Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan: “Một khi măng đã thành tre”

Thứ Ba, 22/11/2011, 15:27
" Có câu “Dạy con dạy thuở còn thơ…”, từ lớp mẫu giáo đã không dạy trẻ yêu tiếng Việt, thì khi măng đã thành tre, có muốn uốn theo ý mình cũng không thể được!". Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nói về biên độ cho ngôn ngữ sành điệu hiện nay.

- Thời nào cũng có ngôn ngữ của riêng mình để làm phong phú thêm tiếng Việt. Với giới trẻ, ngôn ngữ riêng lại càng có nhiều nét khác biệt. Mới đây, dư luận có khen và chê về cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” tập hợp các “thành ngữ sành điệu” của giới trẻ qua nét biếm họa của một họa sĩ trẻ. Chắc hẳn thời đi học của chị cũng có những câu “thành ngữ” dạng này?

- Tôi thấy những câu “thành ngữ” dạng “Sát thủ đầu mưng mủ” đâu phải bây giờ mới có? Đây là câu bông đùa của giới trẻ với nhau ngoài đời, thậm chí tôi còn nghe dân nhậu nói với nhau nữa.

Ví dụ như hồi tôi đi học, thầy đứng trên bục giảng khen một bạn nào đó học giỏi, lập tức ở dưới hàng ghế có tiếng trả lời: “Nó học giỏi vì nó thường ăn tỏi”, hay thầy khen bạn khác có ý chí học tập, lại có tiếng trả lời: “Nó có ý chí vì nó có lý”, đại khái là như vậy. Hay các dân nhậu khi lỉn xỉn rồi cũng có “thành ngữ”, ví dụ: “Không lai rai coi chừng đai”, “Vô vô vô, không vô cái mặt như cái tô”.

Nhưng chỉ khác, nói khơi khơi bất thành văn thì gió thổi mây bay, không sao, nhưng tại in thành sách nên mới có vấn đề nguy hiểm. Trẻ nhỏ hay bắt chước người lớn, sách vở, phim ảnh, v.v; các em nghe được bèn học tập ngay, mà cái sự học tập này rất tai hại, chứ không còn “vui” như khi người đủ ý thức công dân nói với nhau. Thử hỏi, nếu bạn có con nhỏ, bạn kêu con bạn đi học bài, mà nó cãi lại: “Học học học như cái bọc” hoặc “học học nữa hộc máu”… xem bạn có dễ “điên” không?

- Theo chị, những câu như “cái mặt mất sổ gạo” thời chị đi học với câu “trăm lời anh nói không bằng làn khói @” bây giờ thể hiện sự khác nhau của ngôn ngữ xã hội mỗi thời như thế nào?

 - Câu “cái mặt mất sổ gạo” với câu “trăm lời anh nói không bằng làn khói @” cho thấy rất rõ tình trạng xã hội vào thời điểm đó. Cái thời mua gạo bằng sổ thì ai cũng biết rồi, rất hình tượng và quá thực tế phải không? Còn cái thời @ này dù thực tế còn hơn cái thời mất sổ gạo, nhưng ngôn ngữ diễn đạt văn hoa hơn.

Tuy nhiên, theo tôi dù cách thể hiện có khác nhau, một cái mỹ miều, một cái trần trụi, nhưng cuối cùng cũng biểu hiện được thời điểm, tình thế, con người của xã hội đương thời. Thời “cái mặt mất sổ gạo” là lúc xã hội Việt Nam ở thời điểm ngăn sông cấm chợ; còn thời @ này, đất nước Việt Nam đã mở cửa giao du với thế giới, chỉ cần một cái nhấn  “Enter” là biết mọi tin tức trên thế giới, nên mọi thứ đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngôn ngữ.

- Ngôn ngữ dùng trong chat, tiếng lóng, thành ngữ sành điệu…, nói chung là “ngôn ngữ thời @” có làm giàu, đẹp thêm tiếng Việt hay ngược lại, vì sao?

- Dĩ nhiên là ngôn ngữ dùng trong chat, tiếng lóng, thành ngữ sành điệu… không làm giàu, đẹp thêm tiếng Việt, nhưng cũng chẳng làm xấu đi, vì nó như lúa thời vụ, qua mùa thì chấm dứt. Chúng ta không nên giao cho loại ngôn ngữ dùng trong chat, tiếng lóng, thành ngữ sành điệu… cái nhiệm vụ cao cả là làm giàu và làm đẹp tiếng Việt, vì bản thân nó không có khả năng đó.

- Để giới trẻ hướng đến việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng giàu, đẹp hơn nữa, theo chị, thơ ca hiện nay cần làm những điều gì để giới trẻ thấy rằng đọc thơ giúp ích nhiều hơn về ngôn ngữ và từ thơ mà người Việt yêu tiếng Việt của mình hơn so với các loại hình giải trí khác?

- Tôi muốn hỏi lại, cụm từ “giới trẻ” khoanh vùng cho lứa tuổi nào? Nói theo “ngôn ngữ thời @”, thì 7X, 8X hay 9X? Ở đây theo câu hỏi cho thấy có hai vế: thơ và ca. Mà nếu dùng thơ để hướng thế hệ này đến việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” ở thời điểm này tôi e rằng quá trễ rồi! Không phải tôi bi quan, nhưng cứ nhìn thực tế đi, 10 năm trở lại đây đã có một số không ít người trẻ 7X, 8X làm thơ với một loại ngôn ngữ “trần như nhộng”, đa số họ là những người trẻ trí thức, không bị tâm thần phân liệt, nhưng đã sử dụng những từ ngữ thô tục trong thơ.

Đồng thời, với tình hình Internet làm bá chủ hiện nay, thơ bị mất hút trong triệu triệu thể loại trò chơi giải trí, người trẻ - thanh thiếu nhi - bị cuốn hút vào đó, họ đâu có màng gì tới thơ đâu? Còn nếu dùng “ca” cũng không xong, vì cũng rất nhiều người của thế hệ 7X, 8X viết những bài hát tầm xàm, ca từ tệ hơn ngôn ngữ ở chợ. Chủ yếu họ muốn nổi tiếng nhanh và hốt được tiền nhiều, nên sự trong sáng của tiếng Việt bị dìm xuống tận đáy.

Vậy thì, cái quan niệm đọc thơ giúp ích nhiều hơn về ngôn ngữ và từ thơ mà người Việt yêu tiếng Việt của mình hơn, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt… so với các loại hình giải trí khác trong xã hội bây giờ e không khả thi, nếu nền giáo dục của Việt Nam không thay đổi. Có câu “Dạy con dạy thuở còn thơ…”, từ lớp mẫu giáo đã không dạy trẻ yêu tiếng Việt, thì khi măng đã thành tre, có muốn uốn theo ý mình cũng không thể được!

Nguyệt Lãng- Hoàng Nhân
.
.