Đừng chỉ xin lỗi, hãy hành động!

Thứ Sáu, 15/04/2016, 16:26
Tuần rồi, dư luận đã được thỏa nguyện bởi pha xin lỗi vô tiền khoáng hậu của một Bộ trưởng. Bộ trưởng xin lỗi nhân dân vì diễn giải chưa rõ ý khiến nhân dân hiểu nhầm.

Xin lỗi khi bị phản ứng là hành động của một chính khách chuyên nghiệp, Ngô cảm thấy rất thú vị với điều đó.

Tuy nhiên, cao hơn cả lời xin lỗi chính là hành động vì cái chung, Ngô nghĩ vậy.

1. Áng chừng gần mười năm trước, khi những công trình thi công trương tấm biển hiệu to đùng có nội dung đại ý, “Xin lỗi vì sự bất tiện chúng tôi tạo ra”, truyền thông dạo đó vô cùng hào hứng với những tấm biển hiệu như thế này; họ gọi đó là văn minh, là lịch sự. Nhưng kết quả thì sao chứ? Kết quả vẫn là tiếng ồn, là bụi bặm, là cần cẩu bất thần đổ ập xuống đường.

Sự hào hứng ấy, như là một phép thắng lợi tinh thần AQ. Nghĩa là, đã chịu xin lỗi rồi, đã biết xin lỗi rồi. Xin lỗi thì tha lỗi, ta là kẻ mạnh ta phải biết tha lỗi.

Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà có câu “Mật ngọt chết ruồi” hay “Chót lưỡi đầu môi” hoặc “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, nữa là “Miệng gần tai ai nói nấy nghe”.

Ngô đọc sách thấy có một thời rộ lên phong trào phê và tự phê; ai nằm trong phong trào này phải tìm bằng được khuyết điểm của mình để tự phê, phải tự phê rồi mới xin lỗi và hứa sửa chữa. Nhiều lúc biết cười một thời hoàn cảnh thế nó phải thế là bất nhẫn, nhưng không cười không được dẫu không phải lúc nào cười cũng thoải mái, lúc nào cười cũng không xót xa.

Ngày Ngô còn bé, Ngô phá phách nhất nhà. Mỗi lần gây chuyện đánh nhau với trẻ con xóm giềng hay giấu dép của người khác, mẹ bắt được quả tang nọc ra đánh bao giờ Ngô cũng xin lỗi bằng cụm từ, “Con hứa lần sau không dám nữa”. Hứa là hứa vậy thôi chứ lần sau Ngô vẫn cứ nghịch như lần đầu. 

Nhớ lại, không phải là không xấu hổ. Ngô viết báo hơn mười năm, phải đính chính một lần. Lần đó, Ngô chú thích ảnh sai cấp hàm của một vị thủ trưởng đơn vị. Ngô có cắt mẩu đính chính đó, dán vào góc bàn làm việc. Ngô muốn mỗi lần làm việc đều phải nhìn đến sai lầm ấy để tự răn mình. Bởi khi một sai lầm đã xảy ra, chúng ta không thể nào tư duy ngược lại thời gian để thay đổi.

Minh họa: Lê Phương.

Lời xin lỗi không là chưa đủ, lời xin lỗi nhằm xoa dịu cơn nóng giận của đám đông là chưa đủ. Lời xin lỗi phải đi kèm trách nhiệm. Lời xin lỗi có quan trọng hay không, Ngô tin lời xin lỗi là quan trọng. Với điều kiện xin lỗi phải thực tâm. Xin lỗi xong phải biến lời xin lỗi ấy thành hành động. Đáng tiếc là chúng ta chỉ mới nghe được lời xin lỗi, chúng ta chưa thấy trách nhiệm đi kèm cũng như hành động sau đó.

Càng già Ngô lại càng dễ cáu. Mỗi lần xem tivi Ngô cáu với tivi. Mỗi lần đọc báo Ngô cáu với báo mạng.

Ngô thấy họ bình bầu phát ngôn ấn tượng, Ngô chất vấn “Sao có phát ngôn ấn tượng mà không thấy hành động ấn tượng”. Nói phải đi đôi với làm chứ, còn nói để mà nói thì hóa ra chém gió à.

