Ông vua chân đất

Thứ Tư, 15/05/2019, 11:21
Phạm Anh Tuấn - sinh năm 1979 - mê xương rồng. Đó là bản lý lịch trích ngang đặc biệt mà Tuấn tự khai. Tôi ngạc nhiên, "Chỉ thế thôi sao?". Tuấn cười, "Thế là quá đủ". 

Bởi, với chàng kĩ sư nông nghiệp này, chẳng công việc nào thích thú bằng việc trồng cây, mà cũng chẳng cây gì hút hồn Tuấn bằng cây xương rồng, và chẳng ở đâu lý tưởng bằng khu vườn rộng 6ha với hơn 300 loại xương rồng của gã. Nhiều người gọi Tuấn là "vua xương rồng", Tuấn chỉ cười hiền khô, "Chỉ là vua chân đất thôi"...

1. Khi tôi biết Tuấn cách đây vài năm, gã đã phải lòng cái vẻ gai góc, sù sì của loài xương rồng và gây dựng được vườn xương rồng quy mô bề thế.

Còn vợ Tuấn thì hờn dỗi: "Em chỉ là người thứ hai, bởi trước khi yêu em, anh ấy đã yêu xương rồng mất rồi". Đã nhiều năm nay, Tuấn mê mải với việc chăm sóc, lai tạo, cấy ghép các loại xương rồng, công việc tỉ mỉ, cần mẫn như chăm con mọn.

Tôi, thỉnh thoảng muốn ngắm xương rồng, lại mất cả buổi đi 40km lên thăm khu rừng mini của Tuấn. Tôi thích cảm giác đang đi ngoài quốc lộ ồn ào và bụi bặm, rẽ vào con đường đất ngoằn ngoèo, rợp cây lá và sâu hun hút để vào nhà Tuấn. Cảm giác như đang đi vào rừng vậy. 

Lên thăm Tuấn, tôi thường không báo trước, bởi tôi biết, gã đắm đuối với khu vườn của gã cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm. Có chăng là lúc chở xương rồng và cây giống đi các tỉnh hoặc xuống Hà Nội, gã mới chịu ló mặt ra ngoài đường lớn.

Phạm Anh Tuấn trong khu vườn có tới hơn 300 loài xương rồng

Ở Tuấn vừa có sự thô mộc, khiêm nhường, lại vừa có nét dị, cá tính và quyết liệt. Gã bảo, bố mẹ đã chuẩn bị cho gã một mảnh đất ngoài mặt đường lớn để kinh doanh. Nhưng Tuấn chả thiết việc bán buôn, tự gom góp tiền thuê khu đất rộng 6ha nằm sâu trong xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội để trồng cây. 

Bố mẹ Tuấn ra sức vận động ông con trai ra mặt phố, nhưng thấy Tuấn mê đắm với cây nên đành chịu. Nhiều người bảo gã dại, mặt phố không ở lại đi ở trong khu vườn heo hút kia, gã mặc kệ, chỉ chăm chăm vào cây. 

Thay vì xây nhà xi măng cốt thép, Tuấn dựng ngôi nhà sàn giữa vườn, vợ chồng Tuấn và hai đứa con một trai một gái sống cuộc sống giữa thiên nhiên cây lá, giữa rỉ rả tiếng côn trùng và chim hót líu lo.

Tuấn kì công với xương rồng. Toàn bộ khu trồng xương rồng lắp đặt đường nước phun tưới và được bảo vệ bởi hệ thống khung bạt, lưới chống nắng. Lần nào đặt chân vào vườn xương rồng, tôi cũng có cảm giác đầy mê hoặc. Đủ loại xương rồng với đủ dáng vẻ được trồng, được ghép, phân theo từng luống thẳng hàng thẳng lối, trông đẹp mắt và đầy sức sống. Với tôi, tất cả chỉ gọi chung là xương rồng. 

Còn Tuấn có thể nói vanh vách tên khoa học, tên thường gọi, đặc tính của hơn 300 loài xương rồng trong khu vườn của gã. Nào là xương rồng bánh sinh nhật, xương rồng đuôi chồn, xương rồng nhện,… loại nào cũng mang vẻ đẹp rắn rỏi và bí ẩn. Tìm được một giống xương rồng mới, Tuấn vui hân hoan; một cây xương rồng úa hỏng, gã buồn và tiếc cả ngày.

