Tìm một chữ “thực” cho nền giáo dục
- Buổi hoàng hôn nho học dưới áp lực nền giáo dục Pháp - Việt
- Quốc tế hóa giáo dục là chìa khóa thành công
- Sự kiện lịch sử giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ
Từ 3 câu chuyện về ngày khai giảng
Câu chuyện thứ nhất: Hồi nhỏ, khi được cha mẹ chuyển sang ngôi trường mới, tôi rất thích thú khi lần đầu được trải nghiệm một hoạt động mới trong ngày khai giảng mà ở trường cũ không có, đó là mỗi học sinh sẽ được thả 1 quả bóng lên bầu trời, gửi gắm những ước mơ cho năm học mới.
Có điều, quả bóng đó lại do các cô phát và tất nhiên là lời ước ghi trên quả bóng đã được ai đó viết vào từ trước. Có lần tôi đã thắc mắc với cô: “Tại sao con không được tự viết lời ước của mình?”. Đến giờ tôi cũng không nhớ cô giáo sau đó trả lời như thế nào và cũng chả nhớ là sau đó mình có được tự tay viết ước mơ lên quả bóng hay không.
Câu chuyện thứ hai: Câu chuyện thứ nhất có gì đó rất liên quan với một câu chuyện mới diễn ra gần đây, khi Nguyệt Linh, một bạn học sinh lớp 5 ở Hà Nội viết thư cho 40 hiệu trưởng khẩn cầu “không thả bóng trong ngày khai giảng”.
Lý do là bởi Nguyệt Linh lo rằng, bóng bay sau đó rơi xuống đất, xuống biển, có thể trở thành rác hữu cơ và làm hại các sinh vật như chim, rùa biển.
Câu chuyện thứ ba: Năm kia, lần đầu tiên tôi bố trí được thời gian dự ngày khai giảng tại trường mẫu giáo của cháu lớn nhà tôi. Trước đó, mặc dù đã được vợ nói là “sẽ bất ngờ đấy”, tôi vẫn không khỏi thích thú về cách tổ chức khai giảng của nhà trường (một trường tư thục theo phong cách đổi mới).
Một em bé học toán theo cách tiếp cận “toán thực tế” (realistic math) tại Anh quốc. |
Trường mẫu giáo của cháu khá nhỏ và hoạt động khai giảng chỉ diễn ra trong vẻn vẹn 30 phút với 3 khu chính trong sảnh tầng 1. Khu thứ nhất là gian trưng bày các sản phẩm thủ công, sản phẩm học tập mà các con đã làm được năm ngoái (búp bê, tranh ảnh, tô tượng, mô hình...).
Chúng tôi chỉ mất vài phút để tìm ra sản phẩm của cháu nhà tôi trong gian này (mỗi bạn sẽ được trưng bày 1 sản phẩm), đó là âm bản bàn chân của cháu trên đất sét màu.
Ngay lập tức, cháu hào hứng kể lại cho tôi về bài học này năm ngoái đã được diễn ra như thế nào và cháu đã làm âm bản bàn chân ra sao. Khu thứ hai là khu trồng cây, mỗi cháu sẽ được xúc đất vào một chậu cây nhỏ, sau đó bày lên bục, biểu tượng cho việc “gieo một mầm mới” cho năm học mới.
Khu thứ ba là khu chụp ảnh với tấm áp phích lớn in dòng chữ “Welcome back to school” (chào mừng trở lại trường), nơi gia đình tôi có thể chụp chung bức ảnh kỷ niệm. Sau đó, các cháu sẽ được các cô đón lên lớp để “nhảy múa cả ngày”.
“Nhảy múa cả ngày” là từ của vợ tôi, giải thích về việc hôm nay cả cô và trò sẽ không phải học gì cả ngoài việc ăn diện (cô nào cũng mặc váy trắng và trang điểm rất xinh, còn các con cũng mặc đồng phục rất đẹp) và vui chơi cả ngày.
Cả 3 câu chuyện khai giảng kể trên đều rất đẹp. Nếu như câu chuyện thứ nhất cho thấy, mỗi bạn nhỏ trên thế giới này đều được quyền tự viết ước mơ của mình (thay vì là ai đó viết hộ cho) thì câu chuyện thứ hai lại có hàm ý rằng: ai cũng có quyền mơ ước nhưng tốt hơn là mơ ước đó đừng có hại đến người hay loài khác.
Câu chuyện thứ ba thì tuy không có thả bóng, không có ước mơ nhưng nó lại xoay quanh sự vui vẻ của 3 chủ thể vô cùng quan trọng mà các buổi khai giảng khác có khi lại bỏ quên, đó là: cô, trò và gia đình.
Buổi khai giảng hoàn toàn diễn ra trong nhà (mát mẻ) thay vì việc cả cô và các cháu đều phải đứng ngoài trời nóng nực, hoàn toàn vắng bóng ban giám hiệu với những lời phát biểu đao to búa lớn, hay những chuyến viếng thăm không cần thiết của các vị lãnh đạo (điều mà tôi và chắc là Nguyệt Linh vẫn trải nghiệm trong các ngày khai giảng của mình).