Mà chém gió thì để dành cho Ngô thôi, Ngô bất tài vô tướng, tư duy lạc hậu, kiến văn kém cỏi mới lấy chém gió làm nghiệp mưu sinh. Chứ quyền cao chức trọng phải vì cái chung mà phụng sự chứ, không lẽ ngồi ở cái ghế cao vậy, khoác cái áo đẹp đẽ sang trọng quý phái hào hoa phong lưu vậy chỉ để làm chuyện phát ngôn ấn tượng.

Năm xưa, có một vị tư lệnh ngành. Việc đầu tiên khi nhậm chức của tư lệnh là yêu cầu phải được toàn quyền, “Tướng ra trận phải được tùy ý tiến hay lùi, không thể chờ xin chỉ thị được”, Ngô nhớ vị tư lệnh nói vậy.

Gần hai nghìn ngày ngồi trên ghế tư lệnh ngành rồi chuyển sang vị trí mới, vị tư lệnh ngành ấy để lại một di sản tàn tích đồ sộ, trạm thu phí dầy đặc đường, những công trình dở dang đội vốn, ùn ứ giao thông không có dấu hiệu thuyên giảm. Tàn tích này không biết bao giờ mới được giải quyết xong, người kế nhiệm chắc hẳn ong hết đầu cũng không biết phải làm sao cho trọn.

Vị tư lệnh ngành năm xưa chơi trò dân túy rất giỏi, vị tư lệnh yêu cầu đi máy bay giá rẻ, yêu cầu không được chơi gofl, vị tư lệnh cắt chức người này, thuyên chuyển công tác người kia, vị tư lệnh khiến dân chúng hồ hởi hoan nghênh. 

Cá nhân Ngô ủng hộ lãnh đạo có quyền đi máy bay hạng sang, chơi golf giải trí với điều kiện các chính sách do lãnh đạo ban hành phục vụ tốt nhất cho đời sống của nhân dân. Con đực đầu đàn phải được hưởng phần thức ăn ngon nhất với điều kiện cả đàn no đủ an toàn, đó là tập tính Ngô quan sát được từ sư tử. Nếu không, con đầu đàn phải bị thay thế.

Nhưng thực tế thì sao, thực tế thì không có gì thay đổi. Nhức nhối nhất vẫn là các trạm thu phí đang tăng cước một cách vô lối, tùy tiện. Vị tư lệnh ngành trước đây từng hứa chắc như đinh đóng cột sẽ hạn chế rồi tiến tới xóa bỏ trạm thu phí, tuy nhiên lời hứa và hành động đôi lúc đối nghịch như non cao và vực sâu, vĩnh viễn không thể khỏa lấp được.

2. Cư dân mạng đang phát rồ lên với clip ban lãnh đạo của hãng kem gì đó tận Nhật Bản cúi gập người xin lỗi vì buộc phải tăng giá bán kem lên 2 nghìn VND so với giá cũ. Phát rồ cũng phải thôi, bởi lời xin lỗi của họ là lời xin lỗi luôn có giá trị và được cộng đồng đón nhận.

Ngô kể một câu chuyện cũ, chỉ là kể lại thôi, hoàn toàn không có ý so sánh hay ẩn ý gì khác.

Cách đây 6 năm, vào tháng 2, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-huyn kết thúc nhiệm kỳ. Ngay khi vừa rời chức vụ, Tổng thống Roh Moo-huyn bị điều tra vì nghi ngờ nhận hối lộ. Tổng thống Roh Moo-huyn là một luật sư trước khi bước vào con đường chính trị, ông tranh cử với khẩu hiệu “Cam kết chống tham nhũng”. Đáng tiếc, ông đã không thực hiện được lời hứa đó.

Câu nói nổi tiếng nhất của ông chính là, “Tôi cảm thấy xấu hổ trước dân chúng. Tôi xin lỗi vì đã làm các bạn thất vọng”. Ông nói điều này trước những cáo buộc về việc nhận hàng triệu USD từ một doanh nhân.

