Hà Nội trong hai cái nhìn

Thứ Sáu, 01/05/2015, 10:48
Với văn xuôi Việt Nam, năm 2014 đã đi qua trong dáng vẻ của một đời sống từ lâu nay vốn dĩ yên ả, không mấy khi có những sự kiện đột xuất, trội bật, “sáng lòa”. Thế nhưng, ở một vài khu vực “đề tài” riêng biệt - phải để chữ đề tài trong ngoặc kép, vì nói chung, viết theo đề tài chẳng phải là điều tự hào cho lắm đối với những nhà văn “đích đáng” - vẫn có những cái cần được chú ý. Các tác phẩm viết về Hà Nội - hoặc lấy Hà Nội làm phông nền để cho những số phận, những câu chuyện, những tấn kịch diễn ra - là một ví dụ.

Cậu ấm của Trần Chiến (NXB Trẻ), Dằng dặc triền sông mưa của Đỗ Phấn (NXB Trẻ), Me Tư Hồng của Nguyễn Ngọc Tiến (NXB Trẻ), Ba ngôi của người của Nguyễn Việt Hà (NXB Trẻ), Phố vẫn gió của Lê Minh Hà (Nhã Nam & NXB Lao Động), Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy (NXB Phụ nữ). Sáu tiểu thuyết xuất bản trong cùng một năm, chụm lại về cùng một đối tượng (Hà Nội), quả thực đây là điều hãn hữu lắm mới xảy ra.

Lẽ dĩ nhiên, mỗi tác giả kể trên, với sự trải nghiệm Hà Nội và những cảm nhận Hà Nội rất riêng, không phải ai cũng giống ai, sẽ có một cái nhìn về Hà Nội để tạo ra một Hà Nội của mình, cho riêng mình. Trong bài viết này, tôi muốn đặt cạnh nhau hai cái nhìn về Hà Nội: cái nhìn của Lê Minh Hà và cái nhìn của Nguyễn Việt Hà.

Sở dĩ có sự lựa chọn này, vì Lê Minh Hà và Nguyễn Việt Hà, trước hết, là những người đồng tuế (1962). Cả hai cùng sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, cùng sống  với Hà Nội qua những ngày tháng của thời chiến tranh gian khổ, những ngày tháng của thời bao cấp đói vàng mắt xanh da, đến những ngày tháng của thời mở cửa xô bồ nhộn nhạo. Thế nhưng, nếu Nguyễn Việt Hà còn tiếp tục sống với Hà Nội cho đến những ngày này - thập niên thứ hai của thế kỷ XXI - thì từ hai mươi năm nay Lê Minh Hà đã là công dân Nhật Nhĩ Man.

Với chị, Hà Nội là cố hương, là nơi chị thỉnh thoảng trở về, chủ yếu để tìm lại những ngày xa xót cũ. Và nếu chú ý tới việc Nguyễn Việt Hà và Lê Minh Hà gần như xuất hiện cùng lúc trên văn đàn từ nửa cuối thập niên 1990 - khi Lê Minh Hà đã định cư ở nước ngoài - có thể nói, chính sự khác biệt giữa người trong nước và người xa xứ đã quy định nên ở hai tác giả sự khác biệt trong tâm thế, trong cái nhìn, và cũng là trong cái viết về Hà Nội. Sự khác biệt này được phản ánh khá rõ trong Ba ngôi của người Phố vẫn gió.

“Trong Gió từ thời khuất mặt in năm 2005, tôi cho nhân vật của mình trở về. Rồi ra đi. Đã nghĩ không cần một trở về nào nữa cho riêng mình. Tưởng vậy mà không phải vậy. Thành phố đó, và những năm tháng sống với nó vẫn là một ám ảnh. Mọi miền đất của Tổ quốc đều đã có mặt trong văn chương như là bối cảnh, nhưng như một khách thể, một đối tượng mà người viết phải tìm tòi, cố gắng thấu hiểu, vì trót cùng sống cùng yêu thì chỉ có một: Hà Nội, nơi tôi sinh ra, lớn lên, và nhiều lần rời xa”. Đó chính là tâm trạng của một người viết xa xứ mà Lê Minh Hà đã bộc bạch ngay từ những dòng đầu tiên trong “Lời cảm ơn” của Phố vẫn gió.

