Hà Khánh Linh và nỗi niềm “Trăng Hoàng Cung”

Thứ Hai, 29/09/2008, 11:30
Ai đã từng yêu mến Phùng Quán đều biết đến tiểu thuyết diễm tình "Trăng Hoàng Cung". Nó được chưng cất từ chính mối tình cuồng si đơn phương, đau khổ làm khơi dậy trong Phùng Quán nguồn mạch thơ mới. Nên mới có: "Anh khát thơ và anh khát em/ Chuyện thường tình hoá thành bi kịch". Tôi gặp nhà văn Hà Khánh Linh và được bà tâm sự những nỗi niềm của mình, với tư cách là nhân vật trong "Trăng Hoàng Cung" của nhà thơ Phùng Quán.

Nỗi niềm của “Trăng Hoàng Cung”

Có thể nói, với "Trăng Hoàng Cung", Phùng Quán đã để lại những tinh hoa của một đời thơ, là sự thăng hoa của một người khao khát yêu cháy bỏng. Đọc "Trăng Hoàng Cung", người đọc hình dung ra nhân vật chính trong thơ của ông rất đẹp. Cái đẹp của người con gái nơi sông Hương, núi Ngự với áo tím, với trăng và cả hồ hởi, đau khổ, hy vọng và tuyệt vọng.

Ông kể lại những ngày về Huế và đã gặp Nàng: "Thành phố quê nội xót thương tôi như người mẹ đông con xót thương đứa con số phận bầm dập, quá nửa đời người gặp phải cảnh truân chuyên… Sức tàn, lực kiệt, gót nặng lòng đau, tìm về với Mẹ. Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng thơ, ngất ngưởng say… và ngất ngưỡng gặp Nàng".

Cuộc tình ấy của Phùng Quán thật đa đoan. Thời gian đó, nhà văn Hà Khánh Linh đang bị "sốc đàn ông" vì cuộc ly dị chồng vừa diễn ra trước đó một năm (1983), bà đang bị bệnh tim, lại phải nuôi hai đứa con nhỏ.

Đúng lúc này thì Phùng Quán xuất hiện. Ông đến nhà thường xuyên quá thành quấy rầy, rất nhiều lần nữ nhà văn từ chối, bà nói: "Mỗi ngày phải tiếp chuyện thơ anh một hai lần thế này thì tôi thật… ngán! Tôi còn bao nhiêu việc phải làm, còn anh thì bao giờ cũng muốn ngồi lâu".

Có ai ngờ, chính mối tình cuồng si đơn phương, đau khổ vì không được yêu lại ấy đã sinh ra "đột biến năng lượng tình cảm" làm khơi dậy trong Phùng Quán nguồn mạch thơ ào ạt chảy. Những bài thơ hay trong "Trăng Hoàng Cung" như Mưa Huế, Trăng Hoàng Cung, Đợi đò, Trái bí xanh, Tình tuyệt vọng, Tôi khóc... đều xuất phát từ những sự hắt hủi, có khi mắng mỏ, từ chối của Nàng Thơ.

Ai đó nói cái bi kịch và sự cay đắng của tình yêu tạo nên thiên tài, quả là đúng. Tuy nhiên, đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết. Nó có kết cấu theo ý tứ của tác giả. Tác giả có quyền hư cấu. Với "Trăng Hoàng Cung", thơ Phùng Quán trở nên tinh diệu, mạnh mẽ và đằm thắm. Có những câu thơ tài hoa:

Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?
Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa đại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương.

"Trăng Hoàng Cung" không phải là những bài thơ tình thuần tuý. Đó là nỗi niềm của Phùng Quán trước cuộc đời. Bởi thơ là mạng sống, là lý lịch của đời ông. Tình yêu là cái cớ để ông giãi bày tư tưởng, nhân cách con người, triết lý sống. Nàng - người con gái của "Trăng Hoàng Cung" là một nữ nhà văn, một người con của sông Hương, núi Ngự. Người đàn bà khiến Phùng Quán: "Đến khi mô/ Con sông chán chảy? Ngọn gió chán thổi?/ Cây đờn chán dây/ Bàn tay chán ngón/ Cái nón chán quai/ Vừng trăng chán soi/ Rẹn cây chán đất.../ Đến lúc chừ/ Anh mới chán chộ mặt em" (Chán chộ). Bà tốt nghiệp khoa Ngữ văn và đã qua các nghề: dạy học, làm báo và viết văn. Trong sự nghiệp sáng tác, bà đã gặt hái nhiều thành công.

"Trăng Hoàng Cung" ra đời thế nào?

