Đỗ Duy Minh: Tôi đã xăm ký ức vào tim

Thứ Sáu, 26/12/2014, 12:31
Người họa sỹ ấy đã có một cuộc ly hương bất đắc dĩ. Một cuộc ly hương mà ông đã phải xăm ký ức vào tim.

Để rồi sau này và mãi mãi, trong cuộc sống đầy những cái giật mình thảng thốt của một kẻ buộc phải xa xứ ấy, ông luôn có những sự nhầm lẫn đầy đau khổ giữa thực và mộng, giữa hiện tại và quá khứ. Để rồi sống giữa thành phố hiện đại nhất của châu Âu, hồn ông vẫn luôn tìm về quê hương Hà Nội, nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

Lý giải về sự lưu lạc của mình là do ai sinh ra cũng có số phận và số phận của ông đúng vào thời điểm hoàn cảnh lịch sử một thời. Nhưng ông đã may mắn vì nhanh chóng có được sự trở về sau lần ra đi ấy. Để rồi gần nửa thế kỷ qua, có lẽ chuyến đi xa nhất, nhiều mệt nhọc thân xác nhất, nhưng lại là chuyến đi ông chờ đợi nhất háo hức nhất trong suốt bao nhiêu năm ấy là những chuyến trở về với Hà Nội yêu thương.

Người họa sỹ trở về từ bên kia trái đất

Tôi ngồi với họa sỹ Đỗ Duy Minh vào một buổi chiều Hà Nội trở lạnh ở Laca café Lý Quốc Sư. Mưa bắt đầu rơi nhè nhẹ ở ngoài trời. Xa xa, tiếng chuông chiều của nhà thờ vang lên trong thinh không, thả những âm thanh trong trẻo, xen lẫn tiếng gõ mõ tụng kinh chầm chậm kế bên của ngôi chùa cổ Lý Quốc Sư. Lúc đó những bức tranh bằng chì than đen trắng của ông đang được treo lên trang trọng trong một không gian nghệ thuật sang trọng để chuẩn bị cho triển lãm VỌNG của ông, đánh dấu tròn 35 năm ông xa xứ.

Họa sỹ Đỗ Duy Minh đã già. Tuổi 70, ông như cây cổ thụ với những tán lá rậm rạp đã rủ mình trên chiếc bóng của mình. Ông ngồi giữa những bạn bè, lặng lẽ và chậm chạp để tận hưởng bằng hết những giọt thời gian, những cảm xúc dồn nén ắp ứ cái thời khắc thiêng liêng đang diễn ra. Mỗi một lần trở về từ phía bên kia trái đất là một lần ông mở toang hết hồn mình ra để thâu nạp, để nhận lấy, để ôm, thở và sống toàn bộ cái không khí của quê hương Hà Nội, con người Hà Nội, phố phường, và những gương mặt bạn bè thân quen ở Hà Nội, thành phố sinh ra ông bà của ông, cha mẹ ông, sinh ra cuộc đời ông và gia đình bé nhỏ của ông.

Bạn bè cùng thời với ông giờ người còn người mất. Bạn thân quý nhất còn lại một người trẻ tuổi so với ông là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người tri âm tri kỷ với ông trong suốt 35 năm ở nơi xa. Trong sự trở về lần này có sự nỗ lực của bạn bè, đặc biệt là của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những người bạn của anh để giúp họa sỹ Đỗ Duy Minh thực hiện được giấc mơ dày vò ông, ám ảnh ông và câu thúc ông nhiều nhất.

Giấc mơ thực hiện một triển lãm tranh trong đó ông giãi bày một cách trọn vẹn nhất, thẳm sâu nhất nỗi nhớ người thân, gia đình, quê hương, Tổ quốc. Nỗi nhớ về nơi chốn mình sinh ra lớn lên, và sống những tháng ngày đẹp đẽ hào hùng. Nhớ những gương mặt thân quen quanh mình, những gương mặt gần gũi, hiền hậu, kiên trung bất khuất của đất nước mình.

Nỗi nhớ mà ông kể như một cơn mộng ảo lẩn khuất trong cuộc sống hiện tại của ông ở đất nước Canada. Nó đánh thức và dày vò ông, đập cánh trong ông suốt 35 năm qua như thể ông mãi đi trong một cơn mơ mà ông chưa bao giờ thoát ra được để thanh thản vui sống và quen với thực tại. Đó cũng chính là tâm sự của người họa sỹ già nặng lòng với quê hương khi mà bất đắc dĩ xa quê vì cuộc sống mưu sinh. Ra đi để được quay trở về. Đó chính là hạnh ngộ của ông trong đời sống nhiều ẩn số mà trong chúng ta không phải ai cũng đoán định được trước đời mình.

