NSƯT Thúy Mùi: Đạo diễn chân đất

Thứ Bảy, 19/10/2013, 15:44
Dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh, mái tóc dài ngang lưng buông lơi, chiếc váy rủ mềm thướt tha. Sức vóc yểu điệu thục nữ như hòa trong hư không. Như mơ, như thực. Chợt tỉnh, chợt say của một đào nương nức tiếng một thời - diễn viên Nhà hát chèo Hà Nội - Thúy Mùi.

Bây giờ Thúy Mùi không còn là đào nương nhưng lại giữ một cương vị lớn ở Nhà hát chèo, cái nôi mà khi xưa bao nhiêu buồn vui dâu bể cuộc đời Mùi đã trải qua. Làm giám đốc Nhà hát, quản lý gần hai trăm con người, bao câu chuyện tôi đã nghe người ta kể về chị với một một sự ngưỡng mộ, trân trọng.

Dưới nắng vàng rực rỡ của một ngày thu, gió mông mênh lùa, Mùi bồng bềnh váy áo, trông chị như một chiếc lá nhẹ bay la đà trong không trung. Vừa xa, vừa gần. Không hiểu sao nhìn Thúy Mùi tôi lại chợt liên tưởng đến cô Jên trong tác phẩm Jên Erơ. Cô Jên nhỏ nhắn nhưng đầy bản lĩnh. Cô Jên với số phận kì lạ làm say mê hàng triệu khán giả trên khắp toàn cầu. Cô Jên làm khuynh đảo, lôi cuốn khán giả truyền hình nhiều quốc gia.

Quê chị ở vùng Ninh Bình, một trong những cái nôi của chiếng chèo đất Bắc. Đã hàng chục năm trôi qua, với nghệ thuật sân khấu ca kịch truyền thống, nhiều nghệ sĩ chèo được vinh danh. Cuộc đời như một cuốn sổ mà ở đó với nhiều chương hồi, trường đoạn với những khúc thăng trầm, số phận người nghệ sĩ gắn bó với dân tộc, với Tổ quốc. Mùi không phải lớp người già nhưng đã qua thời tuổi trẻ.

Những năm tháng gắn bó với tiếng hát, lời ca thoáng qua đâu đây như dòng sông trôi lặng lờ len qua kí ức. Tiếng của Mùi nghe như tiếng gió đêm: “Những năm của thập niên 70, khán giả chèo 30 tuổi. Những năm của thập niên 80, khán giả chèo 40 tuổi. Những năm của thập niên 90, khán giả chèo 50 tuổi. Những năm 2000, khán giả chèo 60 tuổi. Bây giờ, người yêu bộ môn nghệ thuật chèo đều đã gần 80, hoặc trên 80…”. 

Làm thế nào để đưa làn điệu của chèo, những tích chèo đến với công chúng khán giả, những câu hỏi trăn qua, trở lại trong tâm hồn người phụ nữ này lúc nào cũng bừng bừng như ngọn lửa âm ỉ, thôi thúc để tìm ra ánh sáng cho một đường hầm tưởng như không lối thoát. 

Mấy năm nay, Mùi giữ cương vị giám đốc của một nhà hát nghệ thuật nơi có cả trăm nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ, bạn biết đấy, họ là người có dư thừa cảm xúc và cái tôi to đùng. Người ta vẫn thường bảo nghệ sĩ cái tôi là nhất. Thế nên mới có không ít chuyện tranh cãi nghệ sĩ tự nhận mình là số 1, là duy nhất rầm rĩ trên các phương tiện truyền thông. Mùi biết thế, hiểu hết.

Mùi phải dẹp đi cái riêng để lo cho cái chung. Mùi quan tâm đến mọi người và coi nhà hát là ngôi nhà chung của tất cả mọi người. Người ta bảo làm nghệ sĩ  chỉ được cái danh hão thôi, còn thì đói lắm. Đói đến độ các nhà hát khác, các diễn viên sau khi đóng vai ông hoàng, bà chúa trên sân khấu khi về đời thường trút bỏ xiêm y lại xắn quần, xắn áo kiếm tiền bất kể nắng mưa.

