Trong ký ức tuổi thơ

Thứ Tư, 22/11/2017, 08:47
Những gì đọc từ thời bé luôn có sức ảnh hưởng, ám ảnh lạ thường, đến già vẫn nhớ như in. Mới biết, chọn sách đọc thời trẻ quan trọng biết dường nào.


Những gì đã đọc thời nhỏ, thường khó quên. Đã qua ngũ thập, chiều chiều mỗi lần nghe tiếng rao bán hột vịt lộn của người phụ nữ đi ngang nhà, lại nhớ đến cặp vợ chồng son rỗi là ông Tú - cô Tú. Đôi nhân vật này xuất hiện thường kỳ trên chuyên mục “Mình ơi” của tạp chí Phổ Thông.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ viết và ký bút danh Diệu Huyền. Thỉnh thoảng, để làm vui câu chuyện, tác giả thêm vài đoạn cô Tú ghen bóng ghen gió với chồng vì cô bán hột vịt lộn. Cũng là cái cớ để cô mè nheo ông Tú. Vui thôi.

Thông qua mỗi số báo, cô Diệu Huyền lại giải thích, trò chuyện một vấn đề gì đó. Lối văn nhẹ nhàng, dí dỏm nên dù bàn chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, văn hoá, tôn giáo, xã hội… nhưng cũng đều dễ đọc, dễ tiếp thu.

Trong cuốn tự sự Giấc mộng lớn (1929), nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho biết khi lên năm tuổi đã học hết Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, và một phần sách Dương Tiết: “Trong ba quyển sách ấy, thích nhất là Ấu học ngũ ngôn thi, và trong Ấu học ngũ ngôn thi, thích nhất là hai câu: “Hoa cù hồng phấn nữ Tranh khán lục y lang”.

Cái bệnh đa tình từ đấy, cái lòng mê khoa cử cũng từ đấy. Các nhà làm sách để dạy trẻ cũng nên cẩn thận thay. Hai câu thơ trên tạm dịch: “Đường hoa gái hồng phân' Tranh nhìn chàng áo xanh”.

Thế đấy, những gì đọc từ thời bé luôn có sức ảnh hưởng, ám ảnh lạ thường, đến già vẫn nhớ như in. Mới biết, chọn sách đọc thời trẻ quan trọng biết dường nào.

Từ tiếng rao hột vịt lộn đã nghe mỗi chiều, y lại nghĩ đến thân phận người nghèo. Mới đây, ông bạn già lang y ở Bình Dương có mail cho bài thơ Gánh hàng rong của Xuân Mai. Đọc, cảm động. Và nhớ về ngày tháng đã cũ. Đã xa.

Nhưng lại là một phần khó quên trong ký ức: “Tôi còn nhớ những trưa hè nóng bức/Tiếng rao hàng trong ký ức tuổi thơ/Những âm thanh bình dị ngọt ngào đưa/Qua khung cửa liếp dừa, hàng thiên lý/Bắp nướng, lạc rang, đậu hũ đường, khoai bi” “Bánh giò nóng hổi, vừa thổi vừa ăn”/Tôi lắng nghe lòng thổn thức bâng khuâng/Từng đàn kiến bò quanh trong bụng đói…”.

Tác phẩm "Gánh hàng rong". Tranh sơn dầu của Quang Huân.

Trúng chóc tâm trạng của y ngày thơ ấy. Lại nhớ đến bài thơ Huế, đêm hè của Nam Trân viết năm 1939, lúc ông từ Quảng Nam ra học ở Huế: “Hai tay xách hai vịm/Một vài mụ le te/Tiếng non rao lảnh lói/ Chốc chốc: "Ai ăn chè?". Mà này, “cái vịm” là cái gì? Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “Vịm: Liễn bằng sứ có nắp để đựng cơm”. Thế “liễn” là cái gì? 

Hãy nghe giải thích tiếp: Liễn: Đồ bằng sành bằng sứ, có nắp, thường dùng để đựng đồ ăn” Cách giải thích thứ hai chính xác hơn. Bèn tra tiếp Đại từ điển tiếng Việt xem sao. “Vịm: 1. Chậu bằng sành hay bằng đất nung dùng để rửa giặt: vịm rửa chén; 2. Liễn bằng sứ có nắp dùng để đựng cơm: một vịm cơm”.

Có thể hiểu nôm na, ở miền Trung gọi cái vịm, ngoài Bắc gọi cái liễn. Thế trong Nam gọi là gì? Xin quả quyết, gọi là “thố” như ông Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích: “Thố: đồ bát thường dùng mà đựng cơm, trên có nắp đậy”. 

