Họa sĩ Trần Thị Thu: Những cơn “điên” trong chuỗi ngày thường

Thứ Bảy, 20/02/2021, 10:31
Thu “điên” lại được cộng hưởng bởi My “điên”, kéo nhau tới bản Chiềng Đi, cao nguyên Vân Hồ (Sơn La) giữa tiết đông chí căm căm giá rét, làm trình diễn sắp đặt. Thu Trần nick name Facebook hay Trần Thị Thu - tên cha sinh mẹ đẻ hay Trân Thù biệt hiệu chị tự giễu nhại mình, đều hiển hiện dáng vẻ kềnh càng cô đơn của người đàn bà tột cùng hoang dại, một nữ họa sĩ đang say đắm mê man trong cuộc chơi bất tận của nghề nghiệp và số phận...

1. Tháng 1 chào năm mới, trời heo hút gió. Bất chấp những dự báo thời tiết rét đậm rét hại, Thu rời Hà Nội ngược Tây Bắc. Sơn La thực ra không phải đến mà là “Trở về”, Thu Trần về lại cái nơi chị sống từ ngày 8 tuổi, chốn yêu thương đã chứng kiến cả tuổi ấu thơ và thanh xuân xa lắc. Là dân gốc làng Chuông (Hà Tây), theo cha mẹ nhập vào những đoàn quân đi xây dựng vùng kinh tế mới, cái hoang sơ bạt ngàn của núi rừng đã thấm vào từng tế bào li ti trong cơ thể Trần Thị Thu. 

Bao năm ở rừng núi, ngấm cái hồn hậu của tự nhiên bao dung độ lượng, chị về xuôi, giữa phố Hà Nội vẫn nguyên vẻ ngác ngơ xù xì khó lẫn vào đâu được. Thích vẽ, như hầu hết những đứa bé con ở bất kỳ vùng miền nào khác, Thu tập tành vẽ từ lúc còn nhỏ xíu. Cuộc đời những tưởng cứ thế đi qua, bình lặng trong vỏ bọc yên ổn chậm chạp cho xong kiếp người, Trần Thị Thu an phận làm cô giáo dạy nghệ thuật tại một ngôi trường vùng cao. 

Tận đến năm 40 tuổi, khi mà đại đa số đàn bà đã tặc lưỡi thôi thế ổn rồi, chấp nhận được rồi, chị có bức tranh tham gia triển lãm khu vực, được giải, được khen, được tán tụng sao đó... Giải thưởng bất chợt bỗng dưng tác động đến Thu, kích hoạt con người nghệ sĩ đang im lìm ngủ say trong chị. Thu quyết định làm cuộc dịch chuyển, bỏ rừng về lại xuôi. 

Họa sĩ Trần Thị Thu bên tác phẩm đang hoàn thiện của mình.

Ùa vào đời sống đô thị, phản xạ dễ thích nghi, dễ hòa hợp với môi trường của người miền núi là lợi thế để chị giao du hội nhập. Thu tự chọn lối đi cho mình, tự xác định chỗ đứng. Chị khôn ngoan lách qua khe cửa hẹp, tự do tung hứng chính mình trong trò chơi bôi màu trên vải. Bao năm ở Sơn La, quen mắt với những cảnh tượng phụ nữ dân tộc quay tơ dệt lụa, nhuộm sợi dệt thổ cẩm, Thu hồi ức lại quá trình ấy bằng tư duy của một người làm nghệ thuật đương đại. 

Một dạo vải vẽ màu tự nhiên của họa sĩ Trần Thị Thu đã thành thương hiệu Big Thu, một thú vui của những người thích dòng thời trang đậm cá tính. Khăn của Big Thu, áo dài Big Thu, váy đầm Big Thu vừa là thử nghiệm mới mẻ, vừa là sinh kế để Thu trụ lại với Hà Nội, với dặm dài nghệ thuật chưa nhìn đâu ra đích đến, điểm dừng.

