Nghệ sĩ Mai Trần: Những vụn vỡ nhọc nhằn (kỳ cuối)

Thứ Hai, 06/06/2016, 19:16
Lật lại từng đoạn đời, Mai Trần thi thoảng giật mình, không biết mình đã vượt qua những nỗi đau, những mất mát đó bằng cách nào. Nhưng, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, và mỗi người nếu không muốn bị nghiền nát, phải đứng dậy mà đi tiếp. Không chỉ vì mình mà còn vì nhiều người khác nữa.

1. Là con cầu con tự nên thuở nhỏ, Mai Trần được ba mẹ rất mực cưng chiều. Nhà khá giả, mẹ anh chưa bao giờ để con phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Cộng thêm cái tánh nhanh nhẹn, đầu óc thông minh, sáng láng, Mai Trần càng được yêu quý.

Những năm trước 1975, Mai Trần đã có  xe Honda để đi, đủ biết anh oách cỡ nào. Thâm tâm, Mai Trần luôn mặc định, gia đình anh gốc Bắc, theo chân cha mẹ vào Sài Gòn sinh sống. Mãi đến năm 33 tuổi, Mai Trần mới hay anh chỉ là con nuôi. Chuyện là, ngày ba anh mất, vợ anh tình cờ nghe được các bà, các cô từ quê vào, nhìn Mai Trần tất tả xuôi ngược lo ma chay, kháo nhau: "Không ngờ, cái thằng con nuôi mà nó có hiếu quá!".

Các bà, các cô không biết rằng, sự thật ấy đã được ba mẹ anh giữ kín suốt từng ấy năm vì sợ anh tủi thân. Ba anh thông báo với họ hàng duy nhất trong lần biên thơ về hồi trước giải phóng: "Trong này, tôi có xin được một thằng con trai rất ngoan".

Hai mươi năm, Mai Trần xuôi ngược khắp đất Trà Vinh tìm dấu tích thân phận. Phải chăng quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn và gia đình là một chốn linh thiêng vô hình mà dẫu có đi xa, dẫu có thất lạc, dẫu có sung sướng hay khổ đau, tăm tối, người ta vẫn khát khao tìm về. Để được tắm gội, để được thấy con sông, bãi cát, cái cây cọng cỏ, để biết mình thuộc về nơi chốn nào. Ngày sắp mất, mẹ anh trăng trối: "Đi về Cầu Ngang, lùi lại đúng một cây số, cứ tìm gặp ông Tám Què, sẽ biết bố mẹ ruột là ai".

Lặn lội lên xuống, nghe người quê mách ông Tám giờ sống ở Sài Gòn, Mai Trần đảo ngược về phố, lần hồi hỏi thăm. Ông Tám lụm cụm, tuổi cao sức yếu, bảo chuyện xưa lâu quá rồi, ký ức người già lắt lay trước gió, làm sao tỏ tường. Chuyến này, đợi con ông ở nước ngoài về, hẳn quay lại hỏi, may ra, tụi nó nhỉnh hơn anh vài tuổi sẽ nhớ. Mai Trần tắt hy vọng, lầm lũi ra về, buông bẵng một thời gian.

Mấy năm sau, Mai Trần trở lại đất Trà Vinh đóng phim Cô gái Trà Beng của đạo diễn Bùi Ngọc Xum. Đi qua Cầu Ngang, nghe ngực nhói lên tưng tức, máu chảy rần rần. Mai Trần ghé chùa Bà Húc dưới chân cầu, thắp nhang khấn Bà phù hộ cho tìm được ba mẹ ruột dẫu còn sống hay đã mất. Đạo diễn hỏi han và bảo: "Người lớn tuổi nhiều khi lâu quá không còn nhớ. Đâu con thử hỏi mấy người trạc tuổi con xem". Xóm có bà Chín Duyên nghe người của đoàn phim tìm cha mẹ thất lạc ra nhìn.

Nghệ sĩ Mai Trần trong phim "Sống trong sợ hãi".

Trong mắt bà Chín, Mai Trần như một đứa con nhỏ lạc mẹ nên bà một tiếng gọi con, hai tiếng gọi con dẫu bà lớn hơn anh chỉ 5 tuổi. Bà Chín dẫn Mai Trần sang nhà bà Tư Khéo - người đàn bà vào những năm 1954-1955 có cho một thằng con trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Thêm một lần hy vọng dập tắt khi bà Tư nói không nhớ. Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, Mai Trần nhủ bụng, chắc là lần này mất dấu thật. Về nhà, chưa kịp cởi nón, Mai Trần nhận được điện thoại, giọng bà Chín hối hả: "Về đi, ta tìm ra mẹ con rồi".

