Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Tá: Một người hiền

Thứ Hai, 03/10/2016, 23:41
Trong cuộc đời này, mọi sự đều xoay quanh một chữ duyên. Nếu có duyên với nhau, sự gắn kết, ràng buộc nhau còn bền. Mọi việc, mọi chuyện cứ thế diễn ra. Cứ đơn giản như không. Nói thế, để thấy rằng, với người này thì dễ dàng như lật bàn tay.

Mà cũng chuyện đó, việc đó, với người khác lại trậm trà trậm trật, dẫu nỗ lực hết sức nhưng chắc gì đã “được việc”? Dông dài một chút để nói rằng, năm 1994, nếu không gặp nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trần Hữu Tá, có lẽ tôi đã không viết một loạt tiểu thuyết như “Nguyễn Thái Học”, “Tướng quân Hoàng Hoa Thám”, “Dấu ấn Nguyễn An Ninh”, “Chiến tướng Tôn Thất Thuyết”…

Bấy giờ, Công ty Phát hành sách TP HCM Fahasa có đặt hàng Nhà xuất bản (NXB) Văn học đứng ra tổ chức Tủ sách Danh nhân trong và ngoài nước. Nhà văn Hoàng Lại Giang - Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại phía Nam nhận lời. Không rõ trong nhóm chủ biên gồm những ai, nhưng ông Giang bảo tôi liên hệ với PGS.TS Trần Hữu Tá để biết kế hoạch chung về thể loại, số trang in, thời gian giao nộp bản thảo…

Thế là tôi điện thoại hẹn với ông Trần Hữu Tá vào một ngày sẽ đến tư gia để được hầu chuyện. Còn nhớ, ông bảo: “Trước lúc đi, nhớ điện thoại cho mình”. Tôi hiểu, ấy là sự chu đáo của một nhà giáo, vì ngộ nhỡ, lúc ấy bận việc đột xuất mà khách đến không gặp thì áy náy. Tâm lý này, thường gặp ở những ai trọng chữ tín.

Tất nhiên tôi “vâng vâng dạ dạ”, nhưng rồi lại ngẫu hứng đến nhà ông mà không điện thoại trước theo quy ước. Sở dĩ thế, chỉ vì tôi đơn giản nghĩ rằng, nếu có duyên ắt gặp bằng không thì chịu vậy. Nào ngờ chuyến đi hú họa ấy, tôi đã gặp. Ông cho phép tôi tự chọn nhân vật nhưng lại gợi ý nên viết về vị anh hùng đã tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái (10-2-1930). 

Lập tức, trong trí óc tôi hiện lên hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Chao ôi! Còn gì hấp dẫn tuổi trẻ hơn hình ảnh một nhà cách mạng lúc bước ra pháp trường còn ngẩng cao đầu đọc thơ? Những câu thơ Chết vì Tổ quốc/ Cái chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng của Nguyễn Thái Học bỗng quay về trong tâm trí của tôi lúc ấy...

Ngay sau đó, ông Trần Hữu Tá ứng nhuận bút, số tiền này nằm trong túi áo không lâu. Vì từ nhà ông bên hông Trường Đại học Sư Phạm TP HCM, (trên đường An Dương Vương) qua chợ sách cũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai) chỉ là một đoạn ngắn, tôi đã dùng toàn bộ để mua tài liệu liên quan đến nhân vật sẽ viết. Từ cái đà đó, các tập tiểu thuyết lịch sử lại tiếp tục ra đời. Chẳng phải cái duyên giữa tôi với ông đó sao?

Với nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá, mỗi lúc nghĩ về ông, tôi đều nhớ đến những bộ sách đồ sộ mà ông đã biên soạn hoặc đồng chủ biên. Có lẽ mãi về sau, Từ điển Văn học (bộ mới) in năm 2004 vẫn là một trong những bộ sách “gối đầu giường” của những ai hiếu học, dành cho ai hiếu học muốn tra cứu, tham khảo, tìm hiểu về giá trị văn hóa Đông - Tây.

Xin có một vài số liệu nho nhỏ để thấy những trí thức chân chính đã toàn tâm, toàn ý với công việc như thế nào: 2.625 mục từ với 2.180 trang chữ và 188 trang ảnh. Có tất cả 1.453 tác giả tiêu biểu của 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam có 591 người (40%). Về quy cách, các danh từ riêng và tên tác phẩm nước ngoài đều in kèm nguyên văn (Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc). 

Để tiện tra cứu, cuốn sách này còn có tới 10 bảng phụ lục (liệt kê tác giả, tác phẩm theo tiếng Việt, Latinh, Nga, Hán) và 2 bảng tra cứu thuật ngữ. Những ai sống bằng nghề viết, nhìn từng trang sách, từng dòng chữ ấy mới thấy hết sực nhọc nhằn, lao tâm khổ trí của người biên soạn. Đáng kính trọng thay!

