Nghệ sĩ Mai Trần: Những vụn vỡ nhọc nhằn

Kỳ 1: Vấn vương sợi tóc

Thứ Tư, 18/05/2016, 20:52
Chuyện đời Mai Trần khiến một cô gái trực tổng đài xúc động, dần dà thương và muốn theo anh nâng khăn sửa túi. Suôn sẻ chẳng bao lâu thì đời anh lại bảy nổi ba chìm…


Đôi khi, tôi tự hỏi, đằng sau những nỗi vui là tiềm ẩn buồn đau chực chờ, vậy thì đằng sau đớn đau là gì? Đằng sau những cơ cực mà con người ta phải chịu đựng, điều gì đang đón đợi? Đằng sau mất mát và hơn cả, sau cái chết là gì mà người ta sợ hãi? 

Cuộc trò chuyện với Mai Trần - một trong vài gương mặt tài danh đầu tiên của làng kịch nghệ Sài Gòn sau 1975 cho tôi ý niệm về sự vượt thoát của tâm hồn. Rằng, sau những bão giông cuộc đời giăng mắc, sau những mặc định thuộc về số phận, con người ta vẫn có thể tìm được an yên nếu chưa bao giờ ngừng hy vọng.

Trong ánh chiều rơi rớt qua tán cây nơi ngôi nhà cấp bốn gá đỡ trên mảnh đất của một người bà con, Mai Trần đốt thuốc, bồi hồi hoài niệm. Mớ ký ức đứt quãng, nhớ đến đâu nói đến đó mà sống động, thành hình cũng đủ khiến người nghe bàng hoàng. Bởi nó dích dắc, xoay vòng và nhiều cú bất ngờ đến nỗi có là một biên kịch tài danh cũng không thể hình dung.

16 tuổi, Mai Văn Thịnh (tức Mai Trần sau này) thi vào Khoa Thoại kịch, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, từ niềm yêu thích đặc biệt của tuổi thơ. Cậu sinh viên có gương mặt lãng tử, thoảng nét phong trần dẫu chưa hề từng trải, vận quần jeans, áo phông trắng, đủ khiến trái tim bao cô gái xiêu đổ. Tài hoa, chữ nghĩa lai láng, lại sẵn máu văn nghệ, Mai Trần xuất bản hẳn một tập thơ, tiếng nổi như cồn.

Hải Yến, cô bạn cùng khoa, nhỏ hơn Mai Trần một tuổi nhưng học trước anh hai lớp, dung mạo xinh đẹp, khiến biết bao chàng trai say đắm, trồng cây si. Hải Yến đọc thơ của Mai Trần, thầm ngưỡng vọng nhưng lẳng lặng làm thinh. 

Còn Mai Trần chỉ thực sự chú ý đến Hải Yến trong một lần thấy nước mắt nàng rưng rưng khi nghe đọc một bài thơ. Anh bảo, tự dưng thấy cô gái xinh đẹp, kiêu kỳ ấy cũng yếu đuối và cần được che chở. Chàng hào hoa, phong nhã; nàng xinh đẹp, tài năng như một sự sắp đặt khéo léo của ông Tơ bà Nguyệt. Tình cảm thêm nồng theo những cánh thư mỗi ngày một dày.

Khoảng trời trong veo, thơ mộng ấy kéo dài không lâu thì Mai Trần nhận được giấy gọi nhập ngũ. Ở cái thời sống chết cách nhau gang tấc, hạnh phúc là thứ luôn được nâng niu gìn giữ. Hai bên gia đình tán đồng cho đôi tình nhân trẻ bước tới. Đám cưới diễn ra trong niềm hân hoan của chàng và nàng, trong lời chúc tụng không ngớt của gia đình, họ hàng, bè bạn. 

Thấy Mai Trần có máu văn nghệ, đoàn điều về làm “lính cảnh”, cho chạy ra chạy vô chơi. Ít lâu sau đất nước thống nhất. Niềm vui chưa trọn thì cái “dớp” đi lính cho địch đã đeo bám và hành hạ Mai Trần, quật nhiều cú dúi dụi, đã có lúc anh nghĩ không thể đứng dậy được nữa.

