Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Thứ Sáu, 04/12/2009, 16:07
Trong giới văn nghệ xưa nay, tôi hiếm thấy một cặp vợ chồng nào mà cả hai đều là văn nghệ sỹ, đều là người cầm bút, là nhà văn, nhà thơ mà yêu nhau, kính trọng nhau, trong một mối tình trường thọ, thủy chung son sắt và sống với nhau hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long như cặp vợ chồng nhà thơ Xuân Sanh và nhà văn Cẩm Thạnh.

Xuân này nữa, nhà thơ Xuân Sanh đã ngoài 90, còn bà Cẩm Thạnh thì đã sang tuổi 84. Vậy mà, trong ngôi nhà nhỏ xinh ở cuối ngõ phố Vũ Ngọc Phan, cặp vợ chồng già Xuân Sanh, Cẩm Thạnh vẫn ngày ngày rủ rỉ bên nhau như đôi chim cu cườm không bao giờ rời nhau. Ông bà vẫn xưng hô với nhau như ngày mới bén duyên, vẫn một anh, hai em ngọt ngào và lịch thiệp như câu nói của cổ nhân xưa "Vợ chồng đãi nhau như khách".

Tôi cứ nghĩ, vợ chồng Xuân Sanh, Cẩm Thạnh như đôi tình nhân hẹn yêu thương nhau từ kiếp trước, nợ tình nghĩa nhau từ kiếp này và gắn kết bên nhau chừng cả kiếp sau nữa, nếu có. Tôi gọi họ là đôi tình nhân không có tuổi, lặng lẽ bên nhau, chăm sóc từng ly từng tí cho nhau và bồi đắp cho nhau những khuyết hao trong cuộc sống và số phận vơi đầy này.

Ngôi nhà của cặp vợ chồng già nép sâu ngoằn ngoèo trong ngõ nhỏ phố Vũ Ngọc Phan. Nếu so với hồi còn ở trên phố Trần Quốc Toản có chật chội hơn, có ồn ã hơn, đô hội hơn của một nơi ở trung tâm phố thị thì nơi đây thực là một khoảnh trời riêng đủ rộng cho đôi vợ chồng già, và thừa yên tĩnh để hai ông bà chọn tìm về. Ông bà dời đến ngõ này như tìm đến một chốn bình yên thầm lặng sau biết bao bão tố của cuộc đời và số phận.

Ở nơi này, dẫu xa trung tâm hơn chút ít thì bù lại nhà thơ Xuân Sanh một mình sở hữu hai căn buồng nhỏ, một dùng làm phòng làm việc với bốn bề kê giá sách và bàn viết, với một buồng nhỏ nữa để ngả lưng nghỉ ngơi. Bà Cẩm Thạnh cũng có được một không gian riêng biệt cho mình vừa làm phòng làm việc, vừa là phòng ngủ. Thứ không gian riêng biệt, yên tĩnh tối quan trọng mà bất kỳ người viết nào cũng mơ ước, cũng khát khao được sở hữu.

Tổ ấm của ông bà Xuân Sanh và Cẩm Thạnh thật ngăn nắp và giản dị nhưng lại chứa đầy những kỷ niệm của một thời xa, thời mà Hội Văn nghệ Việt Nam trước và sau Cách mạng từ giai đoạn năm 1939-1945, và 1954 đến 1975.

