Sùng bái bằng cấp và vẻ đẹp của khoa học

Thứ Bảy, 24/03/2018, 15:54
Số lượng danh sách đề cử học hàm giáo sư và phó giáo sư tăng từ con số 703 lên 1.226 chỉ trong một năm từ 2016-2017 khiến công chúng kinh ngạc và chất vấn về sự xác đáng của những danh xưng hào nhoáng.

Cuộc “chạy đua” cố đạt học hàm này làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện vào xuân 2018 với Ngô Chí Công, từ ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp, một kỹ sư hóa chuyên về phát triển bền vững tốt nghiệp trường Université Pierre et Marie Curie (Paris 6) ở Pháp. 

Công là hình ảnh của lứa thanh niên trẻ trong câu lạc bộ du học sinh Đồng Tháp, đi học công nghệ ở nước ngoài, có học vị và hiểu biết công nghệ phương Tây, trở về và tìm đường phát triển nguồn lực cho quê hương ở miệt lúa nghèo và đồng sen bên sông Mekong.

Ngô Chí Công phát triển công nghệ sấy tươi hoa sen để dùng cho trang trí nội thất cao cấp. Và như anh thừa nhận trong cuộc trò chuyện: “Kiến thức học tại Pháp chiếm đến 50% cho sự ra đời của công ty hiện tại. Công học được không chỉ là kiến thức mà học quan trọng nhất là tư duy. 

Tư duy tự phát triển, tự duy phản biện, tư quy đối mặt và giải quyết vấn đề, tư duy chấp nhận thất bại, tư duy chấp nhận khác biệt giữa các quan điểm trong cuộc sống, tư duy thử nghiệm... đây là những cái mà mình bị thiếu khi còn ở Việt Nam”.

Con đường mà Ngô Chí Công đi cũng là chọn lựa của rất nhiều người trẻ Việt Nam từng quẫy đạp trong yêu cầu bức bối phải phát triển, học kỹ thuật mới, đuổi kịp nhu cầu lao động và thị trường năng động trong khu vực. Họ mang trên vai sứ mệnh phải trưởng thành, tạo ra giá trị cho xã hội khi bắt đầu cuộc “tị nạn giáo dục” ở xứ người từ những năm đầu 2000. 

Từ những nhà khoa học trẻ khởi nghiệp bằng công nghệ học ở xứ người, người ta bắt đầu nói về giá trị thặng dư của một điều trừu tượng trước đây thường bị coi là kinh viện và xa xôi: Khoa học.

Chừng chục năm về trước, khi nghe đến học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, công chúng sẽ nghĩ theo hai góc độ:

Học hàm, học vị là tiền đề để có nhiều tiền hơn, dễ xin tiền làm đề tài khoa học cấp bộ (kinh phí lớn, dễ thăng quan tiến chức, yên ấm chỗ ngồi trong các công sở nhà nước hay bộ, ngành nào đó. 

Tại hội thảo, một người được giới thiệu với hàng loạt chức danh như “giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, giám đốc viện, chuyên gia, trưởng nhóm nghiên cứu...”. Công chúng ngao ngán vì sự trịch thượng của danh xưng và thái độ hãnh tiến của kẻ mang học hàm, học vị. 

Nhưng đồng thời thứ danh xưng đó khiến chủ thể hãnh diện vì mình có vị trí quan trọng, được vì nể và kính ngưỡng bởi cộng đồng ngành. Học hàm là bảo chứng của vị trí xã hội, của “quan chức” - chứ ít khi nào liên quan đến đóng góp của người đó trong thực tế ngành và nghiên cứu.

Học hàm được nhắc tới như định kiến nhiều mỉa mai trong ngành. Người càng có nhiều học hàm, càng dễ trở thành chủ đề cười chê mỗi khi nói về giá trị khoa học mà ông/bà ấy có được.

