Còn một con mắt để cứu người

Thứ Bảy, 08/08/2020, 13:53
Sau những mất mát và đắp bù, sau bao lần ngã quỵ và gượng dậy, thương binh Đào Viết Thoàn – người con quê lúa Thái Bình đã tự tổng kết cuộc đời mình, rằng ông trời vẫn ưu ái khi không lấy đi của ông tất cả.


Sau những tháng năm chiến đấu tại mặt trận biên giới, ông vẫn còn một con mắt, một bên tai lành lặn, một cái đầu minh mẫn và đặc biệt là cả đôi tay để có thể chữa bệnh cứu người.

Vượt qua cửa tử

Mặc dù có hẹn trước với thương binh Đào Viết Thoàn tại nhà riêng – cũng là cơ sở chữa bỏng cho người dân khắp vùng, nhưng tôi vẫn phải đợi vì ông đang giờ chữa bệnh. Ngoài sân, người bệnh ngồi kín dãy ghế chờ khám và thay băng. Trong phòng cấp cứu, tiếng khóc ré lên của bệnh nhi bị bỏng vừa được gia đình đưa đến khiến tôi giật nảy người. Ông bố trẻ bế con gái 4 tuổi vừa bị bỏng nước sôi diện rộng mà nước mắt lưng tròng, mặt thất thần lo lắng.

Dường như đã quá quen với tiếng gào khóc của trẻ nhỏ khi đến đây, ông Thoàn chăm chú và thoăn thoắt cắt rời chiếc áo dính trên người bé gái, vệ sinh vết bỏng, đắp thuốc bao phủ vết bỏng từ mặt, xuống ngực và toàn bộ cánh tay trái.

Tất cả mọi động tác ông đều thực hiện chính xác, nhanh gọn và hết sức nhẹ nhàng, nhanh chóng làm dịu vết thương, rút ngắn tối đa thời gian đau đớn cho trẻ. Sau khi được đắp thuốc lên vết bỏng, bé gái dần nín khóc. Khi được hỏi “Con đỡ đau chưa”, cô bé gật đầu. Ông Thoàn cười hiền: “Ở đây với ông vài ngày con sẽ khỏi thôi”. Câu nó đó khiến bố mẹ bé gái mừng quýnh, trút được nỗi lo lắng đè nặng.

Thương binh, lương y Đào Viết Thoàn.

Sau ca cấp cứu, không có thời gian nghỉ ngơi, ông Thoàn tiếp tục thay băng, đắp thuốc mới cho các bệnh nhân ngoại trú đang ngồi đợi trước phòng cấp cứu. Với ai ông cũng ân cần dặn dò kiêng khem để vết thương mau lành.

Xong việc ở phòng khám, người thương binh ấy bước từng bước khó nhọc về phòng khách của gia đình để tiếp chuyện tôi. Vết thương ở đầu gối thường xuyên đau nhức khiến việc đi lại của ông vốn đã khó khăn lại càng khổ sở. Tận mắt chứng kiến những vết thương trên khắp cơ thể ông, tôi thật sự cảm phục trước sức lao động bền bỉ, tinh thần vượt khó để cứu người của thương binh ¼ này.

Trong kí ức của người cựu chiến binh in hằn những ngày tháng chiến đấu tại mặt trận phía Bắc và lần bị thương nặng tưởng chừng không qua khỏi. Năm 17 tuổi, khi đang làm công nhân tại Nhà máy điện Uông Bí, chàng trai trẻ Đào Viết Thoàn đã tình nguyện nhập ngũ và trở thành người lính xe tăng thuộc Lữ đoàn 408, quân khu 3. Năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, ông bị trúng pháo cối của đối phương, bị thương rất nặng, đồng đội của ông đã nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Nhưng thật kì diệu, nửa tháng sau, Đào Viết Thoàn tỉnh lại và được chuyển về điều trị tại Bệnh viện 108 rồi Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng chấn thương sọ não, vỡ bánh chè một bên chân và phải khoét bỏ, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ ½ tai phải, gãy xương sườn phải, mất toàn bộ 2 cơ dép và 2 cơ mông, mất một mắt trái phải thay mắt giả, mất xương bàn chân phải, xẹp hai đốt sống D11 và D12.

