Chới với Huỳnh Tuấn Anh

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:06
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chưa bao giờ hết mới lạ về đời sống. Gặp nỗi đau, phản trắc, anh chới với. Gặp tình người nồng hậu, thơm thảo, anh cũng chới với. 


Huỳnh Tuấn Anh bảo, ngộ lắm, ông trời sinh ra mình, nghề nghiệp chọn mình, đẩy mình vào một trạng thái chới với.

Khi xem phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, Huỳnh Tuấn Anh nói rằng mình bị sốc. Đó là cơn chới với khởi nguồn để anh bắt tay vào làm Lô tô - bộ phim nói về những thân phận trôi sông dạt chợ, thân sâu hồn bướm lấy nước mắt của không ít khán giả khi ra rạp trong thời gian qua. 

Là bởi trong bộ phim tài liệu của mình, Thắm đã tả mà như không tả. Cái sự tả mà như không ấy, làm cho yếu tố đồng tính - vốn được/bị mặc định là câu khách rẻ tiền trong quan niệm thông thường trở thành một gợi mở về dòng ý thức, về thân phận con người. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng lay động đến Huỳnh Tuấn Anh và anh bị ám ảnh bởi hai chữ “con người”.

Sao có nhiều người họ khổ quá vậy? Họ đã sống ra sao, đã nghĩ gì dưới vòm trời ấy? “Bình minh không đến bao giờ/ Đời... sẽ đi về đâu?”. Sao khổ vậy mà vẫn khát vọng như vậy? Những câu hỏi cứ thế bật ra, bủa vây. 

Để rồi từ đó, có một sợi dây vô hình liên kết giữa hai chữ “con người” và Huỳnh Tuấn Anh. Để rồi, miền quê nghèo Kiên Giang những năm thơ dại nhiều mất mát gắn với hình ảnh đoàn lô tô lòe loẹt xanh đỏ tím vàng ùa về như những lát cắt sắc nhọn, nhức nhối, vừa đẹp đẽ, vừa buồn thương.

“Tôi nhớ quê tôi vào mùa nước nổi hoặc những mùa lễ hội thường có những đoàn lô tô ghé qua để biểu diễn phục vụ bà con. Ngày ấy, tiền kiếm từng đồng khó như mót lúa nên không ai dám đầu tư để mua vé coi lô tô đâu, chỉ đứng nhìn các nam cải trang nữ để cười đùa thôi. Tôi nhớ như in cái xe lòe loẹt xanh đỏ tím vàng viết tên của đoàn lô tô ấy. Ở nơi đoàn ghé đến, ánh đèn vàng trắng sáng trưng, rực cả một góc trời”, Huỳnh Tuấn Anh nhớ lại.

Có lẽ, chính bản thân anh cũng không nghĩ rằng, vùng ánh sáng rực rỡ đó lại đeo bám mình dai dẳng những năm về sau này như vậy. Vùng ánh sáng vừa không thực lại vừa như thực, chập chờn trở về cùng dư chấn trong bộ phim của Thắm.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trong một lần đi làm phim.

Làm xong Lô tô tưởng Huỳnh Tuấn Anh đã đi qua cơn chới với và bớt ám ảnh về con người. Nhưng không. Chàng đạo diễn trẻ này nói, anh vẫn chưa thôi chới với. Ở tác phẩm thứ nhất, mình có thể may mắn và có thể, những cái mình suy tính, nó chính xác. 

Nhưng điều mà Huỳnh Tuấn Anh không ngờ đến đó là, anh vẫn bị ám ảnh, vẫn muốn làm những tác phẩm chạm đến trái tim con người. Sau khi làm Lô tô xong, anh chới với vì không biết mình sẽ làm cái gì tiếp đây? Huỳnh Tuấn Anh tự nhận mình là người tham, rất tham.

