"Họ sẽ yêu tôi khi tôi chết đi"

Thứ Tư, 01/04/2020, 10:52
Orson Welles đạo diễn vĩ đại nhất của lịch sử Hollywood là một người chưa từng làm ra một bộ phim thu được lợi nhuận. Đó dường như là một sự châm biếm quá cay độc đối với cái "thị trấn lóng lánh" (Tinseltown), một cách gọi khác về thế giới Hollywood phù hoa đáng thèm muốn kia.

Trước khi Vincent Van Gogh tự sát vào năm 1890, ông chỉ bán được một bức tranh duy nhất trong đời, và sống trong đói nghèo, cơ khổ. Còn khi Orson Welles qua đời vào năm 1985, ông cũng ra đi trong cảnh đơn côi và nợ nần, và không có một bộ phim nào ông từng làm có lãi.

Vị đạo diễn vĩ đại nhất của lịch sử Hollywood là một người chưa từng làm ra một bộ phim thu được lợi nhuận. Đó dường như là một sự châm biếm quá cay độc đối với cái "thị trấn lóng lánh" (Tinseltown), một cách gọi khác về thế giới Hollywood phù hoa đáng thèm muốn kia.

Orson Welles trở thành nhà làm phim vĩ đại ngay từ bộ phim đầu tay, Citizen Kane (Công dân Kane). Bạn muốn hiểu rõ nhất (và nhanh nhất) vị trí của Công dân Kane trong lịch sử điện ảnh ư? Hãy xem Day for night của Francoise Truffaut, một nhà làm phim lớn khác. 

Trong Day for night, nhân vật đạo diễn Ferrand do chính Truffaut thủ vai có một giấc mơ trở đi trở lại, về hồi thơ ấu khi mình còn là một cậu bé, đã lẻn vào một rạp chiếu phim lúc đêm khuya ăn cắp những tấm hình của Công dân Kane. Phải, Công dân Kane chính là hiện thân của một giấc mơ điện ảnh thuần túy nhất và nguyên sơ nhất.

Một cảnh trong phim "Công dân Kane", bộ phim đầu tay do Orson Welles đạo diễn. Ông cũng thủ vai chính, nhân vật Charles Foster Kane.

Năm 1941 khi Công dân Kane ra mắt, Welles mới chỉ 26 tuổi. Một số nhà phê bình đương thời đã ngay lập tức gọi Công dân Kane là "bộ phim thú vị nhất đến từ Hollywood trong 25 năm qua", "thuộc về những thành quả vĩ đại nhất của điện ảnh", "như một làn gió mới". 

Tất nhiên, như nhiều tác phẩm lớn khác, nó cũng vấp phải một số lời chê. Văn hào Jorge Luis Borges rõ ràng không phải người hâm mộ của Kane, ông gọi nó là "một mê cung không trọng tâm" và dự đoán rằng bộ phim "có những giá trị lịch sử không thể bàn cãi song sẽ chẳng ai buồn xem lại nó làm gì".

Borges quá sai. Sau 80 năm, Kane không chỉ được xem đi xem lại, nghiền ngẫm đi nghiền ngẫm lại, mà còn được nhiều nhà phê bình lựa chọn là bộ phim vĩ đại nhất. Thế nhưng, một điều không thể chối bỏ, ngay từ khi mới công chiếu, dường như Kane đã báo hiệu một chặng đường sóng gió cho Orson Welles. 

Với những rắc rối mà bộ phim gặp phải khi nhân vật Kane dường như có quá nhiều tương đồng với trùm báo chí thời bấy giờ là William Randolph Hearst, bộ phim không được truyền thông ủng hộ. Nhớ lại buổi công chiếu của nó ở Chicago, Orson Welles kể lại rằng khán phòng hoàn toàn trống trơn. Nhiều rạp chiếu bóng từ chối bộ phim, tất cả những tờ báo dưới trướng Hearst bị cấm đăng tải bất cứ thông tin gì dù tốt hay xấu về Công dân Kane.

Những gì diễn ra sau đó chỉ càng ngày càng tồi tệ với Welles.

The Magnificent Ambersons (Gia đình Amberson kỳ vĩ) - bộ phim thứ hai do Welles làm đạo diễn - bị nhà sản xuất tự ý chỉnh sửa, cắt dựng, thậm chí là quay lại nhiều phần. Với nền điện ảnh hiện đại, những can thiệp thô bạo như vậy từ phía nhà sản xuất không có gì đặc biệt. Các hãng phim lớn thậm chí còn thích mời những đạo diễn xoàng xoàng cho những phim bom tấn để dễ bị chỉ đạo. 