2. Trong căn nhà lúp xúp, người vây đen kín, bà Tư Khéo ngồi giữa bộ ván gõ. Vừa thấy bóng Mai Trần, bà nói trong nước mắt: "Má là má của con đây. Hôm qua vừa trông thấy, má biết là con của má nhưng bất ngờ quá, má không biết phải làm sao.

Cả tháng nay đau, má chỉ thầm mong đến cuối đời được gặp con một lần. Suốt đêm qua, má không tài nào ngủ được. Má trách mình, công thằng nhỏ ròng rã đi tìm mấy chục năm… Nhưng, chuyện của má, nói ra xấu hổ quá, con ơi…". Chuyện đến đó thì nước mắt và những cái ôm thắm thiết thay lời nói, thay nỗi nhớ nhung lẫn những hờn giận rất người. Ruột thịt đây mà cứ đằng đẵng xa, biết lấy gì bù đắp cho được?

Lần hồi, đợi má đỡ buồn, Mai Trần hỏi thăm ba. Bà Tư Khéo chần chừ, lần lựa mãi. Một hôm, nhác thấy Mai Trần ngoài ngõ, đứa em ba chân bốn cẳng chạy ra mách: "Má với cha vừa cự nhau một trận quá trời". Cha trách: "Nó đi theo ông bà Bắc kỳ đó về Sài Gòn rồi chớ có ở đây đâu". Má giận: "Bây giờ ông có nhận nó không?". Cha bảo: "Ờ thì nhận! Nhưng mà thôi, để tụi nhỏ ở bển về rồi tính".

Mai Trần gặng hỏi má, chớ ba con là ai? Đến nước này, bà Tư chẳng giấu được nữa. Cha Mai Trần chính là người mẹ nuôi anh trước khi mất, căn dặn về tìm cái nhà ở Cầu Ngang lùi lại đúng một cây số… Mai Trần nghẹn ngào, nước mắt của vui buồn lẫn lộn, của nhớ mong, trách giận, của nỗi tức mình mặc sức tuôn rơi.

Cha anh, ngày trước có hai người con trai, thèm một đứa con gái, bèn lấy má anh lúc bấy giờ là người ăn kẻ ở trong nhà. Mai Trần là kết quả của mối tình ấy. Ngó bộ chồng cưng Mai Trần hơn hai cậu con đầu, má lớn tính cách cho anh vào một gia đình ấm yên khác, rồi gả má anh cho một người đàn ông góa vợ với một bầy con. Trong cuộc phân ly đó, má anh còn kịp sanh cho gia đình chủ một đứa con gái. Cô được má lớn giữ lại nuôi như con ruột trong nhà. Ba mẹ anh sau này sợ bị đòi lại con mới bồng anh lội ngược ra Quảng Trị.

Ở cái tuổi tóc đã bắt đầu điểm sương, đắng cay, đổ vỡ đã nếm trải, người ta thay sự bốc đồng của cảm xúc bằng niềm lắng đọng, cảm thông nhiều hơn. Trong những buổi chiều nhung mượt, thi thoảng Mai Trần lại ghé nhà cha. Hai cha con thong thả ngồi nhấp trà chơi cờ như chưa từng có những khoảng đau trắng lặng của quá khứ. Bao phen chao đảo cuộc đời, nếm đủ phân bua, tủi hờn, Mai Trần ngẫm anh là người có phước. Bởi, nhờ vậy, anh có thêm ba mẹ, anh chị em.

3. Trở lại chuyện gia đình riêng. Ngày chị Hải Yến ra đi, Mai Trần suy sụp tinh thần, buông lơi công việc, lún sâu vào rượu chè. Trong khi hai con thì đang tuổi ăn tuổi lớn. Khu chợ Thái Bình, không hàng quán nào Mai Trần không thiếu chút đỉnh tiền. Nghĩ cũng ngộ, túi Mai Trần rỗng không mà hễ ra chợ, người này níu, người kia níu, thiếu gì, cần gì người ta cũng dúi đưa, ngại cầm thì được bảo cứ để đấy, thủng thẳng lúc nào có hẳn trả.

