Đạo diễn Thanh Hiệp: Người kể chuyện kép, chuyện đào

Thứ Hai, 15/05/2017, 07:25
Với 25 năm làm phóng viên chuyên mảng kịch trường, có thể nói Thanh Hiệp là một trong số ít nhà báo cựu trào và kiên trì theo dõi lĩnh vực này, dù hiện nay sân khấu kịch sáng đèn không nhiều và sân khấu cải lương thường xuyên tắt ngóm.

Thanh Hiệp quê Cà Mau nhưng anh lớn lên ở Sài Gòn. Từ nhỏ anh được bà nội mê cải lương thường xuyên dắt đi xem các vở diễn ở rạp Thủ Đô (Q.5). Thanh Hiệp vào ra rạp hát này và chạy nhảy chơi đùa nhiều đến độ anh thuộc làu từng hàng ghế, thuộc luôn từng vai diễn, từng lớp tuồng và từng câu hát. 

Chính điều này sau khi trở thành nhà báo chuyên viết mảng sân khấu, nhất là cải lương, mỗi khi xem nghệ sĩ diễn, Thanh Hiệp có thể nhắc tuồng khi nghe sai lời, sai nhạc. Thường thì, làm bất cứ điều gì phải có đam mê mới làm tốt được. Thanh Hiệp là một trong những nhà báo có đam mê và biết nuôi dưỡng đam mê ấy lớn dần theo thời gian.

Cũng giống như độc giả mê văn chương thường mê luôn tác giả và muốn biết ông nhà văn này, ông nhà thơ kia làm sao sáng tác hay như vậy, hiện sống như thế nào. Thanh Hiệp cũng muốn biết soạn giả này, đạo diễn kia, diễn viên nọ trên sân khấu và ngoài đời thường có gì giống và khác nhau. Đấy là những bài báo đầu tay của Thanh Hiệp về sân khấu.

Tuy nhiên, lúc đầu anh viết rất nhiều lĩnh vực, từ mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, phim ảnh... đụng nhân vật, sự kiện là chơi hết. Cuối những năm 80, đầu 90 các tờ báo không nhiều như hiện nay, báo mạng lại càng không có, Thanh Hiệp viết luôn cho nguyệt san văn chương Áo trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền khai sinh và làm chủ biên.

Mỗi ngày, Thanh Hiệp đạp xe lọc cọc khắp Sài Gòn tìm gặp những nghệ sĩ cần tìm, hỏi và ghi lại những câu chuyện mà anh tin là độc giả quan tâm hoặc chí ít là giúp tòa soạn có thể tăng thêm tia-ra của số báo chuẩn bị in. Một dạo, gần như tờ báo hay tạp chí có chuyên trang sân khấu đều có bài của Thanh Hiệp, kể cả tạp chí ở tỉnh nhưng lấn sân phát hành tại Sài Gòn mong kiếm chút thị phần.

Những năm đó, mọi phương tiện hành nghề của nhà báo đều rất thô sơ, hình chụp bằng phim đem đi tráng rửa, bản thảo viết tay trên một mặt giấy A4 cẩn thận lót thêm tờ giấy can để lưu lại. Còn có được cái máy đánh chữ gõ kêu vang đầu làng cuối xóm lại càng tuyệt hảo. Nếu là cộng tác viên thì đạp xe ra bưu điện gửi bài và hồi hộp tính ngày báo, tạp chí phát hành lật giở từng trang xem bài của mình có được đăng không.

Một lần, Thanh Hiệp giở tờ Áo trắng tìm kiếm bài gửi cộng tác có được nhà văn Đoàn Thạch Biền cho in hay không. Bất ngờ, anh thấy tin nhắn in trên Áo trắng mời cộng tác viên Tăng Hoàng Thuận đến NXB Trẻ gặp nhà văn Đoàn Thạch Biền trao đổi công việc. 

Tăng Hoàng Thuận là tên thật của Thanh Hiệp, dưới mỗi bài viết ngoài bút danh còn phải ghi lại tên thật để tòa soạn chuyển nhuận bút, báo biếu và quan trọng là bưu điện cho nhận căn cứ theo chứng minh thư.

Thanh Hiệp đúng hẹn đạp xe đến gặp nhà văn Đoàn Thạch Biền mà giới viết trẻ thường gọi thân mật là ông Biền. Khi đó, ông Biền đang làm Báo Công nhân giải phóng (nay là Người lao động), ông làm thêm Áo trắng vì muốn tạo sân chơi cho các cây viết trẻ. Khi đó, Áo trắng là nơi có thể nói hiếm hoi chuyên đăng các sáng tác văn thơ cũng như những bài báo đầu tay cho nhiều cây bút thành danh sau này.