Hai mươi mốt tuổi, Mai Trần một nách hai con, tương lai mờ mịt. Đúng lúc, trường Nghệ thuật sân khấu 2 mở lớp đào tạo diễn viên, vợ chồng anh như tìm được lối thoát. Tài năng của Mai Trần là điều không phải bàn cãi. Anh được tin tưởng giao nhiều vai chính kịch và một khi đã định hình thì không ai có thể thay thế, kể cả những bạn đồng khóa được đánh giá là xuất sắc. 

Khốn nỗi, cái lý lịch hành hạ Mai Trần lên bờ xuống ruộng trong khi nghề diễn có đủ sống cho cam. Tối diễn cho thỏa đam mê, ban ngày Mai Trần đạp xe ra chợ đầu mối lấy bắp sống. Mang tiếng lấy, thực chất là đợi bắp dạt do hạt không đều hay đầu thưa, mua bao cho được giá. Rồi thì bắp đem luộc, râu bắp nấu nước, bẹ cho ngựa ăn, bắp non bào nấu chè.

Vậy mà rồi cũng không chịu đựng được, Mai Trần chấp nhận gieo neo, chọn về Đoàn ca kịch tỉnh Đồng Nai mà vẫn bị lý lịch đeo bám. Điều khiến Mai Trần hẫng hụt nhất lúc ấy không phải là sự xét nét giấy tờ mà chính là nỗi khắc nghiệt của lòng người. Nó bức bách, dồn ép con người ta đến đường cùng. Tài năng càng khiến nỗi khốn đốn thêm nghiệt ngã. Niềm ủi an duy nhất của Mai Trần giai đoạn ấy là người bạn đời biết thông cảm và những đứa con.

 Trở lại Sài Gòn, Mai Trần theo học khóa đạo diễn và bắt đầu tỏa sáng với hàng loạt vai diễn như Hoàng Tú (Nhân danh công lý), trung úy Phêđo Rốpki (Đêm họa mi), Lỗ Quý (Lôi Vũ), Jourdan (Trưởng giả học làm sang), thầy giáo điên (Ai điên?)... Đó có lẽ là những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời Mai Trần bởi anh và người bạn đời thăng hoa, không chỉ trên sàn diễn mà cả trong tình riêng. 

Trên chiếc xe đạp cọc cạch, hai vợ chồng tất bật đèo nhau chạy sô không kịp thở. Họ tỏa sáng nhất khi về cộng tác với Đoàn kịch Kim Cương. Hải Yến thành “đào nhì”, chuyên đóng nhân vật đối xứng với kỳ nữ Kim Cương, còn Mai Trần chuyên trị vai phản diện.

Thời vàng son chóng qua, trước cơn lốc kinh tế thị trường, sân khấu khủng hoảng, nghệ sĩ lao đao đến mức bỏ nghề. Mai Trần cũng không ngoại lệ. Anh mở lò bánh mì, thức khuya dậy sớm đứng lò, chọn loại bột tốt nhất để cho ra những chiếc bánh thơm ngon, đặc ruột. 

Chưa có mối quen, Mai Trần bê vài sọt ra gần chợ, lót tấm vải sạch đổ xô như đồ mười ngàn ba món bây giờ. Lê Công Tuấn Anh ngày đó còn ất ơ, cũng theo ra rao phụ. Vừa rao vừa bán vừa ăn, người đi chợ thấy vui quá nhào vô mua giúp, phút chốc mà hết, người bán lời được bụng bánh mì. 

Nghệ sĩ Kim Cương, sau chuyến đi học ở nước ngoài về, nghe Mai Trần bỏ sân khấu làm chủ lò bánh mới sang tận lò thăm. Đám thợ của Mai Trần thấy nghệ sĩ Kim Cương thì giật mình, hóa ra ông chủ lò cù lần, mặt khổ khổ lại nổi tiếng đến vậy. 

Kỳ nữ nói một câu: “Không lẽ, em tính vầy hoài? Nghề của em là phải ở trên sân khấu”. Mai Trần trắng đêm suy nghĩ, sáng ra gọi anh em gắn bó bấy lâu, cho hết đồ nghề, nhẹ tênh trở lại sàn diễn.

