Bông hoa của rừng Trường Sơn ngày ấy

Chủ Nhật, 20/11/2016, 15:45
Ở Trường Sơn, cô gái Huế xinh đẹp Nguyễn Khoa Như Ý ở đơn vị nào thì lãnh đạo lo lắng lắm. Người ta đồn, cô ấy đi cách mạng mà không thể ăn được cơm, cứ phải bơ sữa thôi.


Có người đẹp thì nhiều chàng trai thường lui tới thăm hỏi. Nhiều người biết thì cơ quan dễ bị lộ, địch sẽ trút bom xuống. 

Một lần Bí thư Chi bộ gọi Nguyễn Khoa Như Ý đến bảo: “Các anh tính bàn với em là nên đổi tên đi thôi…”. “Dạ”. “Em suy nghĩ chọn cho mình cái tên khác”. Thôi được, các anh cứ gọi em là Linh”. “Gì Linh?”. “Khánh Linh. Hà Khánh Linh”. Thế là cái tên Hà Khánh Linh ra đời từ đó. 

Chị giải thích: “Trong chữ Hán, “hà” là hoa sen - biểu tượng của sự tinh khiết, “linh” là loài hoa linh thoại. Khi có cả hai loại hoa sen và linh thoại cùng nở, ắt có khánh hỷ! Cuộc đời và văn chương Hà Khánh Linh mang đậm dấu ấn lịch sử đất cố đô Huế. 

Chị quê thôn Niêm, làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa ở phía bắc Huế. Nguyễn Khoa là một danh gia vọng tộc ở Huế, đồng hành với vua chúa Nguyễn suốt 300 năm. Dòng họ ấy thế hệ nào cũng có nhiều người làm quan lớn, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. 

Năm 1965, lúc 20 tuổi, đang học dự bị Đại học Khoa học ở Sài Gòn, chị đã viết xong tiểu thuyết Trắng canh với bút hiệu Linh Lan Khai,  nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ của tuổi trẻ đô thị miền Nam. Tiểu thuyết được viết trên cuốn vở học trò 100 trang chép tay rất nắn nót. 

Một năm sau cô nữ sinh Sài Gòn ấy đã bỏ học nửa chừng để tham gia quân giải phóng, mang theo cuốn tiểu thuyết lên rừng và gửi theo đường giao liên Trường Sơn ra miền Bắc. Một lần ở Trường Sơn chị gặp nhà thơ Bùi Minh Quốc trên đường vào Nam.

Bùi Minh Quốc cho biết, tập bản thảo tiểu thuyết Trắng canh đã đến với nhà xuất bản, chính anh đã đọc trước khi đi B. Hà Khánh Linh dù nghe nói bản thảo chưa đạt, nhưng cũng mừng vì nó vẫn còn. Khi chị ra Bắc chữa bệnh và điều dưỡng, chị đã đến Nhà xuất bản xin lại bản thảo Trắng canh. Và tác phẩm đầu tay đó đến nay vẫn chưa in ra, như là một kỷ niệm đắng cay đầu tiên trong đời văn của chị…

Những ngày ở Trường Sơn, bom đạn khốc liệt, chị ở Đài Phát thanh Huế giải phóng. Thời đó hầu hết cán bộ, nhân viên kiệt sức vì thiếu đói và bệnh tật. Anh Giám cầm bộc phá ra sông kiếm cá vì lo sức khỏe anh em. Không may bộc phá nổ trên tay. Anh bị khai trừ ra khỏi đảng... 

Nguyễn Khoa Như Ý có bài thơ Những đứa con không có phần hương lửa rất cảm động khóc người con trai Hà Đông nhân nghĩa ấy… Trường Sơn như mái nhà /… Ấp iu - nuôi dưỡng - phụng thờ/ Những đứa con/ Không có phần hương lửa… Đó là tấm lòng, là nhân văn của một người đẹp cầm bút.

Nhà văn Hà Khánh Linh (Nguyễn Khoa Như Ý).

Hà Khánh Linh muốn bắt tay viết một cái gì đó. Chị quyết định viết về cuộc chiến đấu của thanh niên đô thị miền Nam, những năm 1964 - 1965. Chị lấy tên nhân vật  chính là Thuý đặt tựa cho tiểu thuyết. 

Viết sau trận bom B52, viết sau những ngày phát rẫy trỉa lúa để chống đói… Được vài chục trang thì hết cả giấy, đành cuộn tròn bản thảo cất kỹ vào balô. Rồi đang đêm, một trận bom B52 địch rải xuống khu rừng nơi cơ quan đóng. Trận bom ấy balô của chị bị vùi lấp ở đâu không biết, trong đó có bản thảo tiểu thuyết Thúy vừa mới viết được mấy chục trang. Hà Khánh Linh phải viết lại từ đầu cuốn tiểu thuyết. Chị viết mỗi lúc một ít, cần mẫn như chú ong tìm nhụy hoa làm mật... 

