NSND Thúy Mùi: Ai mang con nhện giăng mùng

Thứ Năm, 10/05/2018, 21:39
Thúy Mùi kể làng chị ở Khánh Mậu, Ninh Bình có những 5 đội chèo. Từ bé lũn cũn đi theo bố mẹ tập luyện và biểu diễn, nên các làn điệu chèo Mùi thuộc lúc nào không hay. 

Khi được lên hát thử trên sân khấu, làn điệu đầu tiên mà Mùi hát là “Con nhện giăng mùng”, làm cả làng vỗ rát tay mà không dứt. Cứ thế rồi thi vào trường nghệ thuật và đi diễn cho đến nay…

Chết với danh tiếng “mẹ Đốp”

Nếu ai đã từng nghe Thúy Mùi hát, hẳn sẽ nghĩ người nghệ sĩ này chỉ diễn những vai ngọt ngào, đào liễu. Bởi giọng chị lạ lắm. Thấm sắc màu Ninh Bình, ngọt và trong veo, gợi cảm giác bay bổng. Cái da diết của Thúy Mùi làm xao xuyến, bâng khuâng hồn người. 

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Thúy Mùi ngày mới về Đoàn chèo Hà Nội, đứng sau cánh gà hát lồng cho nghệ sĩ Lâm Bằng diễn vai nàng Sita, trong vở cùng tên do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng, vào đầu năm 1984. 

Tôi và nhà báo Lê Quang Vinh (Báo Lao Động) đã chụp được cảnh Thúy Mùi, một tay cầm quạt, một tay cầm micro, chân đất đứng nép vào cánh gà bên cạnh sân khấu. Trời nóng vã mồ hôi. Thúy Mùi vừa quạt vừa theo dõi vai diễn của Lâm Bằng, vừa hát sao cho khớp. 

Còn nghệ sĩ Lâm Bằng phải căn nhịp, tính chuyện mở miệng “đớp” sao cho đúng khẩu hình với giọng ca của Thúy Mùi phía trong. Phải nói đây là một biện pháp khá táo bạo của đạo diễn vào thời điểm đó. Nếu không nói đây là ca “hát nhép” đầu tiên trong làng nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Vào những năm tháng đó, vở chèo “Nàng Sita” được coi là đột phá khẩu cải cách chèo theo hướng hiện đại, nên có sức thu hút khán giả thật bất ngờ. Có ngày diễn tới ba xuất. Khán giả xếp hàng nườm nượp. Vở diễn tạo nên một kỷ lục không tưởng kéo dài tới 2.000 đêm diễn. 

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang nổi như cồn, trở thành phù thủy trên sân khấu làng chèo, vào thời điểm khốn khó nhất. Và cũng từ đó Thúy Mùi sớm nổi tiếng và được coi là giọng chèo trẻ hay nhất vào thời điểm đó. Hát cùng với Thúy Mùi còn có nghệ sĩ Minh Nguyệt. 

Vở kéo dài trong nhiều đêm, nên hai người phải hát thay nhau để phục vụ vai diễn Sita, vì nghệ sĩ Lâm Bằng bất ngờ bị mất giọng, hát không nổi nữa. 

Việc hát lồng tiếng quả là bất đắc dĩ, nhưng không ngờ lại đạt hiệu quả cao, mà khán giả không hề biết. Khi ấy, nghệ sĩ Thúy Mùi mới ở độ tuổi 20, nhưng đã nổi bật với giọng hát thiên phú, truyền cảm và ngọt ngào.

Từ đó giọng hát của Thúy Mùi được thu phát trên đài phát thanh khá nhiều. Dường như trong buổi dân ca cổ truyền hàng ngày, thính giả cả nước đều được nghe giọng hát trong trẻo của Thúy Mùi. Chị còn có nhiều bài ru và ngâm thơ trên đài khá ấn tượng. 