Những vết thương găm trong người đã quăng quật người thương binh hàng chục lần trên bàn mổ trong suốt hai năm trời. Đào Viết Thoàn đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng đau đớn, những thời khắc mà sự sống cái chết trở nên rất mong manh.

Thoát chết sau những lần phẫu thuật, ra viện, anh thương binh được mách đến chùa Trắng ở ngoại thành Hà Nội để xin sư cụ ở đó đắp thuốc cứu chữa khi vết thương ở chân phải được ghép da nhiều lần nhưng không liền, bị hoại tử và lộ xương.

Những ngày tháng ở chùa, Đào Viết Thoàn vừa được sư cụ Thích Đàm Lương đắp thuốc điều trị, vừa đọc nhiều tài liệu y học, dược học, những bài thuốc cổ truyền của dân tộc và thấy rằng những cây thuốc nam quen thuộc trong dân gian có tác dụng mau lành vết thương. Thấy thương binh Thoàn là người ham học hỏi, giàu nghị lực và có tố chất trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người, sư cụ đã truyền cho bí quyết chế thuốc để chữa bệnh.

Sau 5 năm trong chùa, đến năm 1987, sư cụ Thích Đàm Lương viên tịch, Đào Viết Thoàn ở lại chịu tang 6 tháng rồi rời chùa Trắng trở về quê hương. Ngày đoàn tụ với gia đình, người thương binh ấy tập tễnh với đôi nạng gỗ, những vết thương liên tục tái phát, gia cảnh khó khăn.

Niềm an ủi lớn lao đối với ông lúc đó là sự chăm sóc tận tình của người vợ - một cựu thanh niên xung phong và ngôi nhà tình nghĩa mà địa phương xây tặng.

Ông Thoàn dành toàn bộ tâm trí tìm hiểu các loại thảo dược, đưa thêm một số vị vào bài thuốc được truyền thụ để bào chế thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng và vết loét lâu liền để tự điều trị cho mình và bà con trong xã. Tiếng lành đồn xa, bài thuốc chữa bỏng không để lại sẹo của ông được bà con trong và ngoài tỉnh Thái Bình biết đến, được Sở Y tế tỉnh Thái Bình công nhận là bài thuốc cổ truyền có hiệu quả cao.

Địa chỉ nhà ông Thoàn đã trở nên quen thuộc với người dân khắp các tỉnh thành khi không may có người thân bị bỏng.

Người bệnh đến đây đều cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi được lương y Thoàn chữa lành vết thương, tìm lại được hình hài, xoá đi mặc cảm với những vết sẹo loang lổ trên cơ thể. Bởi thế, sau bao năm, nhiều người bệnh vẫn tìm đến để nói lời cảm ơn người thầy thuốc thương binh. Ông Thoàn bảo, được người bệnh nhớ đến là niềm vui, niềm động viên lớn lao để ông tiếp tục duy trì công việc ý nghĩa của mình.

Phòng cấp cứu 24/24h

Bảng “Nội quy cơ sở chữa bỏng” được dán ở ngay trước phòng cấp cứu bỏng của ông Thoàn, điều 1 ghi rõ “Tiếp đón bệnh nhân tai nạn bỏng 24/24h tại nhà”.

Ở đó, chỉ có duy nhất ông Thoàn là người chữa trị và một người hỗ trợ chính là vợ của ông. 30 năm qua, cơ sở chữa bỏng của lương y Đào Viết Thoàn đã hoạt động một cách vô cùng đặc biệt như thế. Vợ lương y Thoàn đang thay ông đắp thuốc cho bệnh nhân nói với tôi rằng, chồng bà đến cả ngày tết cũng trong tâm thế tiếp nhận các ca cấp cứu bỏng bất kì thời điểm nào.

Lương y Đào Viết Thoàn và vợ đang thay băng cho bệnh nhi bị bỏng.