Chơi với lụa, vẽ trên vải chỉ là một đoạn đường đi của Thu Trần. Bản năng nguyên thủy kìm nén nhiều niên đại sục sôi quẫy đạp trong chị phải là những cuộc chơi lớn hơn mới hạ nổi nhiệt. Cuối năm 2017, Trần Thị Thu làm triển lãm cá nhân đầu tiên ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một sự ra mắt nghiêm ngắn và đường hoàng hơn cho danh xưng họa sĩ. Thu vẽ trừu tượng, cách thức làm sướng chính mình chứ không màng đến công chúng. 

Đương tuổi hừng hực, quá nhiều năng lượng, quá nhiều khát khao buộc phải chia sẻ, Thu tung hứng nhảy nhót trong tranh, lập bập, cuống quýt “nhanh với chứ vội vàng lên với chứ”, gấp gáp cứ như thời gian không chờ đợi. Cuộc chơi vẩy màu trên vải, những biến chuyển mạnh mẽ khoáng đạt đó mới chứa chở được sức mạnh, sự khỏe khoắn phóng túng của Thu. Chị chất chứa trong mình nội lực của nhiều vùng văn hóa, sẵn sàng biến hình thành xù xì, trần trụi bỏ qua những cảnh vẻ làm dáng ngoài đời và chỉ điệu đàng, nữ tính trong tranh, trong từng tác phẩm, dù đó là sơn dầu hay vải...

Cảm giác Thu làm gì cũng đều chưa tới sức, vẽ cũng vẫn khiến chị thòm thèm như chưa thể đến cái ngưỡng của mình. Hoặc giả, sáng tạo nghệ thuật với chị là quá trình chứ không hẳn thành quả cuối cùng, chị sung sướng, hạnh phúc với việc thực hành nghệ thuật hơn là ngắm nghía tác phẩm được trình làng. Thu đúng kiểu người đi rừng, ngây ra tận hưởng một tiếng chim bất chợt giữa thâm sơn cùng cốc, ngẩn ngơ vì tia nắng mặt trời lọt qua những đám lá ken đặc, rậm rì, một người đi rừng thỏa mãn với từng bước chân mà chẳng mấy bận tâm đi nhanh hay chậm, tới đích sớm hay muộn. 

Nhúng cả bàn tay vào màu rồi dùng 10 ngón tay múa lên lụa, Thu tương tự nghệ sĩ piano gạt sang bên thực tại bỏ quên luôn thính giả, chỉ còn mình với chính mình chơi vơi trong từng phút giây sống... Có lúc không chế ngự được tâm can, chị lẩm bẩm ra lời. Bảo Thu đấy là thơ, chỉ thấy cười xòa “chị dốt chữ nghĩa lắm”: “Đêm, Về đâu, Đêm hỡi, Cõi mênh mang, Cô tịch, Đến khôn cùng! Hỏi đêm thâu, Hay hỏi trời hừng sáng, Chốn ta về, Còn có buồn hay vui!” nhưng tất cả ở người đàn bà vừa sang tuổi 50 này vẫn là cái mông lung, thơ trẻ và tự nhiên đến khôn cùng...

2. Trần Thị Thu tuổi Tuất, dù bản tính chị tương thích với con ngựa bất kham miền sơn cước, đang tự chế ngự mình, vỗ về, xoa dịu mình, khuôn mình vào một phép tắc do chính mình đặt ra, nhằm tương thích hơn với nhịp sống đương thời... Khuôn gì thì khuôn, phép gì thì phép, làm tóc đẹp, trang điểm xinh, mặc đầm sành điệu, tham gia các event thời thượng, những sáo mòn ấy bó buộc Thu vào cái mặc định khiến chị càng cô đơn và rồi chị lại xé toạc, bứt tung để nguyên sơ một Big Thu của khởi nguyên rừng núi. 

Tác phẩm sắp đặt “Trở về” của họa sĩ Trần Thị Thu.

Đàn bà nguyên thủy là Thu gặp một đàn bà lên đồng nữa là Phó An My, hai cá tính điên điên ngược dòng chập vào nhau làm nên vụ nổ cầu chì tung tóe, nguồn năng lượng lan tỏa làm ấm bừng lên những ngày giá rét ở đồi PAM bản Chiềng Đi. Thu Trần được Phó An Mỹ rủ rê gạ gẫm làm cuộc “Trở về”, một cuộc trình diễn lụa ánh sáng kì ảo giữa núi giữa rừng. Năm 2019 Thu vào Hội An “Giăng tơ”, cũng là một sắp đặt trình diễn với lụa. 