Hơn nữa khả năng diễn xuất của Thúy Mùi càng phát huy trong nhiều vai diễn chính và phụ của các vở diễn. Đáng kể là vai Nguyên Phi Ỷ Lan (Huy chương Vàng năm 2000), trong vở Lý Thường Kiệt; nàng Mai trong tác phẩm Người Thiên Đô; Lan “điêu” trong chèo Đồng tiền Vạn Lịch… 

Chính vì những thành công đó, năm 2006, Thúy Mùi đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Nhưng có lẽ ít ai ngờ, NSƯT Thúy Mùi làm khuấy động sân khấu chèo Hà Nội ở những vai tính cách. 

Đặc biệt là hình tượng “mẹ Đốp” (Huy chương Vàng năm 2009) trong chèo Quan âm Thị Kính. Đây là một vai diễn kinh điển trong làng chèo. Vai diễn mẹ Đốp được coi là một biểu tượng của nghệ thuật Hề dân gian, có ngôn ngữ hoạt kê điển hình. 

Sự trào lộng của nó có thể khai thác mỗi người một vẻ, mặc sức sáng tạo cho nghệ sĩ. Và, Thúy Mùi đã có “mẹ Đốp” của riêng mình, độc đáo mới lạ. Thúy Mùi thể hiện một nhịp phách riêng cho “mẹ Đốp” nên sự phối hợp giữa câu thoại, lời ca với động tác có sự nhấn nhá bất ngờ, gây hiệu quả trong tiếng cười của khán giả.

Thật ra tích chèo Quan âm Thị Kính không còn xa lạ với người xem. Hơn nữa màn diễn Xã trưởng với mẹ Đốp lại càng quen thuộc. Khán giả còn thuộc lòng những câu thoại và tình tiết diễn ra trên sân khấu. Vậy nên diễn không có sáng tạo, thiếu yếu tố bất ngờ trong hành động, thì khó lấy tiếng cười của người xem. 

Vẫn câu nói ấy, mà người xem thấy mới, vẫn hành vi bốc mồm của ông Lý cho vào túm váy đấy, nếu không có màu sắc riêng thật khó làm khán giả bật cười. Đó là cái duyên của nghệ sĩ. 

Nay trong giới nghệ sĩ chèo Hà Nội khi nhắc đến Súy Vân là nói đến Thanh Trầm, nói đến Lý trưởng là nói đến cái tài năng Quốc Anh; hay nhắc đến Thanh Ngoan bao giờ cũng gắn với vai bà Sùng (Tấm Cám); còn khi nói đến mẹ Đốp là chỉ có Thúy Mùi là “ăn” khán giả… 

Chẳng những với mẹ Đốp mà còn một vai hài mới mà Thúy Mùi đoạt Huy chương Vàng, Hội diễn Sân khấu Chèo năm 2011. Đó là vai diễn trong tiết mục Bà già ra thành phố. Khán giả cũng cười đến chảy nước mắt ở vai diễn này của Thúy Mùi.

Khát vọng sáng tạo không ngừng

Vậy đó, mới ngày nào chân đất hát sau cánh gà, thời gian trôi đi 30 năm, sân khấu chèo mỗi ngày một “khó khăn”, NSƯT Thúy Mùi được anh chị em bầu làm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội (2008). 

Đúng lúc sáp nhập với Đoàn chèo Hà Tây. Đây là một giai đoạn thử thách lớn khi sân khấu chèo đứng trước sóng gió, vì kinh tế bị suy thoái; phải đối đầu với bao hình loại nghệ thuật khác, cùng với công nghệ thông tin ngày một phát triển. 

Bắt đầu từ đâu? Ngày đêm suy nghĩ, Thúy Mùi âm thầm chuẩn bị rồi quyết định, bắt đầu từ chất lượng nghệ thuật, không có con đường nào khác. Muốn có người xem vở diễn phải hay, phải có sức thu hút khán giả, phải làm những gì mà họ cần. Đó chính là tác phẩm. 

Vụ “đánh quả” đầu tiên, với vở chèo Oan khuất một thời của tác giả Lê Chức, Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Thúy Mùi mạnh dạn đầu tư tiền tỷ vào vở diễn làm bất ngờ với mọi người vào năm 2009. 

Với quan niệm chèo Hà Nội phải khác trước, phải là “thánh đường” thật sự, hấp dẫn nhưng vẫn phải giữ được cốt cách chèo truyền thống. Dư luận ồn ào và không ít nghi hoặc sự thành công của nó. 

