Nguyễn Khắc Phê: Người "di truyền" chữ

Thứ Năm, 13/09/2018, 21:57
Nguyễn Khắc Phê là một trong rất ít nhà văn có gốc gác "oách" nhất trong 18 nhà văn Việt Nam đang sống ở Huế . 

Anh quê vùng núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng sinh ra ở Huế, là con nhà danh gia vọng tộc. Bố là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, hai lần Phủ doãn Thừa Thiên, quyền Tổng đốc Thanh Hóa, hàm Thượng thư Cải cách hương ước. Do có cảm tình với những người yêu nước nên không được lòng Tây, ông chán ghét và về hưu sớm (1942).

1. Ông từng để lại 16 chữ vàng rất minh triết góp kế sách phục hưng quốc gia cho vua Thành Thái mà đến bây giờ còn nguyên giá trị: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”. (Trần Đại Vinh dịch: Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong). 

Tên ông còn khắc ở bia tiến sĩ Huế. Các anh trai nhà văn, cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là nhà văn hóa lớn, rồi các giáo sư nổi tiếng Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi mà tên tuổi rất được giới trí thức nể trọng. 

Nguyễn Khắc Phê nói anh "là người chẳng có mấy năng khiếu văn học", thế mà 40 năm qua, anh đã in 15 cuốn tiểu thuyết, ký... dày dặn và đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Cuộc đời và văn chương Nguyễn Khắc Phê luôn gắn bó với những con đường. Đường ra trận và đường dựng xây đất nước, đường" tâm đạo" và đường "đời" luôn gắn bó, tâm huyết và bản lĩnh...

Tuổi vị thành niên, Nguyễn Khắc Phê đã ra Hà Nội đi bán sách dạo kiếm sống. Anh một thời là cán bộ kỹ thuật cầu đường Quảng Bình vào sinh ra tử. Đó là cái vốn lận lưng căn bản để anh đi vào ma trận văn chương. 

Mới 20 tuổi (1959) đã có bài ký Những người đi tiên phong đăng Báo Văn học viết về những người bạn cùng lớp phải thôi học vào Vĩnh Linh mở đường Trường Sơn; rồi cuốn sách đầu tay Vì sự sống con đường (1968) viết về cuộc chiến đấu anh hùng trên đèo Mụ Dạ, nơi trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, mà anh là người trong cuộc. 

Ban ngày đội bom giữ đường, đêm trong hầm chữ A thắp đèn dầu hỏa tù mù viết văn. Anh vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết dày 700 trang Biết đâu địa ngục thiên đường. Theo tôi, đây là cuốn sách hay nhất của Nguyễn Khắc Phê. Nể trọng lắm lắm!

2. Nguyễn Khắc Phê trong cuộc sống là người lạ lùng, không bắt chước được. Anh sinh năm 1939, năm nay 80 tuổi mụ, mà đọc rất nhiều, đọc rất nhanh và viết cũng rất nhanh.

Cuốn sách vừa mới xuất hiện, hôm sau đã có bài giới thiệu của anh trên báo. Cắm cúi vài ngày đọc xong cuốn tiểu thuyết dày cộp năm - bảy trăm trang, ngay trong đêm lụi cụi gõ bàn phím viết bài giới thiệu trên báo này báo khác. 

Rồi viết chân dung, bình tác phẩm của Trần Đức Thảo, Phùng Quán, Vĩnh Mai, Bửu Chỉ..., đầy tâm huyết và rất chính kiến. Nguyễn Khắc Phê viết tản văn cũng rất "nóng" và rất bén. 

Chỉ bàn về chuyện sướng - khổ thôi, anh cũng làm người đọc phải thấm thía suy nghĩ: “...bác xích lô già sau một ngày lao động vất vả..., thong thả đạp xe về với vợ con, miệng nghêu ngao hát những câu ca cổ. Tôi chợt nghĩ bác xích lô ấy so với một sếp tham nhũng ngồi trong ô tô kín bưng, trước những cặp mắt ghẻ lạnh của dân chúng, bụng căng đầy bia thịt và cũng đầy âm mưu móc ngoặc, hối lộ hòng che giấu tội lỗi thì chắc gì ai sướng hơn ai?".

3. Con nhà danh giá thế, viết lách sắc sảo thế nhưng Nguyễn Khắc Phê lúc nào ra đường cũng đội cái mũ lá tơi Hà Tĩnh đặc trưng, đi dép lê, quần áo lùi xùi, trên vai luôn đeo xạch sệ cái túi chẳng có tính trang sức tí nào. 

Có lần, buổi sáng khai mạc Đại hội Nhà văn ở Hội trường Ba Đình, tôi thấy anh trên thì cà-vạt, com-lê như ai, nhưng chân lại dép lê, quần ống cao ống thấp. Tôi ngạc nhiên: "Bác vội, quên đi giày à?". Anh chỉ cười hề hề. 

Ở Huế anh ít khi có mặt trong các cuộc nhậu vui bạn bè. Anh không nghê nga rượu, bia, cà phê ở quán. Ai có việc cần thì đến nhà hỏi anh, uống chén nước rồi về. Tôi nhớ hoài một kỷ niệm vui. 

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, anh xây nhà mới. Anh là nhà văn làm “nhà đúc” đầu tiên trong đám nhà văn Huế. Hồi đó đói khổ, ăn bo bo mà có tiền làm nhà là "ác chiến" lắm. Có lần mấy đứa “nhà văn trẻ” đạp xe lên xem nhà anh, đề nghị anh dẫn đi xem tầng trên tầng dưới. 