Những ngày tháng đơn phương yêu và nhận lại những đau khổ của Phùng Quán đối với Nàng (nhân vật trong tiểu thuyết "Trăng Hoàng Cung") thì không chỉ anh em văn nghệ sĩ ở Huế mà cả nước biết. Nhưng cho đến khi “Trăng Hoàng Cung” là kết quả của mối tình đó được in ra thì bè bạn khắp nơi ồ ạt gọi điện đến nhà Hà Khánh Linh hỏi chuyện.

Bà thực tình cảm thấy bối rối, không biết trả lời sao, nên mới viết ra cuốn "Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung" như một sự giãi bày. Trong đó, bà ghi lại những kỷ niệm, những cuộc gặp gỡ và tình yêu, cả sự si mê của Phùng Quán đối với bà như thế nào.

Nhà văn Hà Khánh Linh và Phùng Quán.

Theo những lời tâm sự từ đáy lòng thì Hà Khánh Linh không có bất cứ chút tình ý gì với Phùng Quán ngoài tình đồng nghiệp. Nhưng từ trước đó, ông đã si mê bà rồi. Nhiều khi ở nhà, Phùng Quán đến, bà phải lấy cớ ra khỏi nhà để tránh mặt. Khi thì đến nhà bạn gái, khi thì đi thăm mẹ hoặc những người anh em ruột thịt.

Một hôm, ông Nguyễn Khoa Tịnh, anh trai của Hà Khánh Linh muốn bà mời Phùng Quán đến nhà dùng bữa. Tại đây, Phùng Quán mới biết sắp đến ngày sinh nhật Hà Khánh Linh. Thường thì rất ít bạn bè biết được sinh nhật của bà, trừ người nhà.

Sinh nhật năm 1984 có mặt Phùng Quán. Phùng Quán đến từ chiều hôm trước, mang theo một con chó nhỏ nhưng béo tròn, nói: "Người nhà anh tặng em". Hà Khánh Linh đón lấy con vật và cảm ơn, cũng chuyển lời cảm ơn đến người nhà của Phùng Quán. Hôm sau đúng sinh nhật, khoảng 10 giờ sáng, khi mọi người đang quây quần bên bàn ăn thì Phùng Quán tới.

Ông mang theo trái bí xanh, trên da bí có đề thơ: "Anh ngồi lặng nhìn em cổ cháy khát cơn thơ/ Môi rát bỏng những lời giã biệt". Trong bữa tiệc, mọi người đề nghị ông đọc thơ từ khi mới về Huế. Phùng Quán say sưa đọc và bài nào cũng được tán thưởng.

Khi nghe xong bài "Trăng Hoàng Cung", mọi người không ngớt lời khen. Phùng Quán nói: "Tôi định thơ của chuyến đi Huế này sẽ làm một tập, và đặt tên cho cả tập là "Trăng Hoàng Cung". Anh em văn nghệ sĩ tán thành. Bữa tiệc kéo dài cho đến đầu giờ chiều. Khi Hà Khánh Linh chuẩn bị đi làm thì Phùng Quán - vị khách cuối cùng mới dắt xe ra cổng và say ngất ngưởng.

Từ buổi sinh nhật đó, Phùng Quán luôn ý thức một điều là phải hoàn thành tập "Trăng Hoàng Cung", và dành tặng nó cho người đẹp. Mãi cho đến tháng 12-1994, Phùng Quán mới có dịp trao tặng tận tay tập tiểu thuyết tình 13 chương. Ông ghi: "Tặng Hà Khánh Linh- một vừng Trăng Hoàng Cung. Phùng Quán. 93".

Hà Khánh Linh đón lấy, nói lời chúc mừng, thấy lời đề tặng khác thường, bà chưa kịp hỏi thì Phùng Quán nói: "Nhà xuất bản gửi về cho anh hai bản. Một bản dành cho em với lời đề tặng y hệt như quyển này, nhưng anh cứ để ở Hà Nội, đợi khi nào em ra Hà Nội gặp, anh mới trao tận tay. Còn một bản phần anh, anh mang vô Sài Gòn kỳ này phôtô ra làm nhiều bản để tặng bạn bè. Anh không ngờ gặp em ở đây, nên phải dùng bản phôtô này tặng em".

Trong tiểu thuyết "Trăng Hoàng Cung" có duy nhất một bài thơ Nắng Cố Đô là không phải Phùng Quán viết tặng Hà Khánh Linh mà tặng một người khác, cũng vào thời gian đó. Người được tặng bài thơ này chính là nguyên cớ để Phùng Quán phải lên "tăng gia" ở vùng núi Thái Nguyên, bên suối Linh Nham gần 3 năm liền. Người đàn bà đó là một họa sĩ, "bạn tâm giao" của Phùng Quán.

