Nhà báo Hoàng Thế Dũng: Một chân thành, một son sắc vững bền

Thứ Năm, 04/07/2019, 20:18
Từ một cán bộ quân sự - Chính ủy Trung đoàn Thủ đô Hoàng Thế Dũng, chuyển sang làm báo - Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng, rồi ông thành nhà nghiên cứu lịch sử quân sự với bút danh Lê Chung. 

Cuộc đời ông, đầy những nỗi niềm, chỉ biết tỏ cùng hai vầng nhật nguyệt, song ông vẫn giữ nguyên vẹn tấm lòng son sắt như chính bí danh đầu đời ông đã chọn đặt.

Trận đánh đồn Bần (Hưng Yên) 12-3-1945

Mới đây, tôi đọc cuốn "Vang mãi khúc quân hành", tập 2, tập hợp các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, chào mừng 70 năm truyền thống LLVT tỉnh Hưng Yên (1947 - 2017) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, dưới sự Chỉ đạo nội dung của Đại tá Lê Văn Cửu. 

Trong sách có bút ký của Lê Xuân Tê mang tên "Trận đánh đồn Bần đêm 12-3-1945" (tr. 106 - tr. 116), tác giả không hề nhắc gì tới Hoàng Thế Dũng. Cho dù, ông Hoàng Thế Dũng là người quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1924, với tên khai sinh là Lê Chung Vịnh.

Năm 1998, ông Hoàng Thế Dũng đã cho đăng bài viết "Tước súng đồn Bần Yên Nhân (12-3-1945)" trong cuốn "Đường 5 anh dũng quật khởi", tập 4.

Tôi muốn nói thêm "Đường 5 anh dũng quật khởi" là bộ sách hàng chục tập, do những cựu chiến binh các tỉnh dọc đường 5 từ Hưng Yên xuống Hải Phòng thực hiện, bao gồm hồi ký, bài viết của những người trong cuộc. Đây là bộ tư liệu hết sức quý giá để cho thế hệ sau nghiên cứu và sử dụng.

Nhà báo Hoàng Thế Dũng (1924 - 2001) - Tư liệu gia đình bà Đặng Kim Ân.

Ban biên tập gồm những chính khách, những nhân chứng lịch sử có uy tín và có trách nhiệm đối với những chiến công dọc đường 5 như ông Lê Đức Thịnh - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; Đại tá Võ An Đông, Nguyễn Huy Trường, Đào Ngọc Quế, Trương Văn Thuận, Đàm Minh, Phạm Bách…

Đầu năm 1945, Hoàng Thế Dũng mới đi học lớp du kích về, được cử làm Phó Bí thư Ủy ban Vận động Việt Minh khu Bãi Sậy, trực tiếp phụ trách thanh vận và binh vận. Chàng thanh niên 21 tuổi đã vận động được một tổ Việt Nam quân nhân cứu quốc hội, trong đó có một lính khố xanh tên là Nguyễn Văn Việt, người làng Đào Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. 

Sau Cách mạng tháng tám 1945, ông Việt gia nhập Vệ quốc đoàn, được cử làm trung đội trưởng, ông mất tháng 5 năm 1997, thọ 78 tuổi.

Dưới sự chỉ đạo của ông Lê Liêm, ông Hoàng Thế Dũng xin vào làm gia sư cho Tây đồn. Chính nhờ làm gia sư trong đồn Bần mà Hoàng Thế Dũng đã có dịp tiếp xúc với những người Việt Nam như quản Nhượng, đội Tựa, cai Hòe, cai Hách, cai Dình, cùng các binh lính trong đồn.

Quá chiều ngày 10 tháng 3 năm 1945, anh lính khố xanh Nguyễn Văn Việt đã lẻn ra ngoài báo cho Hoàng Thế Dũng một tin cực kỳ quan trọng quyết định số phận đồn Bần: "Cai Hòe ở đồn nói lộ cho Việt biết có công văn tối mật của tên quan tư giám binh người Pháp trên tỉnh cho lệnh về "cả đồn phải bó súng sẵn sàng nộp cho Nhật. 

Tuyệt đối cấm không được chống cự lại. Ai không tuân lệnh sẽ bị nghiêm trị theo quân pháp". Cái lệnh ấy vẫn còn giữ bí mật".

