Nhà báo Trần Tấn Quốc: Chuyện đời đằm thắm

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:06
Trần Tấn Quốc - một trong những nhà báo lão thành của làng báo miền Nam. 

Ông tên thật là Trần Chí Thành, sinh ngày 25-9-1914 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh (Sa Đéc) - con trai thứ năm của Đông y sĩ Trần Tấn Hưng và Lê Thị Lư. Chí hướng theo nghề báo đã hình thành ngay từ lúc ông còn học Trường Tiểu học Cao Lãnh.

Bấy giờ, nhà báo Diệp Văn Kỳ có đến thăm trường. Là một người nổi tiếng trong làng văn trận bút, một người “danh gia vọng tộc”, du học ở Pháp về với nhiều bằng cấp, nhưng ông Kỳ không thèm ra làm quan mà lại nhảy vào làng báo! 

Đứng trước học sinh, ông dặn dò: “Các em ráng học để sau này giúp ích cho nước nhà. Chắc thầy các em đã nói cho các em biết tôi là ai hỉ? Có người lại bảo, tại sao không ra làm quan? Nhưng làm quan để mà chi? Khi ta chỉ sung sướng một mình còn bao nhiêu đồng bào ta cực khổ thì làm quan có ích gì? Tuy nhiên, về sau muốn làm nghề gì thì lúc còn nhỏ, cũng phải ráng học cái đã. Tôi khuyên các em ráng học”.

Cậu học trò Trần Tấn Quốc nghe như uống lấy từng lời và suy nghĩ: “Không phải tôi ước muốn có vợ giàu như ông Kỳ, điều khiến tôi suy nghĩ mãi là người viết báo không có chức phận gì cả, không giống như ông đốc phủ, ông cò-mi hay ông quận, cũng không như ông bác sĩ, ông giáo sư nhưng theo tôi nghe biết thì ai ai cũng tỏ ý mến phục người làm báo vô cùng”.

Những năm tháng này, cuộc đời học sinh của Trần Tấn Quốc không diễn ra êm ả. Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và đã phát động trong quần chúng những cuộc biểu tình long trời lở đất để đòi tự do, cơm áo, đòi giảm sưu cao thuế nặng... 

Ông đã tham gia cuộc biểu tình nổ ra ở Cao Lãnh vào ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Chỉ mới 16 tuổi, ông đã bị thực dân bắt đày ra Côn Đảo với tội danh “Hoạt động phá hoại chống nhà nước”.

Trong rủi có may. Ra đến “địa ngục trần gian”, ông may mắn được gặp người bạn tù cộng sản là Nguyễn Văn Nguyễn (1910-1953), lớn hơn ông 4 tuổi, quê ở Mỹ Tho. Chính nhờ sống chung với người bạn tù này mà về sau tư tưởng của ông đã có những chuyển biến tích cực. Có một điều thú vị là dù sống trong tù đày nhưng bao giờ chính trị phạm cũng lạc quan, yêu đời vì họ biết lý tưởng của mình sẽ có ngày trở thành hiện thực. Chẳng hạn, ở Côn Đảo, họ đã lập ra gánh cải lương An Hải.

Sau này trong hồi ký của Trần Tấn Quốc có kể lại: “Trong đoàn hát, chỉ có anh Nguyễn là người “mưu sĩ” nhứt. Nhơn dịp gánh hát được ra diễn tại Châu Thành, anh mới nghĩ một kế cho bọn chánh trị “lên hương” phen này. Anh Nguyễn là soạn giả kiêm đạo diễn và cũng là một diễn viên trội nhứt. 

Trước ngày gánh dọn ra Châu Thành, anh triệu tập nội bọn và nói: “Theo phép của ông Chánh, bọn mình chỉ được hát ba đêm tại Châu Thành, tối mồng 1 đến tối mồng 3. Đêm đầu tiên đầu năm chúng mình lựa một tuồng vui, có đông đủ “đào kép” gọi là khai trương đầu năm, đến đêm mồng 2, theo ý tôi phải hát tuồng Tứ đổ tường rồi qua đêm mồng 3, muốn hát tuồng gì cũng được”.