Đạo diễn Lô tô là con người chưa bao giờ hết lạ về đời sống. Gặp chuyện gì anh cũng bất ngờ. Anh luôn giữ cho mình cảm xúc như vậy để ngó nghiêng và cắt nghĩa mọi thứ. Nếu người ta lấy sự trải nghiệm để nhìn người, nhìn đời thì Huỳnh Tuấn Anh không cho phép mình đi theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Anh chủ động khước từ nó và xem đó như một bài học của kẻ làm công việc sáng tạo. 

Vì vậy mà, gặp tình người anh cũng chới với. Gặp nỗi đau anh cũng chới với. Ông trời sinh ra anh. Nghề nghiệp chọn anh, rồi đẩy anh vào một thế chới với, anh mới sáng tác được. Chới với giúp anh có một xung điện bất ngờ, một sự vỡ lẽ cần thiết để nhìn cuộc đời bằng con mắt mới lạ. Huỳnh Tuấn Anh bảo anh giàu có với sự chới với đó. Anh giữ tâm chới với để sáng tạo, để làm và giữ tâm chới với để nhìn nhau cả đời mà không hết lạ.

Cảm giác ở lưng chừng và chới với là chất xúc tác để người sáng tạo mò mẫm bản thể mình, để nghe ngóng được nhiều chiều kích xung quanh. Nhưng cũng là lưng chừng và chới với đó, nếu không cẩn thận, đi quá lằn ranh sẽ sa vào một mê lộ mịt mùng, chới với trở thành một cảm giác triệt tiêu chính bản thân mình. 

Tôi hỏi Huỳnh Tuấn Anh, điều đó cũng đáng sợ chứ? Huỳnh Tuấn Anh kể nhiều lần, anh đã rơi tõm vào một cái rìa vực như thế. Tâm hồn lúc đó, trái tim lúc đó, giống như một thứ đồng không mông quạnh. Hoang vu khủng khiếp. Khi làm Lô tô, cũng có nhiều lưỡng lự, băn khoăn. Có lúc nghĩ hay mình dừng lại, ở cái mép an toàn này để bảo toàn số điểm. Cũng có lúc nghĩ, thôi, mình đừng làm nữa...

Huỳnh Tuấn Anh năm nay đã ngoài ba mươi. Không già nhưng cũng không phải trẻ nữa. Ở tuổi này, người ta đã bắt đầu mơ ước bình yên. Chới với chính là cảm trạng có hại cho mong ước bình yên của con người. Nhưng khốn nỗi, Huỳnh Tuấn Anh lại là một người tham lam. Vừa muốn an cư, bình ổn đại trà, vừa muốn di chân vào những vùng miền của ý thức, vào bản ngã phiêu lưu, thám hiểm để bóc tách con người, bóc tách chính mình. Anh bảo, nhiều lúc mình cũng mâu thuẫn với chính mình, anh đã bắt đầu trở nên nhu nhược và sợ sệt.

Khi nghĩ sẽ làm Lô tô, Huỳnh Tuấn Anh chới với. Khi nhà đầu tư đưa Huỳnh Tuấn Anh một cục tiền, bảo làm phim đi, Huỳnh Tuấn Anh cũng chới với. Mình sẽ làm gì với số tiền này đây? Rồi sau khi trình bày Lô tô, mọi người nhìn anh tròn xoe, anh lại tự hỏi mình làm được không. Rồi, cũng có lúc, buột nghĩ, hay là làm phim hài nhảm đi? Hay làm cái gì khác đi? Rồi khi Lô tô ra rạp, khen chê đủ cả, Huỳnh Tuấn Anh cũng chới với. Hết lần này tới lần khác.

Anh thừa nhận, chới với là trạng thái đánh đu trên những lưỡi dao của thành công hoặc thất bại. Nhưng trong nghệ thuật, nếu không có cảm giác chới với, người ta sẽ tự giới hạn mình. Sẽ bắt đầu lui vào vòng tròn của sự an toàn.