Ở Hà Nội, bà ấy nghe tin Phùng Quán ngày nào cũng đến đọc thơ tặng Hà Khánh Linh. Bà tức giận, mắng mỏ Phùng Quán rồi tìm cách vào Huế gặp Hà Khánh Linh cho biết mặt. Hai hôm sau cuộc gặp này, Hà Khánh Linh gặp Phùng Quán. Bà nói: "Anh thấy tai hại chưa? Đã có vợ con lại đèo bòng thêm cô họa sĩ này nữa, rồi giờ đây anh bày trò vớ vẩn si mê em...".

Phùng Quán giãi bày: "Anh muốn em dùng từ cho chính xác hơn. Xin em hãy cắt bỏ cụm từ "bày trò vớ vẩn"! Vợ anh và X. (tên người nữ họa sĩ) là một thế giới khác. Em là một thế giới hoàn toàn khác. Em là thi ca, là niềm thao thức của anh...". "Nhưng cùng một lúc, anh đã làm thương tổn 2 người phụ nữ".

Phùng Quán quả quyết: "Anh không hề làm thương tổn vợ. Anh và Bội Trâm (vợ nhà thơ - NVH) không hề giấu giếm nhau điều gì. Bội Trâm thương anh như người mẹ thương con. Bội Trâm rất tuyệt vời".

Những lời lẽ ấy giờ còn làm thổn thức Hà Khánh Linh. Đúng là tâm hồn của một nghệ sĩ, một Phùng Quán.

Vĩ thanh

Từ ngày Phùng Quán mất đi, mỗi năm vào dịp giỗ ông, một vài tờ báo lại đặt Hà Khánh Linh viết bài về ông. Nhưng bà luôn tìm cách khước từ. Nhiều bè bạn thắc mắc: "Tại sao Hà Khánh Linh không chịu viết một bài nào về Phùng Quán vậy?". Bà thường tránh trả lời những câu hỏi như vậy.

Một số bạn bè thân thiết thì nói như hờn dỗi: "Chẳng mấy nữa là tròn 10 năm anh Phùng Quán bỏ chúng ta mà đi. Lẽ nào vào dịp ấy, Hà Khánh Linh cũng không có một dòng kỷ niệm nào về anh?". Hà Khánh Linh thốt lên rằng, vào dịp đó sẽ có một nén hương lòng dâng tặng. Và đó là lý do để bà viết cuốn "Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung".

Thực ra, sau khi Phùng Quán mất không lâu, bà có làm một bài thơ tặng Phùng Quán, nhưng không tham gia vào tập tưởng niệm Phùng Quán. Mãi đến năm 2002, bà mới cho in ở tập san Nhà văn Thừa Thiên - Huế. Bài thơ nhan đề:

Hoang tưởng

Anh lịm tắt giữa mùa đông Hà Nội
Bỏ lại em, bỏ lại Trăng Hoàng Cung
Với những cơn mưa dầm xứ Huế
Bỏ lại cả sự phi lý
Khi anh đòi yêu em
Và đau khổ hờn ghen...
Nếu anh yêu em
Như yêu một Nàng Thơ
Thì anh đã chẳng phải, đau nỗi sầu đau tục lụy...
Say mê lắm. Nên khổ đau nhiều
Bởi vì anh không thể biết chừng mực
Em thương anh một đời lao lực
Một đời cay cực, một đời thơ, một đời hăm hở tin yêu
Một đời xung kích hàng đầu tiến lên
Đã xác định tiên phong
Thì không gào kêu khi trúng đạn
Quả tim nóng rực, máu hồng tươi, nụ cười rạng rỡ
Lời thương yêu rát bỏng làn môi
Một niềm hoang tưởng.
Than ôi! Nỗi mình phi lý, nỗi đời bạc đen
Nỗi mình bản tính hờn ghen
Nỗi đau vì thế, nhân lên đôi phần....
Cuộc chơi có lúc phải tàn
Trăng thu vàng úa trên sân Đại Triều
Bài thơ xưng tụng tình yêu
Tạc vào vách dựng phù điêu mây trời
Hoàng cung lạnh buốt anh ơi
Dấu xưa rêu phủ
Nghẹn lời tình trăng.

Người phụ nữ đẹp trong "Trăng Hoàng Cung" của Phùng Quán vẫn sống, lúc này đây đang nhớ về ông. Vầng trăng ấy sẽ mãi sáng tỏ, như nước sông Hương không bao giờ vơi cạn. Tình yêu của Phùng Quán cũng không bao giờ chết

Huế - Hà Nội tháng 8/2008

Nguyễn Văn Học
.
.