Buôn bán nhỏ lẻ, lời lóm đếm từng đồng mà chẳng ai mở miệng đòi. Cứ thấy Mai Trần thiếu, Mai Trần cần là đưa. Ngày nào anh về nhà với vài lạng thịt, con gái biết hôm đó anh có tiền, không mua chịu; còn hôm nào lỉnh kỉnh dầu ăn, nước mắm, đường,… biết chắc mẩm ba mua chịu, con gái vừa lấy đồ trong túi nilon, vừa lau nước mắt.

Mai Trần cùng vợ và con trai tham gia gameshow của Đài Truyền hình TP HCM (HTV).

Nợ lưng lưng, dẫu không ai đòi nhưng để hoài coi cũng kỳ. Túng thì phải tính. Run rủi sao, Mai Trần gặp anh bạn bán cửa hàng điện máy, cho trả góp một cái tivi. Sực nhớ một người bạn khác cũng bán điện máy trên đường lớn tại quận 1, Mai Trần dò hỏi giá, mua đi bán lại, tính bụng trả góp từ từ, đặng đem số tiền còn lại xoay xở việc trong nhà.

Thời điểm ấy, Mai Trần đang diễn ở sân khấu 5B Võ Văn Tần, muốn góp thì bắt buộc phải có giấy xác nhận của nơi làm việc. Êm xuôi đâu chừng 3, 4 tháng thì lại rơi vào túng thiếu. Ngân hàng gởi giấy báo về sân khấu, tưởng không có gì hóa ra lại lớn chuyện. Nhiều người xúm vào, cả thế hệ đàn em tha hồ nhiếc móc, gầm gừ: "Tại sao lại có thể như thế? Anh là nghệ sĩ mà nhục vậy?".

Suốt năm ấy, đi đến đâu, Mai Trần cũng mang tiếng. Người ta coi anh như một con hủi, đuổi xua, bởi dính tới là mang nợ. Mai Trần bế tắc đến độ, mỗi tháng, đúng ngày ngân hàng báo giấy, thắc thỏm ngồi chờ để nhận. Đắp đổi qua ngày, Mai Trần quay qua làm dây cu roa suốt đêm. May mắn thay, có người bạn đến nhà chơi, biết tính Mai Trần, lôi anh trở lại làm vở Tình nghệ sĩ. Mai Trần bám vào đấy mà vực dậy.

Cũng chính trong những tháng ngày đen tối ấy, cô nhân viên trực tổng đài qua hệ thống phonelink, vốn yêu thích những vai diễn của Mai Trần, mến mộ tài năng, vô tình biết thêm chuyện đời anh, càng thêm thương cảm. Khi đã quen, mỗi lần nghe anh chào để "về cho mấy đứa nhỏ ăn cơm", chị tưởng con anh còn nhỏ, ai dè lần đầu ghé thăm nhà, chị... hết hồn vì "mấy đứa nhỏ" xấp xỉ tuổi mình. Nhưng, thương hoàn cảnh của anh, yêu cái cách anh chăm chút cho con, chị nguyện gắn bó bên cạnh.

Hỏi ra mới biết, chị là con gái của người thầy từng dạy anh ngày trước. Mai Trần trù trừ không dám quyết vì, cưới chị thì tiền đâu mà cưới. Nhưng, không cưới thì không được vì đời con gái, ai cũng chỉ có một lần. Một chị bạn hay chuyện, vỗ vai: "Mày cứ cưới, bao nhiêu để chị lo". Đám cưới 40 bàn, chú rể cứ thế đến để vui, để bạn bè mừng, những chuyện còn lại có bạn dang tay, bây giờ kể có ai tin?

Hạnh phúc chưa được kịp đầy một cái chớp mắt thì vợ chồng anh dính xui rủi chuyện làm ăn. Mai Trần phải bán căn nhà khang trang ở quận 2 trả nợ. "Tiền mất thì còn làm lại, em có chuyện gì hai đứa nhỏ biết sống sao?". Có thời điểm túng quá, Mai Trần gởi vợ con về bên ngoại, anh lang thang khắp nơi, khi thì ở nhà kho của phim trường, lúc qua nhà ngân hàng đang thế chấp ở tạm. Ngót cái hết mười mấy năm.

Nhờ không ngừng bám trụ với nghề, nuốt nỗi đau mà đi qua, nhờ bàn tay bạn bè góp sức, Mai Trần giờ đã có thể tạm yên ổn trên mảnh đất của một người bà con cho mượn. Ao ước của anh đơn giản là, ráng làm lụng khi còn sức đặng mua lại mảnh đất đang ở nếu người bà con có bán, sau này có chỗ cho con đỡ long đong. Như anh đã từng!

Hoàng Linh Lan
.
.