Hoàng Quyên: Từ ô cửa thơm mùi nắng

Thứ Ba, 20/09/2016, 09:30
Quán cà phê cạnh hồ Hoàn Kiếm, một ngày thu rất đẹp. Quyên đến, nụ cười sáng lấp lóa tuổi hai mươi. Quyên vẫn còn là một cô bé trong hình ảnh quần jean, áo sơ mi nhí nhảnh. Nhưng khi nói chuyện với em, thì tôi có cảm giác em già, chín chắn hơn tuổi của mình nhiều quá.

Vài lần Quyên inbox kể với tôi, em thích đọc các tác phẩm văn học. Thói quen đọc đó có từ lâu lắm rồi, khi em còn là cô học trò chuyên văn ở Thái Nguyên. Em thích cái cảm giác được đắm chìm trong những cuốn sách, lắng nghe và trò chuyện với các nhân vật bước ra từ sau trang sách. Sách cho em niềm vui, hiểu biết, chống lại những tháng ngày cô đơn của một cô bé phải xa cha mẹ đi trọ học từ rất sớm. "Sách làm em lớn lên đó chị" - Quyên hồn nhiên kể.

Hôm ấy Quyên đến quán cà phê với hai cuốn sách mỏng của tôi, em tìm mua ở tiệm sách chứ nhất quyết không để tôi tặng. Quyên bảo, em yêu phút giây mình lang thang trong tiệm sách và mua những cuốn sách mình thích. Phải tự đi tìm mới thú chị ơi, giờ gặp chị mang theo là để chị ký tên giùm em vào cuốn sách. 

Dĩ nhiên là một kẻ cầm bút nhiều ảo tưởng như tôi không thể không xúc động chi tiết này rồi. Quyên giữ thái độ trân trọng với tôi, nhưng em đâu biết rằng, tôi vốn mê đắm giọng hát em ngay từ buổi đầu em xuất hiện. 

Hồi ấy, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc kể: "Anh vừa phát hiện ra một "con bé con" ở Thái Nguyên, nó hát hay thôi rồi. Tương lai nó sẽ vượt mặt các đàn chị". Nghe anh Phúc bảo nó sẽ vượt mặt các đàn chị, tôi hơi nghi ngại, nghĩ bác này lại nói quá lên, mà khen một đứa vừa hiện ra với những câu kiểu như thế là làm hại nó. Anh Phúc lại bảo, anh chả khen nó trước mặt đâu. Nhưng anh biết rằng nó có chất giọng cực kỳ đặc biệt, và có khả năng hát nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Giọng hát của nó sớm có một chiều sâu đáng ngạc nhiên.

Quả thật sau khi nghe Hoàng Quyên hát trong album Phác thảo mùa thu của Đặng Hữu Phúc thì tôi chịu hoàn toàn. Quyên đúng là một tài năng. Đêm nhạc của Lê Minh Sơn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, có Quyên hát. Lê Minh Sơn bảo, Hoàng Quyên là một ẩn số của đời sống âm nhạc những năm tới đấy, không nghe thì phí. 

Trên sân khấu Nhà hát Lớn hôm đó, Hoàng Quyên lọt thỏm giữa nhiều ca sĩ tên tuổi. Em đúng là một "con bé con" như lời nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nói. Em mặc áo sơ mi kẻ, quần jean, tóc buộc cao kiểu đuôi gà, giản dị và không có vẻ gì là một ngôi sao ca nhạc. Nhưng khi em cất giọng hát, khán giả vỗ tay. Giọng hát của em thật đặc biệt, nó hình như rộng lớn, trắc ẩn và già dặn hơn vẻ ngoài của em rất nhiều.

Giờ thì Quyên đã là một gương mặt không thể không nhắc đến, mỗi khi nói về ca sĩ trẻ, và về tương lai của đời sống nhạc Việt. Quyên đã đi một đoạn đường khá dài trong âm nhạc, đã gặt hái thành quả, và đã trưởng thành nhiều hơn. Rời Hà Nội, Quyên vào Sài Gòn. 

Vẫn một mình như khi từ Thái Nguyên về Hà Nội học Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Sài Gòn sôi động, tốc độ như thể lúc nào cũng cuốn phăng người ta đi. Nhưng Quyên vẫn sống "chậm" lắm. Em kể, có một khoảng nào đấy giữa em và Sài Gòn không thể ăn nhập được, dù em cũng rất yêu mảnh đất này. Em vẫn chỉ làm thứ âm nhạc mà em thích, một cách bình tĩnh, bình tĩnh đến sốt ruột. 