Tôi nghĩ 3 câu chuyện trên đều đẹp vì nó xoay quanh một chữ, đó chữ “thực”. Chữ “thực” trong câu chuyện thứ nhất là việc “thực mơ ước” và “tự thực hiện ước mơ” của người học. Chữ “thực” trong câu chuyện thứ hai là ước mơ phải “thực tế. Còn chữ “thực” trong câu chuyện thứ ba là “người thực”: việc khai giảng là việc của cô, trò và gia đình chứ không phải bất kỳ ai khác.
Nhưng giáo dục thì không chỉ có ngày khai giảng…
Thực vậy, giáo dục còn có thi cử, còn có dạy và học, còn có kiến thức, chứng chỉ, bằng cấp... Tất cả những điều này, cũng như 3 câu chuyện khai giảng kể trên, cũng cần có một chữ “thực”. Và trong nhiều năm qua, có lẽ đã có rất nhiều chương trình nghị sự, chủ trương hay ý kiến xoay quanh chữ “thực” trong giáo dục rồi.
Năm 2006, khi mới nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã khởi xướng phong trào thi đua “nói không với việc gian lận thi cử”, “nói không với việc chạy theo thành tích”... Đây thực chất đều là các phong trào hướng tới một nền giáo dục xoay quanh chữ “thực”.
Chữ “thực” trong giáo dục, thậm chí còn đã được nói tới ở Việt Nam cả trăm năm trước. Chúng ta đều biết “thực học, thực nghiệp”, ngay từ đầu thế kỷ 20 đã được cụ Phan Chu Trinh dùng làm khẩu hiệu cho phong trào Duy Tân của ông với mong mỏi chấn hưng đất nước, thoát khỏi ách nô lệ. Điều này khi đó rõ ràng là một cuộc cách mạng trong tiếp cận giáo dục, nếu so với truyền thống của Nho học xưa kia: “học để làm quan”.
Khẩu hiệu “thực học, thực nghiệp” do cụ Phan Chu Trinh đề xướng gần đây còn được đưa vào Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục như một phần của mục tiêu tổng quát của giáo dục nước nhà.
Mặc dù vậy, trái với chữ “thực” trong ngày khai giảng không khó để thực hiện, chữ “thực” trong các hoạt động khác khó thực hiện hơn, cần tâm huyết, sức lực đầu tư hơn nhiều.
Ví dụ về một hoạt động giáo dục "không thực": Đơn xin "tự nguyện" tham gia câu lạc bộ hè 2019 (thực chất là học thêm) do học sinh chép theo mẫu của nhà trường để phụ huynh ký. |
3 tiền đề của giáo dục thực
Như đã nói ở trên, tôi nghĩ rằng, việc thay đổi từ một nền giáo dục “ít thực” hay “xa rời thực tiễn” hiện nay sang một nền giáo dục “thực” là một hành trình gian nan và lâu dài. Từ kinh nghiệm và quan sát cá nhân, tôi nghĩ rằng, có 3 tiền đề quan trọng cần thiết.
Tiền đề thứ nhất là “phi tập trung hóa”. Nói cách khác, đó là sự phân quyền cho những người trực tiếp làm giáo dục được tự quyết công việc của mình, dựa trên những đòi hỏi “sát sườn” từ thực tế. Một giáo viên lịch sử chắc chắn sẽ khó dạy bài học lịch sử hay nếu nhất nhất phải dạy theo sách giáo khoa mà không được phép đưa vào những câu chuyện cụ thể của lịch sử địa phương.
Tiền đề thứ hai là “độc lập”. Điều này đặc biệt đúng với thi cử. Thi cử chỉ có thể khách quan khi bên ra đề, đánh giá, coi thi, chấm thi là độc lập.
Tại sao SAT (kỳ thi đại học ở Mỹ) và các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL được nhiều nơi sử dụng và tin tưởng, là bởi những những người tổ chức nó luôn cố gắng duy trì nguyên tắc độc lập với người thi và người sử dụng kết quả kỳ thi.
Chúng ta hẳn còn chưa quên sự kiện gian lận ở kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, nguyên nhân sâu xa là vì trong kỳ thi này, việc “coi thi, chấm thi” đã không được độc lập. Gian lận khi đó rất dễ có điều kiện diễn ra.
Tiền đề thứ ba là “liên ngành”. Những vấn đề trong thực tiễn thì luôn phức tạp và cần sự nhìn nhận từ nhiều góc độ, nhiều phân ngành. Việc phân loại các môn thành toán, lý, hóa, văn, sử, địa... như hiện nay thực ra là đã rất lỗi thời từ nhiều thế kỷ trước.
Hình trên là một giờ học toán theo cách tiếp cận “toán thực” ở Anh quốc. Em bé làm phép tính với những giáo cụ trực quan bên cạnh. Hãy thử tưởng tượng giáo cụ trực quan này chính là sản phẩm do chính các em làm ra trong môn thủ công hay môn kỹ thuật.
3 tiền đề trên, nói thì đơn giản nhưng việc áp dụng thì không hề đơn giản. Bởi thực hiện được cả 3 cùng lúc cần sự đồng bộ của tất cả các bên liên quan. Khó khăn khi thực hiện hẳn nhiên là rất nhiều vì nó động chạm đến lợi ích, sức ỳ từ thói quen. Dù vậy, xây dựng một nền giáo dục thực với những tiền đề tiên quyết tạo ra nó rõ ràng là con đường tất yếu, không thể lảng tránh.