Có người mở quán lòng lợn, tiết canh, bún đậu mắm tôm hay chạy xe ôm lòng vòng kiếm tiền. Có người vì khó khăn quá nên đành phải giã từ nghề để đến với một công việc khác có thu nhập khấm khá hơn. Trong khi một số nhà hát vật vã với số nợ to đùng, hay loay hoay không biết lưu diễn ở đâu, đành lòng, ơ hờ nhìn khán giả quay lưng tạm biệt sân khấu.

Thúy Mùi lại có hẳn một chiến lược dài hơi cho Nhà hát của mình. Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã thúc đẩy và vận hành bộ máy cồng kềnh vào guồng quay đều đặn. Những hợp đồng được kí kết, diễn viên làm việc hết công xuất.

Dường như trong con người nhỏ bé ấy là một nội lực rất phi thường. Mùi thấy đã là nghệ sĩ thì không thể úi sùi, tạm bợ. Nghệ sĩ cũng không thể đói, không thể khốn khổ về vật chất. Có thực mới vực được đạo.

Nghệ sĩ phải được nâng niu, phải đẹp long lanh trong mắt công chúng. Mùi đôn đáo nghĩ cách xoay xở cho nghệ sĩ của mình có những buổi biểu diễn liên tục. Những nhóm diễn, tốp diễn được huy động tối đa. Người nghệ sĩ đa năng trong Mùi kết hợp với yếu tố nhanh nhạy của một người quản lý ra mắt một sân chơi thỏa thuê cho trẻ nhỏ.

Các diễn viên của nhà hát ngoài việc diễn chèo còn diễn sân khấu thiếu nhi để lôi kéo khán giả trẻ đến với sân khấu.  Rồi, Mùi mơ, một ước mơ giản dị. Ước gì, hơn 4.000 trường cơ sở và trung học trong thành phố, các em chỉ cần một lần đi xem chèo. Để các em tập quen với sân khấu truyền thống của ông cha. Và ước mơ giản dị ấy tháng 10 năm nay vừa được Thành ủy HàNội thông qua.

Trong một ngày Mùi biến hóa như một “tắc kè hoa”, khi làm một nhà quản lý với thực tế cuộc sống, với những định nghĩa không thể phi logic. Khi làm một nghệ sĩ với xúc cảm cao trào nhiều cung bậc. Khi một mình hoặc run rẩy, hoặc mạnh mẽ với sáng tạo đầy cá tính. Người phụ nữ nhỏ bé ấy, nói như danh hài Minh Vượng gọi Thúy Mùi là “đạo diễn chân đất”.

Mùi làm nghề say như lên đồng, bỏ hết những văn bản và đống giấy tờ cần chữ kí, Mùi lại mê mệt với câu hát lời ca, hào hứng thị phạm cho diễn viên. Vốn có lợi thế đi lên từ một diễn viên đa năng, Mùi hóa thân được nhiều vai, từng làm nghiêng ngả khán giả khi đóng vai Lan điêu trong vở chèo Đồng tiền Vạn Lịch, ngày 3 xuất diễn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Với chèo, Mùi đóng đào lẳng, hay đại diện cho cái thiện hoặc cái ác.  Ở người phụ nữ này đó là sự biến hóa khôn lường.

Nhưng có lẽ không có vinh quang nào mà không phải trải qua chông gai, thử thách. Không có thành công nào mà không có nước mắt, khổ đau. Cô Jên của Việt Nam - để được lên sân khấu lại là một câu chuyện dài mà không ít người bạn của Mùi, người đồng nghiệp đã lặng khóc thầm trước sự “hi sinh” của người phụ nữ nhỏ bé đó.

Danh hài Minh Vượng thao thiết bảo: “Ngày đó, mình đã khóc vì Mùi rất nhiều, khi đứng nhìn thấy Mùi lấp ló trong cánh gà hát lồng cho bạn diễn ngoài sân khấu. Thấy thương ơi là thương. Một người thì cứ mỏi miệng hát suốt hai tiếng đồng hồ cho một diễn viên khác ngoài sân khấu. Thành công bạn hưởng, còn đắng cay, tủi nhục thì mình chịu lấy”.