Ký ức đã được xăm vào tim

Họa sỹ Đỗ Duy Minh sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Đường sắt, phố Phùng Hưng, phố thời bấy giờ có nhiều người Hoa sinh sống. Cụ nội thân sinh ra ông nội ông là người Hoa nhưng bà nội và mẹ ông lại là người Việt, Hà Nội gốc. Mang trong mình dòng máu lai Hoa nhưng ông nội ông lại không biết một chữ bẻ đôi tiếng Trung.

Gia đình ông 5 đời sống ở Hà Nội nên nói là gốc gác lai nhưng Đỗ Duy Minh chưa một lần đặt chân lên nơi nào khác, ông không hề có khái niệm quê hương thứ hai nào chính là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của bố mẹ ông, bản thân vợ con ông ngoài quê hương Hà Nội. Bởi thế mà Hà Nội chiếm trọn tâm hồn, cuộc sống và hồn vía Đỗ Duy Minh dù ông ở bất cứ đâu.

Thực sự mừng cho Đỗ Duy Minh trong lần trở về này.

Đỗ Duy Minh theo học vẽ ở Trường Mỹ thuật của họa sỹ Mạnh Quỳnh. Những năm tháng chiến tranh, ông là cán bộ phụ trách văn hóa quần chúng của công đoàn Xưởng toa xe Hà Nội thuộc Công đoàn Đường Sắt Việt Nam.

Là cán bộ quần chúng phụ trách văn thể mỹ, Đỗ Duy Minh không bao giờ quên được những năm tháng sống, làm việc ở Hà Nội. Ông vừa tham gia quản lý đội bóng chuyền nữ, đội văn nghệ bán nghiệp dư phục vụ trong ngành đường sắt, vừa vẽ tranh cổ động tuyên truyền.

Thời đó, công việc phản ánh thời sự của đất nước được thể hiện nhiều bằng tranh cổ động. Ông vẽ nhiều và vẽ những bức tranh to dựng ở ngã ba đường, khu phố, ở các đơn vị cơ quan. Nhớ nhất là những hội diễn, hội thi tranh cổ động chống Mỹ tổ chức ở những nơi sơ tán.

Những lần đưa đoàn văn nghệ của cơ quan đến các cụm thi ở cơ sở trên một chiếc xe tải vui như tết. Đi đến một trạm kiểm soát nào cũng dừng xe để biểu diễn văn nghệ cho anh em xem. Nhớ nhất là những hội diễn toàn ngành, không khí vui như trẩy hội. Đoàn văn nghệ đang biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc để dự thi. Đến đoạn cao trào nhất thì có tiếng còi báo động, đèn tắt phụt tối như bưng, diễn viên từ sân khấu chạy xuống hầm trú ẩn. Tan báo động, sân khấu dã chiến lại đỏ đèn và diễn viên bán nghiệp dư lại tươi cười bước ra sân khấu diễn say sưa.

Hơn 20 năm làm cán bộ phụ trách văn hóa quần chúng ở ngành Đường sắt đã xăm vào tim ông những kỷ niệm không thể nào quên.

Ngoài ra họa sỹ Đỗ Duy Minh còn là một cộng tác viên vẽ tranh biếm họa xuất sắc của một số tờ báo lớn lúc bấy giờ: Báo Văn Nghệ, Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, và phụ trách hẳn một trang chuyên về tranh châm biếm trên Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết)… Ông là một trong những họa sỹ vinh dự được kết nạp hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam sớm, từ năm 1968.

Một bức tranh được trưng bày trong Triển lãm VỌNG của họa sĩ Đỗ Duy Minh.

Hồi đó hội viên ít và quý lắm. Để được kết nạp hội viên rất khó, phải có nhiều cống hiến, đóng góp lớn, nhiều tác phẩm xuất sắc mới được xét. Những đóng góp có uy tín về nghệ thuật đã cho ông vị trí trang trọng: Tổ phó Tổ Tranh Đả kích của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nhắc lại thời ấy, Đỗ Duy Minh khóe mắt rưng rưng. Ông nói trong một nỗi tiếc nhớ tha thiết rằng, thời đó cuộc sống còn nghèo và vất vả nhưng thật vui. Chúng tôi sống và làm việc mê say, tất cả cùng chung một lý tưởng cách mạng và cống hiến tất cả niềm đam mê và sức lực cho Tổ quốc. Thời đó con người sống với nhau thật vị tha, thật nghĩa tình, sẵn sàng chia sẻ và hy sinh cho nhau, giúp đỡ nhau, trong một tình yêu thương đoàn kết gắn bó keo sơn của cả dân tộc.

Năm 1979, vì những lý do riêng, Đỗ Duy Minh cùng vợ và ba người con đã rời Hà Nội sang định cư ở Canada. Đỗ Duy Minh kể rằng, từ đó là chuỗi ngày sống trong nỗi nhớ Hà Nội da diết. Nỗi nhớ đã theo ông ròng rã suốt 35 năm trong một nỗi bâng khuâng xao xác không bao giờ dứt ra được.