Nhận được tin này, Hoàng Thế Dũng không kịp ăn cơm, lấy ngay xe đạp phóng vội đi tìm tổ trưởng Luật để bàn và đề nghị mời "thượng cấp" về cho đánh đồn Bần ngay. Tổ trưởng Luật tên thật là Nguyễn Trọng Cõn, đảng viên phụ trách khu vực Bần Yên Nhân. 

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nam Định với tên công khai là Nguyễn Trọng Luật. Cùng trong tổ thanh niên cứu quốc 3 người, còn có anh Kỷ. 

Sau này, anh Kỷ có bí danh Trần Sâm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Còn Hoàng Thế Dũng là người ít tuổi nhất được nhận tên là Sắt - tấm lòng son sắt với đất nước. Ba người tạo thành khẩu hiệu: Kỷ Luật Sắt!

Đêm 12 tháng 3 năm 1945, tự vệ chiến đấu tập trung để chuẩn bị "nhổ" đồn Bần. Hoàng Thế Dũng viết: "Đêm đó, tôi đóng vai thông ngôn cho viên võ quan Nhật chỉ huy quân về tước súng đồn Bần. Tôi có nhiệm vụ dẫn quân du kích xông thẳng đến lô cốt, nơi địch để súng đã bó sẵn và đạn dược".

Trận tập kích tài tình đồn Bần đã diễn ra chớp nhoáng, không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, thu toàn bộ vũ khí. Sau trận này, Hoàng Thế Dũng được đoàn thể cử lên Chiến khu Việt Bắc học Trường Quân chính Kháng Nhật, khóa đầu. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ đấy.

Sách "Lịch sử quân sự huyện Yên Mỹ (1945 - 2015)", do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, cấp phép năm 2017, ghi rõ: "Việt Minh đã khéo thu xếp và bố trí đồng chí Hoàng Thế Dũng, một cán bộ Việt Minh có trình độ học vấn khá vào làm gia sư dạy học cho con tên đồn trưởng người Pháp, nên ta nắm tình hình diễn biến mọi mặt trong đồn khá kịp thời" (tr. 29). 

Cho tới khi đánh đồn Bần thì: "Đồng chí Lê Liêm và đồng chí Nguyễn Bình đóng vai sĩ quan quân đội Nhật hoàng. Đồng chí Hoàng Thế Dũng đóng vai đảng viên Đại Việt làm thông ngôn (thông dịch viên)…

Chính ủy Trung đoàn 102

22 tuổi ông đã được cử làm Chính trị viên Trung đoàn Thủ đô (sau này gọi là Chính ủy Trung đoàn). Đó là một trong những cán bộ trung đoàn trẻ tuổi nhất thời ấy. 

Với phiên hiệu Trung đoàn 102, thuộc Đại đoàn 308 - Quân Tiên Phong thì Hoàng Thế Dũng luôn tự hào là Chính ủy Trung đoàn 102 - Trung đoàn MỘT KHÔNG HAI theo nghĩa là có một không hai - với những chiến công lừng lẫy.

Theo bước chân trường chinh của trung đoàn MỘT KHÔNG HAI ông là một trong 3 cán bộ trẻ chỉ huy năng nổ cùng tên là Dũng. Đó là: Trung đoàn trưởng Thái Dũng (về sau được phong quân hàm Thiếu tướng - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân); Chính ủy Trung đoàn Hoàng Thế Dũng và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (về sau được phong quân hàm Thiếu tướng - Cục trưởng Cục Huấn luyện - Học viện Quốc phòng).

Hoàng Thế Dũng đã đi theo bước chân trường chinh của trung đoàn qua suốt các chiến dịch Lê Hồng Phong, chiến dịch giải phóng Biên giới, chiến dịch Trần Hưng Đạo đánh xuống trung du, chiến dịch Hoàng Hoa Thám trên đường 18, chiến dịch Quang Trung đánh vào Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Nghĩa Lộ, chiến dịch Tây Bắc…

Nếu không có những nỗi niềm

Hòa bình lập lại, Chính ủy Hoàng Thế Dũng được điều về báo Quân đội nhân dân làm Trưởng phòng Thời sự rồi Phó Tổng biên tập. Sau này, đồng nghiệp cùng thời đánh giá về ông "đã góp phần xứng đáng làm cho tờ báo trở thành một tờ báo lớn".