Tại đây, ông Biền nói: "Thanh Hiệp chuyên viết chân dung văn nghệ sĩ và viết rất tốt. Nhưng Áo trắng không thể dùng hết, vì phải dành đất để in sáng tác thơ văn. Mình giới thiệu Hiệp cộng tác với Báo Công nhân giải phóng sẽ có nhiều đất dụng võ hơn".

Đạo diễn Thanh Hiệp cùng nghệ sĩ Hoài Linh và Cát Phượng.

Đó là năm 1991, Thanh Hiệp chính thức có nơi để anh trở thành nhà báo nhưng chưa phải là nhà báo chuyên mảng kịch trường chuyên nghiệp như hiện nay.

"Do thấy tôi viết nhiều mảng ca nhạc, phim ảnh, mỹ thuật... viết hết. Nhà văn Đoàn Thạch Biền gọi tôi đến khuyên: "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Sao Hiệp không chuyên một mảng sân khấu để trở thành chuyên gia". 

Nhà văn Đoàn Thạch Biền khuyên tôi rất đúng, vì từ nhỏ tôi được bà nội dắt đi xem cải lương thường xuyên ở rạp Thủ Đô (Q.5), tôi thuộc từng hàng ghế, từng vở diễn và mỗi khi về rạp Thủ Đô, tôi như gặp lại tuổi thơ của mình. Bây giờ và mãi sau này, tôi rất biết ơn ông Biền vì lời khuyên khi đó để tôi có được như ngày hôm nay" - Thanh Hiệp chân thành khi nói về ông Biền.

Không thể có được những bài báo hay nếu không am tường lĩnh vực đang theo dõi, Thanh Hiệp một lần nữa quyết tâm đi học đạo diễn sân khấu, ít ra cũng phải có chuyên môn để nói chuyện với nghệ sĩ được dễ dàng hơn. 

Nhiều nhà báo hiện nay thường xuất hiện trong một số gameshow ca nhạc trên truyền hình, lại ngồi ở ghế giám khảo dù là giám khảo báo chí, và tất nhiên là nhận xét "gió thoảng mây vương" chứ trong 7 nốt nhạc có biết được cái nốt nào đâu. Do vậy, từ một nhà báo đã vất vả vì cơm áo lại quyết tâm theo đuổi chuyên môn như Thanh Hiệp là điều đáng quý trọng.

Thanh Hiệp nhớ lại: "Năm 1993, tôi đi phỏng vấn đạo diễn Trần Minh Ngọc, ông bảo có lớp đào tạo đạo diễn của Truờng Sân khấu 2 (TP HCM) liên thông với ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam (Hà Nội). Tôi đăng ký học lớp này và tốt nghiệp năm 1999. 

Vở kịch tốt nghiệp của tôi có tên Cưới chồng, tác giả kịch bản Nguyên Trác, đã diễn tại sân khấu Kịch Sài Gòn vào năm 1999 trên 50 suất, với sự tham gia của các nghệ sĩ: Việt Anh, Hồng Nga, Tú Trinh, Minh Nhí, Hoàng Sơn, Hữu Lộc, Cát Phượng, Việt Hương, Hà Linh...".

Đến nay, đạo diễn - nhà báo Thanh Hiệp đã dàn dựng các vở diễn: kịch, cải lương và chương trình truyền hình, như: Góc nhìn số phận, Trung hiếu làm đầu, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tình cha, Mẹ mãi trong đời con, Mẹ vẫn đợi con về, Trần Quốc Toản, Mai An Tiêm, Trần Bình Trọng, Dũng tướng Nguyễn Địa Lô, Quang Trung khởi nghiệp, Trạng Quỳnh, Chuyện của Điệp (Sân khấu kịch Thuần Việt)... 

Các chương trình Sân khấu Vàng, Những dấu ấn không phai, Những cánh chim không mỏi; NSND Huỳnh Nga "Phong trần theo nghiệp tổ"; NSND soạn giả Viễn Châu "Về với quê hương"; Và các Live show NS Tấn Tài, NSND Lệ Thủy 45 năm theo nghiệp cầm ca, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Phượng Loan - thương miền Hậu Giang, NSND Viễn Châu - 60 năm tay viết, tay đàn...

Từ năm 1999 đến 2015, Thanh Hiệp đoạt rất nhiều giải thưởng báo chí viết về mảng sân khấu từ giải khuyến khích cho đến giải đặc biệt. Có chuyện vui là, một vị biên tập trong một tòa soạn nọ, khi biên tập bài Thanh Hiệp đã “ngứa tay” hoặc muốn đứng tên chung với Thanh Hiệp đã ký thêm tên của mình vào bài viết. 

