Mạng xã hội có thể làm hỏng những đứa trẻ

Thứ Năm, 13/09/2018, 22:02
"Chưa bao giờ tôi thấy trên mạng xã hội lại có những làn sóng chửi bới thậm tệ như thời buổi này, và tôi lo sợ điều này sẽ làm hỏng những đứa trẻ chưa có kinh nghiệm sống như con cái chúng tôi".


Thưa các anh chị ở toà soạn báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi là một người mẹ, và tôi tin rằng rất nhiều các bố mẹ khác cũng có chung sự lo lắng với tôi, khi con cái chúng ta bây giờ chìm vào mạng xã hội đến mức đáng báo động. 

Dĩ nhiên tôi hiểu mạng xã hội, mà phổ biến là facebook có rất nhiều ích lợi - điều mà chẳng riêng gì tụi trẻ, ngay cả chúng tôi cũng luôn sử dụng để đôi khi tìm lại những người bạn cũ, những người bạn thất lạc của mình. Nhưng quan sát facebook nhiều năm nay tôi thấy một vấn đề rất nguy hiểm, đó là người ta rất dễ "lên cơn" trước một vấn đề xã hội nào đó mà mình không vừa ý. 

Không cần suy xét kỹ càng đúng - sai, dường như chỉ không vừa ý với một điều gì đó là rất nhiều người lại cùng "lên cơn", mà biểu hiện rõ nhất là cùng nhau viết những dòng status thóa mạ, chửi bới thậm tệ. Ví dụ rõ nhất là thời gian qua VTV không mua được bản quyền truyền hình ASIAD, thế là xuất hiện cả một làn sóng chê trách, thậm chí là chửi bới.

Tôi không có đủ thông tin và chuyên môn trong lĩnh vực này để kết luận xem VTV làm như vậy là đúng hay sai, nhưng tôi đã kinh ngạc thật sự khi thấy chính con trai mình - một đứa trẻ lớp 11 cũng viết status chửi bới giống như đám đông những facebook xung quanh. 

Tôi đã hỏi tại sao con làm như vậy thì cháu đã tỏ ra vô cùng bức xúc với việc không được xem những trận đấu đầu tiên của Đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam tại giải đấu này trên tivi, và khẳng định rằng điều ấy là không thể chấp nhận được. Khi tôi hỏi tại sao lại nghĩ là "không thể chấp nhận được?" thì cháu dẫn ra hàng loạt những chửi bới cực đoan của các facebook khác. 

Tôi đã phân tích rõ lợi hại cho cháu, và đề nghị cháu xoá status, nhưng có lẽ rất nhiều những bậc cha mẹ khác cũng có chung suy nghĩ giống tôi: điều gì sẽ xảy ra khi lại xuất hiện một làn sóng chửi bới nào đó tương tự nay mai?

Chưa bao giờ tôi thấy trên mạng xã hội lại có những làn sóng chửi bới thậm tệ như thời buổi này, và tôi lo sợ điều này sẽ làm hỏng những đứa trẻ chưa có kinh nghiệm sống như con cái chúng tôi. Bắt cháu phải tránh xa facebook thì chắc chắn không được, mà cứ cho sử dụng trong một bối cảnh như thế này thì phải nói thật là lo ngay ngáy.

Rất mong các anh chị lắng nghe và chia sẻ nỗi băn khoăn này cùng chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!                 

Nguyễn Thị Minh Trang (Nam Định) 

Ảnh: L.G.

Thưa bạn đọc Nguyễn Thị Minh Trang, phải nói ngay là chúng tôi rất đồng cảm với những gì mà một người mẹ như chị đã chia sẻ. Có lẽ trong lịch sử phát triển dân tộc mấy nghìn năm, chưa bao giờ chúng ta lại có cảm nhận (xin nhấn mạnh chỉ là cảm nhận, chứ chưa có một cuộc điều tra xã hội học chính xác nào) về việc người Việt lại chửi bới nhiều như hiện nay. 

