Nguy hiểm "share" không cần hỏi - "like" không cần nghĩ

Thứ Hai, 12/11/2018, 16:01
Đúng như tên gọi, hai đặc điểm quan trọng nhất của mạng xã hội là tính xã hội (social) và giao tiếp kết nối (network). 


Các đế chế mạng xã hội như Facebook hay Twitter khởi đầu là mạng kết nối, để kết nối mọi người với nhau chứ không chủ đích là kênh tin tức. Việc trở thành phương tiện truyền thông (media) là bước phát triển ngoài dự kiến ban đầu của những người thiết lập nên mạng xã hội.

Nếu như trước đây Twitter hỏi người sử dụng: "Bạn đang làm gì thế" thì câu hỏi bây giờ là "Có chuyện gì đang xảy ra thế".

Chuyển từ social network sang social media là sự thay đổi có ý nghĩa, chuyển từ trọng tâm con người (person - centric) sang trọng tâm sự kiện (event - centric), chuyển từ định hướng vào mạng (networked centric) sang định hướng vào nội dung (content centric). 

Cũng chính bởi sự chuyển hướng quan trọng này mà mạng xã hội như một lẽ tất yếu trở thành kho thông tin khổng lồ. Ở đó, các cư dân mạng không đơn thuần chỉ là người tiếp nhận tin tức mà chính họ còn là người sản xuất tin tức.

Nhưng kho thông tin trên FB có cả "vàng" lẫn "rác", nói như cách của nhà báo Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM. Và, một số học giả nước ngoài đã đúng khi họ cho rằng, nếu việc tìm kiếm thông tin được coi là vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ 20 thì vấn đề quan trọng nhất trong truyền thông thế kỷ 21 là cách thức, phương thức chia sẻ thông tin. 

Sự chia sẻ thông tin được nhìn nhận như một cách thức, một biểu hiện của sự tham gia của từng cá nhân vào đời sống  xã hội. Quyền lực của các facebooker có đông người theo dõi (followers) trên mạng xã hội được sự hỗ trợ tuyệt đối của công nghệ thậm chí sẽ biến họ thành những người dẫn dắt dư luận (opinion leader).

Cũng bởi vậy mà một cú share chỉ đơn giản bằng một cú nhấp chuột, thậm chí bằng cái gạt tay khẽ trúng màn hình của một người dùng FB, nếu thiếu trách nhiệm, rất có thể sẽ làm nhân lên một "tin vịt". Bởi, khác với thông tin trên báo chí, thông tin trên mạng xã hội là thông tin chưa được kiểm chứng. 

Nguy hiểm hơn, nó hỗn tạp và mang tính cá nhân, nó bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông và phản ứng dây chuyền. Nói một cách khái quát, nó thiếu đi hầu như tất cả các đặc tính của tin tức báo chí.

Chúng ta hẳn chưa quên vụ bức ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn. Hai em bé người dân tộc - bé trai chừng 3 tuổi khi thấy em gái mình độ hơn 1 tuổi khóc vì thấy người lạ, đã đến ôm em an ủi vỗ về. 

Tình cờ gặp tại Quản Bạ, Hà Giang vào tháng 10-2007, nhiếp ảnh gia Na Sơn đã ghi lại khoảnh khắc ấm áp, cảm động đó. Vậy nhưng, trên một fanpage trên Facebook, bức ảnh của anh đã được ai đó lấy lại đăng tải với lời tựa: "Mẹ nó mất vì ca sinh khó em nó. Bố vất vả làm lụng để nuôi 2 anh em nó. Nhưng không may tai nạn lao động xảy ra, ông cũng qua đời. Còn anh em nó... Biết làm sao đây? Hỡi mảnh đời bất hạnh..." . 

Trong suốt một thời gian dài, bức ảnh được đăng đi tải lại trên mạng xã hội Facebook và được cộng đồng mạng chia sẻ chóng mặt. Mỗi lần được share, bức ảnh lại thu hút hàng chục nghìn lượt like cùng hàng nghìn chia sẻ, bình luận. Đa phần, mọi người khi nhìn tấm hình cùng lời tựa đi kèm đều bày tỏ sự thương xót, ngậm ngùi cho số phận kém may mắn của 2 em nhỏ. 

Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ thiện chí muốn được quyên góp để giúp đỡ các em có cuộc sống tốt hơn. Những cú share chắc hẳn vẫn sẽ còn tiếp tục và các cư dân mạng chắc hẳn sẽ còn tiếp tục bị dắt mũi nếu không có status của tác giả bức ảnh. 

Trên FB cá nhân, nhiếp ảnh gia Na Sơn viết: "Mình post lại tấm này vì tình cờ hôm nay có mấy bạn Việt Nam, mấy bạn Ảrập gửi link cho mình về mấy cái page kiểu "Lặng nhìn cuộc sống" hay giời bụt gì đó và có cả một trang tiếng Ảrập. Mấy trang ở Việt Nam thì thêu dệt chuyện lâm ly bi đát, mẹ nó chết sớm, bố nó bla bla. Trang kia thì nói đây là 2 đứa bé đạo Hồi ở Miến Điện. Các bạn ấy còn định kêu gào quyên góp này nọ… Mình nhắc lại, đây là ảnh hai anh em người Mông ở Cán Tỷ, Quản Bạ, Hà Giang. Cậu anh đang dỗ cô em bé tí của mình năm 2007, chả có trẻ em mồ côi gì ở đây cả. Mọi người mà nhìn thấy các page ăn cắp ảnh này và sáng tác truyện lâm li thì làm ơn vào vạch mặt ngay để tránh kẻ xấu lại lợi dụng lòng tốt sến súa của mọi người để quyên góp tiền nong này nọ".

Mới đây, hồi trung tuần tháng 7, cũng trên FB, nhiều cư dân mạng hào hứng chia sẻ bức hình Thủ tướng Anh David Cameron ăn mặc giản dị với áo phông, quần jeans và giày thể thao, đang tự tay bê một thùng đồ từ trên xe xuống. Tấm ảnh được cho là chụp khi ngài Thủ tướng sắp mãn nhiệm chuyển đồ đạc ra khỏi nhà của Thủ tướng Anh tại số 10 phố Downing, London. 

Với caption: "Former British Prime Minister moving out. Respect" (Cựu Thủ tướng Anh đang tự tay chuyển đồ. Thật đáng ngưỡng mộ), bức hình này đã được cư dân mạng nhiều nước, trong đó có Việt Nam share một cách đầy ngưỡng mộ. 

Một Fbker Việt Nam share hình và bình luận: "Thủ tướng Anh "dọn nhà" rời "ngôi vương": thật đơn giản cho một chức vụ quá lớn cho thấy tư cách cá nhân cũng là tư cách của một nền chính trị minh bạch". Gần như ngay lập tức, dòng chia sẻ trên nhận được hơn 15 lượt tương tác và cả nghìn lời bình luận ngưỡng mộ phong cách giản dị của nhà lãnh đạo chính trị ở xứ sở sương mù.

Nhưng sự thật thì đó là bức ảnh được chụp ông David Cameron gần 10 năm trước. Ở thời điểm đó, ông Cameron vẫn mới chỉ là lãnh đạo của đảng Bảo thủ đối lập, trong khi người đứng đầu chính phủ Anh lúc bấy giờ là cựu Thủ tướng Tony Blair. Tấm ảnh trên được tờ Daily Mail ghi lại khi ông Cameron đang chuyển sang một căn nhà mới tại khu Bắc Kensington thuộc miền Tây thủ đô London, một khu vực nổi tiếng là nơi sinh sống của giới thượng lưu Anh.

Và, ở thời điểm trung tuần tháng 7 khi thời gian chuyển giao ghế Thủ tướng của ông Cameron cho người kế nhiệm là bà Theresa May chỉ còn tính bằng giờ, bức ảnh cũ được một người nước ngoài đăng lại trên FB với caption nhầm lẫn đầy tai hại. Chỉ tiếc, không cần kiểm chứng, nó đã được cư dân mạng cuốn theo, tin và share như một sự thật.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao người dùng mạng xã hội lại dễ dàng tin vào những thứ họ thấy trên newsfeed, sẵn sàng share mà không cần kiểm chứng? Hồi tháng 4, ngay sau một tin vịt được đăng trên FB rằng siêu sao bóng rổ người Mỹ  Michael Jordan qua đời, hàng trăm ngàn người hâm hộ đã viết lời tiếc thương. 

Chỉ với một dòng status trên một trang FB "RIP Michael Jordan" rằng, "Cầu thủ bóng rổ yêu thích của chúng ta đã qua đời vào 11 giờ trưa nay 23-4. Hãy bày tỏ lòng tiếc thương với anh bằng cách comment và like trang này" thì với một tốc độ chóng mặt, trang FB ấy đã hút hơn 1 triệu lượt like. 