Tuấn bảo, xương rồng mọc hoang ở vùng sa mạc, núi đá khô cằn thì khỏe khoắn, mãnh liệt, chịu hạn tốt. Nhưng khi được đưa về trồng, ghép thành cây cảnh thì trở nên đỏng đảnh, kén đất, kén nước và kén cả người trồng. Để chăm sóc được cả vườn xương rồng cảnh cần một niềm đam mê vô tận, không tiếc thời gian, công sức. 

Bởi loài thực vật này như những đứa trẻ nhỏ bé, non nớt, dễ ốm đau, phải được trồng trong khu nhà che nắng, che gió, che mưa. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều làm xương rồng suy yếu. Tưới nước nhiều hoặc để cây khô quá đều làm hỏng bộ rễ. 

Từ loại xương rồng khổng lồ như cái thúng, đến những chậu xương rồng ghép bé bé xinh xinh đều phải được chăm sóc kĩ càng. Dinh dưỡng đặc biệt cho xương rồng là hỗn hợp xơ dừa, trấu hun, xỉ than được ủ công phu.

Tuấn ghép được nhiều mẫu xương rồng đẹp và độc đáo.

Xương rồng không giống loài cây khác, đẹp ở dáng hình đặc biệt, ở gai, và ở những nụ hoa tí xíu đủ màu. Tuấn ghép xương rồng, cây càng cua trên thân thanh long rất điệu nghệ. Công việc căng chỉ ghép xương rồng phải rất khéo léo, tỉ mỉ, không được vội vàng, không được mạnh tay. Phải căn đúng thời điểm xương rồng cho dáng đẹp nhất để tách, ghép. 

Chỉ quá vài hôm là cây mất dáng, chỉ thiếu hay thừa một chút nước là rễ cây sẽ hỏng. Mỗi ngày được thấy sự phát triển của từng chiếc lá, chiếc gai nhỏ, cảm nhận được sức sống mãnh liệt ẩn bên trong vẻ ngoài cằn cỗi của xương rồng, với Tuấn là cả một sự khám phá thú vị và kì công.

2. Tuổi thơ, mặc lũ bạn đánh đáo, chơi khăng, Tuấn lụm tụm xới đất, trồng những loài cây yêu thích trong vườn nhà. Cây gì Tuấn cũng muốn biết tên, cũng quan sát tìm hiểu. 

Tuấn thích cảm giác được tưới nước, tỉa lá và ngắm cây lớn lên từng ngày. Lớp 4, lớp 5 Tuấn đã mày mò học cách chiết cây, ghép cây. Bởi vậy, khi học xong cấp 3, chả phải lăn tăn, Tuấn thi và đỗ vào Đại học Lâm nghiệp ngay thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. 

Ra trường, Tuấn đi trồng rừng làm nguyên liệu giấy tận Đồng Nai, Lâm Đồng. Chính những tháng ngày gắn bó với cây, với đất Đồng Nai, chàng kĩ sư trẻ biết đến loài cây xương rồng và đam mê, thích thú. Tuấn trở ra Bắc, về quê Thạch Hòa, ấp ủ kế hoạch dựng một khu vườn trồng xương rồng và những loài cây, loài hoa mà gã yêu thích. Rồi Tuấn lấy vợ, thuê đất làm vườn.

Kiến thức về xương rồng không được dạy trong trường đại học nên Tuấn tự mày mò, tìm hiểu về loài cây đặc biệt này. Những ngày đầu mới mẻ, Tuấn cả ngày ngoài vườn bất kể nắng mưa, xới đất, ươm cây, dựng lều bạt gây giống xương rồng. 

Cứ nghe ở đâu có giống xương rồng mới là Tuấn lại tìm đến tận nơi để mua, để học cách chăm sóc. Có chút vốn, Tuấn bỏ ra mua giống xương rồng, có những loại nhập khẩu đắt tiền. Nhờ sự khéo tay và óc sáng tạo, Tuấn đã ghép được nhiều mẫu xương rồng độc đáo và đẹp mắt. Gã chẳng để đất nghỉ ngơi, quay vòng quanh năm suốt tháng. 

Khi đôi bàn tay, bàn chân chai sần lại cũng là lúc cây bắt đầu lớn, xương rồng nhiều lên, những luống hồng, luống cúc rộ bông, những ụ gừng san sát, định hình khu vườn của gã.

