Bố mẹ ơi, thế giới của con sụp đổ rồi!?

Thứ Tư, 15/05/2019, 11:08
10h tối ngày 17-4-2019, bên sông Hoàng Phố ở TP Thượng Hải, xe cộ vẫn đi lại tấp nập. Một chiếc xe dừng lại trên cầu, bên trong xe, người mẹ đang nói gì đó nặng lời với cậu con trai 17 tuổi.

Rồi, camera giao thông ghi lại cảnh tượng kinh hoàng: cậu con trai mở cửa xe lao ra, gieo mình xuống sông. Người mẹ đuổi theo không kịp, ngồi sụp xuống, đấm mạnh tay xuống đất bật khóc. Sau khi vớt lên, nhân viên y tế xác nhận cậu bé đã tử vong.

Lựa chọn cái chết, cần đến bao nhiêu sự kiên quyết? Không ai rõ người mẹ đã nói với cậu bé những gì, nhưng chắc chắn một điều rằng, để đi tới cái chết, không đơn giản chỉ là câu chuyện của vài câu mắng mỏ. Chỉ khi nào người ta cảm thấy quá tuyệt vọng vào cuộc sống, người ta mới chọn cách chấm dứt nó.

Thế giới của đứa trẻ

Đây chẳng phải học sinh đầu tiên. Còn nhớ cách đây không lâu, một học sinh đã tự vẫn khi xin phép bố mẹ sang nhà bạn chơi, nhưng bố mẹ bắt ở nhà làm bài tập hè. Tại sao các em lại chọn cách tiêu cực đến vậy?

Một nhà văn viết truyện thiếu nhi từng nói đại ý thế này: người lớn chúng ta vẫn thường không chịu hiểu, tại sao chỉ vì có tí chuyện cỏn con mà các em sẵn sàng bỏ nhà, thậm chí tự tử?

Lí do bởi vì người lớn đang nhìn bằng thế giới quan của người lớn. Thế giới của trẻ em không rộng lớn như thế. Với đại đa số các em trong độ tuổi đến trường, thế giới chỉ quanh quẩn có gia đình và trường học mà thôi, ngoài gia đình ra, các em chủ yếu chỉ gặp thầy cô và bạn bè. 

Các em chưa đi làm, chưa gặp gỡ nhiều, chưa bước vào xã hội, các em cũng chưa đủ năng lực để làm chủ được tâm lí của bản thân, chỗ dựa tinh thần cũng chỉ có gia đình và nhà trường.

Thế giới của trẻ em rất nhỏ bé.

Nếu ở trường chuyện học hành không được như ý, bị bạn bè bắt nạt, hoặc gặp những chuyện không hay khác, về đến nhà lại không nhận được sự thông cảm, không thể chia sẻ cùng gia đình, thì "thế giới" nhỏ bé ấy sẽ sụp đổ. Khi không tìm được chốn nương thân trong thế giới của mình, đứa trẻ sẽ phản ứng tiêu cực. Có những em sẽ đi tìm thế giới khác, bằng cách bỏ nhà, đi theo những kẻ xấu chỉ vì muốn được người khác công nhận sự tồn tại của mình. Người lớn luôn mong muốn tìm thấy địa vị của mình trong thế giới này, vậy thì tại sao trẻ em lại không?

Còn trong trường hợp thực sự không thể tìm thấy nơi nào để chia sẻ, thì, đứa trẻ sẽ tuyệt vọng. Khi không còn thấy ý nghĩa của bản thân mình trong thế giới này nữa, đứa trẻ rất có thể sẽ hành động như cậu bé 17 tuổi kia.

Vậy ta hãy thử tự hỏi lại cách ứng xử của gia đình và nhà trường với một đứa trẻ xem, có phải mọi thứ đều đã thỏa đáng? Thử hỏi hình phạt đáng sợ nhất đối với một học sinh là gì, có lẽ rất nhiều em đều đồng ý rằng, đó là… mời phụ huynh.

Khi nhà trường cảm thấy cần kết hợp với gia đình để giáo dục, thì có lẽ nhiều phụ huynh lại cảm thấy đứa con mình đang đem lại sự xấu hổ cho gia đình. Đứa trẻ biết điều đó, vì thế, thay vì tiếp nhận giáo dục một cách bình thường, đứa trẻ lại đâm ra sợ hãi. Sợ hãi, có thể dẫn đến phản kháng, bằng cách tiếp tục nghịch phá, hoặc bằng cách nào đó tiêu cực hơn, mà có lẽ không ông bố bà mẹ nào muốn.

Thế giới của những đứa trẻ vốn đã bé, nhưng nhiều phụ huynh lại không thích mở rộng nó ra. Thời mới ra trường, tôi có nhận gia sư cho vài gia đình, và đều khá ấn tượng (xấu) với các phụ huynh có tiền có của. Có một học sinh, là một cậu bé lớp 6, bố mẹ thuê gia sư để dạy thêm tiếng Trung cho cậu, vì nghĩ đơn giản là con mình nên học thêm một ngoại ngữ. Bố mẹ cậu nói trước tình trạng là cậu học khá chậm.