Có những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… suốt nhiều năm trời không hề có một bài báo khoa học nào trên tạp chí ngành đáng tin cậy. Công trình khoa học của họ bị giấu biệt, bí mật, kín đáo không thể tìm thấy ở đâu để mà phản biện. Giáo án họ đem lên giảng đường đại học là nhiều thông tin cũ đến 30 năm trước chưa một lần cập nhật.

Ngô Chí Công và sản phẩm hoa sen sấy tươi dùng trang trí nội thất.

Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng, với những tên tuổi tôi từng gặp như Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Minh Đạt, Trần Phước Thuận… đều không chọn con đường có học hàm nào đi kèm tên tuổi. 

Họ không tìm kiếm sự công nhận bằng học hàm. Họ được trọng thị, trích dẫn theo từng nghiên cứu bằng đam mê và sự chính xác của công việc, đề tài, sách. Họ chọn cho mình con đường “hành động” - một quyết định bơi ngược dòng vất vả và tự trọng trong thực hành nghề nghiệp. 

“Hành động” trở thành lời phản biện rõ ràng nhất với hàng ngàn danh xưng xúng xính, khỏa lấp đang vội vàng đăng ký và được phong như con số năm 2017 mà ta vừa chứng kiến ở Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước. 

Người ta vội vàng đi đăng ký để được phong học hàm vì sợ cơ chế mới khó hơn, sợ khó lòng có nổi cái danh vị đứng trước tên gọi để đảm bảo “ghế ngồi” mà họ đang thấp thỏm giữ chặt lấy.

Những tượng đài danh vị, học hàm nào cuối cùng cũng bị lung lay và thách thức khi sản phẩm mà đám người với đầy học hàm đó đem lại cho xã hội không phải là giá trị khoa học, không giúp xã hội tiến bộ hơn trong công nghệ, không giải đáp đầy đủ hơn vấn đề mà xã hội đang phát triển như vũ bão ở Việt Nam gặp phải. 

Nhu cầu của xã hội bắt đầu trấn áp sự giả hiệu của não trạng háo danh và trục lợi trong khoa học. Tôi chứng kiến những nhà nghiên cứu Việt Nam ở phương Tây đặt câu hỏi về tính chính danh, luận cứ, tài liệu của nhiều lãnh đạo cấp bộ.

Cuộc cách mạng 4.0 mà Chính phủ Việt Nam tuyên bố theo đuổi đặt ra vô số những yêu cầu thúc bách và đau đớn cho thành trì kinh viện và trường đại học lâu nay không ai dám đụng vào. Nhu cầu phải cải tiến thật nhanh công nghệ, phải đuổi theo kỹ thuật như những trung tâm công nghệ lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, Hoa Kỳ. 

Nhu cầu phải phát triển con người đầy đủ hơn giữa áp lực của thế giới hiện đại đầy thách thức. Nhu cầu phải kiến tạo thêm nhiều giá trị cho nông nghiệp chất lượng cao cho nông dân. Nhu cầu cho người trẻ Việt Nam lớn lên và đủ sức hòa mình vào làn sóng phát triển đầy áp lực của khu vực. 

Những nhu cầu ấy không khoan nhượng cho mớ học hàm loẻng xoẻng âm thanh và trống rỗng giá trị tri thức cho một Việt Nam đói khát trưởng thành.

Thiếu hàm lượng khoa học trong vận hành xã hội, thiếu tri thức và nghiên cứu hợp lý trước từng chính sách là những lọng cọng đẩy nhiều mâu thuẫn xã hội vào lộn xộn không đáng có. Đơn cử như những mùa trái cây, lúa, thịt heo... xuống giá thê thảm đẩy nông dân vào khốn cùng, một phần vì nhiều chính sách xã hội không vận hành dựa trên hiểu biết khoa học và thông tin chính xác. 

Xã hội Việt Nam khao khát phát triển nhưng lại lần mò lộn xộn trong vô vàn những võ đoán không được bổ trợ và căn cứ bằng khoa học. Còn đâu đó trên “tháp ngà” học vị, nền giáo dục lại hào hứng chứng kiến 1.226 hồ sơ hồ hởi tự hào muốn mình được tấn phong.