Đó là những năm cuối thập niên 1980, đầu những năm 1990, Mùi khi ấy mới 22 tuổi. Mùi có giọng hát tuyệt hay, trong trẻo ngọt lành. Giọng hát của Mùi khi cất lên như cánh chim bay trong bầu trời. Như cơn mưa trên sa mạc hoang vắng. Như cánh én gọi xuân về. Như nắng vàng của mùa thu. Tiếng hát của Mùi được ví là tiếng của thanh âm đất trời hun đúc. Mùi được chọn hát lồng. Cứ một buổi diễn người ta đọc bảng giới thiệu diễn viên, đến đoạn cuối mới thấy đọc tên: “Thúy Mùi hát lồng”. Chả có ai hiểu hát lồng là thế nào, là cái gì? Ai để ý chứ!!!

Cứ hằng đêm, tại thánh đường sân khấu ăm ắp khán giả, cô diễn viên trẻ nấp trong cánh gà hát như rút ruột, rút gan thay lời cho diễn viên chính đang diễn. Mùi hát lời của mình khớp với các động tác của diễn viên. Khi xong vở diễn, người diễn viên ra sân khấu chào khán giả, trên tay là những ôm hoa to đủ sắc sặc sỡ. Những chúc tụng, khen mừng của khán giả dành cho đào nương chính thì trong cánh gà cô gái trẻ hát lồng một mình với một tâm trạng nao nao khó tả. Một chút vui mừng cho đêm diễn thật tốt đẹp.

Một chút lâng lâng vì đã góp tiếng hát của mình cho thành công vai diễn của bạn, nhưng quả thực không thể không man mác buồn. Là diễn viên ai chả ao ước mình được đóng vai chính. Nhưng chẳng nhẽ cứ mãi “Thúy Mùi hát lồng” hay sao?!  Nhiều nghệ sĩ thấy Mùi cứ hát lồng mãi thấy thương quá, bảo: “Thôi bỏ đi, đừng hát nữa”.

Cô bé nhỏ nhắn lúc mới đầu cũng không nghĩ gì hết. Thấy đạo diễn phân công thì cứ thế mà rút ruột, rút gan hát thôi. Nhưng rồi mãi cũng thấy nản, nhưng sợi dây nhằng nhịt duyên nghề níu giữ. May sao Mùi không bỏ nghề. Chuyện hát lồng không được nói rộng rãi, chỉ có nghệ sĩ trong nhà hát biết. Mùi cứ hát lồng đến gần chục năm khi một vài người bên ngoài “phát hiện” ra.

Vào đầu những năm 1990, một phóng viên báo Lao động đã chụp được ảnh Mùi đứng lấp ló trong cánh gà hát lồng cho nữ diễn viên xinh đẹp Lâm Bằng vai nàng Si Ta trong vở Nàng Si Ta. Sự việc đó sau khi đưa lên báo đã gây ra một làn sóng phản đối ầm ĩ. Rồi sau đó, việc hát lồng của các nhà hát cũng bị dẹp luôn. Kể từ sau ngày đó, Mùi mới bắt đầu được mời vào các vai chính. Khi ấy cô bé Mùi ngày nào đã gần 30 tuổi.

Cuộc đời thăng trầm như một bản nhạc đa cung bậc. Chị giờ đã ở cương vị lãnh đạo cao nhất Nhà hát. Nhớ đến các nghệ sĩ già khi xưa, những người đã xây nên những viên gạch đầu tiên cho Nhà hát chèo Hà Nội để thế hệ con cháu thế hệ hôm nay tiếp bước. Hằng năm cứ đến dịp tết đến xuân về, nữ giám đốc lại tổ chức mừng Thượng thọ các nghệ sĩ cao niên. Có cụ tuổi đã 90. Cụ 80. Cụ 70.

Nụ cười tỏa nắng, nữ đạo diễn nói: “Toàn của nhà trồng được ấy mà. Mọi người trong nhà hát cùng hát, ngâm thơ cho các cụ. Tặng chút quà nhỏ cho các cụ vui”. Có cụ lên sân khấu âu yếm bảo: “Này, hát sai rồi nhé. Đưa mic đây cụ hát cho nghe nào…”. Không khí ấm áp, chan hòa tình người nghệ sĩ…

Trần Mỹ Hiền
.
.