Người phát ngôn của Jordan, gần như lập tức phải lên tiếng bác bỏ: "Anh ấy chỉ là nạn nhân mới nhất của trò đồn thổi trên mạng xã hội… Hãy thôi tin vào những gì bạn thấy trên mạng xã hội đi". 

Và, quả vậy, Jordan không phải là nạn nhân duy nhất. Nam diễn viên người Mỹ Morgan Freeman cũng từng bị tung tin đồn trên FB rằng ông đã chết. Tương tự là trường hợp của nghệ sỹ hài kịch người Mỹ Bill Cosby.

Lý giải về sự ngây thơ của các Fbker, Báo Tuổi trẻ Cuối tuần số 38-2016 đã dẫn lời nhà tâm lý xã hội Coye Cherhire, GS Đại học Canifornia. Theo đó "hiện tượng này là hệ quả của cái gọi là chuỗi liên hoàn thông tin (information cascade). 

Điều này xảy ra khi một người thấy người khác hành động và làm theo ngay lập tức, bất kể nó trái với niềm tin cũng như suy nghĩ của họ". Ông so sánh, nó giống như khi lưỡng lự trước quầy hàng trong siêu thị vì không biết chọn loại xà bông nào, ta sẽ chọn loại nào còn ít hàng trên kệ hơn vì chắc hẳn trước ta loại đó đã được nhiều người lựa chọn hơn. 

"Tương tự, nếu một status được like và share thật nhiều, hẳn thông tin đó là thật - Cherhire nói - con người nói chung sẽ chọn lối tắt bằng trực giác như vậy bởi nó dễ dàng hơn là bỏ công nghiên cứu tới lui mỗi khi đọc thấy thông tin gì đó trên mạng".

Cư dân mạng Việt Nam đã từng phát sốt với một dòng trạng thái trên FB của một phụ nữ sống tại Hà Nội: "Do sự tắc trách của bệnh viện C (BV Phụ sản Trung ương), một sản phụ mang thai 7 tháng đã chết, sau đó, mẹ sản phụ quá đau đớn nên đã cắn lưỡi tự tử". Báo chí gần như ngay lập tức đã phải vào cuộc xác minh. 

Ban giám đốc Viện C kiểm tra và cho hay không có trường hợp nào như vậy. Người đăng status cũng trả lời, đây là câu chuyện chị được nghe từ một người phụ nữ khác tên là Thủy. Người này chị tình cờ quen tại một spa nên ngoài tên Thủy chị không biết thêm thông tin gì. Thủy nói câu chuyện thương tâm trên là của Liên bạn Thủy. 

Nói về nguyên do khiến chị tin và đăng câu chuyện chưa được kiểm chứng đó lên FB, chị kể với phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh: "Thủy rủ tôi đi cùng và kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm trên. Lúc đó Thủy nói bạn mình đang thiếu 10 triệu đồng, Thủy đem theo có 6 triệu đồng nên vay tôi thêm số tiền còn thiếu. Tôi đã nhờ người nhà mang ra 5 triệu đồng cho Thủy vay để giúp bạn. Do chuyện Thủy nói với tôi rất đau lòng, bản thân tôi cũng thấy bức xúc nên đã viết lên facebook để chia sẻ với bạn bè mình, đồng thời có ý định kêu gọi bạn bè có lòng hảo tâm ủng hộ gia đình nạn nhân". 

Công cuộc tìm kiếm Thủy với những thông tin ít ỏi như vậy cũng thất bại và có nhiều khả năng chỉ là một vụ lừa mà nạn nhân chính là người đăng stt động trời kia. Chị đã mất 5 triệu đồng cho một người vô hình nào đó mà ngoài tên Thủy ra chị không biết thêm thông tin gì khác. 

Xin được dẫn lời của Erick Qualman (2012) trong cuốn sách nổi tiếng "Socialnomics: How social media transforms the Way we live and Do business" để kết lại bài viết về trách nhiệm của like và share trên mạng xã hội, rằng: "Chúng ta không có sự lựa chọn xem chúng ta có sử dụng mạng xã hội hay không mà vấn đề ở đây là chúng ta sử dụng mạng xã hội thế nào?".

Đặng Huyền
.
.