Gió trắng se mùa thơm sáng liễu

Thứ Hai, 03/06/2019, 17:41
Lịch sử văn học Việt Nam có nhiều cặp vợ chồng nổi tiếng. Thế nhưng, ít có đôi văn nhân nào sống bên nhau trọn cả thế kỷ như nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh.


Ít người biết, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920, là tác giả nam cao niên nhất còn tại thế. Còn nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh sinh năm 1927, cũng là tác giả nữ cao niên nhất còn tại thế.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh cùng quê Quảng Bình. Tuy nhiên, gia đình Nguyễn Xuân Sanh di cư lên Đà Lạt và ông được sinh ra ở xứ sở sương mù. Lớn lên, Nguyễn Xuân Sanh được bố mẹ cho ra Hà Nội học hành và lập nghiệp tại thủ đô. 

Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Sanh đã viết trường ca "Lạc loài" với những câu như "gió trắng se mùa thơm dáng liễu/ xa vời nẻo nhạt xanh buồn xanh" gây ấn tượng mạnh mẽ trên thi đàn, vì phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống.

Trong cuốn "Việt Nam thi ca luận" in lần đầu năm 1942, Lương Đức Thiệp đánh giá về tác phẩm "Lạc loài" của Nguyễn Xuân Sanh: "Không một câu thơ nào hay một chữ nào thừa. Hình ảnh, màu sắc, cảm xúc trộn lộn, quấn quýt lấy nhau trong từng câu một, trong từng mỗi chữ giũa gọt tinh vi, cân nhắc công phu. Chúng ta phải thừa nhận ông Nguyễn Xuân Sanh có hồn thơ ấy mới cô đặc lại trong những câu lẻ loi nên ý thơ còn rời rạc. Sự thống nhất trong bài thiếu hẳn. Xem thơ ông, nhiều người không hiểu, bởi nó tối tăm, bởi ông không khéo biểu thị, mặc dầu ông khéo thu gồm được đủ nhạc điệu…

Ông Nguyễn Xuân Sanh vô tình đã biến thành một kiến trúc sư trong việc xây dựng bài thơ. Nhân công ông đã đem dùng quá cái mực thường… 

Muốn hiểu thơ Nguyễn Xuân Sanh, ta hãy nhờ đến trực giác. Cái "thật" và cái "giả" của ông không phân biệt được bằng trí tuệ, bằng óc phân tích, mà chỉ nhận thức được bằng "khiếu", bằng năng lượng. Cái khiếu ấy người ta không ai truyền sang cho ai được. Nó gần như một thiên bẩm".

Là một gương mặt của phong trào Thơ Mới, Nguyễn Xuân Sanh cùng Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm "Xuân Thu Nhã tập", với chủ trương như chính ông trình bày: "Nghệ sĩ ngày nay phải chịu cái trách nhiệm tạo thành những rung cảm ngày sau, những xúc động mới… Nghệ thuật trộn vào chút đau hay vui, chút lạnh hay ấm, đều ướp vào sức sống có- một mà gấp - nhiều…".

Bài thơ tiêu biểu nhất của Nguyễn Xuân Sanh là "Buồn xưa" còn truyền tụng đến hôm nay với những góc độ cảm nhận khác nhau từ phía bạn đọc: "Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi/ Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa/ Buồn hưởng vườn người vai suối tươi/ Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời/ Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu/ Duyên vàng da lộng trái du ngươi/ Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa/ Hồn xa trĩu sách nhánh say sưa/ Hiến dâng/ Hiến dâng quả bồng hường/ Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa/ Đường tàn xây trái buổi du dương/ Thời gian ơi tưới hận chìm tường/ Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi/ Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương".

Tuy làm thơ thì cách tân như vậy, nhưng chuyện tình cảm thì nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh rất… cổ điển. Khi đến tuổi lập gia đình, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nhờ song thân chọn vợ và dạm hỏi dùm mình.

Điều ấy, được chính nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh kể lại, như sau: "Ngày đó anh Nguyễn Xuân Sanh đã rất nổi tiếng, còn tôi mới 17 tuổi, đang học Trường Đồng Khánh, Huế. Có lần về nhà, thầy mẹ tôi nói nhà anh Nguyễn Xuân Sanh xin cưới tôi. Tôi phản đối vì tôi chưa gặp anh Nguyễn Xuân Sanh, chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Ngày đó tôi nghĩ, con trai đi học ở Hà Nội về, đôi khi lại nhiễm thói chơi bời. Bốn năm sau, tôi đi học lớp bồi dưỡng Huyện ủy viên Khu 4, thì anh Nguyễn Xuân Sanh lại là người tổ chức lớp học ấy. Đúng như mẹ tôi nói, có duyên thì còn gặp lại, vậy là bén duyên nhau. Đám cưới của tôi và anh Nguyễn Xuân Sanh do anh Nguyễn Chí Thanh làm chủ hôn, khách dự chủ yếu là anh em văn nghệ sỹ. Đám cưới giản dị, đầm ấm. Và chúng tôi giữ nếp giản dị từ bấy đến tận bây giờ".

Sau đám cưới, vợ chồng Nguyễn Xuân Sanh - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh còn là đồng chí với nhau trên đường cách mạng. Con trai đầu lòng của họ, được ra đời trong bom đạn, đặt tên là Nguyễn Việt Lưu.

