Kia
Mobifone

Giáo sư Tiến sĩ Trương Nguyện Thành: Một trí thức hàn gắn

Thứ Ba, 25/04/2017, 22:29
Giữa những thông tin trái chiều, thậm chí có cả tiêu cực liên quan đến Trường Đại học Hoa Sen, việc Giáo sư Trương Nguyện Thành nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng điều hành khiến không ít người hoài nghi, tại sao một người có danh, có vọng như ông lại bước chân vào ngôi trường đầy rối ren này.

1. Tôi gặp Giáo sư Trương Nguyện Thành lần đầu tiên ở ĐH Hoa Sen sau cuộc tranh giành quyền lợi kéo dài 4 năm và khá bất ngờ khi ông đảm nhận vai trò Phó Hiệu trưởng điều hành của ngôi trường này. 

Trước đó, tôi từng biết ông đảm nhận vị trí Viện trưởng khoa học, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM. Lần thứ hai gặp lại ông, tôi lại khá bất ngờ bởi “sự thoát xác” nhà khoa học là hình ảnh ông Thành thoải mái trong quần đùi, áo phông tại một quán cà phê ở quận 3.

Giáo sư Thành bảo, ông không muốn nói về quá khứ nữa, bởi những tháng ngày nghèo khổ và lận đận đã trôi qua. Dù ông không chối bỏ quá khứ là một cậu bé bán thuốc lá dạo, đi cày thuê quốc mướn. Nhưng ông cũng chẳng giấu nổi xúc động khi nhớ lại chặng đường đầy chông gai của mình. 

Ông sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em ở Bình Định, bởi vậy việc học với ông từng là giấc mơ quá đỗi xa xôi. Nhà nghèo kiếm cơm trước đã, nhưng vì đam mê, cậu bé Thành đã chấp nhận nhiều tủi cực để vươn lên. 

Quá khứ ai thời điểm ấy cũng nghèo đói, nhưng điều đáng quý là trong cái nghèo ấy cho ông những quyết định tức thì và giúp ông “thành người” như hôm nay. Nhưng trong một buổi sáng thư thái này, hãy cho ông trải lòng về những quyết định, những suy nghĩ của mình với vai trò mà ông mới nhận cách đây không lâu. 

Đó là Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen, một trường học 4 năm qua luôn có tên trên báo với những tranh chấp, phe phái. Sau khi nhóm cổ đông 30% được TP HCM công nhận và lên nắm quyền lãnh đạo, ngôi trường này đã “thay máu” toàn bộ những vai trò chủ chốt và Giáo sư Trương Nguyện Thành là một trong những nhân sự mới tinh ấy.

Giáo sư trần tình, việc bước chân vào ĐH Hoa Sen là quyết định tức thì, chứ không phải cân đo đong đếm như nhiều người nghĩ bởi ông nhìn thấy cơ hội ở đây. “Khi tôi vào ĐH Hoa Sen, nhiều người hỏi, tại sao lại bước chân vào biển lửa ấy. Tại sao không chọn một trường đại học yên ổn, tốt đẹp để làm việc, vì ở tuổi của tôi đâu cần chức quyền gì nữa. Tôi thừa nhận rằng, càng thành đạt chừng nào người ta lại càng e dè với ngôi trường này. Vì họ sợ việc đối diện với thử thách này, không thành công có thể ảnh hưởng tồi tệ tới danh dự đã được tạo dựng cả đời. 

Nhưng quyết định này của tôi không hề vội vã. Tôi đưa ra quyết định này chỉ trong hai ngày nhưng nó khá chính xác với tôi. Tôi không muốn phải đắn đo suy nghĩ, vì tôi muốn có một sự hoàn hảo, thay vì nếu phải day dứt, trăn trở, cân nhắc”, lời của Giáo sư.

Hơn nữa, vạn sự đều không thoát khỏi chữ duyên nhưng lại càng không thoát khỏi sự ngẫu nhiên. Cơn cớ mà ông chọn ĐH Hoa Sen là vì 5 năm trước, khi công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM, đối chọi với hệ thống hành chính, cộng thêm sự tìm hiểu về giáo dục của Việt Nam trong 10 năm qua, đã cho ông một nhận định. 