Cơ sở điều trị bỏng đặc biệt này có cả khu điều trị bệnh nhân nội trú gồm 3 phòng với 12 giường bệnh được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng. Cách đây nhiều năm, khi thấy nhiều người bệnh ở xa đến chữa trị dài ngày không có chỗ ở, lương y Thoàn bỏ tiền ra xây khu nhà nội trú trong diện tích đất của gia đình.

Bệnh nhân ở đây là những ca bỏng nặng, cần được theo dõi, bó thuốc 2 lần/ngày. Tất cả các bệnh nhi dưới 6 tuổi đều được ông Thoàn miễn cho tiền công, tiền giường bệnh, điện nước. Có những lúc người bệnh đông quá, ông phải nhờ cơ sở trạm y tế xã để có chỗ điều trị.

Từng bị thương nặng và bị bỏng diện rộng, ông Thoàn nhận thấy với bệnh nhân bỏng, ám ảnh lớn nhất là những lần thay băng bị dính vào phần vết thương rất đau đớn. Vì vậy, ngoài việc điều chế ra bài thuốc hiệu quả thì cần phải nghĩ cách thay băng giảm đau.

Ông lại mày mò nghiên cứu và tìm ra cách thay băng mới. Thay vì bôi thuốc trên gạc khô, ông áp dụng bôi thuốc trên gạc đã tẩm nước muối sinh lý vắt khô đắp cho bệnh nhân để gạc không dính vào vết thương, giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân khi thay băng, định lượng thuốc đắp vừa làm mát, vừa tránh nhiễm trùng, mau liền da và không để lại sẹo.

Phương pháp mới đã rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí thuốc men và tăng khả năng phục hồi cho người bệnh. Đây cũng chính là một trong nhiều đề tài khoa học của lương y Thoàn giành giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo khoa học – công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình, giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2013.

Đã 30 năm nay, lương y Thoàn luôn day dứt khi chứng kiến các bệnh nhân đau đớn và có nguy cơ bị huỷ hoại hình hài khi các tình huống bỏng diễn ra muôn hình vạn trạng, từ bỏng nước, bỏng vôi, bỏng cồn, ga hay điện…

Ông vẫn miệt mài trên hành trình tái tạo làn da, luôn tận tâm sớm tối để người bệnh được chữa trị kịp thời. Một ngày làm việc của vợ chồng lương y Thoàn bắt đầu từ 4 giờ sáng để chuẩn bị băng gạc, thuốc men. Tối khuya, hai ông bà lại miệt mài bào chế thuốc. Ông bảo hầu hết các vị thuốc đều quen thuộc với người dân như củ nghệ, đu đủ, mật ong, chìa vôi… có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, tiêu độc. Sau khi thu hái thì rửa sạch, phơi khô, xác định tỷ lệ rồi bào chế thành một dạng thuốc cao đặc sẫm màu để chữa bỏng.

Đến nay, số bệnh nhân bỏng mà ông chữa khỏi đã lên đến con số 28.700 người, trong đó có trên 10.000 cháu nhỏ từ 0-6 tuổi. Ông cho tôi xem những cuốn sổ bệnh án xếp thành từng chồng, quyển đầu tiên ghi mốc thời gian năm 1989 đã ố màu thời gian, nhưng vẫn rõ thông tin từng người bệnh, từ tên tuổi, quê quán, tình trạng bỏng, và lộ trình điều trị. Thời gian trung bình chữa trị cho bệnh nhân từ khi cấp cứu đến khi bình phục là gần 9 ngày.

Không chỉ kì công và thành công trong việc bào chế thuốc và chữa trị bỏng, người thương binh ấy còn luôn nặng lòng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ khó khăn với người nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi, người có công với nước và con em đồng đội.

Với những đóng góp đầy ý nghĩa trong việc chữa bệnh cứu người bảo vệ sức khỏe nhân dân, thương binh tàn nhưng không phế Đào Viết Thoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 2009, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2014, danh hiệu Anh hùng lao động năm 2015 cùng nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng của các cấp các ngành.

Huyền Châm
.
.