Phỏng vấn con lợn
Lợn: Tôi vui vì lý do mùa xuân sắp tới rồi.
PV: Khoan. Xin lỗi anh vì đã ngắt lời, mùa xuân thì anh nhiều khả năng biến thành giò thành chả đấy nhé.
Lợn: Giò, chả luôn luôn tượng trưng cho sự sang trọng lại làm vui lòng bữa cơm Xuân của triệu gia đình, có biến thành hai món đó cũng là vinh dự. Điều tôi lo lắng là phải tham gia lễ hội mà thôi.
PV: Kỳ lạ vậy thưa anh lợn. Anh phải nhớ lễ hội còn to lớn hơn ăn uống rất nhiều, tại sao anh không ngại lên mâm mà lại ngại tới đó?
Lợn: Tất nhiên tôi sẽ tung tăng đi dự mọi lễ hội trên đời, trừ một nơi tôi muốn chạy xa, muốn bay cao thật nhanh để thoát khỏi đó, dù tôi không phải là chim.
PV: Chỗ nào vậy?
Lợn: Chỗ lễ hội có chém lợn.
PV: Trời ơi, ghê quá nhỉ. Chém thế nào? Chém bằng gì?
Lợn: Chém ngang thân. Chém bằng kiếm.
PV: Kiếm sắc hay cùn? Kiếm có tẩy trùng không?
Lợn: Phần tẩy trùng thì tôi không biết. Và sắc hay không tôi cũng chả biết nốt vì nếu chém một nhát không được, họ làm thêm ba bốn nhát cũng chả khó khăn gì.
PV: Thưa anh, theo suy nghĩ thông thường, hễ bị chém là phải có tội, vậy anh đã phạm tội gì?
Lợn: Đấy là điều mà toàn thể cộng đồng lợn đang đặt ra câu hỏi. Chúng tôi đều chưa hiểu mình phạm pháp ở đâu.
PV: Hay là trong thân anh có nhiều chất tạo nạc. Ăn vào khiến bà con sẽ bị ung thư?
Lợn: Chất tạo nạc hay bất cứ chất gì đi nữa đều do con người tống vào thức ăn cho lợn xơi, chính lợn cũng đâu được hỏi ý kiến trong vấn đề này. Nghe nói tôi bị chém là do ban tổ chức bảo như thế là thượng võ.
PV: A, thượng võ là một tinh thần rất tốt. Nên giữ gìn. Nhưng thiếu gì cách thể hiện cơ chứ. Đấy là chưa kể, theo tôi thượng võ cao nhất là không cần dùng đến võ, kẻ thù cũng quy phục.
Lợn: Rất đúng. Nhưng người ta không nghĩ thế. Người ta cứ cương quyết phải chém một cái gì. Họ đưa ra lý do là ở vùng cao bà con còn chém cả trâu nữa; mà trâu cũng đâu có kêu ca.
PV: Tôi chả tin thế. Tôi nghĩ trâu có kêu chứ, nhưng bằng ngôn ngữ của trâu mà thứ ngôn ngữ ấy chả phải Anh văn, chả ai chịu học. Tuy vậy, theo tôi hiểu trâu bị chém là ở nơi cao nguyên hùng vĩ, rừng núi trập trùng, sự bạo liệt dù sao cũng có phần thích hợp; chưa kể phần lớn bà con tham dự đều quấn khố, cởi trần. Còn anh bị chém ở lễ hội gần Thủ đô, có nhiều trẻ con nam nữ, có lắm người mặc comple cà vạt. Như thế chả tiện chút nào.
Lợn: Tôi và toàn thể anh em lợn đều đồng ý như vậy. Bởi bản chất của lễ hội là văn hóa, và đặc tính quan trọng của văn hóa là nhân văn. Nhân văn ở đâu khi ta cứ chém các con vật hiền lành, sao không chém bọn cọp, bọn beo cho mạnh mẽ.
PV: Anh nên bình tĩnh. Về mặt sinh thái cọp, beo cũng cần bảo vệ, không thể vô cớ bắt lấy chém bừa. Thưa anh, vụ chém lợn này diễn ra bao nhiêu năm rồi?
Lợn: Chả biết. Họ bảo như thế là truyền thống. Nhưng cũng không ai đưa ra bằng chứng được vài trăm năm. Gần đây, dư luận phản đối quá. Nhiều nhà nghiên cứu nói như thế là man rợ, dã man.
PV: Tôi ủng hộ ý kiến này. Theo cá nhân tôi nếu có con vật luôn luôn đáng chém kể cả trong ngày thường và cả lễ hội là mỗi con ruồi.
Lợn: Hoan hô. Nhưng có người vẫn không đồng ý. Họ đề xuất như sau: Từ nay vẫn chém lợn nhưng không công khai nữa mà chém trong nhà.
PV: Ý anh thế nào?
Lợn: Nếu tôi đáng chết thì cái chết ấy phải có đóng góp gì cho nhận thức, hoặc làm con người cảm xúc, hoặc làm cho họ tỉnh ra. Chém trong nhà, chỉ có bốn bức tường chứng kiến. Cái chết ấy sẽ hoàn toàn vô nghĩa, thà biến thành giò thành chả còn hơn!