Phỏng vấn một tờ giấy

Thứ Ba, 29/05/2018, 08:24
Phóng viên (PV): Thưa anh, mấy hôm rồi dư luận ồn ào tranh cãi rất ghê về một tờ giấy, anh có biết không?

Giấy: Biết chứ. Đó không phải là giấy thường. Đó là một tấm bản đồ về một vùng đất quy hoạch. Nếu nó có, nó phải được lưu trữ và giữ gìn.

PV: Vậy ta hãy bàn tới công tác lưu trữ. Tầm quan trọng của việc ấy, và các quốc gia trên thế giới đã hành xử ra sao?

Giấy: Tầm quan trọng của lưu trữ có lẽ không cần phải nói, nó giống như tầm quan trọng của lịch sử, mà không một cá nhân cũng như không một đất nước nào có thể tồn tại một cách bình thường nếu thiếu lịch sử.

PV: Vâng. Lịch sử không có ở trong sách. Nó ở ngay mọi thứ hàng ngày. Ví dụ như mỗi công dân đều có giấy chứng nhân phải luôn mang theo người, đó cũng là một mảnh lịch sử của họ. Thiếu mảnh giấy ấy thì không thể đi đâu, không thể có việc làm, không thể mở tài khoản ngân hàng, không thể lái xe và không thể cưới vợ.

Giấy: Từ đó suy ra, nếu như mỗi con người lúc nào cũng phải khư khư giữ thẻ căn cước, thì mỗi công trình, mỗi vùng đất đều phải khư khư giữ lấy hồ sơ. Và phải bảo tồn, lưu trữ cẩn thận một cách tối đa.

PV: Nếu không nói là tối đa cực kỳ.

Giấy: Vâng. Chẳng hạn khi trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội mới đây, nó được xây dựng vào năm 1911. Gần một trăm năm đã trôi qua, nhưng người Pháp đã mang tất cả các bảng vẽ và hồ sơ gốc sang Việt Nam. Họ giữ gìn không mất một mảnh nào, cứ như nó mới được vẽ hôm qua vậy.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Hay thật.

Giấy: Mà không phải chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội thôi đâu, rất nhiều công trình cổ xưa ở Sài Gòn, ở Huế, do người Pháp xây dựng đã nhận được sự thông báo của phía họ khi hết thời gian bảo hành, dựa trên hồ sơ lưu giữ cả trăm năm.

PV: Có nghĩa người ta không những giữ gìn, mà còn luôn luôn cập nhật, luôn luôn theo dõi và kiểm tra quá trình giữ gìn đó, đưa nó vào trong cuộc sống để phục vụ hàng ngày chứ đâu phải là những tờ giấy chết.

Giấy: Còn nhiều ví dụ đáng nể nữa. Đáng nể đến mức có thể chúng ta không tưởng tượng nổi. Chẳng hạn như bên Đức có một nhà thờ trên vùng Cologne xây dựng trong 600 năm. Nhà báo nghe rõ chưa? 600 năm! Thế mà tất cả các bảng vẽ chi tiết còn đến ngày nay và vẫn đọc rõ từng tờ.

PV: Kinh khủng.

Giấy: Vừa rồi, một nhà khoa học đi tìm nguyên nhân tàu Titanic bị đắm vào năm 1912 và ông ấy đã dễ dàng đọc được tất cả những nhật ký hải trình của các con tàu đi qua vùng biển ấy cũng như thông báo khí tượng ngày đó. Chúng đều được lưu trữ cẩn thận ở tất cả các thư viện hàng hải trên khắp thế giới.

PV: Mà hồi đó đâu có kỹ thuật số, đâu có USB, chỉ có hàng chồng hồ sơ nặng trịch.

Giấy: Việc chúng ta tranh cãi về một tấm bản đồ, tôi xin nhấn mạnh, chỉ một tấm thôi, là nó có hay không, nếu có, nó ở đâu? Rõ ràng một việc rất buồn. Điều này chứng tỏ phương thức quản lý, phương thức điều hành và công tác lưu trữ bảo tồn rất kém.

PV: Rất kém, và trong một bộ máy rất cồng kềnh.

Giấy: Đúng thế, bao nhiêu Bộ, bao nhiêu Sở, bao nhiêu Ủy ban liên quan đến tấm bản đồ ấy, nhưng khi hỏi tới chả ai chịu trách nhiệm cuối cùng.

PV: Trở lại với công tác lưu trữ, anh nghĩ rằng chúng ta còn nhiều sai sót phải không?

Giấy: Tôi tin chắc thế. Và nó sẽ có hại cho cuộc sống không hề nhỏ.

Người Việt Nam hầu như không biết các tư liệu, các hồ sơ về nơi mình sống, nếu cần xem xét thì xem ở đâu, đến gặp ai và được xem đến mức độ nào.

PV: Tất cả đều lờ mờ như một đám sương mù.

Giấy: Cho nên nhân vụ tấm bản đồ, tôi nghĩ chúng ta nên coi lại tất cả cách lưu trữ, cách giữ gìn và khai thác tài liệu gốc của quốc gia!


Lê Thị Liên Hoan
.
.