Nhưng với một đạo diễn thuộc dòng phim tác giả, thậm chí được coi "tác giả của mọi tác giả", đó thực sự là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến đứa con tinh thần. Dù vậy, Welles không kịp trở tay, khoảng thời gian đó, ông bị kẹt lại ở Brazil vì đã nhận lời tỉ phú dầu lửa Rockefeller để làm một bộ phim khác.

Orson Welles là một người nghệ sĩ. Nhưng Hollywood thì luôn là một bộ máy chạy bằng những đồng đô la. Hai phạm trù đó dường như không bao giờ có thể tương thích. Không có người hùng nào như Welles, vừa được cung kính nhất, vừa bị thờ ơ nhất. 

Người ta sẵn sàng vỗ tay rào rào cho ông, sẵn sàng tri ân ông, sẵn sàng trao cho ông những giải thưởng cao quý ghi nhận thành tựu trọn đời, sẵn sàng tán dương ông và thần tượng ông, nhưng khi Welles cần tiền, không hãng phim nào dám đầu tư cho ông cả. 

Ông phải tự trang trải tiền bạc, kiếm tìm các nhà tài trợ. Lúc Welles quay trở lại Hollywood sau 20 năm tha hương ở châu Âu và ấp ủ làm một bộ phim, người đầu tiên sẵn sàng đầu tư vào ông không phải một người Mỹ, mà là một người Iran, cụ thể hơn là người anh rể của Shah (nhà vua) của Iran.

The other side of the wind (Tạm dịch: Phía bên kia ngọn gió) là tên dự án phim đó. Bộ phim bắt đầu nhen nhóm vào năm 1961. Nhưng nó chỉ được những người cộng sự, những người bạn dựng lại và cho ra mắt vào năm ngoái, 2019, tức 34 năm sau khi Welles tạ thế. Welles đã không bao giờ hoàn thiện Phía bên kia ngọn gió. Cũng như ông đã không hoàn thiện rất nhiều những bộ phim khác trong đời.

Nếu như Gabriel García Márquez có hẳn một truyện ngắn về những truyện ngắn chưa từng được ông viết ra, thì Welles cũng có một danh sách những bộ phim ông không làm xong được. Ai có thể có nhiều dự án dang dở như Welles đây? 

Ông mê văn chương và ấp ủ chuyển thể những kiệt tác lớn nhất, từ Don Quixote của Cervantes, Ada của Vladimir Nabokov, Vua LearNgười lái buôn thành Venice của Shakespeare, Giữa lòng tăm tối của Joseph Conrad, Moby Dick của Herman Melville, Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Verne, Xứ cát của Frank Herbert, Đảo giấu vàng của Robert Louis Stevenson… Vì Welles không đủ tiền, chúng hoặc còn nằm trên bàn biên kịch, hoặc chưa thể quay xong.

Xoay quanh một nhà làm phim lừng danh đã bước về bên kia sườn dốc sự nghiệp và đang đi tìm nguồn tài trợ cho bộ phim khó hiểu của mình, Phía bên kia ngọn gió là một tác phẩm thể nghiệm mà với rất nhiều người, gần như một bán tự truyện của chính Welles, dù ông chưa từng thừa nhận điều đó. Trong phim, có một cảnh nhân vật đạo diễn Jack Hannaford (do John Huston thủ vai) rửa mặt trong phòng vệ sinh và bật khóc trước một đạo diễn trẻ (do Peter Bogdanovich thủ vai), cầu xin anh giúp ông khôi phục sự nghiệp. Ngoài đời, Welles cũng nhờ cậy rất nhiều vào chính Peter Bogdanovich.

Poster phim “Phía bên kia ngọn gió”.

Chính vào lúc Orson Welles chìm vào lãng quên thì Peter Bogdanovich nổi lên, đại diện cho một thế hệ đạo diễn của Hollywood mới. Khác với Welles, những tác phẩm Bogdanovich làm ra không chỉ được giới phê bình ưa chuộng mà còn thắng giòn giã tại phòng vé. Welles một mặt không bao giờ thừa nhận Bogdonovich hơn mình, ông có sự ngạo nghễ của một thiên tài, và luôn thầm tự đắc rằng mình mới là người xuất chúng. 

"Cậu ta có tiền, tôi thì không. Tôi là Orson Welles, cậu ta thì không", ông nói. Một mặt khác, ông có lẽ đã dự cảm được rằng thời của mình đã qua đi, và lúc sinh thời, Welles đã bắt Bogdanovich phải hứa sẽ hoàn thành bộ phim thay ông nếu ông không làm được. Bogdanovich đã không thất hứa.