Những ngày về căn cứ A Lưới, chuẩn bị Tổng tấn công Mậu Thân 1968 ấy, máy bay địch bắn phá vô cùng ác liệt. Đài không phát thanh được.  Nhiều người bị sốt rét quật ngã. Đói khát, bệnh tật và dơ dáy… Hà Khánh Linh sốt 40 độ! 

Những tháng ngày đó, giữ được mạng sống là may, nên chị không thể tiếp tục viết tiểu thuyết Thúy được nữa. Mãi đến năm 1971, khi được ra miền Bắc chữa bệnh ở Bệnh viện E Hà Nội rồi chuyển về Viện điều dưỡng K55 ở Bắc Ninh, chị viết tiếp tiểu thuyết Thúy. Không có bàn, phải  ngồi tựa vào tường, ngồi co chân lại kê tập giấy vở lên đầu gối để viết. 9h tối là giờ tắt điện theo quy định, Hà Khánh Linh lại thắp đèn cầy cặm cụi viết. 

Năm 1973, tiểu thuyết Thúy đã được Nhà xuất bản Giải phóng in, gây được ấn tượng tốt đẹp với độc giả. Thúy là một trong số rất ít những cuốn tiểu thuyết dựng lại phong trào đấu tranh của đồng bào các đô thị miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ. 

Bẵng đi một thời gian, đến 10 năm sau, năm 1983, Hà Khánh Linh mới cho ra tập truyện ký Nụ cười Ápxara viết về bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu giải phóng Campuchia. 

Để có được tập truyện ngắn quý giá đó, năm 1981, Hà Khánh Linh đã đến tận mặt trận, nơi bộ đội Việt Nam đang truy lùng tàn quân Polpot ở Xiêm Riệp, sát biên giới Thái –Miên. 

Có lúc cùng bộ đội phục kích, muốn đi vệ sinh cũng không được, ngóc đầu lên là bị B40, đạn bắn tỉa, đành phải toilet ngay trong hầm. Năm 1989, chị trở lại Campuchia, đi thăm lại đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam. Bất ngờ thấy các chiến sĩ trẻ đang nằm võng đọc tập truyện Nụ cười Ápxara... 

Từ đó đến nay chị liên tục cho ra mắt 17 tập tiểu thuyết, truyện, ký, thơ và chị đang còn say sưa viết tiếp những cuốn tiểu thuyết mới. Sức viết như thế thật đáng nể. Chị viết như chạy đua với thời gian, chạy đua với tuổi, đánh vật với bệnh tim luôn đe doạ. Không vi tính, không máy chữ. 

Cứ viết tay bằng bút bi chi chít từng trang cần mẫn. Thế mà tốc độ sách xuất bản của Hà Khánh Linh thuộc loại nhanh nhất Huế. Cứ một vài năm một tác phẩm ra đời. Có năm như năm 1999 chị xuất bản một cuốn tiểu thuyết Con gái người cung nữ và tập truyện ngắn Vũng Chân Mây.  

Hà Khánh Linh là ngòi bút  phân tích tâm lý nhân vật khá sắc sảo và một thái độ cảm thông chân thành với con người. Con người có khả năng biến đổi và hướng thiện; nhưng con người cũng dễ sa vào tội lỗi và khi không còn sự bao dung, cứu vớt của xã hội, con người sẽ rơi xuống vực thẳm. 

Đường Trường Sơn huyền thoại.

Mô tả thật hay, thật xúc động cuộc đấu tranh giữa những cặp phạm trù   tốt – xấu, chính - tà, thiện - ác, từ đó nêu ra một cách sống, một cách ứng xử... đó chính là “những vấn đề” gửi gắm của chị trong từng trang sách... Chị đặc biệt quan tâm đến những điều “không thể nói được trong chiến tranh”. Đó là cô ni sư Tuệ Giác phải đấu tranh với sự nghiêm ngặt của nhà chùa để hoàn tục theo tiếng gọi của tình yêu. Cô giáo Bích Thảo phải dằn vặt mình thâu đêm để đoạn tuyệt với người đàn ông bội bạc và độc ác nhưng đã có thời cô yêu say đắm. 

Trong tiểu thuyết Chiến tranh và sau chiến tranh Hà Khánh Linh mô tả những kẻ cơ hội, né tránh gian khổ, nhưng lại mượn chiến tranh làm trang sức, làm bệ phóng cho mình khi hoà bình. 

Trong tiểu thuyết ấy, Hà Khánh Linh đã viết về chất độc màu da cam của Mỹ thả xuống chiến trường Thừa Thiên Huế. Có thể nói đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở Việt Nam viết về những tác hại của chất độc màu da cam…

Hẳn không phải ai cũng biết ngày đầu đầy gian khổ của các Chúa Nguyễn đi mở đất Phương Nam. Không có chúa Nguyễn làm sao có dải đất Việt Nam hình chữ S hôm nay? Không có các đời vua Nguyễn làm sao có hai di sản thế giới là Quần thể Di tích lăng tẩm Huế và Âm nhạc Cung đình Huế ? 