Mọi người chưa ai kịp hỏi ý nghĩa của sự lựa chọn này, anh Nguyễn nói tiếp: “Trong tuồng Tứ đổ tường có một màn tòa xử. Theo ý tôi, màn này các diễn viên đóng vai tòa, biện lý, trạng sư đều nói tiếng Pháp và bỏ tất cả mấy bài ca. Nghĩa là chúng ta diễn một màn thoại kịch đúng nghĩa”.

Tại sao lại diễn bằng tiếng Pháp?

Trần Tấn Quốc kể tiếp: “Nguyễn cười bí mật, đoạn anh giải thích thẳng thắn: “Từ ngày bị đày ra đây đến nay, chắc anh em nhận thấy điều này: đại đa số thầy chú đều là kém học, có cha viết không nổi tờ giấy “ráp-bo” tội trốn, thế mà họ thường chửi chúng ta là “đồ dốt như con bò”, “đồ ngu như lợn”! 

Có cha còn tỏ mình bảnh, chửi vào mặt chúng ta: “Đồ ngu dốt, nghe lời xúi biểu... làm bậy”! Bởi vậy, dịp này tôi muốn chúng ta trả lời cho bọn thầy chú về vấn đề học thức chơi và cũng để “mấy chả” bớt làm tàng. Họ làm việc cho Tây, tay sai của Tây và chỉ biết phục Tây. Bây giờ chúng ta nói... tiếng Tây cho họ nghe chơi”.

Quả thật, sau này mọi việc đã diễn ra đúng như dự kiến.

Năm 1934, Trần Tấn Quốc được thả tự do và trong đầu của ông đã ít nhiều hình thành về chuyện sân khấu. Từ đây với mảnh bằng Thành chung, ông bắt đầu lao vào nghề viết báo. 

Cuộc đời của Trần Tấn Quốc có thể nói là một nhân chứng sống của nền báo chí Việt Nam, ông đã sống bằng ngòi bút cho đến năm 1975 gắn liền tên tuổi mình với các tờ Việt Nam, Công luận, Truyền tin, Điển tín, Tin điển, Dân tộc, Tiếng dội, Đuốc nhà Nam v.v... Vì lẽ đó, ông từng tự hào phát biểu: “Từ khi bước chân vào trường đời, tôi tôn thờ một đạo. Đạo của tôi là nghề làm báo”.

Có thể nói, Trần Tấn Quốc đã kiên trì, thủy chung với đạo của mình. Ngòi bút của ông chưa một lần vấy bẩn vì đồng tiền mua chuộc hoặc uốn cong vì cường quyền bạo lực. Ông là nhà báo chân chính và để lại những tác phẩm như Nam bộ kháng chiến (sưu tập tài liệu), Cô gái Côn Đảo (ký sự), Kỷ niệm làm báo 1936- 1975 (hồi ký), Ba tháng khói lửa đô thành (phóng sự), Đồng lương nghệ sĩ (phóng sự), v.v... hầu hết chưa xuất bản thành sách.

Và như chúng ta đã biết, chính từ công việc làm báo mà Trần Tấn Quốc đã có sáng kiến lập ra Giải thưởng Thanh Tâm - một đóng góp lớn đối với sự phát triển của sân khấu miền Nam. Sau này, khi Trần Tấn Quốc mất, nhắc lại sự nghiệp của ông, soạn giả Viễn Châu có khóc câu đối thật hay:

“Công nhân, Buổi sáng, Tiếng dội, Đuốc nhà Nam, giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mặc, nghiệp báo chương, xếp lại hành trang, đất Cao Lãnh bao dài bao nuối tiếc;

Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Lê Thị Phỉ, lòng ca kịch góp phần tô điểm, nợ phấn son, tình sân khấu, tàn rồi mộng ước, sông Đình Trung, mấy khúc mấy u sầu”.