Nếu muốn thay đổi tích cực cho giáo dục Việt Nam, thì cơ hội thay đổi phát từ một đại học tư thục sẽ dễ hơn là một đại học công lập. Một trường đại học công lập phải nằm trong những khuôn khổ hành chính nhất định, một cá nhân dù kiệt xuất cũng rất khó để thay đổi cỗ máy này. Tất nhiên, trường đại học tư thực cũng nằm dưới sự quản lý này nhưng có chút quyền thoáng hơn.

Bài học mà Giáo sư Thành rút ra là với một người có phong cách nước ngoài thích nghi tốt hơn với môi trường tư thục không bị giới hạn ràng buộc quyền lực bên ngoài, mà chỉ giới hạn bởi hội đồng quản trị.

“Nhiều người hỏi tôi tại sao về ĐH Hoa Sen giai đoạn này, tôi trả lời rằng, nếu một trường học ổn định sẽ không thể thay đổi. Vì không thể thuyết phục được người nào thay đổi và không ai muốn thay đổi khi đang ổn định, dù sự thay đổi này có cách mạng hóa đi chăng nữa. Hoa Sen vừa ra khỏi “cuộc chiến”. 

Một trường đại học sau “cuộc chiến” sẽ rất muốn thay đổi. Tôi nhìn thấy ngôi trường này đang muốn thay đổi là cơ hội cho chính bản thân tôi. Còn tôi không nhìn đây là một biển lửa thì tại sao phải e dè. Có thể Hoa Sen không trả lương cho tôi đầy đủ. Nhưng tôi xem đây là sự thí điểm, để đem những kiến thức phát triển khoa học sau 36 năm giảng dạy và hấp thụ ở ngoại quốc để làm. Tôi tin rằng, nếu thành công chắc chắn sẽ có tiếng vang lớn cho giáo dục đại học Việt Nam”, ông nói.

Ông vẫn biết, hiện nay nhiều người đang ngó xem ĐH Hoa Sen đang làm cái gì và làm như thế nào. Sau “cuộc chiến” sự quan tâm của cộng đồng quá lớn, đặc biệt là sự tàn phá nội bộ. Nhưng ông tin, sẽ là cơ hội lớn khi ông vẫn còn sức đương nhiệm vị trí mới. Và sau một tháng trải nghiệm, ông đã không quá nhiều lo lắng vì có những khởi sắc tương đối chấp nhận được.

2. Trước ĐH Hoa Sen, trước Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM, với “phong cách Mỹ”, Giáo sư Trương Nguyện Thành từng “chịu cú sốc văn hóa” trong nghiên cứu khoa học. Ông là người tìm nguồn lực để xây dựng phòng LAP và những cái ban đầu cho một trường đại học. 

Nhưng sau khi hoàn chỉnh, đơn vị này lại yêu cầu ông chỉ được nhận nghiên cứu viên của trường. Sau “cú sốc” đó, ông sang Mỹ và quyết không quay về Việt Nam cho đến khi gặp Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND TP HCM với bước ngoặt thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM.

“Tôi nhớ, anh Nhân đã đặt vấn đề, Việt Nam có khả năng cho khoa học tính toán hay không? Tôi trả lời rằng chưa biết vì một mình tôi làm thì không được và không biết những nhà khoa học trong nước có hiểu biết gì về khoa học tính toán. Sau đó, chính Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã mở hội nghị khoa học mời các Việt kiều để hiến kế”, Giáo sư hồi tưởng.

Đó là đầu năm 2007, khi Giáo sư Thành đã hình dung về viện khoa học này. Chính cuộc gặp với Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã mang quyết định quay lại đất nước cho ông. “Trong buổi làm việc với anh Nguyễn Thiện Nhân và anh Phan Minh Tân (Hiện là Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM) diễn ra lúc 8 giờ sáng Chủ nhật ở Sở Khoa học công nghệ trước khi tôi sang Mỹ. 

