Lương y Nguyễn Hữu Khai: “Nợ đời trả mãi chẳng xong”

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:01
Khá lâu ông mới xuất hiện trở lại, trình làng một cuốn tiểu thuyết mang tên “Đường đời dốc đứng”. Lương y Nguyễn Hữu Khai, người đã vượt qua những khúc quanh của cuộc đời ở tuổi 65, an nhiên, tự tại khởi nghiệp với tâm nguyện, làm được nhiều hơn để cứu người...

1. Khá lâu rồi, sau những biến cố của cuộc sống, lương y Nguyễn Hữu Khai, nguyên mẫu trong bộ phim truyền hình xúc động Đường đời mới xuất hiện. Ông không còn trẻ nữa, nếu không nói rằng ông đã đứng bên kia dốc của cuộc đời. Nhưng nhiệt huyết và tấm lòng của ông dành cho y học vẫn còn đó.

Ông nói với tôi về những bài thuốc Nam, về con đường Nam học mà ông đang không ngừng tìm tòi, nghiên cứu trong vốn cổ của cha ông để tìm ra những bài thuốc tốt chữa trị cho mọi người. Ở tuổi 63, ông bắt đầu khởi nghiệp, làm lại cuộc đời.

Ông nói: “Tôi vẫn thường dạy cho học trò của tôi cũng như tư vấn cho cộng  đồng: “Không nên đeo đẳng những quá khứ buồn tủi” bởi thể chất của mình có hạn, nếu cứ dồn nén những uất ức sẽ sinh bệnh”. Đó là cách Nguyễn Hữu Khai chọn để đối diện với những biến cố của cuộc đời.

Ông sinh năm 1952, trong một gia đình đông anh em tại xứ Đoài (nay là xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ông được nhiều người biết đến với tư cách là một tiến sĩ y học, một thầy thuốc ưu tú, một võ sư và một doanh nhân ghi nhiều dấn ấn với thương hiệu Y dược Bảo Long. Cuộc đời nhiều thăng trầm của ông từng được tác giả Hoàng Dự viết thành cuốn tiểu thuyết mang tên Đường đời và được dựng thành phim truyền hình dài tập cùng tên vào năm 2005.

Lương y Nguyễn Hữu Khai.

Cuộc đời của Nguyễn Hữu Khai luôn có những lối rẽ bất ngờ từ khi còn rất trẻ. Đang học dở lớp 10, chàng thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ nhưng phải ra quân sớm do gặp vết thương ở đầu trong trận đánh ở thành cổ Quảng Trị.

Về quê, theo mong muốn của gia đình, ông học bổ túc và thi đỗ vào Đại học Kiến trúc nhưng rồi lại bỏ dở con đường trở thành một kiến trúc sư khi em gái bị bệnh dẫn đến mù lòa. Để chữa bệnh cho em, Nguyễn Hữu Khai nghỉ học, sang Trung Quốc học nghề y. Ở đó, ông được truyền nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y và cũng học được các môn võ cổ truyền.

Trở về Việt Nam vào năm 1979, ông quen biết một nhóm thầy thuốc Đông y, cùng họ lập ra một xưởng tự bào chế thuốc và vận dụng những ngón võ đã được học để bán thuốc dưới hình thức "Sơn Đông mãi võ" trên các khu phố ở Sài Gòn.

Năm 1989 là một năm ghi dấu ấn trong cuộc đời Nguyễn Hữu Khai khi ông thành lập xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long. Sau rất nhiều gian truân để tồn tại, những năm cuối thập kỉ 90, Bảo Long trở nên ổn định và phát triển thêm nhiều cơ sở.

Năm 2005, Tập đoàn Y dược Bảo Long chính thức thành lập và phát triển với những sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị, trị các bệnh cơ xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu... 

Và bên cạnh sản xuất thuốc và chữa bệnh cứu người, ông Nguyễn Hữu Khai còn tiếp tục nghiệp dạy võ thuật, sáng lập ra môn pháp "Bảo Long y võ", mở trường THPT Võ thuật Bảo Long. Ông cũng thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, chữa trị cho nhiều bệnh nhân mà Tây y đã trả về. 

Và ở đó, ông cũng cưu mang rất nhiều số phận bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị, từ những người nổi tiếng đến những số phận bình thường, nếu có thể cưu mang, giúp đỡ, ông đều sẵn lòng. 

Như vận động viên Nguyễn Thị Huệ, hay hai vợ chồng cô gái khuyết tật từng được ông cưu mang và sinh con đẻ cái... Rất nhiều những cuộc đời đã hồi sinh từ tấm lòng thiện nguyện của ông.

Năm 2011, ông Nguyễn Hữu Khai được Đài Truyền hình KenJa (Nhật Bản) bình chọn là 1 trong 10 doanh nhân nổi tiếng Việt Nam và 1 trong 500 doanh nhân nổi tiếng châu Á. Ông từng được công nhận là thầy thuốc ưu tú, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Và Bảo Long, không đơn thuần chỉ là một đơn vị sản xuất thuốc mà là một thương hiệu chứa đựng trong nó cả những giá trị nhân văn.

Còn nhớ, ông từng tâm sự rằng: “Phải xây dựng thương hiệu từ nhân cách của mình”.

Và người ta nhớ đến ông, không chỉ là một đơn vị kinh doanh mà còn có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc độc đáo của y học cổ truyền và võ thuật cổ truyền, đồng thời tích cực tham gia các công tác thiện nguyện vì cộng đồng.

