Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan: Câu thơ thương nhớ đời mình

Thứ Hai, 17/04/2017, 10:09
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cũng như những người phụ nữ khác, cũng nhiều ẩn khuất trong đời mình. Mà, ai cũng có góc khuất dành làm của riêng, dù của riêng ấy thật nhiều đau đớn, đôi khi thật nhiều nỗi niềm.

Tôi quen nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, còn ký tên khác PN Thường Đoan, bạn bè văn nghệ hay gọi vui là Phó Đoan, chừng hơn mười năm. Có thể tôi quen chị lâu hơn thế, vì từ thời còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, tôi đã quen chị rồi, quen qua thơ Phan Ngọc Thường Đoan hay PN Thường Đoan thường đọc trên báo.

1. Thời tòa nhà 81 Trần Quốc Thảo (Trụ sở Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM) chưa xây mới như bây giờ, đây là nơi hội tụ văn nghệ sĩ của bảy ngành nghệ thuật. Địa chỉ này cởi mở với tất cả, từ nhạc sĩ học nhạc đến người bán vé số, hàng rong đều ra vào tự nhiên; có tiền thì uống vài chai bia, không tiền thì làm ly trà đá mua tờ vé số dạo như nghệ sĩ Mạc Can sáng sáng đều ngồi dưới gốc cây cổ thụ.

Tôi gặp nhà thơ Thường Đoan ở không gian 81 này. Khi đó, tôi ham vui đến chốn này vì nghe nói các tài danh của làng văn nghệ Sài Gòn đều có mặt nơi đây, như: nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà văn Anh Đức, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền, nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Lê Văn Thảo… Chưa kể là dập dìu tài tử của giới xine, kịch nghệ cũng đến chốn này. 81 từng một thời là văn phòng của ông Hoàng Tuấn, nơi đỡ đầu và làm rạng danh ca sĩ Đan Trường hút hồn bao nhiêu bạn sinh viên, học trò…

Một địa chỉ tuyệt vời để bất kỳ ai mê văn nghệ cũng đều tìm đến. Tôi ngồi 81 một vài lần, mắt hay quan sát thấy một người đàn bà thường trưa và xế chiều thường đem thức ăn cho mấy con mèo ăn. 

Thói quen quan sát của tôi cứ lặp đi lặp lại theo thói quen cho mèo ăn của người phụ nữ này. Hỏi mới biết, người thường cho mèo ăn mỗi ngày là nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Tôi suýt ồ lên khi gặp người thơ bên ngoài những vần thơ đã đọc.

Sau này quen chị, biết thêm bà “Phó Đoan” này rất thương chó và mèo. Khi tòa nhà 81 xây mới, báo Văn nghệ TP HCM nơi chị làm việc đóng quân ở địa chỉ này, phải đi mướn nơi khác làm trụ sở. Thế nhưng, trưa và chiều, Thường Đoan vẫn xách đồ ăn chạy về 81 cho bầy mèo ăn.

Bầy mèo ở 81 lúc đầu không có, có chăng là một con mèo chửa hoang đi lạc vào chốn này, sau đó sinh con nơi đây. Bầy con sinh ra, sống nhờ thức ăn thừa của quán nhậu luôn thừa tiếng ồn của mấy ông nghệ sĩ quá chén trong 81. Bầy mèo trưởng thành hơn và sinh thêm cháu chắt nhờ nhà thơ Thường Đoan.

Chưa thấy ai yêu chó mèo kỳ lạ như nhà thơ này. Nhiều bận đi họp báo chốn này chỗ kia cùng với Thường Đoan, người ta tổ chức đãi ăn, chị thường xin thêm bọc ni-lon xin thức ăn thừa đem về. 

Trong nhà hàng 5 sao cũng thế, đợi vắng mặt người dòm ngó chút, là Thường Đoan xin bọc ni-lon xin thức ăn thừa đem về. Hành động này khá kỳ dị với nhiều người ngồi cùng bàn. Đã có tiếng xì xầm về chuyện Thường Đoan hay xin thức ăn thừa đem về.

