Chân dung quyền lực triều Nguyễn (kỳ cuối):

Hà Tông Quyền: “Chánh văn phòng hoàng cung” của Minh Mệnh

Chủ Nhật, 18/10/2020, 10:26
Bất cứ bộ máy chính trị nào đều tồn tại các chốt chặn quyền lực. Chúng ta thường chỉ chú ý tới các quan chức với thứ bậc cao, hoàng đế, tổng thống, thủ tướng, chủ tịch... mà quên mất sự vận hành có tính chất hệ thống của bộ máy quyền lực nhà nước.

Các viên cận thần, thư ký, thái giám tin cẩn, chánh văn phòng phủ tổng thống... là các mắt xích đặc biệt của hệ thống quyền lực tối cao. Vai trò của họ không phản ánh trực tiếp qua thứ bậc của bộ máy mà đến từ khả năng giao tiếp với người đứng đầu bộ máy. Họ không chỉ có được đôi tai của người đứng đầu mà nhiều khi có khả năng đạo diễn để tạo dựng các chương trình nghị sự vây quanh người đứng đầu và dẫn dắt các khuynh hướng thực hành quyền lực có lợi cho mình.

Những người đứng đầu nội các, cơ quan hoàng cung của Minh Mệnh đã tham gia vào một hệ thống chốt chặn như thế. Họ là người đầu tiên tiếp cận với dòng thông tin, tấu sớ gửi vào hoàng cung và cùng là người đầu tiên được nhà vua hội ý các chương trình nghị sự, giao soạn thảo chiếu chỉ, công văn quan trọng dưới danh nghĩa hoàng đế.

Đáng tiếc, nghiên cứu sử của chúng ta vẫn chưa chú trọng tới các gương mặt này, bởi chính họ đã tạo ra các mảnh ghép sống động cho bức tranh về sự vận hành của nhà nước và vương quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Điều đó sẽ trả lời nhiều câu hỏi lớn về cấu trúc nhà nước. Ai là người nắm quyền, ra các quyết định và đằng sau các quyết định đó có sự tham vấn, thúc đẩy, hay ý tưởng của những cá nhân nào? Từ đó giúp phác thảo các mô hình về sự vận hành của quyền lực nhà nước trong lịch sử Việt Nam.

Một trong những ngôi sao chính trị tạo nên sức mạnh cho bộ máy hành chính, quyền lực và thời đại của Minh Mệnh chính là quan chức có tên Hà Tông Quyền.

“Minh Mệnh chính yếu” và “Khâm định tiễu bình Bắc kỳ nghịch phỉ chính biên” - hai công trình quan trọng dưới thời Minh Mệnh do Hà Tông Quyền phụ trách biên soạn.

Nhân vật này xuất thân là tiến sĩ khai khoa của vương triều (1822), được “Đại Nam Liệt truyện” mô tả là “thông minh, nhanh nhẹn”. Thử thách đầu tiên của nhà vua với các viên tiến sĩ này là đưa về các địa phương. Trong 4 năm, Tông Quyền được điều làm tri phủ vùng đất vừa mới xác lập là phủ Tân Bình (Gia Định), sau đó đưa về bộ tại Huế.

Trong ghi chép của “Đại Nam Thực lục”, Hà Tông Quyền là số ít trong các nhân vật mà Minh Mệnh không hề che giấu lời khen cùng với ý định sử dụng, cất nhắc. Sau khi từ Gia Định về, ông được cử làm Hiệp lý dinh vụ Quảng Trị. Nhà vua tuyên bố:

“Quyền, cùng Lê Quang đều là tiến sĩ có tiếng giỏi, trẫm muốn dùng đã lâu, vì Quyền ốm mà chưa dùng. Nay tạm lấy chức tư mục thử xem đấy thôi”.

Hà Tông Quyền sẽ tiếp tục gây được ấn tượng với Minh Mệnh năm sau đó, khi ông từ Quảng Trị về. Đó là lúc bọn tội phạm cũ gây loạn và ông xin nhà vua cho đi đánh dẹp với lí do “trước ở Quảng Trị, phòng dữ không chu đáo”.

Hành động quân sự kết thúc với thắng lợi. Hà Tông Quyền giúp dẹp yên vùng biên giới nhưng bị ốm khi quay trở về. Đây là nhận xét của Minh Mệnh dành cho hành động đó:

“Quyền là văn thần, tự xin vì nước xuất lực, có hăng hái không nghĩ đến bản thân, người như thế, tưởng cũng khá được. Nay vì khí độc bị bệnh nhưng người tốt thì trời giúp, tự có thể giữ được tốt lành vậy”.