Quyên nói, em không thể nào nhanh nhanh, cuống cuồng được. Các bạn cùng tuổi em người ta đuổi theo xu hướng này xu hướng nọ, còn em thì chỉ có thể làm cái mà em thích, đúng chất của em, chứ đuổi theo những cái thị trường thì em thua. 

Hỏi Quyên, nhiều ca sĩ trẻ kiếm tiền từ việc tham gia các sự kiện tốt lắm, em ở Sài Gòn mà ít xuất hiện thế. Quyên trả lời, em làm sao kiếm tiền được từ các sự kiện chị ơi. Cái mặt em không ra tiền (cười nhí nhảnh). Các nhãn hàng người ta phải nhìn vào những bạn có nhiều fan, nổi đình nổi đám, chịu khó đánh bóng hình ảnh. Em thì chỉ biết làm âm nhạc, lại chỉ làm những thứ mình thích, có thể nói là khó tính.

Quyên vẫn sống giản dị dù em đã là một ca sĩ tên tuổi. Em tự thấy mình không hợp với việc ăn mặc hở hang hay diêm dúa quá đáng, nhảy nhót quá đà trên sân khấu. Quyên cũng không mê man khi sa vào những món đồ hiệu đắt tiền. 

Hỏi Quyên, các nghệ sĩ trẻ hiện nay đang rầm rộ chăm chút hình ảnh của mình. Họ thường hướng đến một vẻ đẹp hoàn hảo, muốn sở hữu thân hình bốc lửa và không ngại đụng dao kéo để có vẻ đẹp đó, em có khi nào muốn thay đổi như vậy, biết đâu con đường mình đi sẽ thuận lợi hơn. 

Quyên cười hồn nhiên, không đâu chị. Em thấy hoàn toàn thoải mái trong chính mình. Em hài lòng vẻ ngoài cha mẹ cho, không cao như nhiều bạn, và các số đo cũng không nóng bỏng. Vì điều cuối cùng người ta cần ở một ca sĩ, vẫn là giọng hát, là cá tính âm nhạc, là tâm hồn của người nghệ sĩ gửi gắm vào giọng hát đó. Âm nhạc đích thực là thứ người ta có thể nhắm mắt để thưởng thức, chứ nếu chỉ để nhìn thì nhanh chán lắm.

Quyên kể về "cô diva" Thanh Lam - một người bạn lớn của Quyên, người mà Quyên trân quý như một người mẹ vậy. Quyên học hỏi từ cô rất nhiều. Ở cô có một niềm đam mê nghệ thuật bản năng mạnh mẽ, một cái gì đó thiên bẩm không ai có thể học hay bắt chước. 

Cô là người nghệ sĩ mà trước sau vẫn luôn trung thành với con đường của mình, không bao giờ chạy theo những thứ nhất thời, và có khả năng định hình công chúng, thay đổi công chúng. Một người mà khi hát, cô ấy đầu tiên phải thỏa mãn chính mình, chứ không phải chiều chuộng khán giả. Quyên thích như vậy. Và phải mạnh mẽ, tự tin mới có thể trở thành một người như vậy.

Quyên kể, em đang sống trong một thời điểm, mà mỗi ngày qua đi lại cảm thấy cuộc sống nhiệm màu quá chị. Em được làm công việc mình thích. Công việc cũng cho em gặp được nhiều người hay. Họ khiến em trưởng thành hơn, được chắp cánh hơn. Em cũng được đi đến nhiều nơi, thấu hiểu cuộc đời hơn. Em đang được nhiều quá. Và em nghĩ mình phải có trách nhiệm cống hiến, tạo ra những giá trị thật để đền đáp khán giả.

Chúng tôi nói chuyện với nhau về thời thơ ấu. Và quả quyết rằng, những ký ức thời thơ ấu tác động rất nhiều lên đời sống tinh thần của một người làm nghệ thuật. Quyên kể về những năm tháng đi học trường chuyên, rồi những năm học đại học, bắt đầu đi hát kiếm tiền nuôi bản thân. 

"Chị biết không, mỗi lần về Thái Nguyên em vẫn tới gặp bác xe ôm ngày xưa đã từng chở em đi học. Em thường bảo bác chở em đi một vòng, có thể là đến ngôi trường cũ của em, để em được sống lại những ngày thơ bé ấy. Bác xe ôm có lẽ không bao giờ biết, rằng khi ngồi sau xe của bác chạy về ngôi trường cũ, em thường khóc vì cảm động. 

Vì bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Em thương nhớ những ngày xưa cũ ấy. Và những con người bình dị như bác xe ôm ấy, cũng chính là một phần ký ức tuổi thơ của em, làm nên em của ngày hôm nay. Bác ấy sẽ không bao giờ biết rằng em biết ơn bác ấy. Bác ấy cũng không bao giờ biết rằng, có một con nhóc đã khóc sau lưng bác ấy".

