Học đến bằng nào thì đủ?

Thứ Ba, 16/04/2019, 19:36
Tôi nảy ra ý tưởng viết bài này khi trong một ngày phải đóng vai tư vấn việc học cho 2 người. Đầu tiên là bà chị họ ở quê đưa con trai lên gặp cậu xem có nên đầu tư ôn thi đại học hay chỉ cố gắng lấy bằng cấp 3 rồi đi XKLĐ. 

Cùng ngày, trên một diễn đàn online của các du học sinh, tôi lại đọc được tâm sự của một bạn đang học thạc sĩ và đang băn khoăn học xong có nên làm tiếp tiến sĩ hay về nước đi làm luôn.

Lo lắng của bà chị họ hay của bạn du học sinh có lẽ cũng là lo lắng điển hình của bất kỳ bậc phụ huynh hay học sinh, sinh viên nào trên cả nước. Bên cạnh mối quan tâm học ngành nào, học ở đâu thì học đến đâu, đến cấp độ nào cũng là một vấn đề cần phải tính toán.

Để trả lời câu hỏi trên, tôi xin kể mấy câu chuyện:

Câu chuyện thứ 1: Hình minh họa dưới đây là 2 người nổi tiếng. Người trẻ hơn thì quá nổi tiếng rồi, khỏi phải nhắc thì ai cũng biết là Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook. 

Người già hơn là Simon Marginson, giáo sư hàng đầu thế giới về lĩnh vực giáo dục, hiện đang làm việc tại Đại học Oxford mà tôi có dịp quen biết và làm việc. 

Điều thú vị là GS này mãi 45 tuổi mới có bằng tiến sĩ sau gần 10 năm học. Thú vị hơn nữa là ông ngay lập tức được bổ nhiệm chức danh phó GS sau khi lấy bằng và chức danh GS 4 năm sau đó (thông thường, ở hệ thống khoa bảng phương Tây, tân tiến sĩ phải trải qua khoảng 10 năm làm hậu tiến sĩ/giảng viên rồi mới được bổ nhiệm chức danh phó GS). 

Có lần tôi hỏi "sao thầy mãi mới học xong tiến sĩ vậy?". Ông cười, nói: "Khi đó, tôi còn bận nhiều việc khác, với nói chung là tôi biết kiểu gì cũng xong nên không quan tâm lắm".

Giáo sư Simon Marginson.

Câu chuyện thứ 2: Cách đây chừng 15 năm, tôi quen một người anh, vừa học xong thạc sĩ  ở Úc thì nhận được ngay 2 lời mời: một là học tiếp tiến sĩ, hai là làm kỹ sư trưởng cho một công ty khởi nghiệp. Anh gọi điện về hỏi một số thầy giáo cũ, tất cả đều khuyên học tiếp tiến sĩ. 

Cuối cùng, anh chọn cơ hội thứ hai. Năm 2008, khi tôi sang Mỹ (anh lúc này đã dọn về California và đang là giám đốc kỹ thuật của một hãng công nghệ); anh dẫn tôi đến công ty, nơi có khoảng 30 kỹ sư đang làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh. 

Anh giới thiệu: "Quá nửa nhân viên ở đây đều có bằng tiến sĩ nhưng nói chung bằng cấp không quan trọng, làm được việc là được". 

Nhắc lại chuyện cũ, anh nói "thực ra lúc đó anh đã biết phải chọn phương án nào rồi nhưng cứ phải gọi về hỏi một cái cho chắc thôi. Khi không nghe theo lời các thầy thì cũng có người trách nhưng đấy em xem, tiến sĩ thì giờ cũng là lính của anh mà toàn PhD Stanford, MIT nhé".

Câu chuyện thứ 3: Một anh bạn khác cách đây chừng 10 năm quyết định bỏ học tiến sĩ một ngành khoa học cơ bản ở châu Âu để về Việt Nam. Cách đây chừng nửa năm, anh này tìm đến tôi để hỏi tư vấn về việc học tiến sĩ về giáo dục. Anh nói anh cần có bằng tiến sĩ vì hiện đang là giám đốc một trung tâm đào tạo có tiếng ở Hà Nội.

Câu chuyện thứ 4: Một đồng nghiệp khác của tôi là giảng viên đại học ngành khoa học máy tính. Bạn này đang thực hiện rất nhiều dự án nghiên cứu, hỗ trợ cho các khu công nghiệp trong cả nước. Có hôm, bạn này than khó kiếm nghiên cứu sinh quá vì bọn giỏi nó đi nước ngoài hết rồi. 

Tôi hỏi: "Em toàn làm với tư nhân, cần trợ lý thì tuyển mấy em mới ra trường là được rồi, sao cần nghiên cứu sinh?". 

