Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Vượt qua cánh cửa hẹp
- Họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền: Rong chơi cùng cảm xúc
- Họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho ấn phẩm đặc biệt của nhà văn Kim Lân
- Họa sĩ Trần Thị Thu: Những cơn “điên” trong chuỗi ngày thường
“Liều và may” trong sáng tạo nghệ thuật
Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978 tại Hà Nội. Có lẽ ảnh hưởng từ người cha là họa sĩ làm ở xưởng phim hoạt hình, và có lẽ cũng bởi cầm tinh con ngựa mà Sơn dường như chẳng lúc nào đơn thuần làm một việc và ở yên một chỗ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành Trung - Anh, rồi Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khoa Hội họa), Sơn vừa có vốn ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa, vừa có nền tảng hội họa. Những yếu tố đó hợp lại, đẩy anh đi xa hơn. Năm 2008, anh sang Trung Quốc học thạc sĩ ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh, chuyên ngành Nhiếp ảnh và Nghệ thuật thực nghiệm.
Ra nghề, Sơn tham gia đa dạng những hoạt động nghệ thuật. Cũng bởi vậy mà anh có điều kiện được sáng tạo, được biến hoá không ngừng. Trong bất cứ lĩnh vực nào, từ tổ chức, sáng tác đến giảng dạy nghệ thuật với Sơn đều luôn là những thể nghiệm mới. Gọi anh là giám tuyển cho các dự án nghệ thuật, nhà sư phạm, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ thực hành đều đúng cả.
Là một nghệ sĩ thị giác, Sơn đã tìm ra kỹ thuật thể hiện độc đáo của riêng mình. Chụp ảnh, in ảnh, đồ nét theo mảng, cắt laze, bồi ảnh vào phooc-mếch, cuối cùng là điều chỉnh khoảng cách để tạo thành phù điêu và các lớp cảnh – từng ấy công đoạn là sự kết hợp giữa nhiếp ảnh, đồ họa và điêu khắc. Sơn sử dụng kỹ thuật này để tái hiện hình ảnh của nhà mặt phố, nhà tập thể cũ nhằm tạo nên hiệu ứng thị giác đan xen giữa cái thực và cái không thực. Những tác phẩm kiểu như vậy được anh gọi là “phù điêu nhiếp ảnh”.
Sơn đã có khoảng 20 triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tổ chức tại Việt Nam và các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan,… Thời gian gần đây, Sơn ghi dấu ấn với hàng loạt dự án nghệ thuật đình đám như Phố bích họa Phùng Hưng, Khu nghệ thuật công cộng bãi Phúc Tân, và đặc biệt là Không gian nghệ thuật đương đại ở hầm Nhà Quốc hội. Hỏi bí quyết để thành công, Sơn cười bảo chủ yếu là do “liều” và “may”. Liều vì đang lúc “tranh tối tranh sáng”, có khi còn một vài ý kiến trái chiều về dự án nhưng Sơn cứ mạnh dạn làm. Nếu cứ sợ va chạm này kia và mường tượng ra kết quả tiêu cực thì chẳng thể làm gì được.
May vì Sơn được làm việc trực tiếp với các vị lãnh đạo cấp cao có tầm và có tâm. Họ nhận ra bản chất nghệ thuật đương đại là cách tư duy và thực hành nghệ thuật mới, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ mới, hiện đã phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt mà các dự án đó được triển khai sớm nhất có thể, không phải chờ đợi, không bị chỉnh sửa thô bạo. Sơn bảo, thiên thời – địa lợi – nhân hòa có lẽ là cụm từ lý giải chính xác nhất về sự thành công của những dự án này. Sơn khích lệ các nghệ sĩ trẻ đang muốn dấn thân vào nghệ thuật đương đại, rằng cánh cửa hẹp đã có những người như anh vượt qua, giờ đây là con đường rộng mở đang chờ đón họ.
Trở lại những năm 1960 ở Liên Xô, tất cả những xu hướng nghệ thuật Tiên phong trước cách mạng và những thử nghiệm mới liên hệ với nghệ thuật đương đại phương Tây, đối lập với Hiện thực xã hội chủ nghĩa, được gọi là Nghệ thuật không chính thức Liên Xô. Địa điểm hoạt động của Nghệ thuật không chính thức không phải ở bảo tàng hay nhà triển lãm, mà ở các căn hộ cá nhân và dưới hầm nhà. Chỉ đến khi Liên Xô tan rã, Nghệ thuật không chính thức mới bắt đầu xuất hiện trong các bảo tàng. Sự hoài nghi đối với phong trào này không chỉ ở Liên Xô mà còn ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, trong đó có Việt Nam.