Nhà thơ Xuân Sanh là người kỹ lưỡng trong việc gìn giữ những kỷ vật vô giá đó. Kỷ vật ấy chỉ là những bức ảnh đen trắng chụp những anh em trong Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ đầu cách mạng, và đầu kháng chiến trong những căn nhà tranh vách đất giữa chiến khu Việt Bắc. Những Xuân Sanh, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Thế Lữ v.v, với những gương mặt trẻ măng tơ của một thời xuân xanh mãnh liệt. Nó là hình ảnh một thời trai trẻ của nhà thơ Xuân Sanh, của những người bạn văn chương lừng lẫy…

Những bức ảnh đen trắng này được nhà thơ Xuân Sanh nhân ra nhiều bản, lồng kỹ vào bóng kính, treo trang trọng trên tường, trên kệ sách và ngay trước bàn làm việc, hay trong phòng ngủ. Để mỗi lần thức dậy, quay mặt vào đâu, ông cũng đụng vào ký ức vang bóng một thời, nhìn đâu cũng gợi nhớ về những người bạn lớn, những gương mặt, những tên tuổi… và quan trọng hơn hết thảy là sống trong không khí ấy, hồi ức ấy, nhà thơ Xuân Sanh luôn nuôi được cảm xúc và tình yêu văn chương không bao giờ lụi tàn.

Nhà thơ Xuân Sanh quê ở miền cát trắng Quảng Bình nhưng lại cất tiếng khóc chào đời ở xứ cao nguyên mù sương Đà Lạt. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, từ ông nội cho đến cha mẹ đều yêu văn chương nên văn chương sớm thấm đẫm trong tâm hồn ông từ thơ ấu.

Tốt nghiệp tú tài ở Hà Nội, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên yêu nước và đi theo cách mạng. 14 tuổi Xuân Sanh đã có thơ in báo, 16 tuổi đã viết bài thơ tình "Xây mơ" đầu tiên gửi cho bạn học thời ấu thơ là Chế Lan Viên, sau đó in ở báo Tiếng địch ở Huế. Bài thơ đó ông chỉ nhớ được hai câu đầu và cuối: "Tay sương lam mờ đương buông tơ/ Nghe sương lam mờ đường giăng mơ/… Nghe mộng ngọt ngào xuôi bến mắt/ Đêm tàn hồn tôi đương buông tơ".

Sau này, khi đã thành danh trên văn đàn, Xuân Sanh đã cùng với những người bạn của mình lập nên nhóm "Xuân Thu nhã tập" để lại ấn tượng mạnh trong tiến trình văn học nghệ thuật Việt Nam, ông cũng là thành viên sáng lập trẻ tuổi nhất của nhóm. Nhóm "Xuân Thu nhã tập" là tập sáng tác của 6 tác giả hợp thành một nhóm văn chương nghệ thuật có cùng quan điểm. Trí thức - Sáng tạo - Đạo lý là tuyên ngôn nghệ thuật của cả nhóm.

Nhắc lại chuyện cũ, gợi nhớ về một thời khi tham gia nhóm "Xuân Thu nhã tập", nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh bồi hồi xúc động như chìm đắm vào một ký ức sống động đầy hoài bão. Ông nhớ lại: Khoảng những năm 1939, nhóm văn nghệ gồm 6 anh em nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ tâm huyết và gắn bó với nhau. Ai cũng mơ ước xây dựng một đôi công trình tốt đẹp cho văn chương nghệ thuật và cho đời. Trong nhóm, ông là người trẻ nhất, còn lại đều hơn ông từ 10 đến 20 tuổi. Anh Phạm Văn Hạnh nguyên là sinh viên, rất yêu thơ, ở trong nhóm Tam Ích, một nhóm nghệ thuật có tinh thần yêu nước. Anh Đoàn Phú Tứ là nhà viết kịch xuất sắc, và là tác giả bài thơ "Màu thời gian" nổi tiếng. Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát là ngọn cờ đầu về âm nhạc truyền thống, Họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung nổi tiếng với những bức họa đậm đà màu sắc dân tộc, anh Nguyễn Lương Ngọc nguyên là Hiệu trưởng Trường Sư phạm I Hà Nội, một người rất yêu văn chương.--PageBreak--

Thời đó, các anh trong nhóm đều rất quý mến và thích Xuân Sanh vì theo ông kể thì hồi đó ông rất trẻ, khiêm tốn, hiền lành mà thơ thì ấn tượng bởi có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới. Thời đó trên báo Thanh Nghị số ra 22 ngày 1/10/1942, trong bài Đọc Xuân Thu nhã tập, tác giả Diệu Anh Đinh Gia Trinh cũng có viết rằng: "Trong những bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh, ta nhận thấy một công phu kiến trúc rất lớn, một thận trọng đặc biệt để tìm lời, chữ. Ta gặp đó đây những câu thơ rất hay, những hình ảnh màu sắc lạ lùng".

