Hà Nội trong mắt Cu Trí

Thứ Tư, 09/11/2016, 15:12
1. Tôi thích ngồi uống trà đá vỉa hè Hà Nội, ăn phở xong ra đấy ngồi xổm xin bà hàng nước cái tăm ngồi xỉa không cần che mồm. Cũng chả mấy ai muốn thể hiện những thứ "sang trọng" bên cốc nước đã cáu vàng.

Tôi đi lang thang tung toé đất nước. Hà Nội vẫn có một cái đặc trưng rất khó nhầm lẫn về âm thanh lẫn màu sắc hè phố. Thủ đô có oang oang loa phường phát đều đặn sáng chiều những bản tin ngọng nghịu, có lần còn nghe thấy họ dạy nhân dân xỉa răng thì không nên đưa tăm lên mũi ngửi.

Và cả những tấm biển cấm dựng lỏng chỏng khắp phố phường. Tôi không biết lý do gì người ta chọn màu đỏ làm tông màu chủ đạo như tấm biển "Cấm bán hàng rong" ngay sau lưng bà trà đá.

Hà Nội có thêm hàng ngàn cây xanh dưới gầm cầu lẫn đường điện cao thế 110KV thì nhìn đống biển ấy vẫn thấy ngột ngạt. Luật pháp và cần lao mưu sinh lề đường như trò đùa. Đối phó và miếng mỏ lẫn nhau, hôm trước mấy anh dân phòng đi tuần ghé làm mấy cốc trà đá xuê xoa giả lả cùng bà chủ quán u u con con, hôm sau trở mặt hùng hổ bê cả quán lên xe thùng, không có bất kỳ thứ biên bản nào.

Người dân sống phụ thuộc tâm trạng người khác quả thực rất khó thở, bản thân việc thay đổi tâm tính của những gương mặt pháp luật trực tiếp sát sườn với dân như vậy cũng buồn cười.

Thời buổi người quản lý người?

2. Nhiều người bạn phương xa khi đến Hà Nội sau chầu bia hơi đến nấc cụt đều ân cần hỏi tôi tình cảm với Hà Nội, nơi họ đang ngật ngưỡng say, cũng là nơi tôi lớn lên. Đó là câu hỏi khó, tôi dông dài miêu tả so sánh lằng nhằng đại khái đó là thứ nhang nhác tình cảm kết hợp của ông bác sĩ sản khoa sắp hưu trí và nhiếp ảnh gia xóa phông dành cho phụ nữ. Hai đại diện tiêu biểu nêu trên đều tiếp cận đàn bà, hình tượng Hà Nội, qua một lỗ hẹp.

Nhàm chán, háo hức và luôn không thuộc về mình. Tôi đã lớn lên ở cái thành phố này khi ngây thơ 1984 nghĩ rằng loài người đã cận kề tuyệt chủng. Không thể hình dung nổi có những chiều muộn mùa đông năm ấy đi bộ từ Hàng Bông đến Cửa Đông chỉ gặp duy nhất 4 chiếc xe đạp có người; họ cần mẫn đạp đạp lướt qua những lá bàng to bằng bàn tay vàng đỏ rụng trên đường ray tàu điện… 

Bi kịch sống ở Hà Nội lần đầu tiên năm lớp 4 , 1989 nguyên bịch rác có cả chất thải trẻ con ném trúng đầu từ một ô cửa sổ nào đó trong phố cổ. Xếp hàng mua phở Bát Đàn nó chỉ là trò hề của bọn thị dân giả vờ kiên nhẫn. Bà Mỹ cháo chửi hồi ấy nhẽ đang yêu, chỉ có tiếng chuông nhà thờ Lớn lạc lõng…

1990 bị ông đi trước nhổ nguyên cục đờm vào mặt. Kinh qua hết. Hà Nội hồi ấy hiếm người nhà quê và Hà Nội nhẫn nại ấy cũng chết lắm lâu rồi. Hà Nội bây giờ có đường đi bộ cuối tuần, tôi cũng tha thẩn vô định trên con đường ven hồ quen thuộc ấy như hàng ngàn zombie khác đang giả vờ nhí nhảnh yêu nhau, không cảm xúc trong một không gian không tiếng động. Chân đài cảm tử, người ta chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây với các bạn quốc tế…

Cười giả lả và được thua không tính bằng hạt nhãn.

Hôm qua có hai ông chó pittbull trong hàng trăm ông chó lang thang bên hồ không đeo dọ mõm nhao vào cắn một ông già sấp ngửa trước cửa đền Ngọc Sơn, hai chị chủ bất lực đứng yên một chỗ can gián: "Thôi, con kia thôi", cho đến khi ông già áo may ô tập thể dục dở dang đã tươm máu. Hồ Gươm giờ thuộc về chó và bãi xe của quán cà phê.

Những người yêu thành phố này đều chai sạn bởi họ cũng kịp thích nghi mà quên rồi.n

Hoàng Minh Trí
.
.