Bởi hầu hết những hoạt động sân khấu ngày đó còn cầm chừng do tình hình kinh tế chung bị suy sụp trên toàn cầu. Vậy mà ít ai ngờ “phát hỏa” đầu tiên của bà giám đốc Thúy Mùi đã nổ giòn giã. Vở chèo Oan khuất một thời đã có lịch diễn theo hợp đồng liền hai tháng ở Hà Nội. 

Tiếp đà phấn khởi, vở diễn được đưa vào TP Hồ Chí Minh, cũng được khán giả nồng nhiệt đón nhận liên tục 10 ngày liền tại Nhà Hát lớn Thành phố.

Vài năm sau, sau khi hoàn thành luận văn thạc sĩ nghệ thuật sân khấu chèo, Thúy Mùi lại tập trung nguồn lực “đánh quả” tiếp; với sự thử thách mới ở vai trò đạo diễn, qua vở chèo Vương nữ Mê Linh (tác giả Hàn Thế Du). 

Vẫn tiếp nối tư duy sân khấu “thánh đường” trong nghệ thuật, Thúy Mùi chú ý từng chi tiết, từ trang phục, đạo cụ, cùng ánh sáng đến âm thanh phục vụ cho từng vai diễn. Ai cũng nhớ trong thời gian dựng vở, Thúy Mùi gần như mất ngủ, nửa đêm bừng tỉnh ghi chép những tình huống hay hành động mới, hay có khi còn tập lại một điệu múa để làm mẫu cho buổi dàn dựng mới. 

Mỗi vai là một đời sống có sức lan tỏa và gắn kết trong vở diễn. Đúng là làm đạo diễn như một nhà quản lý, phải đồng cam cộng khổ với mọi người để tạo nên hồn cốt của tác phẩm. Thúy Mùi không ngờ khi làm đạo diễn, mình cũng say đến “điên dại” vậy. 

Nhiều khi phải bỏ giày dép, đi chân đất lên diễn mẫu cho nghệ sĩ. Mọi người gọi chị là đạo diễn chân đất là vì thế. Bởi Vương nữ Mê Linh là tài sản nghệ thuật của chị. Sau đó vở diễn đi dự Hội diễn Sân khấu Toàn quốc năm 2013. 

Thúy Mùi trong vở hài “Bà già ra thành phố”

Một kết quả không ngờ đến với Thúy Mùi sau bao ngày đêm tâm huyết dàn dựng. 

Thành công thật vang dội. Vở đoạt huy chương vàng và đạo diễn Thúy Mùi đoạt danh hiệu “Đạo diễn xuất sắc nhất”, cùng với những huy chương vàng, huy chương bạc cho diễn viên. Hai năm sau, Thúy Mùi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), năm 2015.

Ước vọng trong mơ

Vậy là trong ba lần Hội diễn vào những năm 2011, 2013, 2016, Thúy Mùi dẫn quân đi dự đều mang về nhiều huy chương vàng, huy chương bạc cá nhân và vở diễn cho Nhà hát. Đó là những thành tựu không dễ gì có được trong thời buổi “tắt đèn” của nhiều Nhà hát. 

Có năm, cả ba đoàn của Nhà hát đã phải thay nhau diễn tới 400 suất, đạt mức kỷ lục trong mười năm gần đây.

Đặc biệt con đường tìm đến khán giả, và đưa sân khấu chèo vào học đường là một dự án đầy sáng tạo của Thúy Mùi. 

NSND Thúy Mùi đã làm được điều đó khi khai thác được hợp đồng diễn cho học sinh các trường Hà Nội đến xem thường xuyên ở hai rạp Đại Nam và Nguyễn Đình Chiểu, với nhiều vở diễn ngắn và trích đoạn chèo hay nhất. 

NSND Thúy Mùi luôn luôn giữ niềm khao khát trong lòng rằng, học sinh của hơn 4.000 trường THCS và THPT ở Hà Nội phải được xem chèo ít nhất một lần trong đời. Một ước vọng ngỡ như không tưởng, vậy mà Nhà hát Chèo Hà Nội đang thực hiện dự án ấy, với sự khởi động như trong mơ vậy.

Vương Tâm
.
.