Rời vị trí lãnh đạo cao cấp, ông trở về sinh sống ở quê nhà, làng Bonghwa, Gimhae. Đó cũng là nơi ông chọn để tự kết thúc sinh mạng của mình, ông đứng trên mỏm núi quê nhà và gieo mình xuống. Cái chết của ông khiến nội các chính phủ Hàn Quốc cũng như toàn thể nhân dân Hàn Quốc rúng động, không chỉ đất nước Hàn Quốc rúng động mà ngay cả thế giới cũng bàng hoàng.

Lòng tự trọng không cho phép ông tiếp tục chịu đựng những cáo buộc về nhận hối lộ, dẫu là cáo buộc chưa thành, nghĩa là vẫn đang trong giai đoạn điều tra vụ việc. Cái chết của một con người vĩ đại, cái chết thức tỉnh người dân Hàn Quốc.

Tuyệt mệnh thư để lại, con người đáng kính trọng ấy đã viết với ý chính, “Đừng buồn lòng. Chẳng phải sự sống và cái chết là lẽ tự nhiên đó sao? Xin đừng hối tiếc gì cả. Tôi muốn được hỏa thiêu và chôn cất gần nhà. Từ lâu tôi đã nghĩ tới điều đó. Cuộc sống thật khó khăn và xin lỗi vì tôi đã làm nhiều người bị ảnh hưởng”.

Tổng thống Roh Moon-huyn để lại tựu trung nhất theo nhìn nhận kém cỏi của Ngô, ấy chính là lòng tự trọng của người quản lý. Phương Đông sẽ quen hơn với khái niệm “chăn dân”.

Phương Đông nhiều năm nay, bắt đầu nói nhiều đến sự bình đẳng giữa công bộc và công dân. Có điều, sự ấy là không thể. Vì khi mà một chữ ký của công bộc theo ý chí chủ quan của một cá nhân hay một nhóm người vẫn có thể khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng thì “chăn dân” vẫn là khái niệm rõ ràng đang tồn tại trong thực tế.

Vì vậy, điều cần thiết nhất của người chăn dân chính là lòng tự trọng của kẻ được giao nhiệm vụ. Lòng tự trọng ấy không xây dựng từ phát ngôn, từ lời xin lỗi hay tuyên thệ, lòng tự trọng được hình thành từ ý thức cá nhân.

Lời xin lỗi khiến cho người dân mơ hồ tin vào khoảng cách giữa người chăn dân và công dân được thu hẹp. Nếu lãng mạn hơn nữa thì lời xin lỗi khiến người dân tin vào khả năng lắng nghe của người chăn dân.

Nhưng lời xin lỗi không khiến bữa ăn của người dân trở nên sạch sẽ hơn, thực phẩm người dân đang tiêu dùng được đảm bảo hơn, thuế của người dân đóng được sử dụng đúng mục đích, an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, kinh tế ngày càng phát triển hay đời sống của người dân ngày càng tốt lên.

Lời xin lỗi là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu ít ra trong thời điểm khốn khó về niềm tin này. Dẫu vậy, Ngô vẫn hy vọng vào hành động hơn là chờ nghe những lời xin lỗi.

Hành động không vội vàng, hành động không hấp tấp. Hành động thật lòng vì trách nhiệm, vì danh dự. Một hành động khoa học khôn ngoan có phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành với mục tiêu là cái chung.

Muốn có hành động đó, muốn hành động đó hiện hữu thì bắt buộc phải biết gạt bỏ quyền lợi của cá nhân mình. Hơn nữa, là gạt bỏ quyền lợi riêng của những người cùng ê-kip, những người thân của mình.

Những điều mà Ngô đọc được, cho Ngô câu chuyện có những cá nhân luôn muốn hành động vì danh dự vì tự trọng, nhưng những người thân của họ lại nghĩ khác. Chính từ những nhằng nhịt quan hệ huyết thống này, một giọt máu đào hơn ao nước lã này, họ biến chuyển theo chiều hướng sử dụng chức vụ chăn dân nhằm vun vén cho cá nhân, nhằm mục tiêu tối thượng là vinh thân phì gia.

Đừng chỉ xin lỗi nữa. Hãy hành động thôi, lời nói bấy nhiêu chắc là đã đủ đầy lắm rồi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.