Tóm lại, vịm là thố, là liễn, là chậu lớn có thể làm bằng sứ hoặc đất nung và trên có nắp đậy. Tục ngữ ở Huế có câu: “Rim rím vịm troi”. “Rim rim”', trong Từ điển tiếng Huế, ông Bùi Minh Đức giải thích: “Rim rím, có vẻ rụt rè, e lệ, con nhà lành”. “Con nhà lành” tức “gái ngoan”, trái ngược với “gái hư”. Chỉ khi nào giải thích được từ “troi” thì mới hiểu rõ câu tục ngữ ấy. Dứt khoát, “troi” trong ngữ cảnh này không phải là cách gọi khác của con giòi theo ngữ âm địa phương.

Mà thổ âm, thổ ngữ của từng vùng miền lại độc đáo ra phết. Hãy nghe tiếng rao của người bán hàng Quảng Nam, thơ Nam Trân ghi nhận: “Ai eng chè đậu doáng?/ Ai eng đậu hảu không?/ Ai eng hột dịt lộn/ Bánh ít ngọt? Xôi hông”

Tự dưng cảm thấy thương thương, xao xuyến về tiếng nói quê mình. Trong bài thơ của Xuân Mai, nhân vật xưng tôi đùa nghịch với bà cụ bán hàng rong, dù không mua nhưng vẫn gọi. 

Và đây: “Bỗng bên cửa thập thò đôi quang gánh/ Bà lão nhoẻn nụ cười chìa xâu bánh/ Dáng gầy gò trong áo cánh sờn vai/ Chiếc nón rơm cũ kĩ buộc đôi quai/ Như rướn hỏi vừa rồi ai rao bán?/ Tôi bỗng thấy thẹn thùng cười lơ đãng/ Nhìn hàng quà mà trong bụng ước ao/ Giá hôm qua ta dành lại năm hào/ Thì bắp nướng mỡ hành thơm có lẽ...”.

Đùa thế là quá trớn rồi đấy.

Thật hay, thật bất ngờ khi có ngay chi tiết thơm thảo tình người: “Bà lão đoán được lòng con trẻ/ Miệng mỉm cười móm mém bảo đôi câu:/ “Nếu không tiền ăn trước trả ta sau/ Mai xin mẹ ba hào thôi con nhé”/ Con ráng học sau này khôn nên nhẽ/ Lão già rồi không kể chuyện tương lai/ Gánh hàng rong nuôi cuộc sống nguôi ngoai/ Con học giỏi ngày mai còn giúp nước”

Ôi tấm lòng bà cụ đáng quý biết dường nào. Những con người bán hàng rong nhân hậu, hiền từ ấy, thời buổi này có còn không?

Sở dĩ hỏi, vì mới đây nhất, dư luận xã hội bàn tán ầm ĩ về sự việc: “Bún chửi” Hà Nội được lên kênh truyền thông quốc tế CNN. Người dẫn chương trình - đầu bếp Anthony Bourdain gọi đó là "Món ăn đặc sắc của Việt Nam"; “Món chửi của bà chủ quán cũng là thực đơn của quán ăn này”; "Đây là cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà" (!?). 

Nghe sướng tai chưa hả trời cao đất dày? Thiên hạ tha hồ bình luận bênh vực hoặc chê bai về cái “đặc sản” của quán này, rồi sau đó, không ít ý kiến bị “ăn chửi” tả tơi!

Theo Báo Thể thao & Văn hoá ra ngày 4-10-2016: “Quán "bún chửi" là một quán nhỏ nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội chuyên bán các món bún như: Bún sườn móng giò, bún dọc mùng... Chủ quán là người thường xuyên nặng lời với nhân viên và khách hàng”.

Cũng trên tờ báo này, số ra ngày 5-10 còn cho biết thêm: “Từ khi CNN, báo đài đưa tin, khách đông gấp đôi” và nhà báo Đông Kinh kinh ngạc đặt câu hỏi: “Liệu đó có phải là một thứ “quái thai” trong văn hoá giao tiếp của người Hà Nội? Liệu đó có phải một minh chứng rằng người Hà Nội sẵn sàng chấp nhận bị chửi, bị quát chỉ để được một suất ăn ngon? Liệu có phải là một thứ “văn hoá nhẫn nhịn” như người ta nói”.