Cái nhìn về Hà Nội của chị là cái nhìn được xác định, như chị nói ngay sau đó: “Với tôi, đó không phải là một Hà Nội chung chung, mà cụ thể là những ngày sống, khốn khổ khốn nạn nhiều điều mà vẫn, như lời một bài ca, “em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới”. Một xác định về thời gian: thời gian ở đây là thời gian tác giả sống với Hà Nội bằng cả tuổi hoa niên đã qua, quãng thời gian in dấu bao điều mà chị hằng nhớ.

Trong sự xác định về thời gian ấy là sự xác định về không gian. Không gian của Phố vẫn gió đương nhiên là Hà Nội, nhưng là Hà Nội được dựng lên trong liên hệ đối lập giữa hai mảng: một, Hà Nội của những khu nhà tập thể lắp ghép thô kệch; hai, Hà Nội của những căn biệt thự xinh kiểu Pháp còn lại từ thời Tây và Hà Nội của những ngôi nhà hình ống thâm trầm trên phố cổ. Phố vẫn gió, có thể nói, là sự đảo mắt qua lại liên tục của Ngân - nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, một ảnh xạ của tác giả ngoài đời thực - giữa hai mảng Hà Nội đối lập này. Ngân, như cô tự nhận biết, và nhận biết rất rõ, thuộc về mảng Hà Nội thứ nhất.

Những khu nhà tập thể lắp ghép bằng bê tông (lấy mẫu từ Liên Xô và Bắc Triều Tiên) là sản phẩm chỉ hiện hữu tại Hà Nội kể từ sau năm 1954. Những khu nhà tập thể ấy, với những chủ nhân ông, chủ nhân bà đích thực của chúng, đánh dấu một sự đảo lộn cực lớn, chưa từng thấy trước đó về cấu trúc cư dân của Hà Nội: từng làn sóng đồng bào từ trên núi xuống, từ đồng biển lên, từ Trung Nam ruột thịt ra, ào ào đổ về Hà Nội. Họ lấp đầy những khoảng trống ở Hà Nội bằng tất cả sự nhuôm nhoam làng xã thâm căn cố đế trong lối sống mà họ mang theo từ nơi chôn nhau cắt rốn.

Và, như không thể cưỡng lại được, họ từng bước xâm thực, nhào nặn mảng Hà Nội thứ hai theo cách của mình: những căn biệt thự xinh đẹp kiểu Pháp và những ngôi nhà hình ống thâm trầm bị chia năm xẻ bảy, bị rào, bị ngăn, bị trổ ra, bị thụt vào, bị trát chỗ nọ đập chỗ kia, trở nên nham nhở và dị dạng như những thân thể đầy thương tật.

Chủ nhân của mảng Hà Nội thứ hai ấy - những thị dân Hà Nội cũ, có thể nói như vậy – phải thu hẹp mình lại, nhường chỗ cho sự đắc thắng “lên đời” của những thị dân mới. Thu hẹp, nhưng không chịu biến mất. Họ vẫn giữ lại cho mình một vài nét gì đó như là tinh cốt, trong cách ăn cách mặc, cách nói năng ứng xử, cách cảm nhận và sử dụng/ hưởng thụ đời sống. Và đó chính là điều khiến Ngân, với sự tinh tế và nhạy cảm vốn có, biết rằng lớp người thị dân mới của Hà Nội như mình chỉ có thể  ngưỡng vọng chứ không sao với tới, càng không sao trở thành được.

Minh họa: Lê Phương.