Nghệ thuật đương đại du nhập vào nước ta khoảng những năm 1990. Một điều trớ trêu rằng, những người đầu tiên tiếp nhận và thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam khi ấy là những cá tính khó dung hoà. Và mặc nhiên nghệ thuật đương đại vừa chạm một vùng đất mới đã bị mặc định là mang trong mình xu thế bất đồng. Có lẽ vì thế mà nghệ thuật đương đại thường xuất hiện ở những không gian tư nhân với sự nỗ lực cá nhân hoặc các quỹ nước ngoài hỗ trợ. Chỉ đến khi không gian nghệ thuật đương đại ở hầm Nhà Quốc hội được ra mắt thì sự bất đồng, hoài nghi mới được xoá bỏ. Có thể hiểu rằng, từ đây nghệ thuật đương đại được công nhận là một trào lưu chính thống, cùng với các xu hướng khác góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ thuật đương đại hướng đến truyền thống
Sơn sớm có hứng thú nghiên cứu về nghệ thuật đương đại. Luận văn thạc sĩ đề tài “Nhà mặt phố - phong cảnh nhân tạo của Việt Nam thời kỳ chuyển đổi” của anh đã được trao giải thưởng của Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh. Cũng chính thời gian học tập ở ngôi trường này, Sơn dành nhiều thời gian nghiên cứu về nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Anh nhận ra ở Trung Quốc có nhiều hướng tiếp cận nghệ thuật đương đại. Hướng thứ nhất gắn với chính trị, chủ yếu mang hàm ý phản biện mà Ngải Vị Vị là ví dụ tiêu biểu. Hướng thứ hai, gắn với văn hóa truyền thống, dựa trên mối quan hệ biện chứng giữa hiện đại với truyền thống để sáng tác. Đại diện cho xu hướng này là các nghệ sĩ Từ Băng, Lã Thắng Trung. Sơn thấy mình phù hợp với hướng thứ hai, bởi anh cho rằng văn hóa, truyền thống luôn là những giá trị lâu dài và vững chắc. Muốn đi đường dài thì nên xuất phát từ truyền thống.
Ngay cả khi lựa chọn xuất phát điểm từ văn hóa, truyền thống, người nghệ sĩ vẫn phải dũng cảm vượt qua nhiều trở ngại để bước tiếp. Trường hợp của nghệ sĩ Từ Băng có ảnh hưởng nhất định đến quyết tâm dấn thân vào nghệ thuật đương đại của Sơn. Những tác phẩm ban đầu của Từ Băng chỉ mang mục đích chống lại chủ nghĩa kinh viện trong các trường nghệ thuật Trung Quốc cũng như phản tỉnh lại truyền thống như “Bảng chữ vô nghĩa”, “Sách trời vĩ đại”. Từ Băng đã vấp phải những phản đối và phải di cư sang các nước phương Tây để tiếp tục con đường nghệ thuật. Và rồi đến năm 2000, Từ Băng được trải thảm đỏ mời về làm Viện phó của Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh. Đây cũng chính là ngôi trường mà Nguyễn Thế Sơn theo học.
Là giảng viên khoa Hội họa - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Thế Sơn luôn trăn trở làm thế nào để nghệ thuật đương đại có được cơ hội phát triển đúng hướng. Anh dồn tâm huyết đào tạo ra những họa sĩ vừa biết tiếp nối truyền thống, vừa đáp ứng được yêu cầu mới của thời đại. Anh tạo lập các dự án nghệ thuật đương đại hướng đến giá trị truyền thống cho sinh viên và chủ động xin tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Những dự án của Sơn đã giúp những họa sĩ tương lai vừa biết trân trọng những kinh nghiệm quý báu của cha ông, vừa có kinh phí để mạnh dạn thử nghiệm những kỹ thuật mới.
Mới đây, dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” được Sơn tổ chức tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội) đã giúp sinh viên khoa Hội họa khai thác vẻ đẹp của tranh dân gian Hàng Trống để thể hiện trong những bức tranh lụa và sơn mài theo lối vẽ hiện đại. Quả thực, không có cách đào tạo nào hiệu quả và thú vị hơn khi người học được trực tiếp tham gia vào các dự án thực tế, đắm mình trong không gian di sản của cha ông và khơi dậy hoài bão cho tương lai. Sự hiện đại của ngày hôm nay rồi mai đây cũng trở thành truyền thống. Với Sơn, có lẽ truyền thống không phải là một đoạn sông, mà là cả dòng chảy xuyên qua thời gian và không gian. Tìm ở đâu xa khi truyền thống đã ở ngay trong thực tại. Qua việc triển khai những dự án thực tế, Sơn muốn người học hiểu rằng thật ra nghệ thuật đương đại vẫn chỉ là tên gọi thôi. Những người thực hành sẽ gọi là đó là hoạt động thực nghiệm, là những điều luôn luôn trải nghiệm, thử nghiệm. Họ luôn luôn tương tác với bối cảnh, với con người để tìm thấy những tầng sâu ý nghĩa.