Nhưng, cuộc đời của Nguyễn Hữu Khai có những ngã rẽ đặc biệt. Kinh nghiệm kinh doanh của một người dành quá nhiều tâm huyết cho nghiệp y như thầy thuốc Nguyễn Hữu Khai đã không đủ để chống chọi với sự khốc liệt của thương trường.

Lương y Nguyễn Hữu Khai trong buổi ra mắt sách.

Bảo Long đã gặp nhiều khó khăn và đứng trên bờ vực phá sản. Mong muốn cứu lấy cơ ngơi dày công xây dựng đã khiến ông có những quyết định không chính xác, đánh mất hết sản nghiệp và rơi vào vòng lao lý với 26 tháng ngồi tù. Đó chính là quãng thời gian lương y Nguyễn Hữu Khai viết “Đường đời dốc đứng”.

Đầu năm 2015, ở tuổi 63, với hai bàn tay trắng, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú, võ sư Nguyễn Hữu Khai lại bắt đầu xây dựng lại Tập đoàn Y dược Bảo Long. Một chặng đường mới lại bắt đầu với con người nhân ái và chưa bao giờ đầu hàng số phận.

2. Ông vẫn tin rằng, sự tử tế, thiện lương sẽ giúp ông bước tiếp con đường của mình. Những ngày trong tù, ông viết “Đường đời dốc đứng”, viết như một cứu cánh cho những bất hạnh của mình. Từ những mảnh giấy vụn, giấy gói quà, giấy báo cũ,.. rồi bằng cả những tuýp thuốc chữa bệnh ngoài da, ông đã viết cuốn tiểu thuyết về cuộc đời mình.

Ra tù, mất nhiều công sức lắm ông mới luận ra chữ và ghép thành sách. Ông gửi gắm trong đó rất nhiều câu chuyện về cuộc đời của một con người luôn tâm nguyện hướng tới những điều thiện. Tôi hỏi, điều gì khiến ông trải qua rất nhiều thăng trầm vẫn giữ cái nhìn bao dung, yêu thương cuộc sống.

Ông tâm niệm, như lời tựa mà nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã viết trong mở đầu cuốn sách: “Ai đó từng vô cảm, vô ơn, đối xử tệ bạc, ông không trách giận, không lấy trả thù làm mục đích mà luôn cưu mang, giúp đỡ mọi người. Cái chân lý ông theo đuổi cũng đơn giản, trong sáng và chân thực như con người của ông vậy: “Nợ đời trả mãi chẳng xong/ Leo bao dốc đứng vẫn mong cứu người””.

Với tinh thần sống đó, đọc Đường đời dốc đứng, cuốn sách tự sự được viết trong những ngày ông ở tù nhưng trong hơn 600 trang sách không thấy chỗ của những cay đắng, hằn học với cuộc đời, mà ông luôn nhìn cuộc sống bằng sự bao dung, nghĩa tình.

Ông nói: “Con người còn phải tu dưỡng, học hỏi nhiều, bởi tận cùng của võ là văn, tận cùng của miếng cơm manh áo là nghĩa khí, là sự cao cả của tình người”.

Cuốn tiểu thuyết mới của ông.

Và ông sinh ra để làm lương y, làm thầy thuốc mát tay. Ngay cả khi ông viết văn thì đó cũng là cách ông gửi gắm những luận giải về lẽ đời, về y thuật rất cô đọng, thuyết phục. “Sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết không chỉ từ tính chân thực, dồn nén mà còn sự lan tỏa tư tưởng nhân văn, “cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ mà bằng cả tấm lòng nhân ái, bao dung”... Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã viết về ông như vậy.

Ông nói nhiều về y học cổ truyền, về những bài thuốc Nam mà ông đang tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, nó không đơn giản chỉ là một loại hình có nguồn gốc từ thảo dược mà mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt.

Bây giờ, dù tuổi đã cao, nhưng Nguyễn Hữu Khai vẫn mang trong mình khát vọng khôi phục lại Bảo Long. Ông bắt đầu từ một phòng khám nhỏ ở Hà Nội, bắt đầu từ những bài thuốc bí truyền của gia đình ông. Những sản phẩm đầu tiên của thương hiệu Bảo Long bắt đầu có mặt trên thị trường. Nhiều bệnh nhân lại tìm đến ông, như tìm đến một niềm tin về những giá trị có thực trong thời buổi bát nháo của thị trường Tây y.

“Tôi già rồi, mọi việc sẽ chậm trễ hơn, không linh hoạt như ngày xưa nữa, nhưng nếu còn sức khỏe và được mọi người tin tưởng, tôi sẽ làm được. Tôi đã gây hệ lụy quá lớn, làm bao nhiêu người phải phiền lòng, chịu đựng những thiệt thòi. Tôi xin thành thực nhận lỗi và muốn dành tất cả trí lực của mình để khôi phục, phát triển sự nghiệp của mình. Cứu được một người, với tôi là điều mong muốn lớn nhất trong quãng đời còn lại của mình”.

“Nợ đời trả mãi chẳng xong, Leo bao dốc đứng vẫn mong cứu người”. Hẳn sẽ không còn dốc đứng nào phía trước đón chờ ông, hẳn những gập ghềnh của đời ông đã đi hết. Nhưng nợ đời, thì có lẽ, đến khi về thế giới bên kia, ông vẫn chưa trả hết, bởi con người ông sinh ra, vốn đang gánh trong mình một gánh nợ lớn, gánh nợ nhân gian, cứu người, cứu đời.

Huyền Đỗ
.
.