Sự phát triển của mạng xã hội - nơi mà ai cũng có quyền được nói, một mặt đã phát huy tối đa nhu cầu nói đầy tích cực, nhưng mặt khác dường như cũng lôi ra tối đa nhu cầu chửi vốn đã nằm đâu đó trong con người chúng ta chăng?

Không đồng tình với cách đánh vần tiếng Việt của một giáo sư đáng kính: Chửi! Không đồng tình với việc nhà đài không mua được bản quyền truyền hình ASIAD: Chửi! Không đồng tình với việc một đội bóng nhỏ như Việt Nam thua gã khổng lồ Hàn Quốc ở bán kết môn bóng đá nam ASIAD: Cũng Chửi! 

Thậm chí, vài năm trước, không đồng tình với việc một cô gái không biết canh cua nấu với rau gì trong chương trình Ai là triệu phú của VTV: cũng chửi luôn! Mà chửi bằng cả một đám đông. Chửi một cách thậm tệ và hung dữ. 

Có nghĩa, cứ khác với suy nghĩ của mình là chửi! Cứ thấy đáng chửi là chửi, mà không bao giờ thử đặt ngược vấn đề: với mình là đáng, nhưng với người khác, với những góc nhìn khác, trong những tiêu chuẩn khác thì nó có đáng không?

Thưa chị, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chửi bới khác với phản biện. Nếu phản biện luôn là chỉ dấu của văn minh thì chửi bới luôn là biểu hiện điển hình của u tối. Nếu phản biện được xây dựng trên cơ sở của những lập luận chín muồi của lý trí thì chửi bởi chỉ là những cơn thoả mãn cảm xúc đầy manh mún. Câu hỏi đặt ra: đối tượng trong cái đám đông chửi bới kia là ai?

Theo quan sát của chúng tôi, có những vụ việc đó là những cô/cậu bé mới lớn, mà nói theo ngôn ngữ dân dã là "trẻ trâu" - những đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nhìn nhận thấu đáo các vấn đề xã hội, nhưng lại thừa kinh nghiệm trong việc gõ phím. 

Số lượng những "trẻ trâu" kiểu này càng tăng lên chứng tỏ chất lượng giáo dục, kể cả giáo dục học đường lẫn giáo dục gia đình càng giảm xuống. Mà chúng tôi cũng xin bày tỏ thẳng thắn rằng chỗ này thì có vẻ giáo dục gia đình đáng báo động hơn, vì nó liên quan đến cách ăn, cách nói của những đứa trẻ, cho dù gia đình nào bây giờ cũng có thể dễ dàng chê bai ngành giáo dục.

Nhưng có những sự vụ mà đối tượng chửi bới thậm tệ không phải "trẻ trâu", mà là người lớn, thậm chí không phải người lớn bình thường mà là người lớn trí thức.

Trong trường hợp này, hoặc bản thân người ta nghĩ vấn đề này đáng chửi, hoặc đơn giản là người ta dễ bị dẫn dắt bởi một đám đông chửi bới đang bủa vây quanh mình. Ở đây, chúng tôi loại trừ trường hợp những người cố tình chửi để câu like, câu view, từ đó kiếm tiền trên facebook.

Trường hợp này phải chăng cho thấy, chúng ta quá dễ bị dẫn dắt, bị tác động bởi đám đông? Nếu vậy, điều này có gì mâu thuẫn với cái định đề bất biến trong chúng ta, rằng "người Việt thông minh lắm"?

Về mặt nguyên lý, người ta thường chia trí thông minh làm 2 loại. Thứ nhất là thông minh tài khéo, và thứ hai là thông minh trí tuệ. Kiểu thông minh tài khéo giúp người ta có thể thích ứng và giải quyết các tình huống bất ngờ của cuộc sống một cách mềm dẻo. 