Nhưng có mấy người biết, chị xin thức ăn thừa đem về để cho bầy mèo ở 81 đang chờ chị như chờ một người mẹ đi tha thức ăn về cho con?!

Nghệ sĩ kiêm nhà văn Mạc Can có tập truyện Bầy mèo vô sinh, chính miệng Mạc Can nói với tôi, tập truyện này ông viết được nhờ thấy cảnh nhà thơ Thường Đoan cho mèo ăn ở 81. Mạc Can thổ lộ: “Chưa thấy ai yêu mèo như bà Đoan này. Có lúc tui nói giỡn thịt mèo ngon là bị bà Đoan lườm mắt liền, khiến tui sợ muốn chết”.

Thật như Mạc Can nói, nhà thơ Thường Đoan mà nghe nói ai ăn thị mèo, thịt chó là chị tỏ thái độ không vui. Lý do, chó mèo nó hiền lành thế, sao lại ăn thịt nó ác thế hả trời.

Người thương chó mèo như vậy, nên có thể vì thế cái “tâm linh âm thầm” được rất nhiều nghệ sĩ lứa trước yêu quý. Nếu nói họa sĩ tài danh Lưu Công Nhân có nhiều người mẫu để ông vẽ, thì trong đó chắc chắn có nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Nếu nói cụ Lưu Công Nhân chỉ có vài người mẫu để vẽ, chắc chắn trong đó cũng phải có Phan Ngọc Thường Đoan.

2. Một số người mê tranh thích sưu tập tranh Lưu Công Nhân hỏi làm sao mua được tranh thật của cụ. Tôi nói, ở đâu không biết nhưng nếu mua tranh của cụ Nhân vẽ Phan Ngọc Thường Đoan thì chắc chắn thật. Nói rồi, bỗng thấy lỡ… miệng, tôi đi ra ngoài gọi điện: “Chị Thường Đoan hả, em nè, tranh cụ Lưu Công Nhân vẽ tặng chị còn không?”. Đầu dây bên kia: “Còn!”. À, thì ra bà chị dù có túng thiếu thế nào cũng luôn thủy chung với kỷ niệm. Mà, có ai đem kỷ niệm đi bán bao giờ?

Không chỉ với danh họa Lưu Công Nhân, các nhà thơ lứa trước đều rất yêu quý và bộc bạch nhiều “khúc đêm” của đời mình cho PN Thường Đoan nghe. Trong đó có tác giả Em ơi, Hà Nội phố!. Nhà thơ Phan Vũ năm nay 92 tuổi đã kể không biết bao nhiêu chuyện đời ông, tình duyên của ông cho Thường Đoan. Chị trở thành chứng nhân của một phần đời sống văn nghệ hiện nay.

PN Thường Đoan thuật lại: “Phan Vũ nói với tôi “thỉnh thoảng anh có một chuyện tình…”. Nghe hấp dẫn chưa? Nhưng đừng vội mà thích nhé, cũng chớ vội mà phê phán nhé. Vì chuyện tình của anh thật là nghệ sĩ, thật là thanh khiết, nó không có “chất chồng vợ, đàn ông đàn bà” trong đó, mà nó là hai ly nước, một ly cà phê và một ly sinh tố, cùng tan vào màu vàng của chiếc lá vừa rụng khẽ xuống  trước mặt họ. Cùng bay theo ngọn gió luồn lách dưới gầm bàn khiến hai bàn chân lành lạnh trên đường về, mà bên cạnh không có chiếc bóng song hành”.

“Tôi hỏi, vậy tình yêu với tình thương, cái nào dành cho người nào? Anh nói, tình thương dành cho vợ. Vợ chồng sống với nhau lâu dài là vì có tình thương. Chứ yêu nhau thì chắc không ở với nhau được lâu, vì anh là người mau chán. Trời đất. Anh cười toe, có vẻ thích thú về cái định nghĩa và cách giữ tình yêu của mình. Thế thì làm cách gì để đừng chán nhau trong cuộc sống vợ chồng? Thì người đàn ông phải biết bày cách để tự mới mỗi ngày, chứ đừng trông mong vào người đàn bà, vì bản chất họ trước sau một suy nghĩ và một cách sống chung thủy mà”.