Từ năm 1958, Giải thưởng Thanh Tâm chính thức ra đời nhằm mục đích khích lệ và nâng đỡ lớp nghệ sĩ trẻ hăng hái tiến lên thay thế lớp nghệ sĩ lành nghề đã luống tuổi. Có ba tiêu chuẩn để tuyển chọn: diễn, ca, sắc vóc và đạo đức. Phần đức hạnh được đặt ra vì theo ông làm nhằm ngăn chặn, kiềm chế phần nào nếp sống buông thả của nghệ sĩ nói chung. Ban tuyển chọn gồm có những ký giả kịch trường, nghệ sĩ ưu tú, soạn giả tên tuổi... đủ uy tín và chính xác trong việc xét giải.

Về hình thức của huy chương vàng được chạm khắc với trọng lượng bốn chỉ vàng - nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan giải thích: “Số 1 là hình “vương miện” không phải có đặc tính “vua chúa” mà tượng trưng sự “vinh quang, tối cao”; số 2 tiêu biểu màn nhung của sân khấu; số 3 là hai cành dương liễu giao ngọn, tượng trưng “danh dự” và cũng có ý nghĩa “tươi trẻ mãi” vì dương liễu là loại cây xanh lá suốt năm; số 4 hình “bội tinh”; số 5 hai hàng chữ hơi cong bao quanh bội tinh là “Nghệ sĩ có nhiều triển vọng nhứt”. 

Huy chương trao năm nào thì chạm con số của năm đó” (xem Trần Tấn Quốc, bốn mươi năm làm báo - Thiện Mộc Lan - NXB Trẻ - 2000).

Điều đáng lưu ý là khi đứng ra tổ chức Giải thưởng Thanh Tâm, Trần Tấn Quốc đã bỏ tiền túi ra để thực hiện, chứ không nhận nguồn tài trợ nào. Tồn tại trong vòng 10 năm trời, giải thưởng này đã có tác động nhất định đến sinh hoạt sân khấu miền Nam và ta thấy, những nghệ sĩ được tuyển chọn từ giải này đều là những tài năng thật sự và đã khẳng định qua thời gian. Sau năm 1967, Giải thưởng Thanh Tâm tạm ngưng vì tình hình chiến cuộc ngày càng khốc liệt... 

Có thể nói, thiện chí của Trần Tấn Quốc đã được nung nấu trong tâm trí từ những năm 1950. Bấy giờ, ông đã ý thức: “Ngược thời gian, chúng ta thấy cũng tội cho nghệ sĩ cải lương xứ mình. 

Vì cái thành kiến “xướng ca vô loài” mà người ta như cố tình lựa chọn những danh từ không đẹp để gán cho giới sân khấu. Như nam nghệ sĩ thì gọi “thằng kép”, nữ nghệ sĩ thì “con đào”. Và thằng kép, con đào có danh từ chung là “con hát”. 

Soạn giả được gọi là thầy tuồng, nhạc sĩ thì không gọi bằng thầy mà cũng không kêu bằng thằng, họ gọi chung là “thằng cha thầy đờn”, anh em dàn cảnh thì gọi là “tụi dọn lớp” hay bọn “kéo đề-co” v.v... Còn gọi chung nhân viên của một đoàn hát thì có một danh từ khác “bạn hát” hay “tụi cải lương”; chữ “bạn” trong danh từ “bạn hát” có nghĩa là “bầy” chớ không phải là thân hữu”.

Viết được những dòng như là người trong cuộc, ta thấy Trần Tấn Quốc đã thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với biết bao đoạn trường của đời người nghệ sĩ. 

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà khi làm báo, ông đã mở trang “kịch trường” như trên Báo Tiếng dội để kịp thời bệnh vực, biểu dương lẫn phê phán những điều được và chưa được của nghệ sĩ bằng cả tấm lòng. Đến khi Giải thưởng Thanh Tâm do ông sáng lập thì lập tức trở thành một sự kiện đáng chú ý của đời sống văn hóa thời bấy giờ.

Sự kiện này vẫn giữ nguyên giá trị thời sự cho mãi đến hôm nay, rất đáng ghi nhận, bởi lẽ nhà báo Trần Tấn Quốc là người tiên phong góp phần tích cực để xóa bỏ thành kiến “xướng ca vô loài”. Và qua đó, nâng đỡ tâm hồn người nghệ sĩ về ý thức đem tài, đức của mình cống hiến cho xã hội.

Lê Văn Nghệ
.
.