Nhà báo Hoàng Thế Dũng còn được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa III (1962) cùng các nhà báo: Hoàng Tùng (Nhân Dân) - Chủ tịch Hội; Huỳnh Văn Tiểng (Đài TNVN) - Phó Chủ tịch Hội; Hồng Chương (Tạp chí Học tập); Nguyễn Thanh Dương (Tiền phong); Nguyễn Thành Lê (Nhân Dân);… 

Thế rồi, con người tài hoa ấy, bỗng đâu gặp cảnh "phong vận kỳ oan" khi mới chớm bước vào tuổi 40. Xét đi rồi xét lại, qua cơn bĩ cực thì ông đã "đầu bạc tựa bông" dù mới ở tuổi ngũ tuần.

Sách "Bác Hồ và Đội du kích Pác Bó"  - Tư liệu KMS.

Với tấm lòng sắt son, ông lại cầm bút, viết về anh bộ đội Cụ Hồ. Ông tìm đến Tướng Lê Quảng Ba ở khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội), ghi chép lại theo lời kể và hoàn thành hồi ký "Bác Hồ và Đội du kích Pác Bó" viết về đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng.

Ông lặn lội lên Việt Bắc, thuyết phục Đại tá Mai Trung Lâm, kể cho ghi lại hồi ký "Một chặng đường Cách mạng tháng Tám" khi tiến vào Chợ Rã (Bắc Kạn), rồi tiến lên giải phóng và lập chính quyền ở Hà Giang (1945). 

Bản thân ông, cũng dành thời gian viết về mặt trận Thập vạn Đại sơn, khi quân đội nhân dân Việt Nam non trẻ mới bước sang tuổi thứ 5 đã đem quân sang giúp đỡ nước bạn CHND Trung Hoa tiêu diệt quân đội Tưởng Giới Thạch đang rút chạy.

Cộng tác với tạp chí Lịch sử Quân sự mới ra đời, ông viết những bài ngắn giải thích "Tìm hiểu quá trình Việt hóa các khẩu hiệu quân sự từ Hán - Việt của quân đội ta"; "Trận đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa";… 

Những bài viết của ông, được đánh giá là đã đem lại cho độc giả thêm hiểu biết về truyền thống cách mạng và ý chí đánh giặc giữ nước của lớp người đi trước.

Những người bạn đồng cảnh ngộ, thuộc bộ tộc mà các ông thường gọi vui với nhau "tà-ru", chia sẻ rằng, Hoàng Thế Dũng vẫn luôn tin tưởng ông sẽ được cấp trên giải nỗi oan. Niềm tin ấy đi theo ông cho đến giờ phút cuối cùng. 

Dường như số phận run rủi, đúng ngày 19 tháng 10 năm 2001, tức ngày 7 tháng 9 năm Tân Tỵ, về dự kỷ niệm ngày thành lập báo Quân đội Nhân dân, ngay giữa cuộc vui, cựu Phó Tổng biên tập Hoàng Thế Dũng đã gục ngã để rồi không bao giờ trở lại nữa, hưởng thọ 78 tuổi.

Trong Điếu văn tiễn biệt Nhà báo Hoàng Thế Dũng, người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp từ Trung đoàn Thủ đô tới báo Quân đội Nhân dân là Đại tá - Nhà báo Lục Văn Thao thảng thốt: "Phải chăng hôm ấy những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời làm báo cùng tình đồng đội đã làm anh xúc động quá và đứt mạch máu não? Nếu quả có như vậy thì đúng là sinh ư nghệ, tử ư nghệ". 

"Trận Bần - Yên Nhân đêm ngày 12/3/1945 do ông Hoàng Thế Dũng đã tái hiện lịch sử qua bài hồi ký của mình, Ban liên lạc đồng đội tỉnh Hưng Yên tại Hải Phòng đã nhất trí đồng thanh đề nghị lấy ngày 12 tháng 3 hàng năm là ngày gặp nhau ôn lại truyền thống chiến đấu năm xưa. Nguyện vọng này đã được thể hiện trên văn bản đề nghị với Quân khu 3, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên lấy ngày 12-3-1945 làm ngày truyền thống" (Đường 5 anh dũng quật khởi - Hồi ký của các nhân chứng lịch sử - tập XII, Nhà xuất bản Hải Phòng, 2002).
"Hòa bình lập lại, anh Hoàng Thế Dũng được điều về báo Quân đội nhân dân làm Trưởng phòng Thời sự rồi Phó Tổng biên tập. Anh đã góp phần xứng đáng làm cho tờ báo trở thành một tờ báo lớn" (Điếu văn Nhà báo Hoàng Thế Dũng).
Kiều Mai Sơn
.
.