Ở ngay trên một điểm dừng của con đường tơ lụa nối dài lịch sử, Thu Trần đã phả không khí của cuộc sống vào suối vải, khiến cho một phần phố cổ chộn rộn hơn trong tinh thần nghệ thuật. “Giăng tơ” để “Trở về”, họa sĩ Trần Thị Thu về lại Sơn La, về nhà mình, chơi với đồng bào mình, chơi với không khí đã quen thở, núi đồi đã quen bước chân leo trèo, rừng cây đã quen từng mùa chuyển màu thay lá. 

Thu làm một cuộc chơi dốc ống, vét cạn túi tiền của mình và của Phó An My, chả màng đến ngày mai sống bằng gì ngày kia tết nhất tới nơi rồi tiêu pha bằng gì nữa. Thuê một dàn ánh sáng xịn xò từ Hà Nội lên, dành “500m sắt cho một cụm sắt tết vải đường kính 5m chiều dày 3,50m làm cụm tơ chính, khoảng 5.000m vải Oganza, 300kg acrylic, 80lít màu nước để tạo nên tác phẩm sắp đặt tại địa hình”, cú tự tay “đốt nhà” cốt tạo nên “Con đường “Trở về” bằng hình ảnh trên hai quả đồi, dưới ánh sáng của đèn LED, sương mù của mùa đông, ánh nắng của mùa xuân” làm bừng sáng “một không gian mới với nhiều cảm giác mới”... 

Thu bảo: “Đại dịch COVID-19 đã thức tỉnh toàn nhân loại, nó khiến chúng ta bình tĩnh suy ngẫm, sống chậm lại và suy nghĩ về việc trở về. “Trở về” chính là làm mới, chính là con đường hướng tới sự hòa hợp vốn có với thiên nhiên, với nguồn sinh dưỡng cho sự phát triển”. 

Trần Thị Thu ngang ngược và ngạo nghễ chọn thiên nhiên làm đối tượng tương tác cho tác phẩm của mình, dựng nên một bức tranh trừu tượng khổng lồ giữa thiên nhiên bao la rộng lớn. Đêm sương Tây Bắc, giữa cái khắc nghiệt của đại hàn có mưa tuyết, người dân bản Chiềng Đi, người dân xã Vân Hồ lần đầu tiên lâng lâng, mãn nhãn hú lên từng đợt thụ hưởng vẻ đẹp ma trơi của khối kim cương nhân tạo khổng lồ và những dòng suối lụa, ánh sáng, âm thanh chảy dài vô tận. Thu đã sướng, sướng đến độ quên béng là mình sạch sành sanh tiền, sướng nữa khi bạn bè đồng nghiệp dúi vào tay đỡ đần chung sức: “Chị lại có tiền. Vũ Đình Tuấn cho 6 triệu, hôm qua được tài trợ nữa. Thế là ổn”.

Ổn với Thu Trần tức là lại manh nha một cơn “điên” mới, ngấm ngầm bồi bổ mình chờ đợi ngẫu hứng mới. Thu nếu chăm chỉ tính toán thực dụng rạch ròi, sẽ yên ổn vẽ tranh nghịch chơi với vải, để làm hàng, để bán, để góp nhặt tích lũy đồng ra đồng vào. Nhưng Thu làm nghệ thuật, thực hành nghệ thuật là nhấm nháp mỗi giây phút sống, sao cho mỗi ngày tháng không trôi qua trong vô vị. Và Thu hạnh phúc ngay trong sự cô đơn, ngay từ chọn lựa: Nghệ thuật là con đường đi, chứ không hẳn điểm đến, bởi điểm đến của mỗi cá nhân trong cõi người này, đều đã được xác định ngay từ khi lọt lòng mẹ. 

Ngô Hương Sen
.
.