Minh Mệnh sẽ còn nhắc tới chi tiết này hàng thập niên sau đó.

Rõ ràng là vị tiến sĩ đã nhìn thấy phong cách chính trị của Minh Mệnh và cách ông dùng người. Tài năng nhưng phải có phong cách làm việc xông xáo, quyết liệt và hiệu quả: đó là mẫu hình các quan chức mà nhà vua mới tìm kiếm. Không phải ngẫu nhiên khi ông liên tục thăng chức cho Nguyễn Công Trứ sau các lần cải thiện tình hình an ninh ở Thừa Thiên và Thanh Hóa; sau đó gọi nhân vật này là Nho tướng.

Đối lập với điều đó là thái độ ức chế của ông với sự hèn nhát của các tướng lĩnh. Khi Phan Thanh Giản đem quân bình định Quảng Nam, thấy tinh quần quân nao núng, ông rút quân về đóng tại đồn, dâng sớ xin chịu tội. Đây là lời phê của nhà vua:

“Không ngờ lũ ngươi hèn nhát như thế đến nỗi làm nống cho giặc, nhụt mất uy thế của mình xem tờ tâu thật là giận đứng tóc gáy”. Phan Thanh Giản sau đó bị cách tất cả chức tước và xung quân.

Sự kiện Quảng Trị chính là bước ngoặt cho sự thăng tiến mới Hà Tông Quyền nơi ông tham dự vào một hệ thống quyền lực khác: văn phòng hoàng cung của nhà vua và đó cũng là nơi mà tài năng văn chương và chính trị của ông thăng hoa trong một thập niên sau đó.

Văn thư phòng là một cấu trúc hành chính đặc biệt của thời kỳ Minh Mệnh. Vua Gia Long, một nhà chinh phục có xu hướng chuyển việc điều hành chính sự cho hội nghị của các viên chức cao cấp được gọi là Công đồng. Chính vì thế, phần lớn thời gian, Gia Long ít khi làm việc trực tiếp với văn bản hành chính.

Hệ quả là hoàng cung của Gia Long có cơ quan văn phòng nhưng đúng nghĩa là thư ký riêng cho vua.

Minh Mệnh sẽ thay đổi cấu trúc này. Nhà vua làm việc trực tiếp với hệ thống văn bản hành chính, yêu cầu tất cả tấu sớ phải xuất hiện trên bàn của ông ở điện Cần Chính.

Điều này tạo ra một cuộc cách mạng tổ chức hệ thống chính trị vương triều vì nhu cầu cai trị trực tiếp của Minh Mệnh tạo ra một cơ quan mới với chức năng không chỉ là thư ký của vua mà còn vận hành toàn bộ hệ thống văn bản hành chính giấy tờ, đề xuất cách thức giải quyết, xử lí, chép lại những lời châu phê của vua, giữ lại bản gốc và đưa bản sao chép đi thi hành.

Cơ quan văn phòng hoàng cung của Minh Mệnh là một cấu trúc quyền lực thực sự, biến đổi từ chức năng thư ký đơn thuần thành chức năng cố vấn và hành chính, tức là tham gia vào quá trình xử lí sự vụ và hỗ trợ nhà vua ra quyết định.

Trong một thập niên, bất chấp sự thăng trầm của chính sự, chiến tranh, quân cơ khẩn cấp hay hòa bình... Hà Tông Quyền là quan chức đứng đầu Văn thư phòng (từ năm 1830 đổi thành Nội các). Phần lớn các chiếu chỉ quân vụ bí mật đều do tay ông soạn thảo. Một khối lượng lớn các bản tấu do ông đọc duyệt hoặc sao chép lại. Nói cách khác, phần lớn các tấu sớ và chiếu chỉ... đều phải đi qua chốt chặn của quan chức Nội các này.

Cùng với sự tin tưởng và ưu ái, nhà vua dành những lời khen ngợi đặc biệt dành cho Hà Tông Quyền: “Mỗi lần có chỉ sai bảo, sắc dụ, [Hà Tông Quyền] bút không ngừng viết, nhiều đến trăm câu đều đủ hết lý sự”. Một lần khác, nhà vua nhận xét về tài năng của ông “Trẫm xem văn chương của Quyền thực là bậc tài tử cứng rắn, nhanh nhẹn, hạng sau này không bằng được”.