Phải tìm lại từng con người, từng chiến tích vẻ vang, từng tấm lòng cao cả, từng nỗi buồn thấm đất… đều là bài học về nhân văn cho muôn đời con cháu. Với hướng đi này, Hà Khánh Linh đã có những thành công với bộ tiểu thuyết 3 tập dày Người kinh đô cũ. 

Có thể nói rằng mấy chục năm nay ở Huế chưa có tác phẩm nào ôm trùm một không gian và hiện thực rộng lớn như Người kinh đô cũ. Theo nhà văn đây là câu chuyện về số phận những con người dòng dõi hoàng tộc và bi kịch tình yêu của họ trên nền các biến cố cách mạng hơn nửa thế kỷ qua - một đề tài còn trống vắng trong văn học Việt Nam.  

Từ nhiều năm nay nhà văn Hà Khánh Linh ở một mình trong một căn nhà xây ở hẻm đường Chế Lan Viên, Huế. Hai người con lớn lên đều đi làm và lập gia đình ở xa. 

Cách đây gần chục năm bỗng nhiên xuất hiện một đứa bé dễ thương trong nhà tên là Bình Nghi. Chị cho biết cháu là con của một cô gái người yêu cũ của con trai mình. Cô ấy có thai ngoài ý muốn. Chị tìm cách nuôi giấu cô gái cho đến ngày sinh nở, rồi đặt tên cho cháu. Sau khi cô gái sinh một thời gian, nhà văn Hà Khánh Linh đã ẵm nuôi đứa bé từ ấy đến nay như bà nuôi cháu. 

Hà Khánh Linh đã theo tiếng gọi của lòng từ bi nhà Phật. Bà lo lắng chăm chút cho cháu từ bữa ăn giấc ngủ, áo quần mũ mão đẹp đẽ như một người mẹ nuôi con thơ. Bà sắm cái ghế để chở cháu đi nhà trẻ. Mỗi khi đi thực tế sáng tác hay công tác xa, bà lại tha cháu theo cùng. 

Đi tàu ra Hà Nội, Đồng Hới… bé Bình Nghi đều ngồi trong lòng bà. Nhưng rồi khi Bình Nghi 5 tuổi, mẹ cháu về Huế, lén mang cháu đi mà không nói với bà một lời. Thế là tiểu thuyết Biến cố 182010 ra đời, viết về nỗi đau ấy.

Năm 1984, Phùng Quán, sau 30 năm, mới về Huế quê hương. Lần đầu tiếp xúc với người phụ nữ Huế xinh đẹp, đài các, lại là nhà văn, Phùng Quán bị “thần sét ái tình” đánh gục. Phùng Quán yêu say đắm, đúng hơn là cuồng si. Chính mối tình cuồng si đơn phương, đau khổ vì không được “yêu lại” ấy làm khơi dậy trong Phùng Quán nguồn mạch thơ mới. 

Những nỗi niềm đắng cay muốn giãi bày cùng cuộc đời thông qua “mối tình đau khổ” ấy đã làm nên thiên “tiểu thuyết thơ tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng” của Phùng Quán gọi là Trăng Hoàng Cung. 12 năm sau khi Phùng Quán mất, Hà Khánh Linh có tự tuyện Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung (2007). 

Nỗi đau gia đình nguôi ngoai dần, rồi Nguyễn Khoa Như Ý lại yêu. Chị lại Làm thơ vì đôi mắt anh/ Rực sáng đắm đuối và ướt sũng… 

Thơ tình Nguyễn Khoa Như Ý thỏ thẻ nhưng cũng quyết liệt lắm: …Em cầm tù anh. Trong gai nhọn xanh mướt của tình yêu… Có hình bóng một đấng tu hành trong thơ chị: Những giọt lệ sa trong khoé mắt tu hành; hình bóng một danh nhân: Dù anh là danh nhân cho loài người soi bóng; cả hình bóng của các linh mục xứ Đạo… 

Chị yêu cả Hoàng đế Tự Đức. Bài thơ Hạnh phúc trễ muộn viết tặng Hoàng đế Tự Đức được chị trân trọng đặt ở trang đầu của tập thơ Những bọt bóng màu: Xin hoàng Thượng hãy chứng thực cho/ Tấm lòng trinh bạch/ Tình yêu đầu đời/ Hạnh phúc trễ muộn/ Của mai vàng và của thần thiếp. Đó mối tình tình yêu hay nhất và kỳ lạ nhất của Hà Khánh Linh.

Hà Khánh Linh, người con gái kinh đô cũ là người không đánh trống mà là người lên men đời bằng những áng văn chương và cả bằng tính cách của mình...

Khôi Minh
.
.