Một chi tiết khác trong câu chuyện của chúng tôi một ngày thu Hà Nội làm tôi yêu mến Quyên hơn nữa, đó là khi Quyên kể về căn phòng hồi em còn đang là sinh viên đại học. 

"Hồi đó em thuê một căn phòng bé xíu. Căn phòng trên gác và chỉ có duy một ô cửa sổ. Ngày mưa hay ngày nắng em thường ngồi bên ô cửa số ấy để tập đàn, luyện thanh và đôi khi chỉ để im lặng. Em nhìn những vòm cây ngoài cửa sổ. Chúng mướt xanh như giấc mơ tuổi trẻ. Chúng cho em bao nhiêu suy nghĩ tươi đẹp về đời sống này. Em hay nhìn phố xá và hàng cây bên ô cửa ấy, và cảm thấy bình yên vô cùng. Bây giờ ở Sài Gòn, ở căn hộ rộng hơn, có nhiều cửa sổ hơn, nhưng em vẫn thường nhớ da diết ô cửa ấy. Như là nhớ về một quãng thời gian đã trôi qua, còn để lại bao dư vị ngọt ngào".

Chúng tôi không bàn về âm nhạc, bởi tôi là kẻ ngoại đạo. Nhưng chẳng phải những câu chuyện xinh xắn mà Quyên vừa chia sẻ với tôi cũng là âm nhạc của cuộc đời sao? Tôi nhìn ra Quyên, một cô gái tuổi 24 nhiều mơ mộng, hoài niệm.

Bìa album “Phác thảo mùa thu”.

Một người trẻ có lẽ hiếm gặp trong thế giới showbiz ăn xổi ở thì nhiều giả tạo lóng lánh hôm nay. Quyên chân thật, giàu cảm xúc, và luôn trắc ẩn về những điều bình dị xung quanh mình, biết nâng niu những giá trị thật, cho dù chúng bé nhỏ, chẳng xiêm áo mỹ miều.

Nghệ sĩ, cần nói lại điều này thêm lần nữa, rằng đó không phải là một danh xưng. Nghệ sĩ là thứ gì thuộc về bản năng, một thứ gì tự có trong máu, trong tâm hồn của một kẻ liên quan đến nghệ thuật. 

Truyền thông có thể phù phép một số ngày để tạo ra một vài nghệ sĩ theo cách mà nó muốn, bằng công nghệ của nó. Người ta đánh cắp hai từ nghệ sĩ rất dễ, khi ghép vào một vài tên người đã được thổi phồng hết cỡ bởi công nghệ. Nhưng nghệ sĩ thật sự thì hiếm, thời nào cũng hiếm. 

Nghệ sĩ thật sự họ chỉ lo làm sao đi hết sâu rộng của chính mình, nhìn mình đến đáy để cống hiến cho công chúng. Họ ít phiền muộn cái bên ngoài, sốt sắng cái bên ngoài. Quyên có cái gì đó để tôi tin, khán giả tin vào em. Rằng em là một nghệ sĩ với nghĩa đúng nhất của từ này. Em biết làm giàu có mình từ sâu trong tâm hồn. Một người sống sâu sắc thì luôn có quá khứ để nâng niu, luôn có tình cảm để tỏ bày.

Tôi mong Hoàng Quyên sẽ luôn giữ mãi những điều tốt đẹp như vậy, trên đường em đi còn rất dài. Bởi xét cho cùng, người ta chỉ có thể đón nhận những sản phẩm của một người nghệ sĩ khi có niềm tin vào tài năng của họ, vào văn hóa của họ. 

Quyên cho công chúng niềm tin ấy, nghĩa là em có một bệ đỡ chắc chắn, hơn mọi sức mạnh phô trương đến từ áo quần thời trang, nhà đẹp xe sang, hay các chiến dịch PR đánh bóng tên tuổi rình rang như không ít ca sĩ trẻ khác đang làm, đang tận dụng. 

Và bởi, khi có bệ đỡ chắc chắn ấy rồi, Quyên có thể bình thản đi đường của mình, em không cần phải hoang mang, nôn nóng. Sống chậm theo cách đó, không phải là để cũ đi đâu, lạc hậu đi đâu. Sống chậm theo cách đó, thực ra là để làm mới mình. 

Để luôn biết dừng lại ngắm nhìn những đẹp đẽ, luôn có điều gì để nâng niu, thương nhớ. Giống như ô cửa sổ "thơm mùi nắng" trong câu chuyện của Quyên, về tuổi trẻ...

Bình Nguyên Trang
.
.