NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển: Cung bậc buồn vui đời nghệ sĩ

Thứ Năm, 09/01/2014, 16:28
Nhắc đến Thế Hiển rất nhiều người nhớ đến Nhánh lan rừng, Hát về anh… Những ca khúc đậm chất lính đã theo bộ đội đi suốt mọi miền Tổ quốc. Anh vẫn đắm say, đồng hành, gắn bó cùng với những người lính từ biên phòng đến hải đảo hay Trường Sa thân yêu.

Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay, anh đang thực hiện một chương trình ca múa nhạc rất hoành tráng mang chủ đề “Đêm nhạc Thế Hiển - Hát về anh” phục vụ khoảng 10 ngàn khán giả mà chủ yếu là các cán bộ chiến sĩ, sinh viên sĩ quan, bộ đội... của Trường Sĩ quan Lục quân 2 và trong số 140 ca sĩ, diễn viên biểu diễn, phục vụ cũng có nhiều người trong số ấy đang khoác trên mình màu xanh áo lính. Có lẽ với NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển, duyên nợ và cảm xúc về người lính không bao giờ ngừng nghỉ trong anh.

1.Thỉnh thoảng mỗi lần NSƯT – Nhạc sĩ Thế Hiển gọi điện thoại cho tôi là  tôi lại được ngồi nhâm nhi và trò chuyện với anh. Trái ngược với hào quang của những lúc biểu diễn trên sân khấu, giữa đời thường anh bao giờ cũng mộc mạc, giản dị như người lính. Hội quán Nhánh lan rừng của anh giữa lòng Thành phố đầy sôi động là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ trong Nam và ngoài Bắc. Nhưng trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu giải trí của người dân cũng phải co cụm lại. Vì thế đôi khi chiều xuống, Sài Gòn lớt phớt có mấy hạt mưa rơi, thì quán Nhánh lan rừng của anh cũng có hôm vắng khách.

Tôi đến vào những lúc ấy, mới cảm nhận hết cung bậc buồn vui của người nghệ sĩ. Anh tâm sự với tôi âm nhạc là vô biên, là nguồn cảm hứng của mọi sự thăng hoa và sáng tạo. Những lúc ấy, anh cũng trải lòng với tôi bằng cách hát lại các ca khúc mà anh thích. Đặc biệt, khi nhắc tới những người lính anh vẫn say sưa và hào hứng. Anh kể lại cảm xúc của mình khi từ Trường Sa trở về thành phố. Theo anh mỗi lần trở về từ sóng gió Trường Sa, tình cảm của người nghệ sĩ với quê hương đất nước, được khơi nguồn trở lại hơn. Anh cũng không giấu được cảm xúc rằng, đến với người lính nơi đầu sóng ngọn gió là lòng mình thêm yêu đất nước hơn, càng hiểu và chia sẻ những vất vả của những người lính Hải quân nhiều hơn.

Anh bảo chính sự khắc nghiệt làm nảy sinh mầm sống bất diệt. Lòng tin, sức mạnh, tình yêu Tổ quốc từ những người lính lại ùa vào trong sáng tác mới của Thế Hiển. Tranh thủ những lúc rảnh, anh em tìm những vỏ ốc biển để khi có đoàn công tác ra đảo lại gửi vào đất liền. Vỏ ốc ấy là cả tình yêu, là tiếng vọng âm vang của biển cả thì thầm mà người lính trẻ gửi trọn tâm tình vào trong đó. Tình yêu đất liền, tình yêu biển đảo không gì lay chuyển. Xúc động và tự hào, Thế Hiển viết: “Anh gửi về em những vỏ ốc biển từ Trường Sa đảo xa, xa xôi lắm nhưng em ơi! Em vẫn thật gần... Em hãy lắng nghe những nỗi nhớ anh gửi vào lòng biển. Trường Sa, đảo xa, nơi đây anh vẫn cùng đồng đội canh giữ biển trời giữa sóng gió trùng khơi, những nỗi nhớ anh gửi vào lòng ốc biển... Trường Sa, đảo xa, nơi đây luôn ấm tình đồng đội. Sóng gió chập trùng vẫn chắc niềm tin, cất tiếng hát thấm sâu vào lòng ốc biển...”. Cứ như thế bài hát sâu lắng và tha thiết hơn.