Cơn lốc áo cơm cuốn Mai Trần và Hải Yến ngày càng xa. Không cam tâm chứng kiến chồng con phải khổ, chị kiên quyết đi xuất khẩu lao động. Mai Trần thương vợ nhưng bất lực trước nỗi cơ cực của con cái, đành liều nhắm mắt đưa chân. 

Hải Yến đi chưa được bao lâu thì truyền hình nở rộ, Mai Trần là cái tên được mời đứng sau nhiều chương trình. Đời sống nhờ đó khấm khá dần lên. Mai Trần tính phóng khoáng, nhà lúc nào cũng mở cửa đón bạn. Tiền giấy hai ngàn bó thành từng xấp trong tủ, bạn cần cứ thế rút đưa, không toan tính. 

Nhớ vợ, Mai Trần sinh uống nhiều từ thời gian đó. Ngày chị biên thư báo sắp về, tối đó Mai Trần ngồi với bạn, bảo: “Thôi, mấy anh em mình uống hết bữa nay. Mai vợ tao về, bả không thích như vầy, tao không muốn để bả buồn”.

Anh háo hức, mừng vui bao nhiêu thì chị lặng lẽ bấy nhiêu. Một bữa, chị nói thất lạc vài thứ, anh đi tìm giúp, vô tình thấy lá thư chị biên dở cho một người đàn ông nơi chị đang làm việc… Mai Trần run người vì giận, vì ghen và cũng vì thương vợ. Những trận cãi vã liên hồi ập đến. Người nước mắt lưng tròng, người nước mắt nuốt vào trong. 

Cho đến ngày lá đơn được ký, lòng Mai Trần đã chọn cách thứ tha. Anh giận bản thân đã để vợ nhọc nhằn, cô độc nơi xứ người, đã không thể ở bên chị san sẻ buồn vui. Nhưng phụ nữ thì không dễ dàng tha thứ cho bản thân. Chị cứ thế mặc tình cho cảm giác tội lỗi giày vò.

Ngày Mai Trần từ trường quay trở về, con gái đưa lá thư chị biên lại cho anh. Mai Trần tay cầm lá thư, tay ôm con phóng một mạch ra sân bay, lòng thầm nuôi hy vọng gặp chị ở phòng chờ, đặng nói lời cuối: “Em muốn đi đâu thì vẫn còn anh và con đợi em về”. 

Dáo dác xuôi ngược như một gã si tình kiếm tìm bóng hình người thương ở sân bay, Mai Trần biết đã không còn kịp nữa rồi. Anh thẫn thờ đứng ngó những chiếc máy bay vừa cất cánh, hết chiếc này đến chiếc khác, không biết chiếc nào đang chở vợ anh. Bóng chiều nhuộm nước mắt úa vàng...

Suốt thời gian dài, Mai Trần rơi vào trầm cảm, bỏ bê sàn diễn, rượu uống càng tợn. Một đêm, giật mình thức giấc, thấy sợi tóc dài của con gái vương trên gối, mơ mơ thực thực tưởng chị trở về. Tỉnh ra, chua xót, đớn đau viết rằng: “Có một sợi tóc thật dài vương trên áo gối/ Anh giật mình quay quắt nhìn quanh/ Em đã về sao? Chẳng lẽ? Tóc còn xanh!/ À, không phải, tóc con mình, con gái”.

Chị Hải Yến sang bên kia, vò võ một mình làm lụng, sau này đón con gái sang rồi nương náu cửa Phật. Mai Trần bên này, thân gà trống nuôi con, lăn trải nghề với từng đợt sóng mới. Hai người từ dạo ấy vẫn hỏi tin nhau, vẫn thắc thỏm lo âu nhưng không ai mở lời nói với nhau câu nào, dù là một lời nhắn gửi.

Chuyện đời Mai Trần khiến một cô gái trực tổng đài xúc động, dần dà thương và muốn theo anh nâng khăn sửa túi. Suôn sẻ chẳng bao lâu thì đời anh lại bảy nổi ba chìm…

(Còn tiếp)

Hoàng Linh Lan
.
.