Phỏng vấn một con thuyền
Thuyền: Còn đâu nữa. Mùa Xuân đang tới. Mà mùa Xuân thì đi lễ hội.
PV: Tới lễ hội nào? Mà tại sao mặt mũi nhăn nhó thế?
Thuyền: Hội Chùa Hương.
Và tôi nhăn nhó bởi vì tôi bực quá.
PV: À, Chùa Hương. Một thắng cảnh nổi tiếng tuyệt đẹp. Thế thì tại sao bực?
Thuyền: Tại vì tôi không thể tưởng tượng được, xin nhắc lại là không thể tưởng tượng được sự nham nhở ở cái thắng cảnh danh giá đó.
Chùa Hương đã được xếp hạng vào di tích quốc gia. Mà nói thực, không cần xếp hạng thì vẻ đẹp của miền đất Bắc Bộ ấy cũng đã tồn tại cả trăm năm rồi.
PV: Vâng. Điều đó ai chả biết.
Thuyền: Bản chất của thắng cảnh Chùa Hương là sự hòa hợp một cách tinh tế giữa sông và núi, giữa sự linh thiêng của con người và vẻ tinh khiết của thiên nhiên, đúng không nào?
PV: Đúng thế.
Thuyền: Vậy mà sau mấy chục năm có dịp quay lại Chùa Hương, tôi vô cùng kinh hoàng khi thấy sự phá hoại cảnh quan ở đó.
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Phá hoại?
Thuyền: Đúng. Không thể dùng từ gì khác.
Núi non vẫn đó. Dòng sông vẫn đó. Nhưng tất cả những thuyền gỗ đưa khách đã được thay bằng thuyền sắt. Người ta đưa ra lý do là sắt bền hơn.
PV: Thôi anh ạ. Do hoàn cảnh kinh tế, giữa bền và thơ mộng, người ta chọn bền.
Thuyền: Ừ. Nói thế tôi cũng nghiến răng chấp nhận. Nhưng ở Chùa Hương có một thứ khá nổi tiếng, đó là cầu Hội. Ngày xưa nó bằng gỗ, còn hôm nay, họ thay bằng ba khúc bê tông. Khô khan và trơ trọi như ba cái que đứng giữa trời.
PV: Chẹp, chẹp!
Thuyền: Ở nước Việt Nam này có bao nhiêu kiến trúc sư, bao nhiêu nhà điêu khắc, bao nhiêu trường mỹ thuật mà để một cái cầu cứng đơ như thế giữa sông nước nghìn trùng thì lạ thực.
PV: Anh ơi, chắc gì khi xây dựng cầu những chuyên gia đã được hỏi ý kiến.
Thuyền: Lướt qua cầu Hội, với cảm giác sợ bê tông va vào gãy cổ, tôi tới bến vào Chùa. Và tôi hoảng sợ thấy dày đặc các hàng quán hai bên, mỗi cái một kiểu, mỗi cái một lối, mỗi cái một lung tung.
PV: Thuyền ạ, đã có du khách thì phải có hàng quán.
Thuyền: Tất nhiên. Nhưng có khó gì việc thiết kế một mô hình hàng quán sao cho dân gian, và buộc tất cả những ai bán hàng tuân thủ nó một cách thống nhất, hòa hợp với tổng thể, chứ tại sao lại để cho thiên hạ tùy tiện, tùy ý và tạp nham như vậy.
PV: Công nhận là các hàng quán ấy xô bồ về hình thức thật.
Thuyền: Ở một nơi như Chùa Hương, đáng ra từ lúc bước xuống thuyền cho tới lúc lên bờ, đi lên các hang động thì mọi chi tiết đều phải thanh tao, nhẹ nhõm và truyền thống, có thế mới phù hợp với tâm hồn hướng lên cái tâm, cái đức.
PV: Rõ ràng đây không phải là một cái chợ trời.
Thuyền: Sau khi đã trải qua tất cả những thứ lộn xộn, tùy tiện, lem nhem, tôi còn bất ngờ và phẫn nộ hơn nữa khi chuẩn bị bước vào chỗ ga cáp treo. Không thể tưởng tượng người ta dám thiết kế một cái ga từ chất liệu cho tới mô hình không có một chút nhân văn nào cả. Hoàn toàn là một khối xi măng sắt thép vừa lạnh lùng vừa thông tục chỉ nhằm một mục đích cho cái thùng sắt vận hành.
PV: Kinh nhỉ.
Thuyền: Tại sao không ai nghĩ, không ai duyệt, không ai hiểu cái nhà ga ấy sẽ phải là một di tích, phải có tính biểu tượng tâm linh cho hợp với cảnh quan? Tại sao không ai hiểu một nhà ga để lên chùa phải có bề ngoài khác với một nhà ga đi chợ hay đi trung tâm thương mại.
PV: Anh hỏi tôi, tôi biết hỏi ai?
Thuyền: Chùa Hương đã có hàng triệu người tham quan, trong đó chắc chắn có hàng ngàn nhà khoa học xã hội, có hàng trăm quan chức trong ngành văn hóa. Thế mà nỡ để một cái nhà ga kiểu đó được xây lên và được sừng sững thì lạ vô cùng.
PV: Người ta đã không hiểu rằng có những tài sản vô hình nhưng vô giá, đó là sự sâu lắng, sự vẹn toàn của cảm xúc người dân.
Thuyền: Sau khi ở Chùa Hương về, lòng tôi tan nát. Tôi muốn chìm xuống dòng nước lạnh giá để nguôi đi nỗi thất vọng trong lòng.