Họa sĩ Đào Hải: Chàng "tí quậy" thân thương

Thứ Năm, 06/08/2020, 09:03
Đào Hải có dáng người cao lớn. Gương mặt hiền lành. Đôi mắt luôn mở to như quan sát và ghi nhận từng sự vật. Khi nói, miệng anh rất có duyên. Bộ ria mép luôn giật giật như rắc thêm gia vị vào câu chuyện. Những chuyện của anh kể, dù nghiêm túc đến đâu, người ta cũng nhìn thấy một góc nhìn hài hước.


Khoảng đầu những năm 2000, họa sĩ Đào Hải thường mang đến Tạp chí Thế giới điện ảnh chùm tranh vui về điện ảnh.

Chuyện vui về điện ảnh có nhiều, nhưng không phải họa sĩ nào cũng có thể vẽ được. Và trong ngành này, họa sĩ có có nhiều “hạng mục”. Nào họa sĩ thiết kế bối cảnh, nào họa sĩ thiết kế trang phục, họa sĩ đi nét, họa sĩ tô màu v.v... Riêng Đào Hải là người làm được nhiều công việc của một họa sĩ. Những bức tranh vui của anh thường châm biếm những chuyện “không tức không cười” trong làng điện ảnh. 

Họa sĩ Đào Hải.

Chẳng hạn, cảnh mặt trời lên cao, diễn viên quần chúng là các ông bà nông dân đã tập trung đông đủ nhưng diễn viên chính vẫn còn “khò khò kéo gỗ”, dưới chân giường là mấy quân bài lả tả và chai rượu rỗng không! Hoặc bức tranh miêu tả các diễn viên phải đóng cảnh ăn cơm nhưng các đạo cụ là thịt, cá đã “bốc mùi” từ hôm qua nên ai cũng nhăn mặt, bịt mũi! Hay cảnh các nhà làm phim tài trợ vẽ kịch bản con lạc đà có 3 bướu. Một ông nói: “Lên cục duyệt, họ cắt đi một bướu là vừa” v.v... 

Dưới những bức tranh vui liên hoàn đó, Đào Hải chọn cho mình một bút danh khiêm nhường là “Ong thợ”. Anh thân quen với tạp chí đễn nỗi, nhiều người không gọi tên anh mà thường gọi: “A! Ong thợ đến rồi!”.

Đào Hải có dáng người cao lớn. Gương mặt hiền lành. Đôi mắt luôn mở to như quan sát và ghi nhận từng sự vật. Khi nói, miệng anh rất có duyên. Bộ ria mép luôn giật giật như rắc thêm gia vị vào câu chuyện. Những chuyện của anh kể, dù nghiêm túc đến đâu, người ta cũng nhìn thấy một góc nhìn hài hước. 

Giọng anh tuy hơi khàn nhưng lại thích hợp với khẩu vị của những câu chuyện đó. Vì vậy, bạn bè và đồng nghiệp thường rất thích ngồi tiếp chuyện anh. Dạo cùng làm ở Hãng Phim truyện Việt Nam, sáng sáng anh lại rủ tôi vào mấy quán nhỏ. Uống trà thì ít mà đưa chất cay cay vào miệng thì nhiều. Cùng với chất men là những câu chuyện cười đến đau cả người.

Tôi không ngờ những bức tranh như những cảnh phim nhỏ ấy là bước đệm để vài năm sau, anh cho ra mắt những tập truyện tranh comic mang tên “Tý quậy”. Từng tập, từng tập một, “Tý quậy” dần thu hút sự chú ý của bạn đọc thiếu nhi. Cùng với sự nỗ lực, động viên của Ban Biên tập NXB Kim Đồng, “Tý quậy” đã được tái bản nhiều lần, được “nâng cấp” từ tranh “đen - trắng” thành tranh màu sinh động, bắt mắt hơn. 

Đào Hải tâm sự: “Tý quậy là một phần tuổi thơ của tôi, của bạn bè tôi. Tôi không mong Tý trở thành nhân vật điển hình. Tôi chỉ ước sau này Tý quậy là một người bạn gần gũi, quen thuộc và sống đúng với nghĩa tuổi thơ. Thật không khôn ngoan khi dạy trẻ phải suy nghĩ những gì mà nên hướng cho trẻ thơ cách nghĩ. Một đứa trẻ không hoạt bát thì tuyệt đối sẽ không trở thành người thông minh. Có câu danh ngôn rằng: “Việc độc nhất vô nhị và không gì có thể thay thế, đó là hồi ức về tuổi thơ. Vậy khi làm sách “Tý quậy”, bên cạnh tình yêu thương, trong tôi có cả sự tôn trọng...”.