Trong ký ức của Ngân, Hà Nội đích thực là Bảo, đứa con giai đứt ruột của phố cổ với tiếng violon vọng về từ những chiều xa tít tắp không bao giờ quay lại. Là bác Khánh, người trí thức thời Tây học “toa toa, moa moa” với mái tóc bạc lượn sóng, đôi mắt ấm áp như biết nói và tiếng kèn u uất trong những ngày trở gió phố im lìm. Là Khôi, với những ca khúc da diết, thắt gan thắt ruột của Bee Gees và Simon & Garfunkel ở cái thời mà hầu như toàn dân Hà Nội chỉ biết có nhạc Nga và nhạc Nga.

Ngân đã nhớ về Khôi, như nhớ về một Hà Nội của mơ ước, trong một mặc cảm tự ti nhưng lại đẫm đầy chất thơ: “Khôi là tiếng đàn thánh thót ngân dài đêm, phố, vắng. Khôi là mùa sen tàn hương còn vương trong miếng xôi buổi sáng. Khôi là mùi sương quyện mùi lá đốt chiều đầu thu thành phố sắp lên đèn. Là bình minh ngày cuối xuân dâu da xoan vờn trên tóc bên hàng quà sáng. Đấy là một Hà Nội tuyệt vời, có thực, nhưng rất xa xôi với chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong khu tập thể...”.

Khác với Lê Minh Hà, Nguyễn Việt Hà không những là người sống trong nước, mà còn luôn là “giai phố” từ thuở được sinh ra cho đến bây giờ. Có lẽ vì thế, cái nhìn về Hà Nội của anh trong Ba ngôi của người - trong Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn trước đó cũng vậy - không có sự phân tách không gian như ở Phố vẫn gió của Lê Minh Hà.

Không gian Hà Nội của Nguyễn Việt Hà lấy Hồ Gươm làm tâm điểm, tỏa ra với bán kính chỉ chừng trên cây số, ôm trọn một khu dân cư đông đúc vốn đã là cái lõi của đất Kẻ Chợ tự bao đời. Thời gian cũng khác. Ba ngôi của người có quãng thời gian của tuổi hoa niên tác giả, khi Nguyễn Việt Hà sống cùng Hà Nội qua những năm tháng chiến tranh và bao cấp.

Nhưng quãng thời gian ấy luôn được đặt cạnh, được đối chiếu, thậm chí được trộn lẫn với thời gian tác giả sống cùng Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XXI; trộn lẫn với những quãng thời gian quá khứ khác nữa, xa hơn, mà nhà văn chỉ có thể đi xuyên qua chồng bụi mờ bao phủ chúng bằng con đường của sử liệu hoặc truyền thuyết.

Đằng đẵng thời gian ấy đi qua chỉ một không gian ấy. Viết về Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp - hiện kiếp của nhân vật trung niên yếm thế tên “tôi”, tức là trùng với thời gian trong Phố vẫn gió - Nguyễn Việt Hà không có cái xót xa day dứt lẫn những mặc cảm “công dân khu tập thể” như Lê Minh Hà. Ngược lại, đó là nỗi háo hức được sống lại một thời tóc xanh của Hà Nội phố.

Ở cái quãng cả nước khó khăn và đầy tinh thần nghiêm khắc ấy, bằng cách nào đó, riêng có của kẻ thị dân lâu đời, những nam thanh nữ tú phố cổ vẫn cố bắt kịp với nhịp sống của thế giới bên ngoài, vẫn cố thu vén để trưng diện và tổ chức party, nhảy đầm, lẫn yêu đương… chui, bằng tất cả những đam mê rồ dại vốn có của tuổi trẻ.

Có lẽ, rất nhiều giai thoại phố phường mà những “cao bồi già” Hà Nội hiện đang thích thú kể lại cho con cháu nghe đã được hút vào những trang viết này của Nguyễn Việt Hà, sống động. Nó dựng lên một Hà Nội trai lơ tinh nghịch, khác hẳn một Hà Nội đăm chiêu khắc khổ như trong hình dung chung của nhiều người về Hà Nội thời ấy. Tuy nhiên, thời gian Hà Nội của Nguyễn Việt Hà không dừng lại ở đó.