Tôi nhận dạy, trước tiên là kiểm tra qua những gì cậu đã học, nhớ được vài chữ, phần lớn là đã quên; tôi bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân bằng cách ngồi nói chuyện với cậu bé. Cậu được bố mẹ tạo điều kiện hết sức, được đưa đón bằng ô tô dù nhà không xa trường là mấy, được thuê gia sư để học đủ môn.

Nhưng khi hỏi "Em thích học môn gì nhất?" thì câu trả lời thực sự khiến tôi bối rối: "Em cũng không biết, em cứ đi học thôi, không biết thích hay ghét nữa, bố mẹ bảo học thì em học". Tôi nhớ hồi lớp 6 tôi rất thích Tin học, cho tới những năm cấp III thì tôi chỉ ghét… Toán thôi (em xin lỗi các thầy cô dạy Toán, chỉ vì em dành tình yêu cho khoa học xã hội mà thôi!), mà chẳng ghét lắm, dù sao cũng thi được đại học.

Ít nhất thì, tôi chưa gặp trường hợp nào còn ít tuổi vậy mà đã tê dại trước sự yêu ghét. Sau này, tôi bỏ sớm, vì nhận thấy không có cách nào để giáo dục… phụ huynh. Thế giới của các em vốn chỉ có gia đình và trường học, vậy mà có những bậc phụ huynh muốn cắt giảm bớt phần gia đình đi nữa ư?

Xin hãy cứu lấy thế giới của các em

Các hình thức bạo hành gia đình quả thực là quá nhiều. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ chỉ có đánh mắng ghê gớm lắm mới coi là bạo hành, nhưng lí do để bỏ nhà hoặc để tìm đến cái chết lại âm thầm hơn thế nhiều.

Đó là sự bỏ mặc trong thời gian dài, hoặc là cha mẹ lặp đi lặp lại lỗi lầm của đứa trẻ trong lúc ăn cơm, hoặc nhiều lần khi đứa trẻ vui vẻ chạy về nhà khoe được điểm 9 thì cha mẹ nói "Các bạn khác được 10 chứ gì?"… Thật kì lạ, người lớn chỉ để ý khi nói chuyện với nhau, mà chẳng nghĩ đến cảm nhận của đứa trẻ khi nói những lời kia.

Nhiều ông bố bà mẹ bắt con cái mình học ngày học đêm, bắt học đủ thứ trên đời, mặc kệ đứa trẻ có thích hay không, với lí do đơn giản là "chỉ muốn tốt cho con", còn khi con cái không đồng ý thì cho rằng "trẻ con không biết gì".

Đúng là một đứa trẻ cần học và đọc nhiều để mở rộng thế giới nội tâm của nó, để nó tự xây dựng một chỗ dựa tinh thần vững chắc, nhưng nếu học trong tâm thế chẳng vui vẻ gì, thì ngược lại, những thứ đó sẽ trở thành ác mộng, đứa trẻ sẽ chỉ ngày càng cảm thấy lạc lõng cô đơn mà thôi. Thử hỏi có bao nhiêu người lớn đang hài lòng với công việc của chính mình, hay cũng vì áp lực đồng tiền mà phải cố chịu đựng?

Chúng ta đã làm những gì để cứu lấy thế giới của các em?

Chúng ta có đường dây nóng để tư vấn cho trẻ em, nhưng như thế là không đủ. Cho dù có đội ngũ bác sĩ tâm lí hùng hậu, cũng không đủ. Trẻ em cần sự yêu thương từ gia đình. Phụ huynh có thể nghiêm khắc với con cái, nhưng xin hãy tôn trọng con cái, đừng đẩy trẻ em đi nơi khác. Người lớn rất cần thấu cảm với trẻ em. Trẻ em cũng cần cảm nhận được ý nghĩa tồn tại của mình trong thế giới nhỏ bé của trẻ em.

 Mọi người lớn đều đã từng là một đứa trẻ, nhưng trẻ con chưa bao giờ làm người lớn.

Nếu ở trường các em có vấn đề, thì gia đình nên là một bến cảng tránh bão, chứ không phải trở thành một căn phòng thẩm vấn. Có lẽ việc đơn giản nhất mà phụ huynh có thể làm là, đợi bản thân mình bình tĩnh lại và đối thoại với con cái, thay vì lập tức quát mắng, cũng đừng bao giờ nghĩ "quát mắng đánh đập là muốn tốt cho con". 

Không, hãy nhìn vào sự thật, quát mắng đánh đập, trước hết là để giải tỏa nỗi bức xúc trong lòng phụ huynh, không phải vì nghĩ cho con cái.

Sau vụ cậu bé nhảy xuống sông tự tử, có một bình luận nhận được nhiều đồng tình, đại ý như thế này: có lẽ rất nhiều đứa trẻ đã nhiều lần muốn tự tử, nhưng rồi lại thôi, chọn cách trưởng thành trong tê dại, và hòa mình vào xã hội. Mọi người lớn đều đã từng là một đứa trẻ, nhưng trẻ con chưa bao giờ làm người lớn, vì thế hãy hiểu cho thế giới nhỏ bé của trẻ, đừng cố gắng thu hẹp nó lại nữa.

Lỡ đâu, có một ngày, một đứa trẻ khác phải nói "Bố mẹ ơi, thế giới của con sụp đổ rồi", người lớn sẽ phải trả lời ra sao?

Lê Huy Hoàng (viết từ Thượng Hải- Trung Quốc)
.
.