Thật ra, từ năm 1984, bộ Từ điển Văn học đã xuất bản lần thứ nhất, rồi 20 năm sau tái bản bổ sung với các thông số mà tôi vừa nêu trên. Nghĩ lại cũng buồn cười ghê gớm. Cười cho cái thói ngựa non háu đá của tôi. 

Rằng, đã từng đọc bộ sách này từ thời sinh viên, đến lúc ra trường, đọc kỹ hơn, tôi phát hiện ra trong đó còn  thiếu nhiều tác giả. Thế là tôi viết bài góp ý. Chẳng rõ với tư cách đồng chủ biên với các ông Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu thì ông Trần Hữu Tá có buồn lòng không? Không hề.

Còn nhớ hôm ra mắt Từ điển Văn học (bộ mới) tại Công ty Fahasa, ông còn chủ động nhắc lại chuyện đó một cách vui vẻ. Thì ra cái tâm độ lượng, cái tính học thuật của ông là vậy.

Có lẽ, tôi góp ý đúng nhưng lúc đó, ông không tiện trả lời vì ở thời điểm thập niên 1980 còn có những “rào cản” nhất định khi chọn người này, không chọn người kia! Sau này, lăn lộn trường văn trận bút, đã kiếm sống bằng nghề viết ròng rã gần hết đời người, ăn cơm mòn răng từ nhuận bút, tôi mới nhận ra sự đời đâu đơn giản như mình đã nghĩ. “Thức lâu mới biết đem dài”. Còn nhiêu khê chán. Khổ nỗi, thời trẻ, tôi nào có hiểu.

Mới đây thôi, nhân dịp lên thăm ông, cũng như hơn 20 năm trước, ông lại bảo lúc nào lên thì nhớ điện thoại trước để xem ông có nhà không hẵng lên. Thế nhưng, tôi cũng mặc. Cứ đi ngẫu hứng vì nghĩ còn có duyên ắt gặp. Và tôi đã gặp thật. 

Thật bất ngờ, khi đã bước sang tuổi 80, ông vừa công bố tập sách Từ bục giảng đến văn đàn (Nhà xuất bản Trẻ). Tuy là đồng nghiệp với nhiều nhân vật được viết trong sách, nhưng ông vẫn khiêm cung gọi “chân dung 25 người thầy”. Sự cẩn trọng chữ nghĩa của một người cầm bút vốn là nhà giáo, có thể nhìn nhận qua chi tiết này.

Đồng nghiệp với ông là nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương đã ghi nhận thấu tình đạt lý: “Thông thuộc tính nết của những người thầy, người bạn từng sinh hoạt ở cùng một khoa, một tổ bộ môn, trong lòng thủ đô hay giữa làng quê nghèo khi sơ tán, Trần Hữu Tá lưu giữ cho chúng ta hình ảnh và kỷ niệm về những nhà giáo thanh bạch đã một thời làm chứng rằng phẩm giá con người có thể đứng cao hơn hoàn cảnh”.

Đúng thế, “phẩm giá con người có thể đứng cao hơn hoàn cảnh” là một trong những tinh thần chung mà tác giả gửi đến bạn đọc. Dù hoàn cảnh nào, các nhà giáo cũng “vượt lên chính mình” để cống hiến cho đời, và cũng là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ sinh viên noi theo. 

Có một điều thú vị, ông Trần Hữu Tá vẫn không quên những nhà văn, nhà giáo nổi tiếng của miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Giản Chi, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Thẩm Thệ Hà, Phạm Thế Ngũ, Trần Bạch Đằng… Điều này cho thấy, dù sinh sống ở vùng miền nào, nhưng đã là nhà văn đứng lớp giảng dạy thì ở họ vẫn toát lên phong thái chung đã hình thành từ môi trường sư phạm.

Với tôi, Từ bục giảng đến văn đàn, thêm một lần nữa, bạn đọc lại yêu thêm nghề giảng dạy. Và cũng hiểu thêm rằng, thâm tâm của các nhà giáo vẫn luôn canh cánh vấn đề khai dân trí, sự nghiệp trồng người. Sự hấp dẫn và hữu ích ngoài kiến thức thuộc về lĩnh vực đã am tường một cách thấu đáo, còn phải là những kỷ niệm của tác giả về các nhân vật nữa.

Chẳng hạn về GS - nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ mà thế hệ tôi từng thọ giáo, tác giả viết rất chính xác: “Về sinh hoạt, trong giáo giới - rộng ra là trong giới trí thức, có lẽ ít ai giản dị như anh - giản dị đến mức hơi luộm thuộm. 