Hỏi nhà thơ PN Thường Đoan, rằng nhà thơ Phan Vũ 92 tuổi vậy chắc gì nhớ chính xác? Chị liền phản pháo, anh Phan Vũ nhớ tốt lắm, chuyện là vầy: “Anh Phan Vũ nhớ và đọc thuộc làu bài thơ đầu tay anh làm vào năm 1956 nó có tên là Bình Vỡ. Bài thơ đã được lên khuôn báo Nhân văn số 6, nhưng rồi không in, vì tờ Nhân văn ra được 5 số thì đình bản. Thế nhưng, anh Phan Vũ lại không nhớ bài Em ơi, Hà Nội phố! viết mãi năm 1972. 

Phan Vũ kể, số phận của bài thơ Em ơi, Hà Nội phố “gần nửa thế kỷ nó mới được công khai trên báo, em ạ”. Bài này anh làm vào tháng Chạp năm 1972, khi Mỹ trút bom xuống Hà Nội. Điều anh muốn nói trong bài thơ này, là dẫu thế nào “vẫn còn em”, tức là “vẫn còn Hà Nội”. Nhưng vì sự “suy diễn” trong một thời gian dài, bài thơ gồm 24 đoạn này không được in trong bất kỳ tập thơ nào, chỉ đến khi nhạc sĩ Phú Quang trích vài đoạn để phổ nhạc (ca khúc Em ơi, Hà Nội phố ) vào năm 1987. Do lâu như vậy, nên Phan Vũ sửa bài thơ nhiều lần, giờ chính anh đọc cũng phải cầm giấy vì quá nhiều… dị bản”.

Mới đây, nhạc sĩ Phạm Văn Nam ấn hành tập nhạc Khúc đêm (NXB Phương Đông) gồm 10 tình khúc anh phổ thơ PN Thường Đoan. Phạm Văn Nam có lẽ là một trong nhiều nhạc sĩ có niềm mê đắm nhất định với thơ Thường Đoan. 

Phạm Văn Nam, bộc bạch: “Năm 1997, tôi viết những nốt nhạc đầu tiên trên thơ PN Thường Đoan. Năm 2007, tôi phổ một số ca khúc trong đó có bài Khúc đêm trên nền thơ PN Thường Đoan. Thời gian vô tình trôi, mãi đến 2017 tôi mới in được Khúc đêm gọi là tạm kết nợ 20 năm bén duyên với thơ của chị PN Thường Đoan”.

Phải là người dễ thương mới được nhiều người yêu quý, nhưng khi gặp chuyện cần khó tính thì PN Thường Đoan khó chịu tới cùng. Như năm 2015, một nữ nhà thơ ở Hà Nội “cầm nhầm” bài thơ Buổi sáng (nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài Catinat café sáng) của PN Thường Đoan, khi bị phát hiện lại chối cãi quanh co nên khi xin lỗi theo kiểu “dẻo mồm”, Thường Đoan đã từ chối và cần một lời xin lỗi thực lòng.

Cách nay không lâu, có một ông xưng là nhạc sĩ nói cũng phổ bài thơ Buổi sáng của chị, nhưng kèm theo lời khẳng định: “Bài của tôi hay hơn bài của tay Phú Quang kia nhiều”; Thường Đoan trả lời: “Anh nói thế thì anh tự nghe một mình đi nha. Anh phổ thơ tôi, anh chưa xin phép tôi, lại còn tự cho là bài hát của anh hay hơn Phú Quang. Tôi chưa nghe bài của anh, nhưng tôi không còn hứng để nghe nữa”.

3. Những con mèo ở 81 như các con mèo ở khắp quả địa cầu này thường sống về đêm. Nhà thơ PN Thường Đoan chắc đến đêm cũng phải đi ngủ, nhưng biết đâu nhưng con mèo hoang mà chị đã và đang “cưu mang” ở 81 sẽ ruổi rong đâu đó thay chị, ở những khúc đêm mà “người đàn bà làm thơ” chưa bộc lộ thành lời.

Trần Hoàng Nhân
.
.