Họa sĩ Tô Chiêm: Lặng lẽ với những đam mê

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:21
Họa sĩ Tô Chiêm có một vẻ ngoài xù xì, thô mộc. Hội họa của Tô Chiêm cũng ít nhiều chứa đựng cái dáng vẻ ấy của anh.

Xem tranh của Tô Chiêm qua mạng internet, qua Facebook cá nhân, chưa chắc đã thấy đẹp. Hình như Tô Chiêm không hợp với thế giới “lao xao ảo diệu ấy”.  Tranh của anh bên ngoài đẹp thực thà lắm, nhiều rung động lắm. Ở đó dung chứa tâm hồn anh, suy nghĩ của anh và dung chứa những tha thiết của anh với cuộc đời.

Là con nhà nòi, truyền nhân của cố họa sĩ Phạm Văn Tự. Người cha vì mê bút danh Tô Chiêm mà lấy bút danh đó đặt tên cho con trai, có lẽ cũng với một ước mong con trai lớn lên sẽ theo nghiệp vẽ của bố chăng? Thế mới có câu chuyện Chiêm “cha” và Chiêm “con”, mỗi khi người trong giới hỏi tới. Điều đó cho thấy khao khát của Chiêm “cha” đã thành hiện thực khi ban cho ông một Tô Chiêm "con" nối nghiệp cha, tiếp tục đi trên con đường tìm kiếm cái đẹp, tìm kiếm nghệ thuật.

Tô Chiêm là dân đồ họa, học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Những năm 90 khó khăn, anh mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau như đi dạy học, làm sân khấu. Sự gặp gỡ với họa sĩ Phạm Quang Vinh đã giúp anh kết mối duyên bền chặt với NXB Kim Đồng, ngôi đền thiêng của văn học thiếu nhi, nơi chứa đựng kho báu của thế giới tuổi thơ cho trẻ em mọi miền đất nước. Đây cũng là những năm tháng đẹp đẽ và nhiều thành công nhất của anh trong việc làm sách cho thiếu nhi, góp cho kho tàng sách thiếu nhi những tác phẩm để đời.

Một trong những cuốn sách anh tâm đắc ấy là: Nhà xuất bản Kim Đồng - 50 năm với mỹ thuật cho thiếu nhi. Một cuốn sách với trên 450 họa sĩ thuộc 5 thế hệ với các tác phẩm chính của họ. Để làm được cuốn sách này, họa sĩ Tô Chiêm đi tìm tư liệu, xây dựng bản thảo. Nội dung của cuốn sách trải dài từ những năm đầu tiên, khi sách Kim Đồng chỉ là một phần nhỏ của NXB Văn nghệ in trong chiến khu từ năm 1951 kéo dài cho tới 50 năm sau. Hay bộ sách tư liệu quý giá vừa mới xuất bản năm 2019 Họa sĩ Ngô Mạnh Lân, một đời mơ những giấc mơ thơ trẻ; Họa sĩ Mai Long, những bức tranh như những bài thơ; Nguyễn Bích, họa sĩ của những ô tranh nhỏ v.v...

 Có lẽ công việc làm sách, đi tìm tư liệu quý cho sách đã dẫn lối Tô Chiêm tới một thú đam mê khác, đó là thú sưu tầm sách cũ. Trong căn nhà nhỏ 3 gác chật chội bởi tranh và sách, cảm giác như anh chỉ còn chừa lại một không gian bé nhất, tối thiểu nhất cho riêng mình.

Đến ngôi nhà anh mới thấy, anh không thuộc típ người thụ hưởng đời sống. Cái tôi cá nhân thường nhật được gác lại sau cuối, tối giản nhất để nhường hết cho những thú vui từ sách, ảnh, hội họa. Trong một không gian chật chội ấy, tầng 1 để cho vợ mở phòng mạch, tầng 2 dành cho vợ chồng con cái và mẹ già, tầng 3 cái kệ vẽ của Tô Chiêm khó khăn len lỏi giữa ba bề bốn bên là tranh và sách, chỉ đủ anh lách lấy một chỗ ngồi vừa khít thân hình để vẽ. 

Không hiểu trong một không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng và không khí, đến chỗ ngồi vẽ cũng khó khăn, mà sao tranh của Tô Chiêm vẫn ngùn ngụt như những ngọn đuốc nhỏ vượt phá những giăng mắc của số phận để bùng tỏa, để thắp lên vẻ đẹp mạch lạc, rung động giữa ngồn ngang đời sống. Cô đơn đấy mà không nặng trĩu. Cô độc đấy mà không u ám nặng nề. Những bức tranh của Tô Chiêm vẫn thanh khiết cất lên những khúc hát riêng của anh. Ở đó, thẳm sâu trong đời người họa sĩ cực nhọc với số phận, (số phận đôi khi đã thử thách Tô Chiêm ở những quãng dài triền miên khi người vợ lâm trọng bệnh, một mình anh với hai đứa con thơ, mẹ già, ngày đi làm, tối chạy vào viện chăm vợ...).

