Món lợi lúa non:

Ca sĩ Hoàng Quyên Idol: “Đừng làm cho trẻ con bị ảo”

Thứ Sáu, 08/11/2013, 13:23

Cái quan trọng là người sản xuất cho những ca sĩ nhí đó họ phải mài giũa cho những tài năng đó như thế nào. Một viên kim cương thô thì phải trở thành một bộ trang sức đẹp chứ đừng để nó mất giá trị bằng những thứ quá vội vàng.

- Một số phương tiện truyền thông hay gọi những “sao nhí” bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí hiện nay bằng những mỹ từ như “tài năng nhí”, thậm chí là “thần đồng”. Nhưng tôi thì cho rằng đó là cách gọi có phần tung hô quá đà, thật ra các em chỉ mới là những gương mặt nhí nhiều tiềm năng mà thôi. Hoàng Quyên nghĩ thế nào về nhận xét của tôi?

- Đúng như anh nói là người ta còn dễ dãi trong việc dùng những danh xưng như thế. Hoàng Quyên vẫn nghĩ là các em chưa hẳn là thần đồng mà đó chỉ là những tố chất rất đặc trưng. Ví dụ với Phương Mỹ Chi, Quyên nghĩ em ấy sẽ là một nhân tố rất quý, em ấy hát hay, có thể lớn lên sẽ góp phần lưu giữ và phát huy được thể loại âm nhạc dân tộc… Thế nhưng gọi Phương Mỹ Chi là thần đồng thì không phải.

Do chúng ta chưa biết thôi chứ có những người từ bé đã hát dân ca như Phương Mỹ Chi. Nhưng có thể do họ chưa có những bệ phóng, chưa gặp thời, họ không giống như những thế hệ mới bây giờ, họ không được tung hô, người ta không được quảng bá rộng rãi nhưng rõ ràng người ta vẫn có những vị trí nhất định. Hoàng Quyên nghĩ chúng ta đừng thổi phồng mọi thứ.

- Sự tung hô ồ ạt, quá đà của các phương tiện truyền thông có thể sẽ khiến cho các em nhỏ ảo tưởng về mình, nghĩ mình đã là một “ngôi sao” lớn thật sự và đương nhiên sự ảo tưởng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho các em. Hoàng Quyên có băn khoăn lo lắng về điều này?

- Thật ra chúng ta cũng không trách ai được anh à! Bởi sự tung hô đó có thể là chiến lược, là cảm nhận thật của người ta. Quyên thấy có những người gặp của lạ thì hay nói là “đắt lắm, hiếm lắm” nhưng cũng có người đánh giá rất đúng giá trị. Hoàng Quyên nghĩ là do cách cảm nhận thôi nhưng đừng làm cho trẻ con bị ảo vì khi lớn lên những đứa trẻ ấy sẽ khổ. Hãy để chúng được lớn lên bình thường và cảm nhận đúng được vị trí, giá trị của mình, ảo không tốt.

Nhưng mặt khác, nếu như được sự ủng hộ nào đó mà kèm theo một êkip hướng dẫn cho các em ấy thật tốt thì sẽ trở thành một bàn đạp rất tốt để các em phát triển và thăng hoa. Cái quan trọng là người sản xuất cho những ca sĩ nhí đó họ phải mài giũa cho những tài năng đó như thế nào. Một viên kim cương thô thì phải trở thành một bộ trang sức đẹp chứ đừng để nó mất giá trị bằng những thứ quá vội vàng.

- Có ý kiến cho rằng các gameshow truyền hình thực tế ngày nay đang biến các em thành những quân cờ để họ thu hút dư luận, truyền thông và cuối cùng là mục tiêu doanh thu quảng cáo! Là người đã từng trải qua các cuộc thi, Hoàng Quyên nghĩ sao?

 - Những công ty, tổ chức những show truyền hình thực tế, họ biết tính toán hợp lý để kiếm tiền. Người ta nói rằng cuộc thi lợi dụng thí sinh để bán quảng cáo, câu lượt xem hay dùng những chiêu trò để làm khổ người ta ra. Cái này Quyên nghĩ có hai mặt. Thật ra, đó cũng chỉ là việc ban tổ chức cuộc thi nhìn rất rõ cá tính của thí sinh và khắc họa cá tính ấy rõ nét hơn. Chúng ta cũng không thể trách gì họ. Họ làm việc không vi phạm pháp luật, kiếm tiền chính đáng mà. Và những người mà họ sử dụng hình ảnh ấy cũng được hưởng lợi rất nhiều. Dù có mặt này mặt kia nhưng khi bạn lao vào những cuộc thi ấy thì bạn phải chấp nhận, đó là điều hết sức bình thường.

- Lại nói đến chuyện các em nhỏ sau khi bước ra từ các cuộc thi thì bắt đầu tất bật chạy show kiếm tiền thay vì ở lứa tuổi các em thì nên dành thời gian cho việc học, vui chơi là chính. Quyên nghĩ sao?

- Ngày trước, các em bước ra từ các chương trình nhí như Đồrêmí hay các chương trình của Việt Nam khác thì cùng lắm các em chỉ diễn trong dịp Tết Trung thu thôi. Còn bây giờ rõ ràng là các em đã đi hát chẳng khác nào một ngôi sao lớn. Câu hỏi đặt ra là vậy chuyện học hành thế nào?

Ở nước ngoài, có thể các tài năng nhí ấy sẽ được nhận vào môi trường học đặc biệt, người ta có thể đào tạo các em kể cả khi các em đi diễn nhiều vì có người đi theo để dạy học. Các em còn bé, các em đi hát kiếm tiền, thì phải hát sao cho có nhiều tiền để hi sinh việc học bằng cách là mời giáo viên theo dạy. Nhưng chúng ta thì chưa được như vậy, rõ ràng là lối ra của các em vẫn đang rất luẩn quẩn.

Thật ra, mình cũng không trách các em ấy được, bởi được mời đi hát là ước mơ rồi nên sao từ chối được. Thậm chí có gia đình các em chưa có điều kiện kinh tế nhiều nên các em đi hát là để trang trải cho gia đình, đó là cách báo hiếu sớm cho cha mẹ, làm cha mẹ vui. Nhưng việc chạy show chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học. Và vấn đề là người lớn giúp các em cân đối thế nào, bởi ở lứa tuổi các em, việc học vẫn là quan trọng nhất.

Nếu cứ lo chạy show thì sức đâu mà học và các em không học bài, làm bài ở nhà sao? Rõ ràng là những người đỡ đầu, cha mẹ, những công ty mà tổ chức những chương trình hãy nghĩ cho các em một tương lai xa hơn nữa cả về học thức và vấn đề chuyên môn

Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.