Ở giữa sự ngược đời khó chịu đó, tôi bắt gặp những người trẻ ngừng kính ngưỡng một giáo sư vì học hàm của ông. Họ đặt câu hỏi ông đã làm gì trong ngành. Họ ngừng lùi bước và sợ hãi người thầy miệt mài một tiết giảng dùng thông tin cũ từ thập niên 1980. 

Lời phản biện được đưa ra ngay trên giảng đường, thách thức não trạng trì trệ của nền khoa học háo danh và thiếu hàm lượng tri thức. Và khi tri thức từ những người thầy đầy học hàm đó không đủ, họ trở thành thế hệ trẻ lao đi trên con đường “tị nạn giáo dục”, đói khát tri thức mới, học bằng mồ hôi và sự cô đơn trên xứ người, và đau đáu quay về phục vụ quê hương.

Đó là khi thế hệ du học sinh như Ngô Chí Công ở Đồng Tháp, trở về từ Trường Paris 6 và tìm được đất dụng võ ngay giữa quê hương ngập trắng đồng nước nổi của mình. 

Chí Công đặt câu hỏi: “Ở xứ sở của bông sen nhưng người nông dân chưa sống tốt được với sen là không tốt”... “ai cũng nói sen là loài cây xài được hết tất cả từ A - Z. Nhưng giá trị gia tăng chưa cân bằng các sản phẩm khác. Các tài nguyên khác như trái cây cũng vậy, nông dân chỉ sản xuất bán thô thôi, công nghệ chế biến chưa nhiều, đông lạnh, sấy, không ra nhiều sản phẩm. Đó là “bệnh” chung của nền nông nghiệp... giá trị thặng dư tạo ra không cao”.

Áp lực phải phát triển chính là cơ hội để công chúng giật mình thấy “mặt thật” của kẻ đeo học hàm ồn ào. Giờ đây họ phải tìm đến những nhà khoa học thật sự hiểu chuyên môn, đầy tâm huyết và tài năng để giải quyết thách thức trong cuộc phát triển không khoan nhượng. 

Họ phải giải bài toán tri thức và cần đến những bộ não làm việc thật. Nhu cầu tất yếu sẽ nhấn chìm vỏ bọc “ngụy khoa học”, nhấn chìm danh hiệu trống rỗng, trả khoa học về giá trị thành thật của mình: đưa xã hội Việt Nam lên bước phát triển tốt hơn cả về giá trị con người và kinh tế.

Và ở đó, tôi tin rằng, nhà khoa học “nông dân” ngày xưa cánh nhà báo chúng tôi từng nói đến như anh chàng chân đất chế máy cày, máy bay, tàu ngầm… sẽ được tôn trọng như những người sáng tạo quan trọng của cộng đồng dù chưa một lần có học hàm, học vị trong đời. 

Họ đưa hiểu biết vào ứng dụng. Họ làm giá trị nông sản cao hơn. Họ đưa cơ hội về cho hàng triệu cư dân nông nghiệp không được “vũ trang” khoa học để phát triển. Họ giúp giới trẻ Việt Nam lớn lên và tự tin làm việc trong cộng đồng chung ở ASEAN giữa những người Singapore, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... từng đi trước họ nhiều năm.

Vẻ đẹp của khoa học, lớn hơn rất nhiều sự sùng bái bằng cấp bệnh hoạn. Nó là cái lõi mà giới trẻ như chúng tôi đau đáu kiếm tìm trong sự trưởng thành của mình.

Khải Đơn là phóng viên và nhà văn tại TP HCM. Chị là tác giả của một số sách viết cho giới trẻ như Gập ghềnh tuổi 20, Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn - thị thành hoang dại... Hiện chị viết văn và giảng dạy trong một số chương trình báo chí.
Khải Đơn
.
.