Ơn trời, những thách thức của đời sống rồi cũng qua đi, Tô Chiêm vẫn cần mẫn, cặm cụi với khao khát được vẽ. Anh như người chầm chậm đi sau, cúi nhặt và tích cóp những thứ quý giá mà có thể người đời vì những hào nhoáng mà bỏ sót. Anh nhặt hết, thu hết trong chiếc túi nhân sinh của mình, để âm thầm một lúc nào đó ngồi lại, tỉ mẩn thưởng thức và chuyển hóa theo cách riêng, miễn là mang lại cho đời sống.

Tác phẩm “Làng ven sông”.

Được tận mắt mục sở thị kho sách mà anh dày công sưu tập, tôi thầm khâm phục anh. Giữa những năm tháng mà miếng cơm manh áo luôn là thứ không dễ dàng với một công chức nhà xuất bản như anh, mà hễ có tiền anh dành dụm để sưu tập sách. Anh sẵn sàng móc hầu bao những đồng tiền cuối cùng trong gánh nặng cơm áo để mua sách, mua ngay khi bắt gặp, nhiều khi sợ những cuốn sách quý trên gánh đồng nát kia sẽ lạc vào lò giấy vụn. Anh tìm đến các đầu mối tiêu hủy sách báo cũ, sợ mất đi những thứ quý giá mà người đời vô tình không biết đến.

Mới đây, anh mua được những cuốn sách văn nghệ cũ vô cùng quý xuất bản từ những năm 1950 trở lại đây như bộ Văn nghệ quân đội xuất bản từ năm, 1956, 1957, 1958, 1959. Trong đó có những cuốn sách văn nghệ  miền Nam trước năm 1975 được anh nâng niu như báu vật đó là cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc xuất bản tại Sài Gòn năm 1959; Tuyển tập truyện ngắn Khái Hưng và vô số sách quý khác.

Lọ mọ với thú mê sách, vô tình họa sĩ Tô Chiêm đã trở thành người sưu tập sách và sở hữu những bộ sách cũ quý giá. Có lẽ về thú chơi sách, sưu tập sách của họa sĩ Tô Chiêm một dịp nào đó chúng tôi sẽ có bài riêng phỏng vấn anh về “nghề chơi lắm công phu này”.

Nhưng, sách chưa phải là thú đam mê duy nhất của Tô Chiêm sau hội họa. Song hành với sách, Tô Chiêm còn một thú chơi không kém cạnh đó là ảnh nghệ thuật. Vì mê ảnh, mê những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của tổ quốc mình mà bước chân Tô Chiêm phiêu bồng khắp mọi nẻo dặm dài. Với Tô Chiêm, mọi đam mê nghệ thuật mà anh theo đuổi, mục đích cũng chỉ là để thỏa mãn chính anh, để anh cảm thấy hạnh phúc sung sướng chứ không phải vì bất kỳ thứ gì khác.

Ngay cả việc vẽ tranh, một công việc có thể kiếm tiền tốt thì anh cũng cứ thong dong, chậm rãi. Có cảm giác Tô Chiêm như người đi bên lề những ồn ào danh lợi. Mọi hào nhoáng sặc sỡ thường thấy của giới nghệ sĩ hình như không chạm được vào anh hoặc giả anh cũng chả phải cứ bằng mọi giá mà chạm vào. Anh cứ thế bình an tự tại trong mỗi bước chân, không vội nhưng không dễ, không tham vọng... Một sự chậm rãi mà nghiêm cẩn tìm nhặt những hạnh phúc theo cách của riêng mình.

Với nhiếp ảnh cũng vậy. Một dạo, lúc nào cũng thấy Tô Chiêm kè kè máy ảnh bên mình. Đến những hội thảo đông người, Tô Chiêm luôn chọn một góc khuất kín nhất và tìm những khoảnh khắc của bạn bè để bấm máy. Thỉnh thoảng, trên Facebook, lại thấy anh đã ở đâu đó, khi thì trên những ruộng lúa bậc thang ở Mù Căng Chải, lúc thì ở tít Sapa mùa tuyết và khoe những bức ảnh thiên nhiên thật đẹp.

