Phỏng vấn Chí Phèo

Thứ Bảy, 24/06/2017, 07:18
Phóng viên (PV): Ơ kìa anh Chí, anh đi đâu mà mặt mày hớn hở thế?


Chí Phèo: Còn đi đâu được nữa. Tôi tạm biệt làng Vũ Đại. Tôi đi ra Hà Nội đây.

PV: Ra Hà Nội để làm gì?

Chí Phèo: Để gặp bạn bè chứ còn gì nữa.

PV: Bạn bè? Lấy đâu ra? Bởi Chí Phèo sở dĩ nổi tiếng là do anh cô độc, không thể có nhiều anh Chí ở trên đời này.

Chí Phèo: Nhà báo nghĩ như thế là cũ lắm. Muốn có Chí Phèo, thật ra chỉ cần có Nam Cao, nghĩa là có nhà văn.

PV: Vâng. Anh ơi, nhưng nhà văn bao giờ cũng hiếm.

Chí Phèo: Ngày xưa hiếm, chứ bây giờ đầy rẫy ra. Đặc biệt là Hà Nội.

PV: Tôi không tin.

Chí Phèo: Tôi cũng chả dám tin. Nhưng giấy trắng mực đen rành rành, trong hơn bốn nghìn hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 một trường ở Hà Nội, có tới hơn một nghìn hồ sơ có điểm 10 toán và điểm 10 văn từ lớp 1 đến lớp 5.

PV: Ối trời.

Chí Phèo: Ai đi học mà không biết 10 điểm là con số tuyệt đối, tuyệt đến mức nếu đạt 5 năm liền như thế chắc chắn học sinh phải thiên tài.

PV: Công nhận.

Chí Phèo: Như thế, chỉ một trường đó thôi, cũng đã có hơn một nghìn thiên tài văn học, chưa kể toán học. Với số lượng "đại văn hào" dồi dào như thế, những nhân vật kiểu Chí Phèo hoặc hay hơn nữa chắc chắn sẽ nhiều như lá mùa thu.

PV: Khoan đã anh ơi, để tôi bình tĩnh lại. Nếu cứ 4 nghìn học sinh lại có 1 nghìn thiên tài thì đất nước ta phải phát triển cao lắm về văn học và nghệ thuật chứ nhỉ.

Chí Phèo: Đúng.

PV: Vậy mà hình như không phải thế. Thậm chí ngược lại, ta còn đứng xa nhiều quốc gia khác ngay cả ở Đông Nam Á mà thôi. Vậy các thiên tài ấy đi đâu?

Chí Phèo: Tôi không biết. Việc của tôi là đi uống rượu. Tôi không quản lý thiên tài. Càng không tạo ra họ.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vậy ai tạo ra?

Chí Phèo: Ngành giáo dục. Cụ thể ở đây là giáo dục Hà Nội.

PV: Một ngành giáo dục sản sinh ra cả ngàn thiên tài, lý do gì luôn luôn bị cả nước phàn nàn và lo lắng cả mấy chục năm nay?

Chí Phèo: Tôi không biết. Ngoài rượu ra tôi chỉ quan tâm đến bát cháo hành.

PV: Như vậy chỉ còn hai cách  giải thích: Một là xã hội đã than vãn nhầm. Giáo dục Hà Nội nói riêng và giáo dục cả nước nói chung rất đáng hoan nghênh. Hai là những thiên tài ấy không có thực, đó là con số ảo.

Chí Phèo: Ối chà. Xưa nay chỉ có trai teen, gái teen sống ảo, chả lẽ một nền giáo dục cũng sống ảo ư?

PV: Kiểu này chắc là có đấy.

Chí Phèo: Căn cứ vào đâu nhà báo nói thế?

PV: Căn cứ vào thực tế. Tôi cứ khăng khăng nghĩ rằng, khoa học và nghệ thuật nước mình không thể kém như hiện nay nếu như có một số lượng học sinh thiên tài khổng lồ đang ngồi kia.

Chí Phèo: Mặc kệ. Đã bao nhiêu năm qua, dù không đến lớp ngày nào, tôi đã được dặn dò là phải tin vào học bạ. Cuộc sống sẽ nguy to nếu nhìn vào học bạ mà vẫn khả nghi.

PV: Thôi được rồi. Có lẽ tôi là kẻ ngốc nhất thế gian nếu cứ tranh luận với Chí Phèo. Nhưng xin hỏi anh câu này, cứ cho là Hà Nội có hàng ngàn nhân tài văn học đi, thì chắc gì khi trở thành nhà văn, họ sáng tác ra các nhân vật Chí Phèo như anh.

Chí Phèo: Tôi tin tưởng lắm. Do đâu? Do cơ bản, nhân vật Chí Phèo có tính cách làm bừa, làm liều, không quan tâm đến thiên hạ, bất chấp các luật lệ. Cho nên khi được điểm 10 bất chấp các tiêu chuẩn thì các “nhà văn” có thành tích này sẽ có cảm giác Chí Phèo rất gần gũi, họ sẽ viết ra những hình tượng kiểu đó rõ ràng.

PV: Ôi, quả là một lối lập luận tai hại. Nhưng cũng hợp lý. Con người được đào tạo như thế nào sẽ sống và làm việc như thế đó. Sẽ tồn tại theo chiều hướng bất chấp tất cả.

Lê Thị Liên Hoan
.
.