Cuộc giã từ cuối cùng của “Thương nhớ Tràng An”

Thứ Ba, 27/11/2018, 16:22
… "Và lần này là lần giã từ thứ hai của ông. Một cuộc giã từ có lẽ là lần cuối cùng, không đau đớn mà ngập tràn thương nhớ. "Ông đã già và sức khoẻ đã yếu. Ông không thể trở về Tràng An của ông được nữa. Ông viết thư cho tôi và nói: ông không còn cơ hội để chạm vào những người thân yêu, bạn bè, không còn cơ hội được đặt bàn chân vào chốn này. Ông phải sống ở xứ người cho đến ngày giã biệt thế gian. Nhưng những bức tranh trong triển lãm "Thương nhớ Tràng An" của ông đã thay ông làm cuộc hành trình trở về để nói lời từ biệt Tràng An, từ biệt chúng ta. Một lời từ biệt cuối cùng như không thể khác".


Đó là những lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn về triển lãm "Thương nhớ Tràng An" của họa sĩ Đỗ Duy Minh, một người con Hà Nội, sinh ra và lớn lên trên đất Tràng An đã lạc xứ gần nửa thế kỷ. 

Nhóm nhân sỹ Hà Đông trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt họa sĩ Đỗ Duy Minh đang ở Canada giúp ông ước nguyện cuối là tổ chức triển lãm ở chính nơi quê hương xứ sở của ông để giúp ông, và thay ông nói lời giã biệt về mảnh đất chôn nhau cắt rốn và những nỗi nhớ thương ngập tràn suốt một cõi đời của họa sĩ. 

Đây cũng là lần thứ 3 nhóm Nhân sĩ Hà Đông giúp ông làm việc này và đã để lại những dư âm đẹp đẽ về những tình cảm sâu đậm cũng như những thông điệp về tình yêu của họa sĩ Đỗ Duy Minh dù ông đi lạc ở đâu trên bất cứ thế gian này.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một triển lãm cho người còn sống, người đó đang ở xa Việt Nam, xa Hà Nội, không có mặt tại cuộc hội ngộ và bày tỏ của chính mình, điều đó nghe có vẻ là lạ?

+ Đây là một triển lãm đặc biệt không phải bởi họa sĩ Đỗ Duy Minh không có mặt mà bởi đó là lời giã từ Hà Nội của ông. Ông không thể trở về Hà Nội được nữa vì sức khoẻ. Sống chết với ông bây giờ không thể đoán định trước được. Và ông muốn lần cuối cùng làm một triển lãm ở chính nơi ông sinh ra, lớn lên và đã phải ra đi như một lời "vĩnh biệt" trong khi còn sống với mảnh đất này. 

Thực sự, mong ước của ông về một triển lãm như thế làm anh em trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông vô cùng xúc động. Và chúng tôi đứng ra và làm triển lãm này cho ông.

Họa sĩ Đỗ Duy Minh.

- Ông nói rằng, họa sĩ Đỗ Duy Minh có hai cuộc giã từ đau đớn? Một cuộc giã từ đầu tiên và một cuộc giã từ cuối cùng?

+ Cuộc giã từ đầu tiên là cuộc giã từ bởi một biến cố lịch sử cách đây gần 40 năm. Ngày đó những xê dịch của đời sống riêng tư ông phải ra đi trong đau đớn. 

Ngày đó ông đang là họa sĩ và vẽ minh họa cho các tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội. Còn cuộc giã từ lần này là giã từ của thương nhớ. Sức khoẻ ông đã yếu. Chắc chắn ông sẽ từ giã cõi đời  ở xứ người. Không còn cơ hội nào để trở về mảnh đất này như những lần trở về trước đây. Đây chính là cuộc giã từ cuối cùng của ông.

- Và sau cuộc giã từ thứ nhất, chính ông đã kể gần 40 năm sống ở xứ người với tuyết trắng và ngôn ngữ xứ người, nhưng tất cả những thứ đó không có một lúc nào lọt được vào tâm hồn họa sĩ Đỗ Duy Minh. Ở đó chỉ có Tràng An, Tràng An và mãi mãi Tràng An. Một người yêu Tràng An đến thế sao lại có những lựa chọn mất mát?