Hồi đó, anh em hay họp lại và tranh luận về cái bản lĩnh và sự giả tạo, về nhân phẩm và đạo lý… Đồng thời, bàn về thơ văn, về các bài tiểu luận và cho đăng dần trên báo Thanh Nghị. Cả nhóm cũng hăm hở chuẩn bị cho ra đời một tập sách và ít lâu sau cùng nhau đặt cho tập sách cái tên "Xuân Thu nhã tập". Đến tháng 6/1942, tập Xuân Thu nhã tập ra mắt bạn đọc yêu văn học nghệ thuật trên khắp cả nước. Lúc ấy nhóm nhận được ủng hộ của các nhà văn trí thức, như Nguyễn Khánh Đàm (em ruột nhà văn Nguyễn Tuân) ở trong Nam và cả các bạn Việt kiều ở Ai Lao, Cao Miên.

Trong một cuộc họp của nhóm tại nhà Nguyễn Lương Ngọc, anh đã gợi ý và được cả nhóm đồng tình giao cho Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Xuân Sanh lo bài vở đăng báo, nội dung bản thảo tập sách cũng như việc in ấn. Hồi đó cái tên "Xuân Thu nhã tập" đã ít nhiều gây tranh cãi. Diệu Anh Đinh Gia Trinh có viết rằng: "Xuân Thu, theo cổ tự: cỏ hoa nở dưới ánh mặt trời, và bông lúa chín… Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ… Các tác giả Xuân Thu đi tìm nhạc điệu, tìm con đường sáng tác những cái gì "cao, trong, nhẹ" để đạt tới cái đẹp, cái gì làm ta rung động".

Nhà thơ Xuân Sanh tâm sự: Thật ra, sự xuất hiện cái tên Xuân Thu nhã tập cũng có nhiều tình tiết khá ly kỳ. Song điều cơ bản nhất là cả nhóm cùng nhìn vào đường đi nước bước của văn chương nghệ thuật, vào tuổi trẻ của thơ ca, vào sức sống của thiên nhiên… mà tận thẳm sâu đáy lòng của mỗi người đã bật ra cái tên chung ấy. Chúng tôi cả 6 người, chẳng ai dám nhận đó là sáng kiến riêng của một ai cả. Tình huống để gợi ra cái tên ấy và đi đến thống nhất trong cả nhóm là thế này.

Hôm đó, một sớm chủ nhật đầu năm 1940. Tiết trời Hà Nội rất đẹp, tôi cùng Phạm Văn Hạnh và Đoàn Phú Tứ rủ nhau lững thững đến nhà Nguyễn Lương Ngọc. Mấy anh em đi lên cầu thang gỗ, nghe tiếng chân bước vang lên rất ấm, vào phòng khách bốn anh em ngồi ngắm mấy hoa cúc vàng tươi trong lọ thuỷ tinh tím nhạt. Chợt Phạm Văn Hạnh mỉm cười, nhỏ nhẹ nói: "Chúng ta tìm cho nhóm ta và văn chương nghệ thuật từ nay về sau của chúng ta một cái tên đi chứ". Nguyễn Lương Ngọc mới bảo rằng: "Bọn mình hay bàn về nghệ thuật vĩnh hằng, mà cuộc sống cũng phát triển có ngừng đâu". Lúc đó tôi còn ngồi trầm tư thì đoàn Phú Tứ vốn nhanh nhảu đã lên tiếng: "Hay ta cho nó một cái tên mùa?". Gương mặt Nguyễn Lương Ngọc vui đến ngỡ ngàng: "Mùa?". Tôi mới bồi vào: "Mùa? Mùa xuân hay mùa thu nhỉ?". Đoàn Phú Tứ chộp ngay: "Xuân thu vậy!".

