với con mình, con hãy ra cửa, và gặp bất cứ ai đi qua thì mời họ vào cầu nguyện giúp cha một tiếng trước khi cha ra đi. Người con chạy ra cửa, gặp ngay một người đàn ông, cậu bé nói lên tâm nguyện của cha mình và cầu xin người đàn ông ấy hãy giúp cha của cậu. 

Người đàn ông vào nhà, cởi mũ áo, nhìn căn nhà tuềnh toàng rồi hỏi cậu bé nhà cháu có cây đàn không? Cậu bé vội vàng chạy vào góc nhà chỉ vào một cây dương cầm đã cũ, bám đầy bụi và thậm chí là hỏng hóc vì lâu không có người dùng. Người đàn ông lôi chiếc đàn ra, bắt đầu sửa lại nốt nhạc và hỏi người cha, ông muốn nghe bản nhạc gì, ông sẽ tặng thay lời cầu nguyện. 

Người cha kể lại trong dáng vẻ hụt hơi, câu chuyện về người vợ yêu quý đã mất của mình, về tình yêu mà ông dành cho vợ, người cha ấy có một ao ước là được gặp lại vợ mình trên thiên đàng. Nghe vậy, người đàn ông đã chơi một bản nhạc để giúp người cha thanh thản. Bản nhạc kết thúc, người cha khóc thầm và cảm ơn người chơi đàn vì đã cho ông mãn nguyện.

Ông đã được sống lại quãng thời gian tuổi trẻ, tình yêu nồng nhiệt nhất và người cha tin rằng, ông sẽ được gặp lại vợ mình trên thiên đàng. Sau này, người ta truyền lại rằng, người đàn ông chơi đàn ấy, chính là thiên tài âm nhạc Mozart. 

Họa sĩ Hoàng Định. Ảnh: Thương Thương.

Âm nhạc là thế, cũng như hội họa, bất luận là tuổi tác, trình độ cao thấp, thì sự đồng cảm chính là hiểu được và cảm nhận được những tín hiệu thị giác mà người họa sĩ muốn truyền đạt đến cho khán giả thông qua sắc màu và hình khối. Tôi muốn phấn đấu để đạt tới những điều đó".

Họa sĩ Hoàng Định thường có cảm hứng đi đến những vùng rừng núi xa xôi hoặc những vùng nước nổi. Ông từng ở hàng tháng trời ở rừng U Minh hạ trong mùa nước nổi, hay đến tận cùng đỉnh Phanxipang. Ông gần gũi thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên nên thiên nhiên là đề tài vĩnh cửu trong tác phẩm của ông. 

Có một thời kỳ, ông vẽ tranh tả thực, nhưng tả thực, đẹp mà sự phiêu bồng không phải đã cho người họa sĩ đạt đến tuyệt đỉnh của sáng tạo, nên ông thích vẽ tranh theo trường phái trừu tượng biểu hiện. 

Có lúc, vẽ đối với ông một bức tranh đẹp không phải là cầm bút tỉa tót từng nét vẽ, mà ông lẳng lặng đứng từ xa, cầm cả một vốc màu ném, ném, ném liên tục vào toan, sau đó chỉ cần chỉnh sửa, đã hiện ra một bức tranh đẹp đến mê muội, cái đẹp tự nhiên và lay động cảm xúc. 

Ông bảo, khi nhìn một bức tranh của mình, bản thân họa sĩ cũng phải gai người, đôi khi nó nằm ngoài khả năng tư duy của họa sĩ, đôi khi nó thành công hơn mong đợi hoặc nó mê hoặc hơn mong đợi, cái này là trời cho, nhưng cái đó được coi là những giây phút xuất thần, khi mà cảm xúc dâng lên tột đỉnh, đôi khi chính người họa sĩ cũng không làm chủ được chính mình.

Họa sĩ Hoàng Định quan sát thiên nhiên, cuộc sống và thể hiện chúng bằng các đường nét, hình khối, màu sắc đặc trưng của nghệ thuật tạo hình; nhưng ông không kể đơn thuần, mà ông cảm nhận, và truyền tải tư duy vào các tác phẩm. 

Không chỉ giới hạn ở các tín hiệu thị giác, tranh Hoàng Định truyền đạt cả các rung động vật lý, các nội hàm cảm xúc của một người không chỉ đơn thuần đứng xem mà thực sự trở thành một phần của câu chuyện. 

Ông chia sẻ với mọi người không phải là một thế giới được ghi chép lại, mà là một thế giới hiển hiện, có thiên nhiên, có ông và có cả người xem; một thế giới đầy rung động như những giai điệu âm tiết du dương. 

Từ đồng lúa bắc bộ trong "Giai điệu vàng" đến miền sông nước nam bộ trong "Tiếng vọng của thời gian", từ sự xào xạc trong "Giai điệu của tre" đến nhịp dập dìu của "Bản sonata bên hồ” hay nét lãng mạn thanh xuân trong "Giai điệu mùa hè”.

Các sự vật vẫn có kết nối mạnh mẽ với bên ngoài, vẫn có những câu chuyện của cá nhân người nghệ sĩ; nhưng trên hết, mọi thứ đều chuyển động, tạo ra những khoảng trầm bổng nhịp nhàng, tác động vào cả ý thức và vô thức của người xem, đối thoại với họ và đưa họ vào một mối quan hệ mà cả hai phía đều thực sự tương tác với nhau.

Ngoài đời, họa sĩ Hoàng Định là một người trông rất... dữ dằn với "râu hùm, hàm én mày ngài" cùng chiều cao hơn 1m80 hiếm có của thời ông. Nhưng xem tranh của ông, lại có một Hoàng Định khác, những góc dịu dàng và lãng mạn, nét tranh uyển chuyển và mê đắm. Họa sĩ Hoàng Định bảo rằng, mỗi thời kỳ, ông muốn đánh dấu một cột mốc của đời mình theo một cách riêng. 

Lâu nay, ông vẽ rất nhiều, nhưng không làm triển lãm. Lần này, vào một mùa thu muộn của Hà Nội, ở vào tuổi 65, ông tổ chức một triển lãm thứ 3 của cuộc đời mê đắm với hội họa vào cuối tháng 10 lành lạnh.

Lần này, ông bảo, ông sẽ "trình làng" một phong cách khác hẳn với trước nay, một phong cách riêng biệt không trộn lẫn với bất cứ ai. Ông không mong muốn sẽ tạo được sự đột phá, nhưng ông mong muốn khán giả sẽ bị cuốn hút và thả mình vào một không gian ảo mộng đầy hưng phấn, rung động nhẹ nhàng chuyển động tiếp diễn cùng với không gian mà ông đã tạo ra trong thế giới hội họa đa sắc màu của ông...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.