Tuấn yêu xương rồng bằng một tình yêu không toan tính, bởi số tiền bán xương rồng so nếu với việc mở cửa hàng buôn bán thì chẳng đáng là bao, mà thời gian công sức bỏ ra là vô biên, vô tận. Xương rồng Tuấn trồng được yêu thích vì cây khỏe, được ghép cẩn thận, nhiều hình dáng độc đáo. 

Dân buôn cây ở chợ Bưởi, phố Hoàng Hoa Thám, làng gốm Bát Tràng, thậm chí cả trong Đà Lạt, rồi các khu du lịch đã quen mối xương rồng của Tuấn, cứ đến hẹn lại đặt mua.

Căn nhà sàn giữa vườn cây của vợ chồng Tuấn.

Tôi hay liên tưởng giữa con người Tuấn và loài cây xương rồng và tự hỏi: Chẳng biết có phải tính cách ấy khiến gã tìm đến xương rồng - loài cây nhỏ bé, quyến rũ một cách rắn rỏi và gai góc, hay vì gắn bó với loài cây này mà Tuấn thành người như vậy. Tôi mê căn nhà sàn rộng rãi nằm giữa khu vườn của Tuấn, bốn mùa thênh thang nắng và mênh mông gió. 

Đứng trên hàng hiên nhà sàn treo đầy những giò lan rừng, đưa mắt sang bên trái là khu trồng xương rồng, nhìn sang bên phải là vườn ươm những loại cây đường phố. Những là tùng Ấn Độ, ban, tháp bút, sang, sao đen, phong hương, cọ châu Phi,… chen nhau vươn lên, lá xanh mướt mát. 

Tuấn bảo, gia tài của gã chẳng có gì ngoài cây. Gã không thể sống thiếu cây, muốn nhìn thấy cây cả ngày. Bởi thế, gã dựng nhà sàn với nhiều cửa sổ, mở mắt là thấy trời, thấy cây, có thể với tay hứng mưa và nhìn thấy chớp rạch ngang trời trong những cơn giông...

Vợ Tuấn, người phụ nữ có sắc, hiền và nhỏ nhẹ, bị lây niềm đam mê cây của chồng, cũng thành thạo chiết cây và ghép xương rồng và ở ngoài vườn cả ngày cả tháng. Ngoài những lúc đón đưa hai đứa nhỏ đi học, chợ búa, vợ Tuấn cần mẫn chăm sóc xương rồng trong khu vườn kín gió và nhiều hơi nóng. 

Hỏi rằng sống quanh năm suốt tháng trong khu đất chỉ toàn cây, cả ngày chả nghe thấy tiếng người, lại xa trường lớp của con, xa chợ búa, có thấy buồn ? Vợ Tuấn bảo, đã quen với cuộc sống yên ấm và cũng yên ắng lạ thường này. Có khi cả ngày hai vợ chồng lúi húi trong vườn, chả nói với nhau câu nào, cứ mê mải mỗi người một việc.

Tuấn ít nói, chẳng mấy khi vồn vã, nhưng quen gã lâu rồi thì hiểu gã là người tình cảm và mến khách. Chả thế mà ngôi nhà sàn và khu vườn của vợ chồng Tuấn trở thành địa chỉ quen thuộc nhiều bạn bè tìm đến. Vài bữa lại có ông bạn chung niềm đam mê cây cối đến chơi, ở luôn vài ngày, nhận một khoảng vườn để trồng thử nghiệm một giống cây mới, hay để triết ghép loài cây yêu thích. 

Có lần Tuấn khoe đã ươm thành công giúp ông bạn cây trúc vuông bứng mãi tận đèo Ngân Sơn trên Bắc Cạn. Ươm xong rồi thì chăm cây cho bạn luôn, khi nào bạn thích thì đến đánh về trồng.

Hôm rồi nghe tin Tuấn tậu được khu đất mới trên Hòa Bình. Tôi giật mình, chả có nhẽ gã đã chán xương rồng, chán cây rồi sao? Có khi gã mua đất kinh doanh, đặng kiếm nhiều tiền mà lại thoát cảnh chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng. 

Chắc gã chán cuộc sống nơi vắng vẻ, muốn ra chỗ đông vui... Tôi cứ đoán già đoán non, cất công lên tận vườn gặp Tuấn để hỏi cho ra nhẽ. Thì ra, Tuấn mua đất thật, nhưng lại là đất vườn, và lại để... trồng cây. Tôi thở phào nhẹ nhõm, yên tâm rằng gã vẫn yêu cây, vẫn chỉ là "ông vua chân đất" mà thôi...

Huyền Châm
.
.