Bạn này đáp: "Ngành của em nó vậy anh ạ, muốn làm được việc thì phải có 3-4 năm “cày” trong lab. Thế tức là trình độ nghiên cứu sinh rồi còn gì. Sinh viên mới ra trường thì non quá anh ạ".

Xin quay trở lại với câu hỏi ban đầu, vậy ta nên học tiến sĩ, thạc sĩ, đại học hay có bằng cấp 3 là được rồi? 4 câu chuyện kể trên cho ta những gợi ý khác nhau:

- Câu chuyện 1 cho ta gợi ý "quyết liệt" nhất. Nếu bạn đủ giỏi, đủ tài, đủ quyết tâm thì tự bạn biết năng lực của mình. Bạn bỏ học đại học (như Zuckerberg) hay bạn học tiếp cao hơn thì nói chung đó cũng chỉ là một việc cần làm (và không quá khó với bạn), chỉ cần bạn bắt đầu học thì rồi nó sẽ đến đích, không phải lo lắng quá nhiều (như trường hợp GS. Marginson). Nói cách khác, học hay không học trong trường hợp này chỉ là yếu tố phụ.

- Câu chuyện thứ hai cho chúng ta gợi ý về việc, bạn cứ quyết cái gì mình cho là đúng; mình thấy được là được, đã thấy đúng rồi thì cứ thế mà làm, không cần hỏi ai hoặc hỏi... cho nó có thôi. Vị trí, thành tựu của công việc sau này, nhiều khi không tương quan với bằng cấp.

- Câu chuyện thứ ba lại cho một ngụ ý khác. Anh bạn trong chuyện này, tôi nghĩ nói chung nghiêng về việc coi bằng tiến sĩ là một “hàm thực dụng”. Làm giáo dục, mà lại là lãnh đạo một đơn vị thì phải có bằng tiến sĩ, đó là yêu cầu của thị trường, của công việc. 

Thế nên có khi 10 năm trước, khi anh này không muốn làm nhà nghiên cứu cơ bản nữa, anh bỏ học tiến sĩ (về khoa học cơ bản) là một quyết định đúng đắn nhưng 10 năm sau thì anh lại định học tiến sĩ về giáo dục, vừa để có cái chức danh để ghi vào namecard, vừa để quản lý, điều hành tốt hơn công việc của mình, đó cũng là một ý định hợp lý.

Mark Zuckerberg.

- Câu chuyện thứ tư thì nhắc chúng ta về một yếu tố quan trọng của việc đào tạo, đó là lượng thời gian đi học tối thiểu đối với từng kiểu công việc để có thể hành nghề. 

Với trường hợp người bạn trong câu chuyện này, đơn giản là với ngành khoa học máy tính thì học 4 năm sau cấp 3 (bằng đại học) là không đủ; mà phải là 6-8 năm sau cấp 3 (tức là tương đương với nghiên cứu sinh) thì anh mới làm được việc. 

Cái này cũng tương tự như nghề bác sỹ; muốn hành nghề, anh phải mất 8-10 năm học hành, bao gồm thời gian trên ghế nhà trường và thời gian thực hành, không thể sớm hơn được. Hoặc cái này cũng tương tự như việc trong ngành hàng không, người ta có luật bất thành văn là để tự lái được máy bay, người phi công phải có tối thiểu 10.000 giờ tập bay. 

Thế nên, ở Pháp, nơi có hệ thống giáo dục sau trung học khá phức tạp, khi được hỏi là "bạn đang học ở trình độ nào", người ta sẽ nói "tôi học Bac+4" hay "tôi học Bac+5" (Bac là viết tắt của từ Baccalaureate - tức là bằng cấp 3 hay bằng THPT) chứ không nói là tôi đang học thạc sĩ hay tiến sĩ.

Chúng ta đã bước sang những năm cuối của thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI. Đã qua rồi cái thời nhà nhà, ai cũng muốn phấn đấu cho con em mình vào bậc đại học và cũng qua rồi cái thời cứ ai học được, hoặc có vị trí công việc nhất định là lại cố để học lấy bằng tiến sĩ. 

Việc học ngày nay ngày càng được nhiều người coi như là một hình thức đầu tư, không chỉ về tài chính mà cả về thời gian và cơ hội. Việc học để lấy các bằng cấp chính quy, ngắn thì 1-2 năm (thạc sĩ), dài thì 4-5 năm (đại học/tiến sĩ) thực sự là một quãng thời gian đáng kể từng người phải cân nhắc thiệt hơn trước khi ra quyết định. Hy vọng 4 gợi ý dựa trên 4 câu chuyện kể trong bài này sẽ giúp bạn đọc tự tìm ra được câu trả lời cho riêng mình, nếu như bạn cũng đang băn khoăn với câu hỏi: “Học đến bằng nào thì đủ”.

Giáo sư Marginson.

Mark Zuckerberg.

Phạm Hiệp
.
.