Thật may chỉ xa Hà Nội dài nhất là 3 năm, gia đình ông đã lại thu xếp được để trở về thăm quê. Từ đó trở đi, ông lao vào làm lụng dành tiền để vài ba năm lại được cùng với vợ và các con trở về Hà Nội thăm họ hàng cháu chắt nội ngoại và quan trọng là được trở về để làm những người con hiếu nghĩa, chăm sóc hương khói cho các cụ, ông bà và cha mẹ nơi quê nhà.

Đỗ Duy Minh không nói nhiều về biến cố trên đường đời. Nhưng cái cách mà một ông già ở tuổi 70 rưng rưng lệ khi nhớ về kỷ niệm, nhắc lại những câu chuyện cũ, và sung sướng đến nghẹn lời khi đi, đứng hay ngồi lặng người trong không gian cũ, nơi ông đã sinh ra lớn lên và sống nửa đời người thì mới hiểu vì sao ông chỉ vào tim mình và nói rằng, ông đã xăm ký ức vào tim khi sống nơi đất khách quê người. Rằng không phút giây nào nơi xa ông và gia đình nguôi nỗi nhớ về Hà Nội.

“Vọng” cố hương

Đỗ Duy Minh trở về lần này và mang theo 30 bức vẽ về đất và người Hà Nội. Bạn bè đã giúp ông một triển lãm VỌNG ở Laca café Lý Quốc Sư. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Họa sĩ Lê Thiết Cương, cùng bạn bè lo giúp gần như tất tần tật cho triển lãm VỌNG của Đỗ Duy Minh, đã nói về 30 bức tranh của ông với một từ duy nhất là ĐẸP.

VỌNG ở đây chính là nỗi hoài nhớ cố hương, vọng cố hương của họa sĩ Đỗ Duy Minh. 30 bức tranh cũng là 30 nỗi nhớ, 30 vọng, 30 thao thức, 30 trằn trọc, 30 giấc mơ ngày về…. VỌNG cũng chính là những gương mặt người, những cảnh trí xa xôi trong tiềm thức vọng về. Những cô gái chít khăn mỏ quạ là hình ảnh bà nội, những người đàn bà gồng gánh, những bến sông, cây cầu, những con phố liêu xiêu, những Hàng Ngang, Hàng Đào, những bến Tam Bạc, những cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng… những hình ảnh, những mảng màu, những thân phận, những cảnh huống Đỗ Duy Minh vẽ trong nỗi nhớ quặn thắt về quê hương xứ sở chính là những mảnh ký ức đã được xăm sâu vào trái tim ông ngày đêm vọng về dày vò tâm trí ông, đánh thức cơn mơ của ông, giục giã ông trở về. Nghệ thuật đặc biệt của 30 tác phẩm lần này của Đỗ Duy Minh được khắc họa bởi chì than.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét rằng: Tuy vẽ bằng chì than trên giấy nhưng không phải là ký họa, trực họa, không phải là phác thảo. Đỗ Duy Minh đã biến chì trên giấy thành một chất liệu độc lập như sơn dầu trên vải, sơn mài, hoặc lụa… Có lẽ tranh đen trắng gợi đến hồi tưởng, đến hoài niệm, kỷ niệm nhiều hơn và như vậy chuyển tải được sức nặng của những cảm xúc và thông điệp đến với người xem nhiều hơn. Vọng cũng chính là cái kết đẹp cho một đoạn trường trong số phận của Đỗ Duy Minh. Vọng cũng chính là ngày trở về hạnh phúc sau một cuộc chia tay trĩu nặng đơn độc và lặng lẽ của Đỗ Duy Minh với Hà Nội. Cũng nhắc thêm một chút về Đỗ Duy Minh để Hà Nội chúng ta tự hào thêm về ông.

Năm 1985, thế giới biết về ông, một họa sỹ gốc Việt được giải thưởng quốc tế về tranh biếm họa được tổ chức ở Bungari. Ông vẫn duy trì được triển lãm tranh cá nhân và có tranh gửi bán ở các garelly lớn ở Canada.

Cũng chính vì nỗi vọng nhớ cố hương mà suốt trong 35 năm qua, Đỗ Duy Minh vẫn tiếp tục cộng tác, vẽ minh họa cho một số tờ báo lớn ở quê hương mình, trong đó ông là người vẽ bìa và minh họa cho tờ Nghệ thuật mới ở năm đầu tiên, và đặc biệt cũng ít ai biết rằng, dù ở phía bên kia địa cầu nhưng ông là cộng tác viên thường xuyên và thân thuộc suốt bao nhiêu năm qua trong mục tranh vui của Báo An ninh thế giới Cuối tháng, Giữa tháng và Cảnh sát toàn cầu giữa tháng, Cuối tháng.

Như Bình
.
.