2.Từ năm 1976, Thế Hiển công tác ở Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Năm 1986, anh cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở mặt trận 479 (Xiêm Riệp, Campuchia). Nơi chiến trường ác liệt, người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ vẫn nâng niu chăm sóc những giò lan rừng treo nơi lán trại với hy vọng và niềm tin vào một ngày đơm hoa. Hình ảnh đó khiến Thế Hiển vô cùng xúc động và ca khúc Nhánh lan rừng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Mỗi khi đi thực tế tại các đơn vị quân đội, buổi tối trước giờ sinh hoạt học tập, các chàng lính trẻ lại cùng nhau hát vang ca khúc Nhánh lan rừng với cây đàn ghi ta mộc mạc, thì lại thấy âm nhạc của Thế Hiển đầy tính nhân văn sâu sắc.

Thế Hiển làm âm nhạc từ rất sớm (1976) cùng thời với Cẩm Vân, Đình Huấn, Sĩ Thanh… Cho đến hôm nay tên tuổi của anh vẫn được khán giả gần xa, đặc biệt là bộ đội trên khắp mọi miền đất nước yêu mến, ở đâu có bộ đội là có bước chân anh. Chỉ với cây đàn ghi ta anh có thể giao lưu cùng với rất nhiều người lính trẻ bằng các ca khúc do chính anh sáng tác. Biết tôi là lính mà lại công tác tại Sài Gòn, lâu lâu không đến với bộ đội anh lại thấy nhớ màu xanh áo lính, anh gọi tôi đến để nói chuyện về âm nhạc cho đỡ nhớ. Tôi thích anh cả trong những sáng tác rất đời thường của người nhạc sĩ, anh đã để lại rất nhiều những dấu ấn của riêng mình trong lòng người yêu nhạc như các ca khúc: Khi bong bóng bay, Tóc em đuôi gà, Dấu chấm hỏi, Hoàng hôn màu tím, Đợi chờ trong cơn mưa, Nhong nhong, Chuyện đời xưa đời nay, Tây Nguyên mùa hè xanh

Trong cuộc trò chuyện của mình, nhạc sĩ luôn nhắc đến tình cảm của anh dành cho người lính trên mọi miền đất nước là không thay đổi, vẹn nguyên: “Mỗi chuyến đi, mỗi chặng đường đã qua… đều là cảm xúc để tôi sáng tác, viết nhạc. Người nhạc sĩ luôn khẳng định được mình bằng tác phẩm, còn với tôi sáng tác chính là hành trình của cảm xúc...”.

3.Tháng 12 năm 2009, một hội quán mang tên Nhánh lan rừng đã được mở tại 115 /3 Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Thế Hiển kể, với anh cái tên Nhánh lan rừng có nghĩa rất sâu sắc về tình đồng đội, tình bạn bè và gắn liền với tên tuổi của anh trong lòng nhiều thế hệ khán thính giả. Mang tinh thần chủ nhân - một nghệ sĩ - nên Nhánh lan rừng có đủ âm nhạc, thơ ca, hội họa. Hội quán Nhánh lan rừng thường xuyên tổ chức chương trình Hát với nhau, với ca khúc truyền thống cách mạng, gồm sáng tác của Thế Hiển và các nhạc sĩ nổi tiếng khác. Mở hội quán, Thế Hiển còn muốn biến nơi đây thành địa chỉ mà mỗi thành viên của gia đình nghệ sĩ có thể tổ chức triển lãm tranh, ra mắt CD, giới thiệu tập thơ, công bố tác phẩm mới, giao lưu khán giả trong Nam ngoài Bắc tại Sài Gòn. 