Những ngày còn thơ ấu, Nguyễn Việt Lưu thường được Bác Hồ dắt đi chơi ở chiến khu Việt Bắc. Lớn lên, Nguyễn Việt Lưu vào chiến trường năm 1968 và hy sinh ở Phú Yên. Hiện tại, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh được con gái Nguyễn Việt Triều chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ chu đáo.

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh thập niên 1960.

Được sinh ra vào năm 1950, khi Việt Nam và Triều Tiên ký hiệp định ngoại giao, nên con gái thứ của vợ chồng Nguyễn Xuân Sanh - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh được bố mẹ đặt tên là Nguyễn Việt Triều. Là một Phó Giáo sư - Tiến sĩ ngành hóa học, Nguyễn Việt Triều nhiều năm công tác ở Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Bây giờ đã về hưu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Việt Triều dành toàn bộ thời gian cho bố mẹ, với tâm sự: "Trong cuộc sống, cha mẹ tôi luôn nhường nhịn nhau. Tôi hiếm khi thấy bố mẹ cãi nhau hay to tiếng. Mẹ tôi là người quán xuyến công việc trong gia đình, con cái, còn cha tôi, ông miệt mài bên những trang văn. Ngày còn khỏe mạnh minh mẫn, ông ngồi suốt ngày bên bàn làm việc, ông đọc nhiều, viết nhiều và cũng bởi vậy, ông sống lãng mạn, nhẹ nhàng như những trang viết đầy xúc cảm của ông. 

Ông không bao giờ quát mắng con, cũng không ép con phải theo nghề này, nghề kia mà hoàn toàn được chọn lựa theo sở thích của mình. Ngày xưa chúng tôi đi học, cô giáo biết con của nhà văn thì hướng chúng tôi đi theo văn học, nhưng vì không có năng khiếu rõ ràng nên chúng tôi có những lựa chọn của mình. Cha mẹ tôi luôn đồng ý với con, nên gia đình chúng tôi sống hòa thuận và ấm áp".

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh sau khi làm vợ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh mới bắt đầu cầm bút. Tập bút ký đầu tay "Giữ đê giữ làng" của Nguyễn Thị Cẩm Thạnh được xuất bản năm 1957, khi bà tròn 30 tuổi. Tiếp theo những tập truyện ngắn "Làng cát", "Đêm trắng vườn chè", "Chớp nguồn" khẳng định được tài năng sáng tạo của nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh.

Đặc biệt, trong gia tài viết văn của nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh có tiểu thuyết "Âm vang biển sóng" được bà viết từ nguyên mẫu cuộc tình giữa mình với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Vì chồng cũng là một dịch giả thơ Pháp lừng lẫy, nên nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh dùng hai câu thơ của Pierre Reverdy "Một trái tim nơi mỗi từ còn hằn vết cắt/ nơi mỗi lúc cựa mình rỏ máu cuộc đời tôi" để làm đề từ cho tiểu thuyết "Âm vang biển sóng".

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh bộc bạch về đời văn của mình: "Tôi lớn lên giữa một làng biển dưới chân đèo Lý Hòa, cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng thiên nhiên vô cùng nghiệt ngã. Quanh tôi là bà con ngư dân quần quật lam lũ, cả họ ngoại của tôi quanh năm sống với con thuyền đánh cá lênh đênh biển khơi.

Thuở tôi mới nhỉnh ngang cọc chèo, tóc còn để trái đào, tận mắt tôi chứng kiến những cơn bão biển khủng khiếp với ánh mắt đầy lo âu, đau khổ của những người đàn bà trong làng, của các dì ruột tôi có chồng và con bị bão sóng đánh quật vào bờ tơi tả, trắng nhợt. 

Tôi cũng tận mắt chứng kiến những cơn gió cuồng thổi loạn bốc lửa đồi cát làm nhà cửa gần nửa làng cháy rụi tro than. Tiếng khóc than như ri cứa buốt trái tim trẻ nhỏ. Tôi sớm gặp được Cách mạng, với hình ảnh da diết những ngư dân cùng khổ quanh tôi.

Những năm chống Mỹ, tôi đã về các vùng biển chịu chung lửa đạn tham gia trận chiến cùng bà con. Tôi đã cùng đi với chị em trên con thuyền "ba đảm đang" đi lộng, đi khơi… Tôi đã sống trọn những ngày vất vả nhưng vô cùng tốt đẹp với bà con vùng biển mà tôi quý mến.

Bà con nhắn nhủ: Hãy viết về chúng tôi, những ngư dân chuyên làm việc ca ba (vì thả lưới đêm mới được nhiều cá). Những cư dân đầu ráo, áo ướt giữa biển khơi, ăn cơm dương gian làm việc âm phủ… Tôi có thể nói rằng: Tình yêu cuộc sống và lòng thành thực hăng say thể hiện tình yêu ấy, đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm!".

Chuyện tình trăm năm của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Thị Cẩm Thạnh luôn êm đềm và ấm áp, vì lúc nào họ cũng đối xử với nhau theo tiêu chí "phu thê tương kính như tân".

Là đôi vợ chồng nhà văn cao niên nhất hiện nay, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh chia sẻ hạnh phúc được đồng hành trong đời lẫn trong văn: "Chúng tôi, hai người viết văn, hai cá tính văn khác nhau, nhưng tôi và anh Nguyễn Xuân Sanh có điểm chung là tôn trọng tác phẩm của nhau. Thường thì chúng tôi sẽ gợi mở cho nhau những cảm xúc, mạch văn và là độc giả đầu tiên của nhau". 

Lê Thiếu Nhơn
.
.