Hỏi tại sao không chú ý đến hình thức (chải đầu, ủi quần áo, đánh giày...), anh chỉ cười. Một số lần ra Hà Nội, ở chung phòng khách sạn với Lê Đình Kỵ trong các kỳ đại hội nhà văn hoặc duyệt sách giáo khoa, tôi càng ngạc nhiên hơn: anh hình như không để ý gì đến chuyện ăn uống. Ăn gì cũng được, không khen chê, không đòi hỏi. 

Gặng mãi, anh cho biết: “Với mình, thế nào cũng xong. Mình quen nếp sống ấy từ thuở bé rồi”. Chi tiết này, thú thật, đọc xong, tự dưng tôi lại nhớ về năm tháng sinh viên quá đỗi. Chân dung GS. Lê Đình Kỵ hiện lên rõ mồn một.

Trong lúc trò chuyện, ông vui vẻ “khoe” cách viết mới là… đọc bài cho cháu nội gõ máy vi tính. Và ông cũng bắt đầu thao tác, làm quen với bàn phím. Dù đang bệnh tật, phải châm cứu mỗi ngày nhưng ông vẫn quyết rời bỏ thói quen cũ để tiếp cận công nghệ mới. Tôi thưa: “Bài của thầy viết về cụ Trương Vĩnh Ký vừa in liên tục 2 kỳ trên Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, dư luận bạn đọc hoan nghênh lắm”. Ông cười hiền lành. 

Tôi biết, xưa nay ông chỉ chú tâm vào chuyên môn, học thuật. Có ung dung, tự tại như thế, nay nhìn lại những việc làm của ông, ngoài công việc đi dạy từ năm 1942, sau đó, giảng dạy Ngữ văn ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM và hiện là Chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP HCM, ông đã có nhiều công trình văn học đáng kể.

Ngoài chủ biên, biên soạn sách giáo khoa Văn học lớp 11, lớp 12, ông còn đồng tác giả của các công trình: Lịch sử văn học Việt Nam 1945-1975 (hai tập), Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta, Nhìn lại một chặng đường văn học; tuyển chọn, giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Như Mai, Văn Tâm; cùng tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi v.v...

Và nhất là lúc ông đồng tổ chức Hội thảo khoa học 80 năm Phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn. Làm sao có thể quên ngày 20-10-2012  tại Trường Đại học Sư Phạm TP HCM, ông đã phát biểu đề dẫn: “Những sáng tạo nghệ thuật của khuynh hướng thẩm mỹ này, cùng với thành tựu của hai dòng văn học hiện thực chủ nghĩa và văn học cách mạng vô sản cùng thời, tất cả đã góp phần thực thi một nhiệm vụ lịch sử quan trọng: hoàn tất quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc chỉ trong hơn một thập kỷ (1930-1945), đưa văn học nước ta từ quỹ đạo văn học trung đại hòa nhập chung dòng chảy của văn học thế giới hiện đại”.

Chỉ mấy dòng ngắn gọn nhưng mẫu mực, đủ sức khái quát về một giai đoạn văn học của nước nhà.

Mối thân tình giữa tôi và ông Trần Hữu Tá dù ít gặp gỡ nhưng tôi vẫn đọc nhiều của ông. Thật ra, ít ai ngờ, ông còn viết tạp bút, hồi ức văn học rất hay - thỉnh thoảng đăng trên báo chí; chứ không chỉ những công trình nghiên cứu hoặc những bài viết nghị luận về giáo dục... 

Mới đây nhất trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số Xuân, ông kể lại Hà Nội - Tết thời chiến thật cảm động. Tôi để ý đến từ “bánh mụi”. Một từ lạ tai quá, phải không? 

Ông kể, lúc thân mẫu ngoài 84 xuân đã “điều binh khiển tướng” thật chu đáo: “30 cái bánh chưng được gói xong rất gọn gàng. Tất nhiên, không thể thiếu mấy cái “bánh mụi” - bánh chưng nhỏ, nhặt nhạnh những miếng thịt đầu thừa đuôi thẹo và ít gạo, đậu còn dư để dành riêng cho con trẻ”. Những chi tiết nho nhỏ, thú vị này cũng là cái duyên của ông lúc ngẫu hứng viết tùy bút, tạp bút.

Bước sang tuổi 80, hằng ngày ông Trần Hữu Tá vẫn đọc đều đặn và bền bỉ cùng trang viết. Quý thay. Còn nhớ, trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông tự bạch về nghề: “Giữ cho ngòi bút được trong sạch, viết được những trang có ích, trước hết cho giáo viên văn học các cấp - những bạn đồng nghiệp của tôi - và cho sinh viên, nghiên cứu sinh, là điều tôi tâm niệm. Muốn là một chuyện, đạt được hay không lại là chuyện khác, hoàn toàn không dễ. Vấn đề là phải không ngừng cố gắng và luôn trung thực với chính mình”.

Và đến nay, ông đã không chệch hướng đã tâm niệm.

Lê Văn Nghệ
.
.