Những suy nghĩ trên khẳng định, Đào Hải là một nghệ sĩ rất trân trọng ký ức, tôn trọng trẻ thơ. Sau bao năm làm việc, xây dựng gia đình, trở thành người chồng, người cha, Đào Hải mới thể hiện quan điểm giáo dục trẻ thơ của mình bằng việc kể chuyện. Cách thức anh lựa chọn cũng hết sức độc đáo. 

Truyện tranh comic ra đời giữa bao sự cạnh tranh, lấn át của những người khổng lồ như “Doreamon”, “Conan” v.v... Nhưng, anh luôn tự tin vào tài năng và phẩm chất nhân vật của mình. Những nhân vật thuần Việt của anh sẽ có sức hấp dẫn riêng đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Chúng gần gũi hơn về không gian, bối cảnh trường - lớp cũng như những tình huống, chi tiết trong câu chuyện.

Bộ “Tý quậy” của anh chỉ có 3 nhân vật chính là Tý quậy, Tèo và cô bé Tún. Tý quậy chính là hình ảnh của Đào Hải hồi nhỏ. Ham chơi, tinh nghịch nhưng lại giỏi lý sự. Tèo sống cùng chung cư với Tý. Cậu học kém nhưng hiền lành, thương người. Còn Tún là em gái Tý. Cô bé có tật hay mách lẻo nhưng dễ thương. Ngoài ra còn những nhân vật “vệ tinh” khác như thầy giáo, bố Tý, mẹ Tý... 

Có thể nói, Đào Hải sáng tác bộ truyện tranh này không có gì khó khăn. Nơi chung cư anh sống, khu Thành Công, như trong truyện. Hai đứa trẻ nhà anh là nguyên mẫu. Vợ anh là giáo viên. Người cha của anh là một Nhà giáo nhân dân. Căn phòng trong truyện cũng giống như căn phòng của anh. Tường nhà treo tờ lịch. Có cái bàn nhỏ. Trên bàn là phích nước, ấm trà. Chỉ với vài đồ vật ấy thôi nhưng anh đã thổi vào chúng cái hồn vía giản dị mà ấm cúng của một thời yêu dấu. 

Tôi rất thích nét vẽ của anh khi tạo hình nhân vật. Từ Tý, Tèo, Tún... đến thày giáo, cô giáo v.v… nhân vật nào của anh cũng mang gương mặt đôn hậu, tươi sáng. Các động tác của nhân vật rất sinh động. Lời ăn tiếng nói của bọn trẻ được anh chăm chút. 

Có dạo, phụ huynh viết thư về nhà xuất bản, kêu tụi nhỏ ăn nói có phần “thoải mái” quá, Đào Hải lập tức điều chỉnh ngay. Thậm chí, để các nhân vật nói “ngôn ngữ” của học sinh hôm nay, Đào Hải đã bỏ nhiều thời gian, đóng vai ông bố ngồi chờ con ở các cổng trường tiểu học để lắng nghe lời ăn tiếng nói của các em. Chính vì vậy, comic “Tý quậy” của Đào Hải đã thực hiện những chuyến du hành sang thể loại phim hoạt hình và đưa lên kênh YouTube.

Đào Hải đi đứng thong thả, ăn nói chậm rãi và làm việc cũng... từ tốn. Dân điện ảnh truyền tai nhau mãi câu chuyện về Đào Hải khi làm phim “Giải hạn”. Hôm trước, đạo diễn Vũ Xuân Hưng giao cho họa sĩ Đào Hải tìm một ao bèo, để hôm sau, sẽ quay cảnh nhân vật ném hòn đá xuống. Đào Hải hỏi: “Ý tưởng của cảnh này là gì nhỉ?”. “Nó biểu hiện cho sự tù túng ở làng quê. Thế mà cũng hỏi!”. “Hiểu rồi! Hiểu rồi! Ông yên tâm!” - Đào Hải khoát tay. 

Buổi chiều, anh dẫn hai cậu họa sĩ trẻ trong tổ thiết kế vào làng tìm mua bèo. Loanh quanh một hồi, thấy mùi rượu tỏa ra thơm ngát từ chái bếp. Đào Hải ghé vào. Ông chủ đang nấu rượu. Hải hỏi mua bèo. “Trời! Tưởng gì! Bèo hả? Ao nhà tôi đầy. Chốc nữa, thằng con đi học về, tôi bảo nó vớt cho anh cả gánh. À, các anh mua bèo làm gì?”. “Làm đạo cụ để quay phim”. “Làm phim hả? Đúng là nghệ sĩ rồi. Nhìn anh, tôi thấy chất “nghệ” tỏa ra đầy người. Vào đây, làm chén đã. Rượu đầu be, chè giữa ấm. Ngon phải biết!”. Thế là nhóm Hải sa vào cuộc nhậu. Chủ nhà lại hảo tâm, mang mồi ngon ra đãi. Anh em uống mê tơi. Sẩm chiều, Hải nắm tình hình ao bèo qua con trai ông chủ. Rồi đánh một giấc ngon lành qua đêm.