Gần đây nhất Thế Hiển đã cùng với đoàn cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 175, đi khám bệnh miễn phí kết hợp hát phục vụ đồng bào và trẻ em nghèo tại tỉnh Bến Tre - quê hương của phong trào Đồng Khởi. Trong những chuyến đi biểu diễn khắp nơi như thế, cảm xúc trong anh luôn tuôn trào trước mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận và những tình người, và rồi anh lại có tác phẩm. Anh chủ động, tìm tòi những góc khuất của cuộc sống để khai thác trong âm nhạc và hình ảnh đứa bé nằm co ro nơi sân ga giữa trời đông rét mướt đã hình thành trong anh nên một Dấu chấm hỏi chính là như thế.

Anh nhớ lại: “Vào năm 1991, trong một chuyến biểu diễn tại Hà Nội, trên đường đi diễn về ngang qua ga Hàng Cỏ tôi đã nhìn thấy một đứa bé nằm co ro bên hè. Khi đó trời lạnh, gió mùa đông bắc đã tràn về. Mưa phùn bay lay phay. Tôi thấy em nằm như thế thì gọi dậy và cùng đi đến hàng phở. Tại đây, tôi kêu cho cậu bé một bát phở, khi tôi hỏi thăm gia đình ba mẹ cháu là ai? Cậu bé ấy đã trả lời với tôi: “Cháu lớn lên không biết cha mẹ cháu là ai” và tôi đã  cho cháu một ít tiền và khuyên cháu hãy đến tổ bán báo xa mẹ để có một việc làm mưu cầu cuộc sống thật lương thiện. Trở về khách sạn, tôi không sao ngủ được. Tôi lang thang trở lại sân ga và ở đó tôi vẫn nhìn thấy cậu bé nằm co ro. Ngay trong đêm ấy trong tôi đã dạt dào cảm xúc và viết nên ca khúc Dấu chấm hỏi.

Là ủy viên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Hồ Chí Minh, Thế Hiển đã dành rất nhiều tâm huyết để viết các ca khúc về đề tài xã hội, về những nạn nhân chất độc da cam, những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ, đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Vừa qua, Thế Hiển ra Trường Sa khánh thành trường học đầu tiên, với kinh phí huy động từ Quỹ học bổng Vừ A Dính, chuyến đi do báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trước đó, tháng 3/2013, nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển tham gia chuyến: “Hành trình về nguồn, tháng 3 biên giới” ở Móng Cái, Quảng Ninh, do báo Tuổi trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ đội Biên phòng tổ chức.

Để hoàn thành chương trình: “Đêm nhạc Thế Hiển - Hát về anh” nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Yến Sào Khánh Hòa; sẽ được thu hình và phát sóng trên HTV - Đài Truyền hình Tp.HCM, NSƯT – Nhạc sĩ Thế Hiển đã vận động được một món quà tinh thần rất ý nghĩa cho học viên nhân kỷ niệm 52 năm thành lập trường, đó là 52 cây đàn ghi ta gửi tặng đến 52 đại đội từ Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang. Công việc rất bận rộn, cuốn hút rất nhiều thời gian của anh nhưng anh thấy vui và hạnh phúc khi được biểu diễn cho những người lính, và anh cũng quan tâm cụ thể tới mỗi người lính trẻ.

Điều đáng quý ở đâu đó tận sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ tài hoa kia, còn ngổn ngang nhiều trắc trở, bởi xã hội còn biết bao điều chưa nói hết, song anh vẫn lạc quan yêu đời, đắm say với bạn bè, đồng nghiệp và thủy chung với đề tài: “Bộ đội Cụ Hồ” trong những tác phẩm âm nhạc mới của mình là một điều rất đáng trân trọng.

Sài Gòn, 18/12/2013

Phạm Xuân Trường
.
.