Tôi còn nhớ rằng lúc đó tôi ngước nhìn mảnh trời xanh biếc qua khung cửa sổ và nói rằng: "Xuân thu là hai mùa đẹp nhất trong năm, chúng đi với nhau theo nhịp tuần hoàn trái đất". Nguyễn Lương Ngọc đang bình thản gõ ngón tay vào lưng ghế tựa tiếp: "Và cuộc sống nữa ấy chứ! Chúng ta hãy luận giải với nhau về mấy chuẩn mực rất triết học: Trí thức, sáng tạo, đạo lý", vừa vuốt vuốt mấy cánh hoa, Đoàn Phú Tứ vừa điềm tĩnh nói. Bấy giờ Phạm Văn Hạnh mới điềm đạm bày tỏ, sau thời gian im lặng: "Xuân thu, hay và đúng đấy. Cái đẹp của đất trời. Cái triết lý của đời. Cái tầm văn hiến của nhân loại…". Nguyễn Lương Ngọc tiếp lời: "Thế thì tập sách của chúng ta phải mang cho được cái ý nghĩa đó". Đoàn Phú Tứ trầm ngâm: "Nhã tập chăng?".

Sau ít phút bàn bạc, cả nhóm cùng đồng tình cái tên: "Xuân Thu nhã tập" và cùng nhất trí đặt cái tên ấy cho tập sách sắp xuất bản. Bốn anh em mừng vui nói với nhau: "Nhóm văn chương nghệ thuật của chúng ta là nhóm Xuân Thu nhã tập. Cái tên này, thế mà có ý niệm cao quý của nó. Chiều nay chúng ta gặp Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Cung, thế nào hai bạn cũng đồng tình với mình", và đúng như vậy, cả hai anh đã vui mừng, bày tỏ sự nhất trí cao.

Giờ đây, mùa xuân đã qua lâu, mùa thu cũng vừa nhẹ gót, màu thời gian đã tím ngát sau khung cửa sổ. Nhà thơ Xuân Sanh và người vợ hiền Nguyễn Thị Cẩm Thạnh trong căn nhà nhỏ đã lặng lẽ khép cánh cửa gió lùa khi mùa đông về. Mỗi sáng, họ thức dậy chậm hơn, bên ly cà phê sáng, nhiều khi là im lặng, là ngồi sát bên nhau, ngước mắt nhìn về xa xăm qua khung cửa. Người già thường sống nhiều với ký ức, mà ký ức của một  nhà thơ đã ngoài 90 tuổi nào có thể nhớ được gì nhiều. Thế nhưng, một điều kỳ lạ là dù đã sống chậm, nghĩ chậm đi bởi tuổi tác nhưng cặp vợ chồng Xuân Sanh - Cẩm Thạnh vẫn trẻ trung lạ kỳ so với tuổi thực.

Gương mặt nhà thơ Xuân Sanh chỉ như ngoài 70 một chút thôi, quá ít nếp nhăn, không bị còng lưng, hay khó khăn đi lại. Ông bà vẫn hằng ngày rủ rỉ bên nhau như đôi chim cu cườm không bao giờ để lỡ mất những buổi nắng mai. Họ vẫn đi bên nhau, trong nhịp nhịp hối hả của mùa.

"Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi/ Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa/ Buồn hưởng vườn người vai suối tươi/ Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời/ Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu/ Duyên vàng da lộng trái du ngươi/ Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa/ Hồn xa trĩu sách nhánh say sưa/ Hiến dâng/ Hiến dâng quả bồng hường/ Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa/ Đường tàn xây trái buổi du dương/ Thời gian ơi tưới hận chìm tường/ Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi/ Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương"

N.B.
.
.