Đó là cơ sở để Hà Tông Quyền xây dựng được một mạng lưới quyền lực vững chắc. Bản thân ông được sự ưu ái đặc biệt của vua. Mẹ của ông được nhà vua vời vào Huế ra mắt, thưởng bạc và chính tay vua viết 4 chữ “Vĩnh tích thọ khang” ban cho. Khi Hà Tông Quyền mất, mẹ ông được cấp cho tiền gạo đủ ăn đến hết đời, còn các con được nuôi nấng, khi nào đủ lớn thì bổ dụng làm quan.

Sự sủng ái này tới từ khả năng hòa nhập một cách khéo léo của Hà Tông Quyền vào hệ thống quan trường. Khác với nhiều quan chức, chúng ta thấy khả năng nhạy cảm chính trị của nhân vật này, đặc biệt là quá trình tham gia tích cực vào các cuộc vận động chính trị của Minh Mệnh. Chính ông (cùng Hoàng Quýnh, một gia thần của Minh Mệnh) đã dâng tấu tố cáo tội trạng của Lê Văn Duyệt, nêu ra 6 điều bội nghịch, 7 tội đáng chém (1835). Cũng chính Hà Tông Quyền là người khởi xướng việc biên soạn bộ “Minh Mệnh chính yếu” như một công trình vinh danh thời thịnh trị, thái bình (“giống như Đường, Ngu, Thuấn... xưa”).

Chính điều này đã tạo dựng mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Tông Quyền và Minh Mệnh, nhất là trong bối cảnh Huế phải đối mặt với các cuộc nổi dậy từ Bắc đến Nam. Trong bối cảnh đó, Cơ mật viện, Nội các có vai trò quyết định như một tổng hành dinh, bộ chỉ huy đầu não của bộ máy quân sự Minh Mệnh.

Như chính nhà vua sau này thừa nhận và ghi công, vai trò đặc biệt và xuyên suốt của Hà Tông Quyền trong việc soạn thảo văn thư, chỉ dụ, đặc biệt là văn bản mật và khẩn liên quan tới quân sự đã giúp Minh Mệnh ra các quyết sách quân sự kịp thời. Hà Tông Quyền cũng thuộc số ít các viên chức vừa xuất hiện cả ở Nội các và Cơ mật viện, cũng như khả năng phủ sóng rộng ở nhiều lĩnh vực và các mối quan hệ khác. Ông từng làm chủ khảo nhiều kỳ thi, thậm chí bị điều tra vì khi cháu họ Phan Huy Thực (thượng thư Lễ Bộ) đi thi, Hà Tông Quyền còn mang riêng quyển thi vào Nội các duyệt lại, đến mức bị các quan ngự sử tố cáo.

Đó chỉ là một vài nét chấm phá về một bức chân dung quyền lực ít được biết đến triều Nguyễn, gắn liền với cơ quan Nội các. Tầm ảnh hưởng, khả năng kết nối mạng lưới, sự can dự của nhân vật này vào bộ máy hành chính, chính trị... ẩn giấu bức tranh phức tạp về vai trò của văn phòng hoàng cung như một bộ tổng chỉ huy của các hoàng đế triều Nguyễn. Thành bại của họ cũng phụ thuộc vào khả năng vận hành và kiểm soát bộ máy quyền lực này.

Cuối cùng, câu chuyện về Hà Tông Quyền là chìa khóa cho thấy sự chuyển đổi người cầm quyền, phong cách lãnh đạo và cấu trúc quyền lực đã làm thay đổi cán cân giữa các thiết chế và dẫn tới sự lên ngôi của nhân vật quyền lực mới, cơ quan tổ chức mới. Minh Mệnh đã dùng văn phòng hoàng cung như một bộ chỉ huy quyền lực, tập hợp những viên chức thân tín, tài năng để thúc đẩy dự án chính trị tập trung hóa quyền lực. Ông có những tướng quân mới như Tạ Quang Cự, có các quan chức chiến thuật vòng ngoài như Nguyễn Công Trứ và quan chức vòng trong tin cẩn như Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền.

Đáng tiếc, nhân vật tài năng (và nhiều tham vọng) này mất lúc 42 tuổi (1839), để lại nhiều dấu hỏi lớn và khoảng trống quyền lực vương triều. Một trong các hệ quả trực tiếp là sẽ không có người đủ sức tạo ra đối trọng với Trương Đăng Quế. Và chính địa vị độc tôn của viên quan này sau đó sẽ tạo ra những Nội các và Cơ mật viện rất khác, ở đó quyền lực của các đại thần dần vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của nhà vua. Khi đó, lịch sử vương triều sẽ đi theo một ngã rẽ khác.

Vũ Đức Liêm
.
.