Sống trên đời ai cũng phải ăn, nhưng chọn thức ăn thời buổi này sao khó quá. Đâu là thực phẩm sạch? Không ai có thể trả lời, dù giàu sụ như Thạch Sùng đi nữa cũng không thể mỗi ngày tìm kiếm được nguồn cung cấp theo ý muốn.

Nhà văn Chị Đẹp có viết câu status trên trang facebook cá nhân rất đáng suy ngẫm: “Người ta bảo dù có bất công, có đàn áp, có nghèo đói cỡ nào, một số dân ở Việt Nam vẫn là elite, vẫn sung sướng ăn trên ngồi trốc, một bước lên xe kẻ hầu người hạ, có tiền có tất. Nhưng đâu phải thế, họ dù có tiền cũng không mua được không khí sạch để thở, không mua được vỉa hè bằng phẳng để đi, không mua được những con đường không lầy lội ngập nước để lái Mercedes, không mua được cảm giác hạnh phúc khi ngồi ở quê nhà được ăn miếng cá sạch vừa vớt từ biển sạch lên, không mua được những người giúp việc không tham lam, không mua được những bằng hữu thân nhau vì tình chứ không vì danh lợi... Có những nỗi đau không của riêng ai. Người ta gọi chung đó là niềm đau của một dân tộc, mà dù có đi đến nơi nào cũng không chối bỏ hay gột rửa được”.

Báo Tuổi Trẻ ngày 7-10-2016 đưa tin: “Hiện mỗi năm Việt Nam có khoảng 130.000 ca mắc ung thư mới, trên 70.000 ca tử vong do ung thư, tương đương mỗi ngày có khoảng 200 người Việt Nam chết vì bệnh ung thư. Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết như vậy tại Hội nghị quốc gia về phòng chống ung thư năm 2016 tổ chức ngày 6-10 ở Hà Nội"; và "Theo ước tính của cả Việt Nam và thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về tỉ lệ mắc mới bệnh ung thư”.

Không rõ trong đó, ung thư do ngốn thực phẩm bẩn chiếm bao nhiêu %? Tự dưng, rùng mình. Khiếp đảm. Làm cách nào để tự bảo vệ lấy chính mình từ miếng ăn mỗi ngày?

Vừa đọc bài thơ trên mạng, không rõ tác giả, nó đã nói đúng tâm lý của nhiều người, dù rằng, có “lên gân” và nói vống một chút: “Sáng điểm tâm tô bún/Có ướp tí hàn the/ Xong uống ly hoá chất/ Được gọi là cà phê/Trưa ghé tiệm cơm bụi/ Ăn bột nở trộn cơm/ Lợn siêu nạc kho trứng/ Trứng nhân tạo vàng ươm/ Chiều nấu cơm hạt nhựa/ Với thịt bò “lên đời”/ Heo tẩm thuốc Trung Quốc/ Thành miếng bò đỏ tươi/ Làm tô canh rau muống/ Tưới dầu nhớt xanh um/ Thêm tí cồn pha nước/ Mặt cũng đỏ bừng bừng/ Tối bạn rủ đi nhậu/ Uống hoá chất ủ men/ Khô mực cao su nướng/ Vẫn tê tái say mèm/ Bốn mươi khám tổng quát/ Bác sĩ cấp văn bằng/ Ung thư giai đoạn cuối/ Ra đồng nằm ngắm trăng”.

Câu thơ cuối khôi hài quá.

Phải khôi hài thôi, dù biết tỏng là thế, nhưng rồi cũng phải ăn. Oái oăm thật. Một miếng ăn đưa vào miệng mỗi ngày, thấy sờ sờ ngay trước mắt nhưng có phải thực phẩm sạch? Tin được chăng? 

Chẳng có thể tin gì sất. Lật tờ báo ra, đọc thông tin này, biết thông tin kia, nhưng rồi có thật sự đáng tin hay không? Nghi nghi ngờ ngờ. Ma ma phật phật. Chẳng đâu vào đâu. Mà cũng chẳng gì rõ ràng, minh bạch. Có thể hiểu thế này, có thể hiểu thế kia. Thế nào cũng được. Vậy buồn hay vui hỡi một ngày?

Tự hỏi rồi nhẩm thêm câu thơ của Xuân Mai: “Những đêm mưa học bài mê mải Tiếng mõ rao hàng lóc cóc leng kéng Ai cháo lòng, cháo huyết, bún chả nẻm Vịt lộn nóng, phở đêm, khô bò nương/ Tiếng rao ấy in sâu vào tâm tướng Ngấm sâu vào máu thịt ở trong ta”.

Này, ngày ấy, bao giờ quay trở lại?

Lê Minh Quốc
.
.