Sáng hôm sau, đạo diễn Vũ Xuân Hưng và quay phim, diễn viên ra hiện trường. Chẳng có ao bèo nào. Chỉ có một khoảnh bằng cái chiếu, lơ thơ. Hưng tức lắm, quay về tìm. Họa sĩ đang say giấc nồng. Đạo diễn lay họa sĩ: “Ông Hải! Ông làm ăn thế nào hả? Sao bèo có mỗi một nhúm thế kia?”. Hải giật mình, tỉnh giấc. Mắt trợn tròn, bồi hồi kể về giấc mơ vừa xong: “Trời ơi, ông biết không? Tôi đang mơ! Tôi mơ thấy phim mình được đi Cannes. Ông mặc complet oách lắm. Đi trên thảm đỏ. Hàng trăm máy ảnh chĩa vào ông. Bấm toanh toách! Đúng là Cannes! Cannes thật ông ạ!”. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng tuy đang giận nhưng vốn hiền lành, cũng bật cười về sự nhanh trí của Hải.

Làm công việc sáng tạo, Đào Hải luôn nghĩ ra việc để làm. Dạo chưa có Internet, anh bàn với NXB Kim Đồng ra bộ lịch sử điện ảnh thế giới bằng hình ảnh. Và anh mang việc đó về cho Tạp chí Thế giới điện ảnh. Chúng tôi thay nhau làm. Từ thời kỳ phim câm đến Đại chiến thế giới I và II. Rồi chân dung và sự nghiệp của bao ngôi sao điện ảnh thế giới. Bộ sách điện ảnh đó cùng những bộ sách về hội họa, âm nhạc... là những món quà hữu ích cho tuổi thơ. Chúng như những cánh cửa nhỏ mở ra cho các em khám phá những chân trời văn hóa - nghệ thuật.

Những năm sau này, Đào Hải luôn được đạo diễn Bùi Cường rủ đi miền Nam làm những bộ phim truyền hình nhiều tập. Hai người vốn hiền lành, đam mê công việc nên hợp cạ với nhau. Đào Hải tỏ ra rất thích thú với vùng đất phương Nam, nơi thường có những cuộc nhậu lai rai. Làm phim truyền hình dài tập không chịu nhiều áp lực như làm phim điện ảnh nên công việc cứ “từ từ mà tiến”. 

Nhưng, mỗi khi xong một phim, được ít ngày xả hơi, về Hà Nội, Hải lại thường ghé qua 51 Trần Hưng Đạo. Anh lấy ít tạp chí hội họa rồi lại ngồi với anh em Thế giới điện ảnh. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại thấy anh như sạm hẳn đi. Chắc phong trần cùng nắng gió phương Nam.

Khi những cuốn comic “Tý quậy” đang tưng bừng trên tay bạn đọc thì họa sĩ yêu quý của chúng ta phải vào viện. Tuy mang bệnh nặng nhưng sự lạc quan, hài hước vẫn toát ra từ Đào Hải. Anh hoàn thành tập 8. Sang đến tập 9 thì Đào Hải không vẽ được nữa. Anh chỉ viết phần lời. Còn phần hình, họa sĩ Nguyễn Quang Toàn thể hiện. 

Tập này mang tên “Bão đổ bộ”. Cơn bão làm bài tập và cơn bão thiên nhiên chồng lên nhau gây ra nhiều tâm trạng trong gia đình Tý. Và Đào Hải cũng gắng hoàn thành xong cuốn sách để cơn bão số phận cuốn anh đi. 56 tuổi đời. Anh ra đi thật vội. Nhưng, cách anh ra khỏi cuộc đời thật mãnh liệt, như lời reo vang của bố Tý quậy ở trang cuối khi cơn bão tràn về: “Bão rồi! Hay quá! Tuyệt vời! Bão to lắm! Ha ha...!”.

Đám tang anh, bạn bè đến thật đông. Ai cũng thương anh và trách... rượu. Chúng tôi gặp một người phụ nữ hiền dịu đến tiễn anh. Hỏi thăm, mới biết, chị chăm sóc người thân nằm cùng phòng bệnh với Đào Hải. Chị và con chị là độc giả thân thiết của “Tý quậy”. Nhưng, chị không thấy tác giả “quậy” tý nào. Chỉ thấy “Anh ấy nằm trên giường bệnh những ngày cuối đời sao hiền đến vậy!”. Đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, có những người trọn đời thương yêu. Có những người ngàn ngày thương yêu. Và có cả những người mới gặp đã mến thương...

Đoàn Tuấn
.
.