+  Họa sĩ Đỗ Duy Minh mang một nửa dòng máu Việt và một nửa dòng máu Trung Hoa. Nhưng từ lúc sinh ra và lớn lên cho đến lúc phải rời xa mảnh đất này, lòng ông chỉ có nơi này. Tất cả những gì đã nuôi lớn tâm hồn ông mãi mãi sống trong ông như máu chảy da thịt ông. Hình như ông chỉ vẽ về Hà Nội, về con người, thiên nhiên và những vẻ đẹp làm nên nơi này mà tôi gọi đó là những vẻ đẹp Tràng An.

Cách gọi có thể chưa thật chính xác nhưng lại lột tả được những gì ông thương yêu và sáng tạo. Những vẻ đẹp đó đã và đang một ngày một rời xa chúng ta. Nhưng vẻ đẹp của văn hoá không bao giờ trở nên lỗi thời với đời sống tinh thần con người ở mọi thời đại. Nhưng cuộc sống thực dụng đã và đang đẩy những vẻ đẹp đó xa rời chúng ta. 

Những bức tranh của ông là tiếng gọi yêu thương và da diết đối với những vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm đang bị thời gian chôn vùi. Những vẻ đẹp đó giống như những người thân yêu của chúng ta đi lạc đâu đó trong đời sống xô bồ và nhiều vô cảm này. 

Khi ngắm nhìn những bức tranh của ông trong cả hai triển lãm trước đây là "Vọng" và "Phố Hà Nội" tôi đọc thấy ở đó là những câu chuyện của tha hương, của những tiếng vọng thẳm sâu từ ký ức, từ tình yêu và nỗi nhớ về một xứ sở mà ông buộc phải bỏ lại... 

Và trong chính triển lãm "Thương nhớ Tràng An" lần này vẽ về Hà Nội, tôi cứ nghĩ những bức tranh đó giống những bức ảnh đăng "tìm người lạc". Ông treo những bức tranh lên để tìm những vẻ đẹp của Tràng An đã lạc mất theo thời gian.

- Trong cuộc xê dịch và thay đổi ấy, hoạt động hội họa của họa sĩ Đỗ Duy Minh nơi ông nhập quốc tịch và sinh sống đã diễn ra như thế nào? Ông đã sống một cuộc đời như thế nào sau lần từ giã đớn đau với Tràng An?

+  Ở Canada ông sống như mọi người di dân khác. Ông phải kiếm việc làm, phải lao động trong những khó khăn không nhỏ đối với người định cư. Ngoài giờ đi làm, ông trở về và lại chìm vào phòng vẽ của ông. Vẽ... vẽ và vẽ. Mà hầu như chỉ vẽ về nơi ông sinh ra và lớn lên. Vẽ như để được trở về bằng tinh thần và ký ức thương yêu và buồn bã của ông về nơi chốn ấy, công việc ấy. 

Việc bán tranh ở Canada không dễ dàng một chút nào. Một nghệ sĩ đến đó với hai bàn tay trắng, họ phải nhập cuộc để sinh tồn. Đỗ Duy Minh phải làm công việc khác để giúp ông duy trì vẽ. 

Nhưng vẽ không phải là việc kiếm sống để nuôi thân xác ông mà để nuôi tâm hồn ông. Có lẽ vì thế mà sáng tạo về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình đã cho ông sức mạnh để đi qua những khó khăn của đời sống và sự xa cách nhiều lúc đến muốn gục ngã của tinh thần.

Tranh của họa sĩ Đỗ Duy Minh.

- Với triển lãm lần cuối cùng này, những bức họa về những vẻ đẹp bị đi lạc ở Tràng An được họa sĩ thông báo ở nơi xa như thế nào? Chất liệu của tất cả những tranh trong triển lãm vẽ Acrylic trên giấy dó cũng là cách mà họa sĩ nói về nỗi thương nhớ Tràng An?