Nhưng kiểu thông minh này có một hạn chế, là rất khó chạm vào những cái gì mang tính nền tảng, mang tính trừu tượng, từ đó rất khó hình thành một cơ sở luận triết học để có thể đánh giá sự việc một cách nhiều chiều. 

Chỉ có kiểu thông minh thứ hai - thông minh trí tuệ, thông minh sâu sắc mới giúp người ta đạt được trạng thái này. Và lịch sử nhân loại cho thấy, tất cả những dân tộc thông minh trí tuệ mới có khả năng sản sinh ra những nhà triết học là vì thế!

Nhưng lịch sử một dân tộc cũng như một giống loài không phải là một tập hợp chết cứng của những đặc điểm đã được quy phạm từ ông bà tổ tiên. Thuyết tiến hoá của Darwin nói rằng một con vượn có thể trở thành một con người. 

Từ những sinh vật chỉ biết sống dưới nước cũng có thể trở thành những sinh vật lưỡng cư, sống nửa dưới nước, nửa trên bờ. Mặc dù thuyết tiến hoá đã và vẫn gây tranh cãi nhưng chắc chắn nó đúng ở một khía cạnh: con người có thể tự kiến tạo, tự thay đổi mình theo những chiều hướng tốt hơn lên.

Thành thử, từ thông minh tài khéo đến thông minh trí tuệ là một con đường mà không phải chúng ta không thể không đạt tới. Điều đáng nói là, chúng ta đã bao giờ đặt ra vấn đề này một cách nghiêm túc, và quyết tâm thực hiện bằng được hay không? Nếu thực sự có một quyết tâm, một chiến lược như thế thì bước đầu tiên phải thực hiện là hãy học cách BÌNH TĨNH lại.

BÌNH TĨNH lại để thận trọng trước một hiện tượng, một vấn đề, thay vì cứ không đúng ý mình là chửi.

BÌNH TĨNH lại để cố gắng ghìm cơn bức xúc, từ đó thử đặt một hiện tượng vào những góc nhìn khác, những chiều kích khác, thay vì cứ thoả mãn cơn bức xúc bằng những chửi bới vô tội vạ.

BÌNH TĨNH lại để  thử đặt mình vào đối tượng mình chửi, xem nếu ở vị thế của họ, đối diện với tất cả những thuận lợi - khó khăn của họ, liệu mình có thể làm tốt hơn họ hay không?

Bây giờ, ào ào lên chửi thì rất dễ, bình tĩnh được mới khó!

Nhưng nhất định phải học cách bình tĩnh để cố gắng thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển từ thông minh tài khéo sang thông minh trí tuệ. Cái điều kiện tối quan trọng để giúp một dân tộc đạt tới trạng thái văn minh. Cái điều mà 1,2 thế hệ chưa thể làm ngay được, nhưng phải tạo tiền đề để những thế hệ sau làm được.

Bằng không, rồi đến một ngày nào đó, từ trên mạng ảo đến trong đời thực, đời sống tinh thần của phần lớn chúng ta sẽ bị bủa vây bởi những cơn chửi bới khủng khiếp và hung tợn.

Thưa chị, trong tư cách của những người làm truyền thông, những cơ quan báo chí như chúng tôi đã và sẽ tiếp tục kêu gọi một trạng thái bình tĩnh, khách quan, giàu trách nhiệm như vậy, để văn hoá facebook thực sự được định hình. 

Chúng tôi cũng tin tưởng rằng những bậc phụ huynh có trách nhiệm như chị chắc chắn cũng sẽ quan tâm, giáo dục những đứa trẻ một cách sát sao hơn, để chúng có thể tham gia vào đời sống facebook một cách lành mạnh hơn.

Cảm ơn chị đã chia sẻ những suy nghĩ về một vấn đề có thể nói là cực kỳ nhức nhối hiện nay, với tờ báo của chúng tôi!

Nhà báo VƯƠNG TRỌNG TÍN
.
.