Từ hơn 100 giờ ghi hình và rất nhiều những tài liệu ghi chú để lại của Welles, Bogdanovich cùng ê-kip của mình đã đưa ngọn gió ở phía bên kia trở lại.

Khác hoàn toàn với những Công dân Kane, Ngọn đuốc của quỷ, Quý bà từ Thượng Hải, Vụ án, Othello, Tiếng chuông lúc nửa đêm, bộ phim cuối cùng trong cuộc đời của Welles khó xem vô cùng. Là một phim thể nghiệm, Phía bên kia ngọn gió có phần giống như một bộ phim châu Âu thời avant-garde, đầy những mật ngữ không làm sao giải đáp. 

Trước khi được chính thức phát hành, nhiều người gọi nó là "Chén Thánh của điện ảnh", hay "bộ phim vĩ đại nhất chưa từng phát hành". Nhưng việc xếp nó ở đâu trong sự nghiệp của Welles hay trong lịch sử điện ảnh không quan trọng, bởi thứ sẽ khiến bộ phim này sống mãi với thời gian không phải nó có thật là một tuyệt tác như kì vọng, mà chính sự tồn tại của nó - như một ẩn dụ cho cuộc chiến đấu khắc nghiệt của nghệ thuật chân chính giữa một thế giới bị giằng xé bởi tiền bạc, quyền lực và những trò hề.

Những năm 1979 - 1980, cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra. Đế chế Shah tại Iran, vốn là chính quyền thân Mỹ, sụp đổ. Tòa án Pháp niêm phong Phía bên kia ngọn gió vì nó dính líu tới nguồn tài chính của hoàng tộc Iran. Và thế là, Orson Welles - giống như nhân vật K. trong tiểu thuyết Vụ án của Kafka mà ông từng chuyển thể thành phim, một ngày nọ tự dưng bị bắt mà không biết mình mắc tội gì - bỗng dưng vướng vào một cuộc chiến pháp lí rõ ràng là quá đỗi vô lí trong suốt một thập niên. 

Ông ra tòa, khẳng định bộ phim là tài sản của người nghệ sĩ, nhưng nực cười thay, công tố viên không chấp nhận điều đó. Những năm cuối đời, những gì Welles làm là cố gắng lấy lại bộ phim của mình những mong hoàn thiện nó. Ông thậm chí lập ra cả một công ty và nói dối rằng mình có nhiều triệu USD để trả cho anh trai của Shah và giải phóng Phía bên kia ngọn gió.

Trong một buổi phỏng vấn, Welles - lúc này đã béo ú và cồng kềnh - được hỏi rằng liệu đâu là khoảnh khắc vĩ đại nhất trong sự nghiệp của ông. Không cần suy nghĩ, Welles đáp, một câu trả lời làm tất cả mọi người phải cười ồ lên, chỉ duy có ông là không cười. Ông nói, khoảnh khắc vĩ đại nhất là khi ông biết mình có tiền trong ngân hàng, và bày tỏ nỗi xót xa rằng không bao giờ có đủ tiền để làm ra những thước phim.

Welles không nói quá chút nào. Người ta kể lại rằng, Gary Graver, người giữ vai trò đạo diễn hình ảnh cho tác phẩm cuối cùng của Welles, trong những lúc đợi Welles kiếm tiền tiếp tục làm Phía bên kia ngọn gió, Graver buộc phải đi làm những bộ phim cấp 3 để trang trải thu nhập. Thậm chí có lần, đích thân Welles đã tới chỗ Graver, hỗ trợ Graver dựng những thước phim khiêu dâm để ông này mau chóng hoàn thành công việc mà quay trở về với Phía bên kia ngọn gió.

Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất lấy cảm hứng từ cuộc đời Vincent Van Gogh có viết: "Họ sẽ không lắng nghe, họ không biết làm sao để lắng nghe. Có lẽ giờ đây họ sẽ lắng nghe". Chỉ sau khi Vincent đã chết, người ta mới nhận ra, ông là người tỉnh thức duy nhất trong một thế giới đảo điên và vấy bẩn. Bản thân Orson Welles cũng từng nói: "Họ sẽ yêu tôi khi tôi chết đi".

Biết làm thế nào được? Vốn dĩ cuộc đời này luôn là chốn đầy đọa cho những người nghệ sĩ.
Hiền Trang
.
.