Tô Chiêm đã từng khiến bạn bè yêu mến anh bất ngờ bởi triển lãm ảnh Tay trái vào năm 2019 với những người bạn.  Ở đó những bức chân dung nhận vật “đắc địa” khi chớp đúng khoảnh khắc lóe sáng của tâm hồn và tính cách nhân vật không thể lẫn vào đâu được. Đó là bức chân dung họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà phê bình Ngô Thảo... Ngoài nhạy cảm với nghệ thuật, còn phải có tài, có năng khiếu bẩm sinh thì anh mới có được những tác phẩm ảnh thành công để tặng lại cho đời.

Tác phẩm “Hoa trong bình thủy tinh” - sơn dầu, 2020.

Nhưng, sách, hay ảnh... đam mê đấy, thiết tha đấy thì vẫn chỉ là những mảng miếng vô hình, ràng buộc và giằng níu để cuối cùng dẫn dắt anh về với mối bận tâm lớn nhất của đời anh, đó là hội họa. Họa sĩ Tô Chiêm từng tham gia nhiều triển lãm toàn quốc và các triển lãm trong nước, nước ngoài như triển lãm tại Trung Quốc, Singapore, Pháp... và có nhiều tác phẩm trong các bộ sưu tập tại Việt Nam, Pháp, Mỹ, Italia, New Zealand...

Họa sĩ Tô Chiêm làm hội họa trên nhiều chất liệu, sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu và ở chất liệu nào cũng đậm đặc cá tính. Như đã nói ở trên, thuộc về tính cách trầm lặng, bởi thế mà tranh của Tô Chiêm cũng cần một độ tĩnh để chiêm ngưỡng. Tôi từng đến nhà Tô Chiêm để ngắm những bức tranh còn thơm mùi sơn của anh.

Tôi phải thốt lên một cách ngạc nhiên vì nhìn cận cảnh, nói cách khác là nhìn mộc, nhìn một cách trực tiếp bên ngoài, tranh của Tô Chiêm đẹp lạ. Ở đó một Tô Chiêm cô đơn trĩu nặng góc nhìn đau đáu với đời sống, với thân phận trong Người đàn ông và con chó; Một mình. Ngay cả ở loạt tranh về đề tài tình yêu, đàn bà như bộ 10 bức về phụ nữ và âm nhạc, những đề tài dễ phiêu nhất thì tranh của Tô Chiêm vẫn đượm một nỗi buồn trinh khiết. Nỗi buồn tựa như những nốt nhạc phiêu bồng, như rượu ủ, như men ngấu, bảng lảng quyện vào tâm trí người xem.

Nghệ thuật của Tô Chiêm cũng như con người anh, luôn là người tách mình ra khỏi số đông, chậm rãi trên đường vắng... Một Tô Chiêm không dễ dàng để chia sẻ và vì thế tranh của anh cũng kén chọn người xem và không phải ai cũng cảm được tranh của anh để thừa nhận. Nghệ thuật vốn nghiệt ngã..., quan trọng trên con đường ấy người nghệ sĩ kiên định với tinh thần của riêng mình.

Nói về hội họa của Tô Chiêm, không thể không nhắc đến một mảng miếng từng làm nên dấu ấn riêng của anh. Đó là tranh minh họa sách và báo. Những bức minh họa đã làm nên một đặc sản Phạm Tô Chiêm luôn đau đáu với thế sự, một người nghệ sĩ có trách nhiệm trước thời cuộc, sẵn sàng bày tỏ quan điểm của cá nhân thông qua nghệ thuật.

Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên nhận xét về nghệ thuật của Tô Chiêm: "Là một họa sĩ theo đuổi nghệ thuật đa phong cách, thích và chịu ảnh hưởng về mặt tinh thần và phong cách của nhiều họa sĩ bậc thầy thế giới và dân tộc... người có khả năng "tiêu hóa" một cách chủ động và ý thức về "món ăn" tinh hoa nghệ thuật của nhân loại, đã và đang trên con đường đi tìm bản ngã riêng của mình thông qua những câu chuyện giản dị của đời sống bản thân. Sẽ thật tuyệt nếu như câu chuyện đó gần nhất với sự thật của người nghệ sĩ".

Đầu năm 2020, trong nhưng ngày “ở nhà là yêu nước”, Tô Chiêm vẽ loạt tranh tĩnh vật hoa mới. Tôi đã may mắn được xem những bức vẽ mới nhất của anh và ngỡ ngàng trước một Tô Chiêm xù xì đấy, thô mộc đấy, thâm trầm đấy nhưng xôn xao cảm xúc, xôn xao rung động. Hình như những bức tĩnh vật hoa đẹp lạ này là khoảng nghỉ ngơi của những lao động mệt nhọc cho những nung nấu nghệ thuật mới của anh trong thời gian tới. Nung nấu này, Tô Chiêm chưa muốn tiết lộ.

Vô Thường
.
.