+ Triển lãm lần thứ nhất của ông tổ chức ở Hà Nội sau mấy chục năm sống ở xứ người là triển lãm tranh vẽ bằng than chì. Triển lãm lần thứ hai vẽ bằng màu nước trên giấy. Tất cả vẫn chỉ là Hà Nội, là Thăng Long, là Tràng An. 

Và lần này ông vẽ trên giấy dó. Thi thoảng tôi lại gửi giấy dó cho ông. Canada không thiếu chất liệu để vẽ. Nhưng những năm gần đây ông chỉ vẽ giấy dó. Đó cũng là một lựa chọn của ông bởi tình yêu xứ sở này.

- Vì sao một người đã xa Tràng An lắm, xa lắc lơ, và khó có thể nằm xuống lần cuối để chạm tay vào xương cốt Tràng An lại khắc khoải thông báo cho những người đang ở Tràng An về những vẻ đẹp bị đi lạc?

+ Ông sống ở một đất nước hiện đại và giàu có. Vì thế hơn ai hết ông hiểu những giá trị của văn hoá truyền thống lớn lao như thế nào. Nếu con người ở bất cứ quốc gia nào đánh mất đi những giá trị của văn hoá truyền thống thì họ sẽ trở thành một kẻ lạc đường trong thế giới phẳng như bây giờ. 

Ông cũng như những nghệ sĩ chân chính của chúng ta chính là những người luôn luôn gửi đi những thông điệp, những thông báo, cảnh báo về những giá trị đích của đời sống đang biến mất. 

Sự thật là những vẻ đẹp của đời sống và của văn hoá không bao giờ bị giết chết mà chỉ đang ẩn khuất ở đâu đấy kể cả trong bóng tối của đời sống này và bóng tối trong chính cõi lòng của con người. Những vẻ đẹp đó luôn đợi chờ con người nhận biết để lại hiện ra ngay trong chính mỗi ngôi nhà của chúng ta.

- "Nhân sĩ Hà Đông", cái tên thật gợi, và cái tên khi vang lên đã ngầm chứa tất cả những thông điệp đẹp đẽ mà nhóm mang lại... Ông có thể chia sẻ một chút về nhóm?

+ Chúng tôi là những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, doanh nhân, sĩ quan công an… sống ở Hà Đông. Chúng tôi yêu xứ sở của mình, yêu những gì mà tổ tiên, ông bà chúng tôi đã làm ra cho nền văn hoá và lịch sử của dân tộc này. Và chúng tôi là những người nhận ra có biết bao giá trị của đời sống và văn hoá đang bị lãng quên. 

Bởi thế chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho dù vô cùng nhỏ bé như một lời nhắc và có thể như một tiếng kêu về những điều thiêng liêng đang vị chôn vùi. Chúng tôi ủng hộ và trợ giúp cho một số hoạt động văn học nghệ thuật. 

Một trong những công việc chúng tôi đang làm trong những năm trở lại đây là tìm mua lại những đạo Sắc phong bị đánh cắp từ các chùa, các đình ở nhiều địa phương trên cả nước, rồi thuê dịch, rồi tìm cách dâng tặng lại cho các địa phương đó.

Mỗi ngày một nhiều hơn những cá nhân hay nhóm cá nhân tự nguyện làm những điều cho dù nhỏ bé giống như những hồi chuông nhỏ cảnh báo về những giá trị thực sự của đời sống văn hoá dân tộc đang bị đe dọa bởi quá nhiều thách thức. 

Bởi cho đến lúc này, càng nhiều hơn những người nhận ra rằng: nếu chúng ta không bảo vệ được những vẻ đẹp của văn hoá dân tộc trong bất cứ hình thức nào đó thì nguy cơ của "mất nước" sẽ càng đến gần với chúng ta hơn. Chúng ta đã và đang bảo vệ lãnh thổ địa lý của đất nước nhưng hãy hiểu rằng còn một lãnh thổ khác chúng ta phải bảo vệ hơn mọi thứ đó là lãnh thổ văn hoá.

- Xin chân thành cảm ơn ông.

Như Bình (thực hiện)
.
.