Đến bếp, có đứa reo lên, chỉ vào góc bếp: “Chai gì đây anh Phê?". "Ừ rượu đấy! Các cậu uống nhé". Nói rồi anh xách chai rượu trắng ra phòng khách, rót cho một đứa một chén, rồi lại cất vào chỗ cũ. Thế là đứa nào cũng tiu nghỉu, nhịn thèm nhìn theo! Trong ăn uống anh rất tiết kiệm. Cánh báo chí ở Huế gọi anh là Nguyễn Khắc Khổ hay "khắc cả cà phê". 

Có lần, Đoàn văn nghệ sĩ Huế đi thăm 7 tỉnh phía Bắc. Ra Vinh, đoàn được anh Phạn Văn Thìn, lúc đó là Chủ tịch thị xã Cửa Lò mời tiệc. Anh em ai cũng hào hứng vì sẽ được bữa nhậu đã đời thằng mục nhưng anh Phê lại ngại tốn kém cho ông chủ tịch nên luôn miệng can: "Ăn cái gì sơ sơ thôi anh, đừng uống. Mai anh em còn đi!". 

Anh ít hiểu về rượu đến mức, hôm vợ chồng nhà văn Hoàng Cát vô Huế, nhờ tôi đưa đến thăm nhà chị Hà Khánh Linh. Chị Linh thết bạn bằng rượu ngon nhấm với bắp non chiên. Nhưng không biết Nguyễn Khắc Phê nghe ai kể, anh lại viết trên báo rằng nhà văn Hà Khánh Linh cho Hoàng Cát uống rượu với chè bắp. Trời đất ơi, chè bắp ngọt làm răng nhấm rượu được!

Có lẽ cái tính "cần kiệm" ấy là do cái khổ nghèo của vùng quê Sơn Hòa, Hương Sơn, khắc nghiệt bao đời thấm vào máu anh. Cũng có thể đó là tính "di truyền" từ ông bố Hoàng giáp. 

Anh kể rằng: Khi về hưu, các việc sinh hoạt bản thân, cụ ít sai bảo, thường tự làm lấy. Thậm chí, cụ nhặt mo cau làm dép đi trong nhà... Đó cũng là do nếp sống Nho gia từ nhỏ ở một vùng quê "cá gỗ". Có người chồng ít "chơi", ít ăn nhậu, rượu chè bù khú như thế, tất nhiên chị Rạng (vợ anh Phê) rất thỏa lòng. Cả gia đình Nguyễn Khắc Phê đều sống rất "tu dưỡng" cả đời cả đạo . 

Anh kể: “Con trai Nguyễn Khắc Trung thì ăn chay trường nhiều năm nay, chị Rạng ăn chay 10 ngày/tháng, anh trai độc thân Nguyễn Khắc Dương, 90 tuổi, bây giờ cũng thích ăn chay. Trên gác, con trai niệm Phật, sau nhà ngang, anh trai đọc kinh cầu Chúa, còn anh thì suốt ngày đọc sách và viết báo".

4. Sống ở Huế với anh Phê hơn 35 năm nay, tôi thấy anh không khi nào "mắt tròn mắt dẹt" hay bốc đồng trước các người đẹp cả. Tìm hiểu, tôi biết hình như đời anh chỉ "để mắt" hai người phụ nữ. 

Hồi trai tân, vừa làm việc vừa viết văn ở Sở Giao thông Quảng Bình, anh quen thân Lâm Thị Mỹ Dạ. Lúc đó Dạ mới 19 tuổi, vừa chuyển về Hội Văn nghệ. Hình như hai người cũng có tìm hiểu, để ý tới nhau. Anh đã đội mũ lá tơi, đạp xe về Lộc Thủy quê Dạ để "chào" gia đình. 

Nhưng mẹ của Dạ khi biết được Nguyễn Khắc Phê là con địa chủ thì sợ lắm. Vì Mỹ Dạ bố thì đi Nam, ông nội cũng là đại địa chủ, học văn giỏi nhất trường, thơ được giải thưởng của tỉnh cũng không được đi đại học. 

Bà Lý Thị Đấu (mẹ Mỹ Dạ) sinh thời, kể: “Lý lịch hai đứa xấu thế mà lấy nhau thì không cất đầu lên được mô, thôi đi các con ơi!".

Người phụ nữ thứ hai mà Nguyễn Khắc Phê suốt đời chung thủy là chị Rạng (Hoàng Thị Rạng), một cô giáo trắng trẻo, xinh đẹp quê Trung Quán, xã Duy Ninh, đầu nguồn sông Nhật Lệ. Nguyễn Khắc Phê, 34 tuổi mới được bạn bè manh mối với chị Rạng. 

Đám cưới tổ chức năm 1973, vào dịp tết đầu tiên im tiếng bom Mỹ ở miền Bắc. Tiệc cưới chỉ có bánh kẹo. Từ đó, chị Rạng gánh vác mọi công việc gia đình, nuôi con, dạy con để chồng rảnh tay lo chuyện văn chương. Tất nhiên, bù lại công lao đó, chị đã có một người chồng làm báo, viết văn giỏi và quan trọng nhất là... không biết quan tâm đến bất cứ người phụ nữ nào, ngoài vợ!

5. Có người hỏi về cái tên PHÊ, Nguyễn Khắc Phê bộc bạch: “Không có lý do gì đặc biệt cả. Thân phụ tôi là nhà Nho nên tên các con trai trong nhà, khi viết chữ Hán, có bộ "thủ" đứng bên trái, cũng như tên của cụ. 

Có thể cụ xem đó là dấu tích "di truyền" về chữ, đồng thời nhắc nhở phải sống và tiến thân bằng chính "đôi tay" của mình (chữ Hán: "thủ" nghĩa là "tay") chứ đừng ăn bám hay bợ đỡ ai. Và anh đã sống, đã viết, đã hành động đúng cái nết "di truyền chữ" ấy...


Ngô Minh
.
.