Nó, theo dấu những kiếp luân sinh của nhân vật tên Tôi, còn ngược về phía sau nhiều nữa: qua thời mạt Trần với hành vi xuất xử của đồ đệ Thuận Thành chân nhân, qua thời Lê trung hưng với những tiểu truyện về việc Thiên Chúa giáo cắm rễ vào Việt Nam, qua thời Tây Sơn ra Bắc với những binh lửa chiến tranh loạn lạc, qua thời Pháp thuộc với hành tung và số phận cuộc đời của những nhân vật đảng Quốc dân như Ký Con, Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Thái Học v.v…

Và nữa, thời gian Hà Nội trong Ba ngôi của người còn là thời gian hiện tại - những năm đầu thế kỷ XXI - là Hà Nội mang diện mạo tinh thần của một thành phố từ khiêm nhường đã trở nên một đại đô thị. Hàng loạt nhân vật như Kun - họa sỹ, cậu Quang Anh - doanh nhân, bà mẹ Kun, Ngọc Cầm, Mộc Miên, Kiều Linh, nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim truyện v.v… nhân vật nào trong Ba ngôi của người cũng bấn loạn theo một cách nào đó. Họ khắc tạc chân dung của một Hà Nội bấn loạn. Làm ăn buôn bán, sáng tạo nghệ thuật hay đơn giản như yêu đương, ở đâu cũng thấy bấn loạn!

Hơn thế nữa, còn là một Hà Nội của chủ nghĩa tiêu dùng phì đại, một tinh thần bái vật giáo hàng hóa đến mức điên khùng. (Ở phương diện này, Ba ngôi của người có thể xem như một “tập đại thành” của các nhãn mác thời trang hàng hiệu, rượu ngoại, xe hơi, điện thoại cao cấp).

Nhìn Hà Nội qua một tấm gương lồi, Nguyễn Việt Hà thường xuyên phát hiện được những hình ảnh, những chi tiết, những hiện tượng cực kỳ nghịch dị, và anh cũng dùng một hệ thống ngôn từ cực kỳ nghịch dị để diễn đạt những phát hiện ấy. (Nhạc chế, ca dao tân thời, những câu nói đầu miệng của vỉa hè Hà Nội, thậm chí cả những câu chửi rất tục, xuất hiện dày đặc trong Ba ngôi của người, tạo nên một đối trọng với lớp ngôn từ thành kính trang nghiêm khi nhà văn viết về những tiểu truyện Thiên Chúa giáo).

Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng mọi đô thị lớn, bên cạnh những phẩm chất tích cực luôn tồn tại những phương diện nhem nhếch xô bồ hỗn loạn của nó - hãy nhớ tới Paris của Frederic Beigbeder hay Istanbul của Orhan Pamuk - thì Nguyễn Việt Hà, quả thực là một nhà văn của Hà Nội ở mặt bên kia.

Cảm thức mạt thế là một nét đậm trong Ba ngôi của người, và nó cũng phả vào cái nhìn về Hà Nội. Từ nhân vật Tôi - người đã sống với Hà Nội qua mười kiếp luân sinh - Nguyễn Việt Hà từng hạ một phán đoán thấm đẫm chất bi quan về Hà Nội hiện tại: “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”.

Cảm thức này, phải chăng cũng chính là điểm giao thoa với cái nhìn về Hà Nội trong Phố vẫn gió của Lê Minh Hà: “Hà Nội vừa rộng vừa chật giữa những ngày tháng sôi sục âm thanh này với tôi giờ cũng thành bí ẩn. Và đột ngột tôi hiểu ra mình đã xa lạ với khu tập thể của mình như thế nào, xa, ngay từ khi sống trong lòng nó”.

Nó khiến cho, có thể, những ai đã từng biết đến (và yêu) Hà Nội qua những tác phẩm kiểu Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng hay Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên sẽ phải cảm thấy bất ngờ với Ba ngôi của người và Phố vẫn gió - hai phiên bản khác. Xét cho cùng, Hà Nội luôn luôn là thế, xưa cũng như nay: nó hiện diện bằng những bí ẩn, ngay cả với những đứa con đứt ruột của mình.

Hoài Nam
.
.