Là một phật tử, lẽ ra Huỳnh Tuấn Anh bình lặng, trầm ổn về mặt tinh thần. Nhưng không, anh hay có những phút riêng mình “bỗng nhiên”. Kiểu đời bỗng nhiên vui, đời bỗng nhiên buồn. Hay mùa này là mùa gì mà cứ lo sợ mơ hồ...

Cái chông chênh, mơ hồ đó có lẽ sẽ theo Huỳnh Tuấn Anh mãi. Từ ngày bé mất mát, ly tán cho tới ngày lớn lên, đi xa và cả sau này nữa. Tất cả vẫn ở nguyên đó, thỉnh thoảng lại trở về trong những dài rộng chới với. Những lúc ấy, để làm dịu mình đi, để yên ắng lòng mình đi, anh lại bù đầu vào viết. Viết kịch bản phim, viết kịch bản sân khấu, viết văn, làm thơ cũng là một cách tự chẩn bệnh cho mình. Con chữ phản ánh cái chới với lâm sàng. Chới với cái gì? Chới với ra làm sao để biết mà đi.

Sau "Lô tô", bộ phim "Đời cho ta bao lần đôi mươi" do Huỳnh Tuấn Anh viết kịch bản và đồng đạo diễn tới đây sẽ được công chiếu rộng rãi.

Để rồi mỗi lần viết xong một cái gì đó, Huỳnh Tuấn Anh lại nhận ra gương mặt, dáng hình của mình chìm nổi theo mặt chữ. Như kiểu say mà rất tỉnh. Có lúc buồn quá viết cái gì đó. Như tái sinh lại một kiếp khác. Anh nói, mình như một diễn viên đóng trọn vai tuồng với sàn chữ. Và “ngỡ là đời trôi sông lạc chợ/ không ngày mong tìm được bến bờ/ có ngờ đâu một lần duyên nợ/ buộc cuộc đời lạc chợ trôi sông”.

NSƯT Hữu Châu, người vào vai Lệ Liễu trong Lô tô nói rằng: “Ừ nghiệp đến rồi, mình cứ nhận lấy”. Huỳnh Tuấn Anh cũng đang đón nhận nghiệp của mình sau những năm tháng hoang mang không hiểu mình là ai, mình muốn làm gì. 

Rời bỏ chiếc áo công chức có vẻ ổn định để đi học đạo diễn, bị gia đình từ mặt, theo quan điểm thông thường, Huỳnh Tuấn Anh cũng như Đực (Lệ Liễu sau này) đã chạy đi, theo một gánh lô tô có tên gọi là Phù Hoa. Phù hoa, nhắc người ta về những giấc mơ dài, về những điều không có thực ở đất này. Nhưng nói cho cùng, như thế nào là thực, như thế nào là ảo, ai mà dám chắc?

Sau khi đóng rạp tại các thành phố lớn, đoàn Phù Hoa của Huỳnh Tuấn Anh đang “lưu diễn” mọi miền Tổ quốc. Chiếc xe xanh đỏ tím vàng sặc sỡ với những phận người nổi trôi theo dòng ấy, đang gửi gắm một chút sắc màu làm rực sáng một góc trời ở những nơi xa xôi.

Nhiều lúc đi làm phim, có người hỏi Huỳnh Tuấn Anh là ai trong gánh lô tô Phù Hoa đó. Anh nói rằng, anh chính là bà Lệ Liễu đó. Một người hiểu mình, đau mình, thương mình và thương vay cả những người khác nữa.

Đời cho ta bao lần đôi mươi - tên một tập truyện ngắn mà Huỳnh Tuấn Anh là đồng tác giả sắp ra mắt như một cơn chới với khác. Chẳng biết, sau cơn chới với này, Huỳnh Tuấn Anh sẽ rơi vào một cơn chới vào nào trên con đường khám phá mình, tìm mình? 

Đậu Dung
.
.