Với phong cách quen thuộc của mình, tôi bước phòng đúng 8 giờ. Nhưng khi tôi vào anh Nhân và anh Tân đã ngồi ở đấy. Tôi khá bất ngờ, vì một buổi sáng Chủ nhật, chứ không phải ngày thường và đang thầm nghĩ “à đã có một phong cách khác”.

Chúng tôi đã có một buổi làm việc thoải mái với những trao đổi thẳng thắn. Tôi đặt vấn đề rằng, nếu thành phố chấp nhận tôi nghiên cứu khoa học thì không được đưa chính trị vào Viện. Chính quyền có thể rào từ phía sau nhưng hãy để một cơ chế thông thoáng cho Viện. Nếu làm được, chúng ta sẽ bắt tay làm.

Chính anh Nhân đã nói, bằng mọi cách sẽ cho Viện một cơ chế đặc thù. Và đề án thành lập Viện được hoàn thành trước khi anh Nhân ra đảm nhiệm lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Điều Giáo sư Thành vui nhất là hiện nay Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM vẫn đang có cơ chế đặc thù”.

Quay lại câu chuyện ở ĐH Hoa Sen, Giáo sư Thành từng “xuống nước” nói chuyện với một đại diện thủ lĩnh sinh viên ĐH Hoa Sen, người đã và đang tranh đấu cho lý tưởng “ĐH Hoa Sen không vì lợi nhuận”. Vì mục tiêu của ông là quốc tế hóa ĐH Hoa Sen

Ông nói, câu chuyện với sinh viên, làm ông nghĩ đến câu chuyện của mẹ ông. “Tôi nhớ mẹ tôi có lần dạy cho mấy đứa em gái làm sao chọn bạn trai hoặc chồng rằng: Con trai khi theo con thì đứa nào cũng đối xử và chiều chuộng con tốt cả. Người nào cũng biết thận trọng trong ứng xử cũng như biết lịch sự. Rất khó để đánh giá người đàn ông theo con là tốt thực tâm. 

Con hãy quan sát cách ngưới ấy đối xử với cấp dưới, đối xử với những người thấp hèn ngoài xã hội và đặc biệt là đối xử với những người chọc tức họ hoặc phản bội lại họ. Vì nếu con lấy người ta thì không phải lúc nào cũng hòa thuận, bởi cuộc sống sẽ luôn có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” và đôi khi đôi bên mất kiểm soát cảm xúc. Chính những lúc đó, cái phần “con” của người đó sẽ thể hiện rõ nét nhất”.

3. Tôi đặt câu hỏi, dường như sau những biến cố, bản ông đều có sự bứt phá rất lớn. Trong quá khứ, có lần em ông bị sốt, ông nhổ trộm sắn và bị chủ vựa sắn bắt, trói. Lúc bị nhốt trong tăm tối, ông đã thề với bản thân là phải thành công. 

Khi hiệu trưởng khuyên ông làm tại cửa hàng thực phẩm để kiểm tiền thì ông lại học và bước chân vào ĐH North Dakota. Ông Thành thừa nhận, đó là tính cách khác thường của ông, là thích làm và làm cho bằng được những cái người khác cho là không được. 

“Người ra bảo tôi điên khi về ĐH Hoa Sen. Thậm chí, học trò cũ của tôi còn nói rằng thầy... ngu khi chọn ĐH Hoa Sen vì nó sẽ giết chết danh vọng cả đời thầy đã xây dựng được. Còn tôi thấy rằng những thử thách hiện nay đang rất thú vị. 

Tôi là vậy, trong những lúc họ chùn bước, tôi sẽ tiến tới đó là sự ngược đời. Tôi tin mình sẽ bứt phá và cỗ máy ấy có thể theo hướng mình. Tôi cũng đang cho những người xưa nay không hề vận động sẽ chuyển động bởi những guồng quay mới. Tính tôi như vậy, không vì quyền lực mà vì đam mê và khác thường”, ông khép lại cuộc trò chuyện trước lúc chia tay.

Tuệ Minh

.
.