Báo in ra, Thanh Hiệp nghĩ chắc cũng vui thôi nên không nói gì. Thế nhưng, bài báo này của anh năm đó đoạt giải báo chí TP HCM. Và thật ngạc nhiên, vị biên tập kia lại trơ trơ vác cái mặt lên nhận giải. Lúc này, Thanh Hiệp không thể chịu nổi và anh đã khiếu nại, nghe đâu cũng ầm ĩ mất mấy tháng.

Hiểu sâu các tác phẩm sân khấu, hiểu thêm cảnh đời của giới nghệ sĩ sau cánh màn nhung, mà dung lượng trang báo có hạn, không thể chuyển tải hết, Thanh Hiệp viết thành sách và đã phát hành: Trò chuyện với nghệ sĩ nổi tiếng; Những nghệ sĩ vang bóng một thời; Tuyển tập bài ca cổ của vua vọng cổ Viễn Châu... Riêng cuốn Tuyển tập bài ca cổ của vua vọng cổ Viễn Châu đang được một đơn vị làm sách tại Sài Gòn chuẩn bị tung ra nhà sách trong thời gian tới.

Mới đây, Nhà hát Hòa Bình TP HCM khánh thành Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam với 100 tượng giống như người thật ở các lĩnh vực biểu diễn. Khi 100 tượng này đến với công chúng, việc có người khen kẻ chê là điều hết sức bình thường, nhưng tấm lòng của những người thực hiện là đáng quý khi tôn vinh những nghệ sĩ đã và đang đem lời ca tiếng hát góp vui cho đời. Một trong những người đứng phía sau tư vấn cho dự án tượng sáp này là Thanh Hiệp.

Khi thấy còn một phòng trống trong khu nhà trưng bày 3 tầng lầu này, Thanh Hiệp đề nghị làm một phòng triển lãm ảnh sân khấu và nghệ sĩ Thanh Hiệp và thế giới màn nhung. Triển lãm trưng bày 200 bức ảnh của Thanh Hiệp về văn nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc và nghệ sĩ với công tác xã hội. Thanh Hiệp sẽ bổ sung thêm nhiều hình có giá trị tư liệu quý để ngày càng đầy đặn thêm trong mắt người xem.

Thanh Hiệp cho biết: "Tôi hiện có cả trăm ngàn hình và rất nhiều cuốn phim đã tráng còn lưu giữ. Thời đó, mỗi tháng lãnh lương xong là đi trả nợ tiền hình, tiền phim. Mỗi lần được nghệ sĩ tặng cho cuộn phim xịn như Kodak là mừng lắm. Nhiều tấm hình chụp nghệ sĩ bằng phim giờ xem lại gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm. 

Chẳng hạn, năm 1984, tôi đi coi vở Áo cuới truớc cổng chùa với tư cách khán giả, tôi đã chụp soạn giả - nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà và nghệ sĩ Lệ Thủy bằng phim đen trắng. Đúng 20 năm sau, tôi chụp lại Kiên Giang - Lệ Thủy vào năm 2004 bằng hình màu. Xem hai tấm hình này mới thấy, đời người qua nhanh quá không chừa một ai, kể cả với nghệ sĩ có tâm hồn luôn tươi trẻ".

Mỗi tấm hình trong triển lãm dự kiến kéo dài 5 năm này, ngoài tính chất tư liệu còn có nhiều chuyện kể. Thanh Hiệp ấp ủ thực hiện cuốn sách 1001 tấm hình biết nói với mỗi tấm hình kèm theo một chú thích là một câu chuyện. 

Chẳng hạn, vợ chồng NSƯT Diệu Hiền và Út Hậu giận nhau hơn 10 năm không nhìn mặt. Khi Út Hậu bệnh nặng sắp chết, Thanh Hiệp đã thuyết phục và chở Diệu Hiền trên xe máy đến bệnh viện thăm Út Hậu. 

Trên đường đi, Diệu Hiền kể rất nhiều kỷ niệm của hai người. Nhìn mặt Út Hậu lần cuối, Diệu Hiền đã khóc và Thanh Hiệp đã chụp được tấm hình này. Sau này, Diệu Hiền đã cảm ơn Thanh Hiệp vì nếu không có anh thuyết phục thì Diệu Hiền mãi ôm một mối hận lòng khi không được nhìn mặt chồng lần cuối.

"Tôi nghĩ, sự nhiệt tình của mình đã khiến nghệ sĩ không ngại khi cho mình chụp những khoảnh khắc đời tư. Và nhờ làm đạo diễn, tôi càng thấu hiểu hơn tâm tình của các nghệ sĩ phía sau thế giới màn nhung" - Thanh Hiệp nói.

Trần Hoàng Nhân
.
.